Uống thuốc suy giáp khi mang thai

Tuyến giáp tiết hormon đóng vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự trưởng thành, hoạt động của mọi tế bào. Suy giúp hay cường giáp lúc mang thai đều không có lợi cho bà mẹ và thai nhi. Do vậy, cần tránh mang thai khi đang bị bệnh. Tuy nhiên, nếu có thai thfi vẫn có thể dùng thuốc nhằm bảo vệ thai.

Suy giáp

Biểu hiện

Rất mơ hồ, không đặc trưng, dễ nhầm với suy nhược cơ thể: mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ giảm sút, táo bón, nhức mỏi cơ bắp, khan tiếng, phù nhẹ mặt và mắt, da khô, bủng [có thể chảy máu bất thường ở âm đạo]. Sau vài tháng, mọi hoạt động tinh thần, thể lực trì trệ hẳn, ăn không ngon, tóc khô, rụng nhiều [có thể bị hôn mê đột ngột].

Nguyên nhân

Viêm tuyến giáp tự miễn [còn gọi là bệnh Hashimoto]. Bệnh có thể có từ trước lúc mang thai nhưng do phát triển dần dần nên người bệnh không biết. Đây là nguyên nhân phổ biến.

Ở trong vùng thiếu iod, sản phụ trước đó vốn đã bị bệnh bướu cổ đơn thuần hoặc khi có thai mới bị bướu cổ. Trường hợp này thường gặp ở miền núi.

Trước đó bị cường giáp nên đã phẫu thuật cắt bỏ hay điều trị bằng iod phóng xạ, điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp [liều cao]. Tất cả các cách điều trị này có thể dẫn tới suy giáp.

Lần có thai trước đã bị suy giáp. Khi có thai lần sau vẫn bị suy giáp hay suy giáp nặng thêm.

Nguy cơ cho mẹ và con

Với thai nhi: tuyến giáp thai nhi chỉ được hình thành, bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10 - 12 của thai kỳ. Có nghĩa là trong thời kỳ này, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào hormone tuyến giáp của mẹ. Ngoài ra, thai nhi phụ thuộc vào lượng iod do người mẹ cung cấp để tổng hợp hormone tuyến giáp. Nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng bị suy giáp theo. Hormone tuyến giáp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan… cũng như sự phát triển của não bộ. Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh như vậy sẽ có những bất thường về thể lực, trí tuệ [chậm lớn, kém hoạt động, đần độn].

Với bà mẹ: nếu không được điều trị thì suy giáp có thể dẫn đến các biến chứng như: thiếu máu, đau yếu cơ, suy tim, chậm chạp, táo bón. Trường hợp nhẹ có thể sinh nở bình thường, nặng sẽ có các bất thường như: ra máu nhiều, trẻ sinh nhẹ cân hoặc có thể bị tiền sản giật, bất thường ở bánh nhau.

Cách dùng thuốc

Trước khi có thai, hoặc trong thai kỳ cần kiểm tra chức năng tuyến giáp, nếu có dấu hiệu suy giáp thì cần điều trị cho tuyến giáp trở về trạng thái bình thường [bình giáp]. Bình giáp bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp [như levothyroxin]. Cứ mỗi 6 - 8 tuần phải kiểm tra chức năng tuyến giáp một lần [bằng cách xét nghiệm nồng độ chất FT4 và TSH]. Nếu có thay đổi liều thuốc thì sau 4 tuần phải kiểm tra lại chức năng tuyến giáp. Sau khi kiểm tra cần điều chỉnh thuốc để nồng độ FT4 và TSH trở lại mức cân bằng. Ngay sau khi sinh, sản phụ nên quay lại liều dùng thuốc như trước khi có thai.

Nếu bà mẹ khi mang thai bị suy giáp mà không điều trị thì trẻ sinh ra có thể bị suy giáp. Cần điều trị sớm bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp ngay sau khi sinh. Cách điều trị này thường cho hiệu quả khá: tuyến giáp hồi phục trở lại, trẻ lớn lên bình thường về thể chất và tinh thần.

Cường giáp

Bệnh cường giáp [Basedow] là do tuyến giáp trạng hoạt động mạnh, tiết ra nhiều hormone thyroxin. Lúc này tuyến giáp to lên nên cổ có bướu gọi là bướu cổ. Nhưng bướu cổ này khác bướu cổ đơn thuần do thiếu iod. Trong bướu cổ đơn thuần do thiếu iod, tuyến giáp to ra nhưng lại chứa toàn chất keo, rất ít hormone thyroxin.

Tránh mang thai lúc cường giáp

Khi bị cường giáp thì nồng độ hormone thyroxin trong máu mẹ rất cao. Thyroxin gây ra các triệu chứng điển hình như: tay run, nhịp tim nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, nặng hơn nữa là suy tim. Thyroxin đi vào máu thai, tạo ra nồng độ cao trong máu thai, dẫn đến tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Ngoài ra, cũng có thể gây dị tật, dị dạng thai.

Khi có thai mà bị cường giáp nặng phải dùng các loại kháng giáp tổng hợp. Các loại kháng giáp tổng hợp này đều đi vào thai, gây hại thai. Một trong các tác hại này là gây suy giáp cho thai. Hầu hết các thuốc kháng giáp tổng hợp như: methylthiouracil [MTU], methimazol, carbimazol, thyrozol, propylthiouracil [PTU] đều có tính độc nguy hiểm này. Riêng PTU ít qua nhau thai hơn nên mức độ độc thấp hơn.

Khi có thai mà bệnh tiến triển nặng thì có nguy cơ bị các cơn cường giáp cấp [gọi là bão giáp], gây tử vong mẹ với tỷ lệ khá cao. Trong 3 tháng cuối thai kỳ cơn cường giáp có thể giảm xuống nhưng sau khi sinh lại tăng lên, gây trở ngại cho việc nuôi con.

Do vậy, thầy thuốc khuyên phụ nữ bị bệnh cường giáp [Basedow] không nên có thai, nhất là khi bệnh đang tiến triển, hãy chữa khỏi bệnh rồi mới có thai.

Dùng thuốc trị cường giáp khi mang thai

Khi bị cường giáp mà lỡ có thai thì không nhất thiết phải bỏ thai. Lúc này việc dùng thuốc ở người có thai cần tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

Nếu chỉ bị cường giáp nhẹ [các triệu chứng không rõ, chính người bệnh cũng khó nhận thấy, xét nghiệm thấy nồng độ thyroxin máu không quá cao] thì chỉ cần theo dõi chặt chẽ mà không cần dùng thuốc.

Trường hợp bị bệnh nặng hơn thì phải điều trị, nếu dùng thuốc không đúng loại, không đúng liều thì thuốc thấm qua máu thai, làm cho thai bị suy giáp. Thuốc dùng đúng là PTU [ít qua nhau thai] và chỉ dùng với liều thấp nhất có hiệu lực. Việc điều trị này nhất thiết phải có thầy thuốc chuyên khoa theo dõi. Nếu điều trị nội khoa không được, thì có thể mổ bướu giáp. Cách này ít được áp dụng vì việc mổ liên quan đến gây mê, không có lợi cho thai. Cũng không chữa bằng iod phóng xạ, vì iod phóng xạ có thể vào thai, phá hủy tuyến giáp của thai gây suy giáp cho trẻ vĩnh viễn.

Trường hợp bất đắc dĩ cần phải bỏ thai thì cũng phải điều trị cường giáp cho đến khi bệnh tạm ổn mới bỏ thai. Nếu bỏ thai đột ngột, có thể bị cơn cường giáp cấp [bão giáp], dễ nguy hiểm tính mạng.

Khi cường giáp có thể dùng thuốc chẹn beta làm giảm hội chứng run tay, đánh trống ngực. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc phụ trợ này khi thật cần thiết và ở mức hạn chế, vì thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai [trẻ sinh ra bị nhẹ cân].

Người bị bướu giáp mà lỡ có thai, nếu biết điều trị tốt thì đa phần con sinh ra vẫn bình thường. Sau khi sinh, bệnh cường giáp thường trở nặng. Lúc đó điều trị cường giáp như với người không có thai [bằng thuốc kháng giáp thông thường].

Ngoài bệnh cường giáp [Basedow] nói trên, cũng có khi có các nguyên nhân gây cường giáp khác khi có thai [như với người có bướu nhân độc tuyến giáp, người có nồng độ hCG cao]. Những trường hợp này hiếm gặp hơn, chỉ thoáng qua không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng cho bà mẹ, thai nhi.

Để được tư vấn về các bệnh lý tuyến giáp, vui lòng liên hệ tổng đài:  0902207582 [ZALO/VIBER]

1. Tuyến giáp là gì? Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới của cổ. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hóc môn giáp trạng, tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể. Hóc môn tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định.


2. Những thay đổi bình thường của chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai ?

- Thay đổi về hóc môn: Khi mang thai cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hóc môn chính: βhCG [human chorionic gonadotropin] và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hóc môn TSH [hóc môn kích thích giáp trạng], lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen [hóc môn sinh dục nữ] sẽ làm tăng hóc môn tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hóc môn tuyến giáp tự do [FT3, FT4] không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường. - Thay đổi về kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10- 15%, gọi là bướu cổ. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sống ở vùng núi - nơi thiếu hụt I ốt. Siêu âm là biện pháp tốt nhất giúp phát hiện tăng kích thước tuyến giáp. Khi thai phụ có tăng kích thước tuyến giáp thì nên đến gặp bác sỹ để được xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

3. Tác động của chức năng tuyến giáp đến mẹ và bé ?

Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của người mẹ. Hết 3 tháng đầu, cơ thể của bé sẽ tự sản xuất ra hóc môn tuyến giáp. Mặc dù vậy, bé vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng I ốt bà mẹ ăn vào. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữa mang thai nên bổ sung 200 mcg I ốt/ngày để duy trì chức năng tuyến giáp.

4. Cường giáp và thai kỳ

- Những nguyên nhân thường gặp gây cường giáp trong quá trình mang thai: Nhìn chung, Basedow là nguyên nhân gây cường giáp thường gặp nhất [80-85%], tỷ lệ gặp 1/1500 phụ nữ mang thai. Thêm vào đó, một vài trường hợp hCG tăng quá cao cũng gây triệu chứng cường giáp. Chẩn đoán Basedow trong thời kỳ mang thai khó khăn hơn vì các triệu chứng hay xúc cảm, sợ nóng, da nóng ẩm và vã mồ hôi dễ nhầm với các triệu chứng của nghén. Xét nghiệm đo độ tập trung I ốt không làm được vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó chẩn đoán dựa vào tiền sử, nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, siêu âm tuyến giáp to, lan tỏa, xét nghiệm TSH, FT4, TRAb. - Những nguy cơ của Basedow và cường giáp đối với phụ nữ mang thai? Bệnh có thể mới xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó. Ngoài các triệu chứng kinh điển, người mẹ còn có thể bị đẻ non hoặc tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Bệnh Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có thể nặng hơn ở thời kỳ hậu sản. - Những nguy cơ của Basedow và cường giáp đối với thai nhi? Có 3 cơ chế sau: + Cường giáp không được kiểm soát tốt: dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng. + TSI [hóc môn kích thích tuyến giáp] tăng quá cao: Basedow được biết đến như một bệnh tự miễn dịch, cơ thể tự sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp [TSI]. Kháng thể này qua nhau thai và có thể tác động đến tuyến giáp của thai nhi gây cường giáp ở trẻ sơ sinh. Do vậy, với phụ nữ mang thai bị Basedow phải định lượng TSI ở 3 tháng cuối thai kỳ. Ở trường hợp được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp thì ít gặp TSI cao vì thuốc qua nhau thai. Phụ nữ có thai cần kể tiền sử bệnh đã được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng và đã ngừng thuốc rất lâu rồi với bác sỹ để được tư vấn tốt hơn. + Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp: Methimazol [Thyrozol] và PTU là 2 thuốc điều trị cường giáp chính hiện nay. Cả 2 thuốc này đều qua nhau thai và có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và gây bướu cổ thai nhi. Kinh nghiệm cho thấy nhóm PTU vẫn được lựa chọn nhiều hơn, có thể vì PTU ít qua nhau thai hơn so với nhóm Methimazol. Mặc dù vậy, các nghiên cứu gần đây nhận thấy cả 2 nhóm thuốc trên đều an toàn với phụ nữ có thai. Nên điều trị với liều thấp, duy trì FT4 ở giới hạn cao của bình thường sẽ tốt cho thai nhi hơn. Trong quá trình điều trị thai nhi được theo dõi đều về tốc độ phát triển, nhịp tim thai, siêu âm tìm bướu cổ cho thai. - Lựa chọn điều trị phụ nữ cường giáp thai kỳ? Cường giáp nhẹ [triệu chứng nghèo nàn, nồng độ hóc môn tăng nhẹ] thông thường sẽ được theo dõi chặt chẽ mà chưa cần điều trị gì cho cả mẹ và em bé sau sinh. Khi cường giáp nặng cần phải điều trị thì thuốc kháng giáp trạng tổng hợp nên lựa chọn là PTU và theo dõi chặt chẽ [xét nghiệm TSH, hóc môn tuyến giáp hàng tháng] tránh gây suy giáp cho người mẹ và đứa trẻ. Những phụ nữ không thể điều trị với thuốc kháng giáp trạng tổng hợp [dị ứng thuốc] thì phẫu thuật cũng có thể được lựa chọn. Tuy nhiên phẫu thuật cắt tuyến giáp cần được cân nhắc hết sức chặt chẽ vì nguy cơ cao trong gây mê, phẫu thuật cho cả mẹ và thai nhi. Chống chỉ định điều trj I ốt phóng xạ cho phụ nữ có thai vì I ốt phóng xạ qua nhau thai gây mất chức năng tuyến giáp của trẻ. Thuốc ức chế bê ta giao cảm có thể được dùng để giảm triệu chứng đánh trống ngực và run do cường giáp. Nên dùng liều nhỏ, thông thường loại thuốc này chỉ cần thiết cho đến khi cường giáp được kiểm soát bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. - Thông thường phụ nữ bị Basedow sau khi sinh bệnh sẽ nặng lên [thường ở 3 tháng đầu tiên sau sinh], do đó cần tăng liều thuốc kháng giáp trạng trong thời điểm này. Đồng thời cần kiểm soát chặt chức năng tuyến giáp. Đứa trẻ có thể bú sữa mẹ nếu bà mẹ được điều trị bằng PTU vì PTU gắn với protein máu cao và ít qua sữa mẹ hơn các thuốc khác.

5. Suy giáp và thai kỳ

- Nguyên nhân: bệnh tự miễn [Viêm tuyến giáp Hashimoto] là nguyên nhân chính gây suy giáp. Suy giáp có thể xảy ra khi mang thai, là do giai đoạn đầu của Hashimoto, điều trị suy giáp chưa đủ liều, trước đó điều trị cường giáp bằng thuốc kháng giáp trạng. - Nguy cơ suy giáp đối thai kỳ đối với mẹ: không điều trị hoặc điều trị không đủ liều gây nên thiếu máu [Hồng cầu giảm], bệnh lý về cơ [đau cơ, yếu cơ], suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh. Những biến chứng này hầu hết xảy ra ở những thai phụ suy giáp nặng. Hầu hết suy giáp nhẹ sẽ không có triệu chứng hoặc các triệu chứng là do việc mang thai. - Nguy cơ suy giáp thai kỳ đối với em bé: Hóc môn tuyến giáp cực kỳ cần thiết cho sự phát triển não trẻ. Trẻ sinh ra suy giáp bẩm sinh [không có chức năng tuyến giáp] có thể bất thường nghiêm trọng về nhận thức và sự phát triển của hệ thần kinh. Điều này có thể phòng nếu trẻ được phát hiện sớm ngay sau sinh. Vì vậy, tại Mỹ tất cả những đứa trẻ được sinh ra đều được sàng lọc suy giáp bẩm sinh để được điều trị thay thế hóc môn tuyến giáp sớm nhất có thể. Ảnh hưởng của thai phụ bị suy giáp lên sự phát triển của não trẻ còn chưa rõ ràng. Suy giáp thai kỳ nặng không được điều trị có thể dẫn đến giảm sự phát triển não trẻ. Một số nhà khoa học khuyên nên kiểm tra TSH trước khi mang thai hoặc khi có thai càng sớm càng tốt, đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp [trước đó điều trị cường giáp, tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp, bướu cổ]. Phụ nữ suy giáp cần chắc chắn làm TSH khi mang thai, hóc môn tuyến giáp cần cao hơn trong thai kỳ, do đó thường phải tăng liều levothyroxine. Nếu TSH bình thường, không cần phải kiểm tra nhiều, phụ nữ cần tư vấn bác sỹ nếu muốn có thai. Phụ nữ bị suy giáp cần được điều trị để TSH và FT4 bình thường. - Điều trị suy giáp thai kỳ Điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai giống như với đàn ông và phụ nữ không mang thai bị suy giáp, đó là dùng hóc môn tuyến giáp tổng hợp để thay thế. Thường sẽ phải tăng liều hóc môn lên 25-50% khi mang thai, thỉnh thoảng có trường hợp phải tăng liều gấp đôi. Phụ nữ nên điều chỉnh liều levothyroxine tối ưu trước khi mang thai và kiểm tra TSH ngay khi có thai để bác sỹ điều chỉnh TSH về mức bình thường. Chức năng tuyến giáp được kiểm tra mỗi 6-8 tuần trong suốt quá trình mang thai để chắc chắn chức năng tuyến giáp bình thường. Nếu thay đổi liều levothyroxine thì cần kiểm tra chức năng tuyến giáp sau 4 tuần. Sau sinh càng sớm càng tốt, liều levothyroxine được đưa về giống như trước khi mang thai. Điều quan trọng nên biết rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt và can- xi, sẽ làm giảm hấp thu hóc môn tuyến giáp qua đường tiêu hóa. Do đó cần uống các thuốc vào những thời điểm khác nhau, cách nhau ít nhất 2-3 giờ.

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy
Khoa Lọc máu - Bệnh viện TƯQĐ 108

Video liên quan

Chủ Đề