Ung thư tuyến nước bọt sống được bao lâu

  • Trần Minh Cường
  • 0 Comment

Ung thư tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

I. Tổng quan

Tuyến nước bọt là cơ quan ngoại tiết, có chức năng sản xuất và tiết nước bọt vào khoang miệng, giúp tiêu hoá thức ăn, giữ ẩm môi trường miệng, và giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng[1].

Ở người, có 3 đôi tuyến lớn là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, và hàng trăm tuyến nước bọt phụ phân bố rải rác trong miệng [Hình 1]. Trong đó:

  • Tuyến mang tai là tuyến có kích thước lớn nhất, nằm ngang phía trước tai. Đây là tuyến nước bọt nhầy, tiết nước bọt qua ống Stenon [hay còn gọi là ống Stensen].
  • Tuyến dưới hàm là tuyến lớn thứ hai, nằm dưới hàm ở vị trí các răng sau. Đây là tuyến hỗn hợp, có ống tiết là ống Wharton.
  • Tuyến dưới lưỡilà tuyến hỗn hợp, nằm ngay dưới lưỡi. Tuyến này chủ yếu tiết ra men tiêu hóa amylase giúp phân giải tinh bột trong thức ăn.

Hình 1. Vị trí các tuyến nước bọt chính trong khoang miệng [nguồn: www.cancer.org]

Ung thư tuyến nước bọt là loại ung thư ít gặp trong khoang miệng, chiếm khoảng 6% ung thư đầu cổ[1]. Các khối u tuyến nước bọt có nguồn gốc từ các loại tế bào tuyến khác nhau và do đó rất đa dạng về hình thái.

Xét về vị trí, ung thư tuyến nước bọt thường xảy ra nhất ở tuyến mang tai [75%], kế đến là tuyến dưới hàm [15%], tuyến nước bọt phụ [10%], và tuyến dưới lưỡi chiếm dưới 1%[2]. Trong đó, tỉ lệ lành tính chiếm 80% ở khối u tuyến mang tai, 50% ở tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, và 20% tuyến nước bọt phụ[2]. Như vậy, có thể nhớ rằng, đa phần các khối u tuyến nước bọt vùng hàm mặt xuất hiện ở tuyến mang tai và lành tính, nếu khối u nằm ở tuyến nước bọt khác thì tỉ lệ ác tính cao hơn.

Tỉ lệ sống 5 năm trở lên của ung thư tuyến nước bọt phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Trong đó, tỉ lệ sống giảm dần từ giai đoạn I đến giai đoạn IV, tương ứng 96%, 77%, 73% và 37%[2]. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng trong tiên lượng.

II. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến nước bọt

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến khối u tuyến nước bọt. Một số nghiên cứu cho thấy đột biến gen [MECT1-MAML2, HER2, EGFR,] có liên quan đến việc hình thành và tiến triển một số loại u tuyến nước bọt[3].

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến nước bọt, cụ thể là:

  • Tỉ lệ ung thư tuyến nước bọt nằm trong khoảng 1.1-1.3/100.000 người [~0.001%], và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Tuy nhiên, tỉ lệ này tăng theo tuổi với ước tính 7/100.000 người [0.007%] ở độ tuổi 70 trở lên[4].
  • Người có tiền sử xạ trị ở vùng đầu cổ có nguy cơ ung thư tuyến nước bọt cao hơn. Bên cạnh đó, sự tiếp xúc tại nơi làm việc hoặc môi trường có một số chất phóng xạ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt[5].
  • Một số nghiên cứu cho thấy công việc tiếp xúc với mùn cưa và hóa chất được sử dụng trong ngành thuộc da, thuốc trừ sâu và một số dung môi công nghiệp có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt. Tuy nhiên, những mối liên quan này chưa có bằng chứng chắc chắn[5].

III.Triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt có thể có hoặc không có triệu chứng, và thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra răng miệng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu có một trong các dấu hiệu sau đây[6]:

  • Nổi cục ở mặt, cổ hoặc trong miệng [thường không đau].
  • Tê hoặc yếu một phần khuôn mặt.
  • Mất khả năng cử động một số cơ mặt, đặc biệt nếu cơ một bên mặt không cử động được và vùng bị ảnh hưởng lan rộng dần. Dấu hiệu này được gọi là liệt mặt tiến triển.
  • Đau hoặc sưng ở mặt, cằm, vùng xương hàm hoặc cổ.
  • Có sự bất cân xứng kích thước và/hoặc hình dạng hai bên khuôn mặt hoặc cổ.

Hình 2. Khối u tuyến mang tai [a] và khối u tuyến dưới lưỡi [b] [nguồn: www.msdmanuals.com]

IV. Đường lây truyền

Ung thư tuyến nước bọt không lây truyền thông qua bất kỳ con đường nào.

V. Làm sao để chẩn đoán và tầm soát ung thư tuyến nước bọt

Để chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ, đánh giá sức khoẻ chung, kiểm tra ngoài mặt, khoang miệng, hầu họng, và thanh quản. Các hạch bạch huyết [cục dưới da] ở cổ cũng được đánh giá, vì đây là dấu hiệu lan rộng của ung thư. Hơn nữa, nếu có dấu hiệu tê hoặc yếu trên khuôn mặt, một số xét nghiệm khác cũng cần thiết để đánh giá sự tổn thương thần kinh.

Một số xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt:

  • Sinh thiết:Đây là tiêu chuẩn vàng để xác định chắc chắn tình trạng ung thư, bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm. Tuy nhiên, đối với khối u tuyến nước bọt, sinh thiết dao thường chống chỉ định trong hầu hết mọi trường hợp. Sinh thiết kim là lựa chọn ưu tiên để chẩn đoán, và có thể được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm.. Nếu không thể sinh thiết, bác sĩ sẽ đề xuất các xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán.
  • Nội soi:Cho phép quan sát bên trong cơ thể bằng ống nội soi. Tùy vào vị trí, có các tên gọi khác nhau như nội soi thanh quản, nội soi hầu họng, nội soi mũi họng. Bệnh nhân có thể được gây mê để giảm lo âu khi thực hiện nội soi.
  • Chụp cắt lớp CT:Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh 3 chiều và cắt ngang chi tiết của cơ thể. Chụp CT có thể được sử dụng để đo kích thước khối u. Đôi khi, một loại thuốc nhuộm đặc biệt được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc uống trước khi chụp để cung cấp hình ảnh chi tiết có độ tương phản tốt hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: MRI sử dụng từ trường, để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể, đặc biệt là hình ảnh mô mềm. MRI có thể được sử dụng để xác định chính xác vị trí, phạm vi, kích thước khối u, đồng thời cho thấy bất kì hạch bạch huyết phì đại hoặc đánh giá sự bất thường các cơ quan khác do sự lây lan của ung thư. Tương tự như CT, MRI cũng có thể sử dụng các chất cản quang để tăng độ tương phản hình ảnh.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron PET:Phương pháp này thường được kết hợp với chụp CT, còn được gọi là chụp PET-CT. Đồng thời, một chất đánh dấu phóng xạ được tiêm vào cơ thể [một dạng của đường glucose]. Chất đường này được hấp thụ nhiều hơn bởi các tế bào sử dụng nhiều năng lượng, như tế bào ung thư. Hình ảnh thu được kết hợp với hình ảnh CT để có được thông tin chi tiết hơn về vị trí của chất đánh dấu.
  • Chụp X quang toàn cảnh:Còn được gọi là chụp Panorex. Đây là hình ảnh X-quang sử dụng đánh giá chi tiết tình trạng răng và nha chu để có kế hoạch điều trị thích hợp trước, trong và sau khi điều trị ung thư.
  • Hiện tại, chưa có xét nghiệm nào có thể tầm soát sớm ung thư tuyến nước bọt. Vì vậy, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu có những triệu chứng mô tả bên trên, và thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, răng miệng định kì để phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả.

VI.Điều trị

Ung thư tuyến nước bọt thường được chữa khỏi, đặc biệt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự tái phát của ung thư tuyến nước bọt có liên quan mật thiết đến giai đoạn bệnh, và tỉ lệ tái phát cao lên đến 37% đối với ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ [giai đoạn III, IV][7]. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm, điều trị sớm của ung thư tuyến nước bọt để đạt được kết quả điều trị khả quan nhất.

Mặc dù mục tiêu chính của điều trị là chữa khỏi ung thư, việc bảo tồn chức năng của các dây thần kinh, cơ quan và mô lân cận cũng rất quan trọng. Việc lựa chọn phương pháp điều trị được cân nhắc trên nhiều yếu tố lâm sàng và bệnh học. Và cũng như điều trị các loại ung thư khác, đây là sự kết hợp của nhiều chuyên khoa và mô thức khác nhau, dựa trên các phương pháp chính là phẫu thuật, kết hợp thêm liệu pháp bổ trợ như xạ trị hoặc hóa trị.

1. PHẪU THUẬT

Là phương pháp điều trị chính cho ung thư tuyến nước bọt.

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ một cách tối ưu khối ung thư kèm với mô khỏe mạnh xung quanh, gọi là rìa cắt an toàn, để đảm bảo không còn tế bào ung thư sót lại sau phẫu thuật. Ung thư có thể cắt bỏ hoàn toàn hay không phụ thuộc vào mức độ phát triển và xâm lấn của nó với các cấu trúc lân cận. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, hoặc ung thư hoạt động mạnh có khả năng phát triển và lan rộng nhanh chóng, phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể kết hợp nạo hạch cổ để ngăn ngừa di căn.

Phẫu thuật có những biến chứng đáng kể, đặc biệt nếu ung thư nằm ở gần các cấu trúc giải phẫu quan trọng như mạch máu, dây thần kinh, Các biến chứng có thể kể đến như sưng, gây khó thở và khó nuốt; thần kinh mặt có thể bị ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn; tình trạng khuyết hổng hoặc sự bất cân xứng và thẩm mỹ khuôn mặt sau phẫu thuật có thể cần phải giải quyết bằng phẫu thuật tái tạo thẩm mỹ hoặc phục hình hàm mặt.

Từ năm 1974, phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt không chỉ đơn thuần phẫu thuật mà dần chuyển sang hướng kết hợp phẫu thuật với xạ trị hoặc hóa trị[8]. Một số loại ung thư tuyến nước bọt có tỉ lệ sống cao hơn khi kết hợp phẫu thuật và xạ trị hơn là phẫu thuật đơn thuần[9]. Vì vậy, việc quyết định phương pháp điều trị nào còn phụ thuộc vào phân loại và giai đoạn bệnh.

2. XẠ TRỊ

Xạ trị sử dụng tia X hoặc hạt nhân có năng lượng cao để tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Liệu pháp xạ trị được sử dụng khi:

  • Là phương pháp điều trị chính [một mình hoặc kết hợp với hóa trị liệu] đối với một số ung thư tuyến nước bọt không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật vì kích thước lớn hoặc vị trí bất lợi của khối u, hoặc bệnh nhân không muốn phẫu thuật vì lý do cá nhân.
  • Sau phẫu thuật, để cố gắng tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể bị bỏ sót trong phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát của ung thư.
  • Ở những người bị ung thư tuyến nước bọt tiến triển để làm giảm các triệu chứng như đau, chảy máu hoặc khó nuốt.Xạ trị có thể gây biến chứng sâu răng. Do đó, tình trạng sức khỏe răng miệng sẽ được đánh giá và điều trị trước khi bắt đầu xạ trị. Ngoài ra, tình trạng khô miệng và giảm tiết nước bọt do tia bức xạ làm tổn thương mô tuyến thường xảy ra sau xạ trị, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân[10]. Vấn đề chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân xạ trị và một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng khô miệng và giảm tiết nước bọt được đề cập chi tiết hơn ở bài khác.

3. HOÁ TRỊ

Hóa trị là liệu pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách truyền vào tĩnh mạch hoặc bằng đường uống. Thuốc hóa trị khi vào máu sẽ tác động đến tất cả các khu vực của cơ thể, chính vì vậy phương pháp điều trị này hữu ích đối với các bệnh ung thư đã di căn ra khỏi đầu và cổ.

Tuy nhiên, hóa trị liệu không là lựa chọn hàng đầu để điều trị ung thư tuyến nước bọt, trừ khi ung thư đã di căn đến các cơ quan ở xa hoặc trong trường hợp không thể kiểm soát được bằng phẫu thuật và xạ trị. Hóa chất có chức năng thu nhỏ các khối u, nhưng nó không có khả năng chữa khỏi loại ung thư này. Một số loại thuốc hóa học giúp làm cho các tế bào ung thư dễ dàng bị tiêu diệt bởi bức xạ, và được dùng cùng với xạ trị [gọi là hóa trị liệu] để ngăn chặn ung thư tuyến nước bọt có nguy cơ tái phát cao sau phẫu thuật.

Tác dụng phụ của hóa trị liệu có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, khô miệng, chán ăn do sự thay đổi vị giác, suy yếu hệ thống miễn dịch, tiêu chảy hoặc táo bón, và vết loét trong miệng. Vết loét trong miệng, cùng với suy giảm khả năng miễn dịch, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

VII. Phòng ngừa ung thư tuyến nước bọt như thế nào

Như đã trình bày ở phần trên, nguyên nhân gây ra ung thư tuyến nước bọt chưa được hiểu chính xác, nên mục đích phòng ngừa là hạn chế các yếu tố nguy cơ để giảm nhẹ khả năng phát triển ung thư.

Một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu có liên quan mật thiết đến sự phát triển một số loại ung thư[9]. Tuy chưa có bằng chứng chặt chẽ cho thấy mối liên quan giữa thuốc lá và rượu bia với ung thư tuyến nước bọt, việc hạn chế thuốc lá và rượu bia sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác phổ biến hơn.

Đối với những người làm việc trong một số ngành công nghiệp liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân có thể giúp giảm nguy cơ.

VIII. Kết luận

Ung thư tuyến nước bọt là một dạng hiếm của ung thư đầu cổ, với nhiều phân loại phụ thuộc vào nguồn gốc tế bào u.Phần lớn ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở tuyến mang tai, và thường lành tính. Nếu xuất hiện ở các tuyến nước bọt khác thì tỉ lệ ác tính cao hơn.

Nguyên nhân gây ung thư tuyến nước bọt vẫn chưa được làm sáng tỏ. Một số yếu tố nguy cơ như nam giới, trên 70 tuổi, tiếp xúc bức xạ, nghề nghiệp liên quan kim loại, khoáng chất, và chế độ ăn.Ung thư tuyến nước bọt không lây truyền thông qua bất kỳ con đường nào.Đánh giá lâm sàng và phối hợp nhiều xét nghiệm là cần thiết để chẩn đoán xác định.

Điều trị chủ yếu là phẫu thuật, có thể kết hợp xạ trị và hoá trị, phụ thuộc vào phân loại và giai đoạn bệnh. Phương pháp điều trị nào cũng có các biến chứng đi kèm.

Phòng ngừa ung thư tuyến nước bọt chủ yếu là hạn chế các yếu tố nguy cơ. Đồng thời, việc phát hiện sớm có ý nghĩa tiên quyết giúp điều trị hiệu quả hơn và hạn chế nguy cơ tái phát.

Chịu trách nhiệm nội dung:BS. Trần Minh Cường, Khoa Răng hàm mặt, Đại Học Y Nha Tokyo, Nhật Bản Cộng tác viên ban Y học Ruy Băng Tím

Cố vấn khoa học:

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ. Cố vấn khoa học RBT.

BS. Nguyễn Thị Kim Thương, Bác sĩY học cổ truyền. Ban Y học RBT.

ThS. BS. Đặng Thị Lương, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Da liễu trung ương. Ban Y học RBT.

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 15/06/2020

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Helen Lin, H.; Limesand, K.H.; Ann, D.K. Current state of knowledge on salivary gland cancers. Critical Reviews in Oncogenesis 2018, doi:10.1615/CritRevOncog.2018027598.
  2. Ho, K.; Lin, H.; Ann, D.K.; Chu, P.G.; Yen, Y. An overview of the rare parotid gland cancer. Head and Neck Oncology 2011, 3, 40, doi:10.1186/1758-3284-3-40.
  3. Yin, L.X.; Ha, P.K. Genetic alterations in salivary gland cancers. Cancer 2016.
  4. Carvalho, A.L.; Nishimoto, I.N.; Califano, J.A.; Kowalski, L.P. Trends in incidence and prognosis for head and neck cancer in the United States: A site-specific analysis of the SEER database. International Journal of Cancer 2005, doi:10.1002/ijc.20740.
  5. American Society of Clinical Oncology Salivary Gland Cancer: Risk Factors Available online: //www.cancer.net/cancer-types/salivary-gland-cancer/risk-factors.
  6. American Society of Clinical Oncology Salivary Gland Cancer: Symptoms and Signs Available online: //www.cancer.net/cancer-types/salivary-gland-cancer/symptoms-and-signs.
  7. Alraddadi, T.; Aldhahri, S.; Alharbi, J.; Malas, M.; Islam, T.; Altuwaijri, A.; Al-Qahtani, K. Predictors for Salivary Gland Cancer Recurrence at Two Tertiary Hospitals in Saudi Arabia. Cureus 2019, doi:10.7759/cureus.5288.
  8. Mahmood, U.; Koshy, M.; Goloubeva, O.; Suntharalingam, M. Adjuvant Radiation Therapy for High-Grade and/or Locally Advanced Major Salivary Gland Tumors. Archives of OtolaryngologyHead & Neck Surgery 2011, 137, 10251030, doi:10.1001/archoto.2011.158.
  9. Wong, W.Y.; Pier, M.; Limesand, K.H. Persistent disruption of lateral junctional complexes and actin cytoskeleton in parotid salivary glands following radiation treatment. American Journal of Physiology Regulatory Integrative and Comparative Physiology 2018, doi:10.1152/ajpregu.00388.2017.
  10. Khan, N.; Afaq, F.; Mukhtar, H. Lifestyle as risk factor for cancer: Evidence from human studies. Cancer Letters 2010.
';

About Trần Minh Cường

Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ, Bộ môn Phẫu Thuật Miệng và Hàm Mặt, Đại Học Y Nha Tokyo, Nhật Bản.

Tags

  • tuyến nước bọt
  • Ung Thư
  • ung thư tuyến nước bọt
  • ung thư đầu cổ

Leave a Comment Cancel Reply

Comment
Name
Email
Website

Video liên quan

Chủ Đề