Tỷ lệ đọc sách ở Việt Nam 2022

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm tiết đọc sách trong trường, và cho biết TPHCM sẽ thực hiện ở một số trường để từng bước cải thiện văn hóa đọc cho người Việt. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Cụ thể, số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê trong ba năm gần đây cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách.

Chưa dừng lại ở đó, một khảo sát mới đây của báo Dân Trí nhắm vào đối tượng là giới trẻ cho thấy kết quả đáng quan ngại. 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần qua; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Điều này cho thấy văn hóa đọc của người Việt đang còn quá thấp. “Nguyên nhân chính của thực trạng này theo tôi là do người Việt chúng ta không có thói quan đọc sách từ nhỏ. Đến khi trưởng thành, có muốn cũng khó hình thành thói quen quan trọng này. Chúng tôi đi khảo sát nhiều trường học tại TPHCM và nhiều tỉnh thành, điều đáng buồn là số trường học quan tâm đến chất lượng giờ đọc sách của học sinh còn rất ít, nhiều thư viện chưa tạo được sức hút nếu không nói là quá nhàm chán, nhiều đầu sách không phù hợp với học sinh”, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam tâm tư.

Thêm một thông tin đáng chú ý mà tọa đàm đưa ra là hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia thuộc top này.

Tại ba quốc gia nói trên, tiết đọc sách đã trở thành chương trình đào tạo chính khóa và được đầu tư rất công phu. Riêng tại Malaysia, đất nước rất gần với Việt Nam, số đầu sách trung bình của người dân mỗi năm là 12 quyển. Tuy nhiên theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đó chưa phải là con số đáng buồn nhất vì theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng đọc sách và 26% không bao giờ đụng vào sách.

Tại tọa đàm, nhiều diễn giả cho rằng, hiện nay, việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học. Ba mẹ không đọc sách, không tìm nguồn sách phù hợp, thư viện trường nghèo nàn đầu sách, chương trình học “thiếu vắng” giờ đọc sách… là những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt ít mặn mà với văn hóa phẩm. Thực trạng này rất đáng báo động và cần sớm có hướng giải quyết.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nếu không giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách từ sớm thì càng lớn lên việc này càng khó khăn. “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 13, 14, 15 tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Không ít diễn giả cho rằng, nhà trường, xã hội thay đổi vẫn chưa đủ mà bản thân ngành giáo dục cũng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đọc trong trường học. Bộ GD-ĐT cần đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa và cần đầu tư nhiều hơn cho thư viện học đường để làm sao sách không chỉ nhiều mà phải còn hấp dẫn, phù hợp với tư duy, sở thích của học sinh. Khi thích thú và được hướng dẫn cách đọc hiệu quả, trẻ sẽ từng bước hình thành thói quen đọc sách. Thói quen lớn dần sẽ hình thành cái mà nhiều người gọi là văn hóa đọc./.

Gia Mỹ

Kinh nghiệm xây dựng, phát triển văn hóa đọc ở một số quốc gia trên thế giới

* Nhật Bản:  Chính phủ Nhật Bản dành sự quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy văn hóa đọc trong dân chúng. Công tác xuất bản sách báo được xác định là tiền đề cho những cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ diện mạo của một nền văn hóa. Nhật Bản là một trong số rất ít các quốc gia có một đạo luật riêng dành cho việc khuyến đọc. Năm 2001, Nhật Bản ban hành Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em và năm 2005 ban hành Luật Chấn hưng văn hóa đọc.

Ngày nay, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách [1]. Người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... Thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng - Tachiyomi. Thời điểm đọc sách được ưa chuộng nhất là khi rảnh rỗi ở nhà hoặc trước khi đi ngủ. Trong thời gian gần đây, với sự phổ cập của điện thoại thông minh, những người cao niên tại Nhật Bản lo ngại rằng thế hệ trẻ Nhật Bản sẽ xa rời sách giấy, chuyển sang đọc sách điện tử, hay tệ hơn nữa là sẽ ngừng đọc sách do bị thu hút bởi các trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, những lo ngại này dường như vẫn chưa trở thành sự thật, khi chuỗi cửa hàng bán sách lớn nhất Nhật Bản Tsutaya thông báo doanh thu kỷ lục 113 tỷ yên, tương đương 1,1 tỷ USD trong tài khóa năm 2013. Số lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật Bản vẫn gia tăng một cách đều đặn trong 10 năm gần đây, với tốc độ đáng mơ ước tại nhiều quốc gia là trên 7% mỗi năm [2].

*Ấn Độ: Nhà nước Ấn Độ đã thành lập Quỹ Thư viện Raja Rammohun Roy. Quỹ đã được tạo ra như là một cơ quan độc lập thuộc Cục Văn hóa, do Bộ Giáo dục quản lý. Trong vòng 10 năm [từ năm 1972 đến năm 1982], Quỹ Raja Rammohan Roy đã cung cấp  250 triệu rupee [trị giá 31,79 triệu USD] để hỗ trợ 15.000 thư viện nông thôn. Nhờ đó đến năm 1989, Ấn Độ đã có 7.180 thư viện và 18.000 điểm phục vụ [chi nhánh, điểm dừng điện thoại di động, v.v.]. Các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Calcutta đã được tăng lên đáng kể.

Chương trình thư viện trường học, “hoạt động Blackboard [Bảng đen]”, đã được bắt đầu với việc cung cấp tài liệu học tập và giảng dạy cần thiết. Chính sách Quốc gia về sách - 1986 cũng đã có tác động đến thư viện, vì nó đã khuyến cáo: Tất cả các cơ quan liên quan thực hiện cung cấp tài liệu đọc cho trẻ em; 10% ngân sách giáo dục hằng năm của Chính phủ được sử dụng để mua sách cho các thư viện. [3]

Cũng chính vì lý do đó, Ấn Độ đã trở thành nước ham đọc nhất thế giới. Nước này đã được NOP World Culture Score Index xếp hạng nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân. Theo đó, thời gian đọc sách trung bình một tuần của một người Ấn Độ lên đến gần 11 giờ [10 giờ 42 phút]. Mặc dù là quốc gia có trình độ dân trí giữa các tầng lớp rất cách biệt với số người biết chữ chỉ chiếm 27,4% dân số nhưng có đến 25% số người trẻ đọc sách thường xuyên và 49% số người được đi học đọc sách như một cách giải trí.

Không chỉ Nhà nước quan tâm đến việc phát triển thư viện và chăm lo đến việc đọc của dân chúng mà các nhà hảo tâm cũng rất chú trọng đến vấn đề này. Triệu phú Rohini Nilekani đã thành lập một quỹ từ thiện và với uy tín tạo dựng được qua hoạt động của quỹ này, bà đã được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 48 nhà từ thiện của thế giới vào năm 2010. Nilekani sau đó được mời làm đối tác thành lập Pratham Books. Pratham Books là một nhánh của Pratham - một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Pratham Books được thành lập để đem đến càng nhiều sách chất lượng cao càng tốt, càng nhiều ngôn ngữ càng tốt cho những trẻ em đang bị gạt ra bên lề xã hội.

Đến nay, Pratham Books đã xuất bản hơn 8,5 triệu cuốn sách, hơn 10 triệu thiệp truyện [card story] và gần 25 triệu người đã được tiếp cận sách. Tổng cộng có 215 tựa sách tiếng Anh và 10 ngôn ngữ của Ấn Độ. Hầu hết sách đều có giá 25 rupee [khoảng 10.000 đồng]. Mục tiêu của Pratham Books là làm sao tiếp cận được 200 triệu trẻ em ở Ấn Độ, và mỗi em đều sẽ nhận được sách. “Đại gia” lớp 6 của tôi - một cuốn sách về toán được Pratham Books đưa miễn phí trên mạng, ai cũng có thể đọc, dịch, thay đổi nội dung và sử dụng theo nhu cầu.

* Trung Quốc: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định: Lấy đọc sách làm điểm khởi đầu, thiết lập một hệ thống dịch vụ văn hóa công cộng toàn diện. Mọi công dân có quyền thụ hưởng các thành tựu văn hóa, có quyền tham gia các hoạt động văn hóa, quyền phát triển sáng tạo văn hóa và quyền lựa chọn văn hóa. Hiện nay, việc đọc ở Trung Quốc đã được luật hóa, chuyển từ "chỉ tiêu mềm" về xây dựng văn hóa thành "chỉ tiêu cứng" và được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội. Luật Thư viện công cộng [ngày 04/11/2017] xác định: “Nhà nước khuyến khích công dân, pháp nhân và các tổ chức khác trong xã hội đóng góp cho hoạt động thư viện” nhằm “thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thư viện, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện công cộng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học và văn hóa cho công dân, truyền bá văn minh của nhân loại, giữ gìn tự tôn văn hóa truyền thống của dân tộc”[4].

Sau khi được luật hóa, việc khuyến khích đọc sách của người dân được quy hoạch, tổ chức thống nhất, đảm bảo hỗ trợ tài chính được thực hiện. Để thúc đẩy văn hóa đọc, cùng với công tác thư viện, công tác xuất bản được chú trọng phát triển. Theo số liệu của Beijing Open Book, từ năm 2015 đến năm 2019, thị trường sách Trung Quốc liên tục tăng trưởng hơn 10%/năm.Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của ngành xuất bản bị sụt giảm. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và để đối phó với đại dịch COVID-19, Hiệp hội Nhà xuất bản Trung Quốc khuyến khích các đơn vị phát hành ấn bản sách điện tử nhiều hơn. Xuất bản kỹ thuật số đang trở thành một trong những phân khúc nổi bật nhất và được chú trọng ở Trung Quốc.

*Liên bang Đức: Tại Đức, văn hóa đọc được quan tâm phát triển. Đối với nhiều người dân Đức, món quà tặng nhau ý vị và phổ thông nhất sau hoa là "sách", một loại "cảo thơm" rất được trân quý trong mọi nhà, trong đời thường. Có thể nói "đọc sách" và "có sách", "giữ sách", "bảo tàng sách" là nét đặc thù của đời sống văn hóa Đức, truyền thống cũng như hiện đại. Đọc là một đòi hỏi, một nhu cầu của người Đức, cho nên không phải ngẫu nhiên mà một người Đức - J. Gutenberg [khoảng 1400–1468], đã tạo ra cuộc cách mạng kỹ thuật in sách vào thế kỷ XV. Viện Bảo tàng J.Gutenberg là một báu vật của văn hóa Đức. Người Đức ham đọc, thích sách, sống với sách.

Văn hóa đọc là một nét đặc trưng của nước Đức, với nhiều hội chợ sách quanh năm, các thư viện Đức luôn là những nơi tuyệt vời cho những người cần nghiên cứu. Hội chợ sách Frankfurt diễn ra hằng năm. Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, với lịch sử 500 năm, là nơi gặp gỡ đại diện các nhà xuất bản sách, các công ty đa phương tiện và công nghệ trên khắp thế giới nhằm nắm bắt xu hướng mới của thị trường xuất bản, ký kết các hợp đồng mua bán bản quyền để phổ biến hay dịch thuật. Các chuyên gia xuất bản tận dụng cơ hội này để mở rộng mạng lưới và mở ra các cơ hội kinh doanh mới, tiếp thị sản phẩm của họ hoặc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp. Đây cũng là dịp để các nước giới thiệu về đặc trưng văn hóa đọc sách của dân tộc mình.

Hội chợ sách Frankfurt năm 2021 diễn ra trong bối cảnh ngành xuất bản ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người trên thế giới quay về lối sống chậm hơn và đọc sách nhiều hơn trong thời gian phong tỏa. Hội chợ sách Frankfurt năm 2021 thu hút hơn 1.500 nhà xuất bản, công ty phát hành sách đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới đến tham dự [5].

Những năm gần đây, người Đức bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thư viện. Chính quyền nhiều thành phố trích từ ngân sách nhiều khoản kinh phí hơn để chi cho các thư viện. Theo đài Deutsche Welle [Đức], cả các doanh nghiệp địa phương cũng sẵn lòng chi cho các thư viện. Chẳng hạn, thư viện khu vực Turing mỗi năm nhận được 380.000 euro từ ngân sách khu vực và dưới dạng đóng góp của một xí nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Người tham khảo tài liệu chỉ phải trả 12 euro mỗi năm, sinh viên, học sinh được thư viện phục vụ miễn phí. Trong thư viện này ước tính có đến 65.000 đầu sách, CD và DVD. Ở Đức hiện có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và sân vận động. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng "Trong năm 2009, chỉ có 70 triệu lượt người Đức đến sân vận động, 146 triệu lượt người đi xem phim nhưng có đến 200 triệu lượt người đến thư viện đọc sách" [6]. Điều đó cho thấy nhu cầu văn hóa nói chung và nhu cầu đọc rất cao tại quốc gia này.

*Liên bang Nga: Nga là một quốc gia quan tâm đến việc đọc và có tỉ lệ đọc sách cao nhất trên thế giới. Vào khoảng cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, các thư viện ở Nga đã phải phấn đấu để trụ vững và vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt nổi. Sự sụp đổ của Liên Xô đã gây tổn thất và ảnh hưởng nặng nề cho mọi lĩnh vực, trong đó có thư viện. Tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị kéo dài trong thời kỳ hậu Xô viết; sự cắt giảm kinh phí hoạt động thư viện; tình trạng đắt đỏ về giá cả sách báo; nhu cầu tinh giản biên chế... Với ý thức nghề nghiệp và nỗ lực lao động sáng tạo, đội ngũ cán bộ nhân viên của các thư viện nói chung, trong đó có những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thư viện, đã trụ vững và vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thúc đẩy phát triển mọi mặt công tác.

Theo số liệu thống kê của công ty GFK [Đức], 59% người Nga được hỏi trả lời rằng họ đọc sách hằng ngày hoặc ít nhất một lần một tuần. Hình ảnh những người mải miết đọc sách, đọc báo trên các phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm; giới trẻ Nga sử dụng máy đọc sách điện tử hay cuốn sách khoa học dày cộp trong những quán cà phê... chẳng còn xa lạ gì ở đất nước này.

Năm 2019, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga [VTSIOM], số lượng đơn sách trên các trang thương mại điện tử và trang đọc sách online tăng vọt. Như mọi năm, người ta sẽ chọn cách thưởng thức sách bằng việc ghé thăm trực tiếp các nhà sách, nơi có không gian yên tĩnh và thoải mái để bạn đọc có thể tìm đọc các cuốn sách thuộc nhiều thể loại thú vị. Trong cuộc khảo sát này, tỷ lệ người Nga đọc sách với tần suất hai ngày một lần đạt 53%. Nhìn chung, con số này lớn hơn so với năm trước đó [45%]. Hơn hết, 59% số phụ nữ được hỏi thích đọc sách sau giờ nội trợ, thanh niên từ 18 đến 24 tuổi là 83% và 25 đến 34 tuổi là 61%. Bên cạnh đó, tỷ lệ đọc ở những người tham gia phỏng vấn có trình độ học vấn cao hơn là 68% [7].

*Israel: Việc phát triển trí tuệ rất được người Do Thái quan tâm, điều này là nhờ thói quen và đam mê đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1.000 là thư viện công cộng [8]. Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách thường được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho trẻ em chú ý. Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, các bà mẹ Do Thái đã gieo cho con tiềm thức về sự “ngọt ngào” của sách bằng cách nhỏ vài giọt mật lên những trang sách và cho trẻ liếm. Đất nước Trung Đông này có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Thậm chí, người Do Thái còn đặt các cuốn sách ở nghĩa trang vì họ tin rằng các linh hồn sẽ tiếp tục đọc chúng.

Cha mẹ người Do Thái luôn sẵn sàng làm tình nguyện viên đọc sách cho trẻ. Mỗi tối họ đọc cho trẻ nghe một vài câu truyện cổ tích, truyện danh nhân, khoa học thường thức. Khi trẻ đọc sách họ tận tâm hướng dẫn và cổ vũ trẻ. Khi trẻ đã có khả năng đọc tốt, cha mẹ sẽ trở thành “người cùng đọc”. Để thỏa mãn và khuyến khích trẻ đọc sách, cha mẹ thường xuyên dẫn trẻ đi mua sách hoặc đến thư viện. Nhờ truyền thống gia đình này mà đọc sách đã trở thành một thói quen thường nhật của người Do Thái. Và đó có lẽ chính là yếu tố nền tảng để khiến cho dân tộc Do Thái trở thành một dân tộc có những tố chất đặc biệt về trí tuệ và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại.

Ở Israel có một ngày tên gọi là Sabbath. Đó là ngày lễ nghỉ ngơi. Tất cả các hoạt động, từ làm ăn đến vui chơi giải trí đều dừng lại, các hãng hàng không ngừng bay, các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, các cửa hàng đều đóng cửa… Mọi người chỉ có thể nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng có một ngoại lệ: tất cả các nhà sách được mở cửa. Trong những ngày này, mọi người đến nhà sách đông nhất, họ đến đây để yên lặng đọc sách.

Bên cạnh việc hình thành, xây dựng thói quen đọc sách từ khi nằm nôi cho trẻ nhỏ, người Do Thái hiện vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách để dạy các con mình: nếu chỉ dừng ở việc đọc mà không biết ứng dụng thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ chết. Và để có thể ứng dụng, trẻ em Do Thái không ngừng đọc sách và tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Người Do thái đọc bình quân 64 cuốn sách/năm. Chính vì lẽ đó, người Do Thái được biết đến là “dân tộc thông minh nhất thế giới”, chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich [người Nga gốc Do Thái], Albert Einstein…[9]. Với một dân số khiêm tốn, cộng đồng Do Thái đã đóng góp cho nhân loại 160 giải Nobel, chiếm 20% số giải thưởng Nobel toàn thế giới [10]. Quốc gia Do Thái Isarel ngày nay cũng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp xanh. Tuy có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, 60% diện tích đất là sa mạc, song Isarel đã trở thành nhà cung cấp nông sản số một cho Liên minh châu Âu.

Bài học kinh nghiệm nhằm phát triển văn hóa đọc ở  Việt Nam

Qua việc tìm hiểu hoạt động và kinh nghiệm xây dựng, phát triển văn hóa đọc của một số nước trên thế giới và khu vực có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Muốn phát triển văn hóa đọc trước hết phải có sự quan tâm của Nhà nước. Hầu hết các nước có văn hóa đọc phát triển đều đã có những đạo luật, văn bản quy định và chính sách đảm bảo cho văn hóa đọc phát triển. Phát triển văn hoá đọc đã được xác định là trách nhiệm của cả xã hội; trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện phát triển văn hóa đọc. Để phát triển văn hóa đọc rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Tại nhiều nước phát triển, hoạt động đọc sách của trẻ em [những người dưới 18 tuổi] đặc biệt được quan tâm. Kinh nghiệm từ Ấn Độ, Nhật Bản cho thấy: Trẻ em được tạo điều kiện có thể đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc nhằm giúp trẻ sớm rèn luyện ngôn ngữ, cảm xúc, nâng cao năng lực thể hiện, sức sáng tạo, phát triển tư duy để có được đời sống sâu sắc hơn; các nhà xuất bản đã rất chú trọng vào xuất bản cho độc giả ngay từ khi còn nhỏ. Rất nhiều tầng lớp hảo tâm của Ấn Độ đã đầu tư xuất bản sách rẻ với số lượng lớn nhằm cung cấp đến tầng lớp dân cư nghèo.

Văn hóa đọc chỉ phát triển khi công tác xuất bản và thư viện được coi trọng. Các xuất bản phẩm được hình thành với nhiều loại dạng khác nhau; sách in dưới nhiều loại [truyện tranh, sách bỏ túi, sách phổ biến kiến thức, sách điện tử, sách nói...] để đáp ứng nhu cầu của người dân. Xu hướng tăng cường xuất bản tài liệu điện tử đã được xác định là một xu thế mới để thích ứng với bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và để đổi phó với đại dịch COVID-19.

Hệ thống thư viện công cộng phải đóng vai trò then chốt trong việc phục vụ nhu cầu đọc của cộng đồng, đặc biệt là các cư dân sống ở nông thôn tại Việt Nam, bởi vì: "Thư viện công cộng là cánh cửa gần nhất mở vào thế giới của kiến thức, là nền tảng cơ bản cho sự học hỏi lâu dài, cho việc quyết định những hướng đi của bản thân, cho sự phát triển văn hóa và tri thức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng" [11].

Cần chú trọng hơn đến giáo dục thói quen và kỹ năng đọc sách cho trẻ em và các đối tượng người đọc khác nhau.

Để tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa đọc, cần chú trong đến việc đẩy mạnh xã hội hóa.

Phát triển văn hóa đọc có một vai trò quan trọng, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục, làm nên sức mạnh của con người. Vì thế, các quốc gia phát triển đều đã quan tâm đến việc đọc của người dân đặc biệt là trẻ em. Khoa học, công nghệ phát triển đòi hỏi công tác xuất bản, thư viện phải không ngừng đổi mới. Bài học của người Do Thái về hình thành tủ sách gia đình, bài học thúc đẩy xuất bản phẩm in của Đức và Nhật cùng với tăng cường đầu tư phát triển thư viện của Ấn Độ, Đức, Trung Quốc... cũng là những tham khảo đáng quan tâm./.
----------------------------------------------

[1].  6 quốc gia "mê đọc" nhất trên thế giới. Truy cập tại: //tanvietbooks.com.vn/pages/6-quoc-gia-me-doc-nhat-tren-the-gioi
[2].  Đức Cường. Văn hóa đọc tại Nhật Bản. Truy cập tại: //vtv.vn/doi-song/van-hoa-doc-tai-nhat-ban-137881.htm]

[3].  Vũ Dương Thúy Ngà [2013]: “Xây dựng chính sách phát triển thư viện công cộng - Bài học từ Ấn Độ”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 3[41], tr.62-66,74.

[4]. Luật Thư viện công cộng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 04 tháng 11 năm: Lê Tùng Sơn dịch.

[5]. Hội chợ sách lớn nhất trên thế giới Frankfurt trở lại trực tiếp. Truy cập tại:
 //tuoitre.vn/hoi-cho-sach-lon-nhat-tren-the-gioi-frankfurt-tro-lai-truc-tiep-20211019155917822.htm

[6]. Đức: Bùng nổ văn hóa đọc. Truy cập tại: //nld.com.vn/the-gioi-song-dong/duc-bung-no-van-hoa-doc-20101110103130516.htm

[7].  Người Nga đọc gì năm 2020? Truy cập tại:  //tramdoc.vn/tin-tuc/nguoi-nga-doc-gi-nam-2020-n714RW.html

[8]. Lê Thị Hương. Giáo dục con biết yêu sách, ham đọc sách - Bài học từ người Do Thái. Truy cập tại: //giaoducvaxahoi.vn/giao-duc-dao-tao/giao-d-c-con-bi-t-yeu-sach-ham-d-c-sach-bai-h-c-t-ngu-i-do-thai.html

[9]. Học cách người Do Thái dạy con thành tài. Truy cập tại: //shoptretho.com.vn/tin-tuc/hoc-cach-nguoi-do-thai-day-con-thanh-tai

[10]. Danh sách những người đoạt giải Nobel Do Thái. Truy cập tại: //vi.upwiki.one/wiki/List_of_Jewish_Nobel_laureates

[11]. UNESCO [1994]. Tuyên ngôn về thư viện công cộng: Lê Văn Viết dịch.

Chủ Đề