Tư cách đương sự trong vụ án ly hôn

Hiến pháp 2013 Điều 36 ghi nhận: Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định cụ thể chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. Theo đó vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu mục đích hôn nhân không đạt được, các nguyên tắc hôn nhân bị vi phạm và hai bên không thể duy trì đời sống vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: a] Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân ..có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình.Thực tế giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình hiện nay cho thấy rất nhiều trường hợp nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn nhưng không biết địa chỉ nơi cư trú của bị đơn ở đâu vì cuộc sống hôn nhân có mâu thuẫn, tranh chấp nên vợ chồng không chung sống với nhau, không ở tại địa phương nữa tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn liên lạc với gia đình hoặc với con. Trong trường hợp này Tòa án sẽ giải quyết như thế nào, thực tế xét xử hiện nay đang có những cách giải quyết khác nhau, đó là:

1. Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Theo Công văn 5814/VKSTC-V14 ngày 25/12/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc hướng dẫn tại mục 7 như sau:

Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án, quy định: c] Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Khoản 4 Điều 6 Nghị quyết nêu trên quy định: Trường hợp vụ án bị đình chỉ giải quyết theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này thì theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015, người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án đó khi cung cấp được đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện

Như vậy, nếu vụ án ly hôn thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04 ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán TATC thì Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là đúng. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án khi cung cấp được đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện.

Theo hướng dẫn trên thì Tòa án sẽ chỉ đình chỉ giải quyết vụ án nhưng việc đình chỉ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của nguyên đơn vì nếu bị đơn cố tình không hợp tác thì nguyên đơn sẽ không bao giờ khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn được.

2. Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật

Tại các khoản 2, 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP có hướng dẫn như sau: Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉnơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sởcủa người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tạiđiểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định: Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ người bị kiện theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung. Điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04 quy định: Trường hợp người bị kiện thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 BLDS 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn.

Như vậy, trường hợp này phải được coi là ghi đúng địa chỉ, Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc vụ án như hướng dẫn.

Theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của BLTTDS trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng vì họ vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì Tòa án tiến hành thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng.

Khoản 1 Điều 180 BLTTDS quy định: Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo. Đối với các trường hợp bị đơn không có mặt tại địa phương, việc niêm yết có căn cứ xác định bị đơn không thể biết thông tin.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 180 của BLTTDS quy định: Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu..

Vấn đề đặt ra, có trường hợp nguyên đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và nộp lệ phí để Tòa án thực hiện, Tòa án sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hết thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có ý kiến của bị đơn, thì Tòa án tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật, đối với các văn bản tố tụng phát sinh sau này thì Tòa án chỉ cần tiến hành niêm yết theo quy định của pháp luật. Nhưng nếu nguyên đơn không yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc có yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng từ chối nộp lệ phí thì sẽ giải quyết như thế nào? Tòa án có tiến hành giải quyết theo thủ tục chung không hay đình chỉ giải quyết.

3. Hướng dẫn làm thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án xác được bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương trước thời điểm thụ lý và không biết nơi cư trú mới [thông qua việc cung cấp của nguyên đơn hoặc thông qua xác minh]. Tòa án sẽ hướng dẫn nguyên đơn rút đơn khởi kiện sau đó làm thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích, trường hợp nêu không rút đơn thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án bằng cách nêu viện dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Đối với thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích, cần phải đảm bảo quy định như sau: Người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó. Tuy nhiên thực tế đặt ra có những trường hợp bị đơn không có mặt tại địa phương nhưng thỉnh thoảng vẫn về thăm con và liên lạc với gia đình nên không thể đủ chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Vậy nguyên đơn sẽ phải làm như thế nào để có thể được ly hôn với trường hợp này?

Đối với 3 cách giải quyết trên, quan điểm của cá nhân đồng ý với cách giải quyết thứ hai:

Đối với cách giải quyết thứ nhất Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án thì rất đơn giản tuy nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của nguyên đơn vì không thể cung cấp được địa chỉ của bị đơn không hợp tác. Nguyên đơn có thể phải yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích trước khi giải quyết ly hôn theo cách giải quyết thứ 3 nhưng không phải trường hợp nào cũng tuyên được mất tích. Việc yêu cầu Tòa án giải quyết như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức của nguyên đơn. Trong khi tại Công văn 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TANDTC về giải quyết các vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ có hướng dẫn: trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung

Công văn 253 kế thừa toàn bộ quy định tại khoản 2 điểm b tiểu mục 2.1 mục 2 Phần II Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TATC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giài quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình trước đây. Tuy nhiên nội dung Công văn 253 chỉ hướng dẫn giải quyết đối với các trường hợp ly hôn có bị đơn ở nước ngoài và không xác định được chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Vậy nên chăng có thể áp dụng tương tự nhận thức này đối với các trường bị đơn ở trong nước vắng mặt tại nơi cư trú. Nếu không áp dụng tinh thần Công văn thì vô hình chung việc ly hôn với các trường hợp bị đơn ở nước ngoài không rõ địa chỉ còn dễ dàng hơn so với các trường hợp bị đơn ở trong nước vắng mặt. Hoặc một số trường hợp bị đơn cũng ở nước ngoài nhưng không đi theo con đường chính ngạch nên không thể xác minh tại Cục Xuất nhập cảnh nên vẫn phải giải quyết theo trường hợp bị đơn ở Việt Nam. Quan điểm của cá nhân đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp ly hôn bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không được đình chỉ giải quyết vụ án.

Đào Thị Huệ - Phó Trưởng Phòng 9 VKSND thành phố

Video liên quan

Chủ Đề