Tình cảm cách mạng của tố Hữu

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hành Bộ tem đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu. [Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN]

Trong nền thơ Việt Nam thế kỷ 20, bên cạnh sự phát triển rực rỡ của phong trào Thơ mới với những nguồn thơ lãng mạn đi sâu vào cái “tôi” cá nhân, thi đàn còn lưu lại một dấu ấn sâu sắc của một nguồn thơ khác, ấy là thế giới thơ hiện thực cách mạng của Tố Hữu. Là một nhà thơ sớm giác ngộ cách mạng, ở ông là những rung cảm thật sự khi được tiếp xúc, giác ngộ và thấm nhuần những lý tưởng của Đảng Cộng sản. 

Cũng là một nhà thơ trưởng thành trong chiến đấu, nhà thơ Anh Ngọc đã tiếp xúc với thơ của Tố Hữu từ lâu, ông cảm nhận rõ ở người thi sỹ này một thái độ luôn hướng tới cuộc sống cần lao của nhân dân, hướng tới chân, thiện, mỹ, hướng tới lý tưởng cao đẹp của cuộc cách mạng vô sản. 

Tên thật của Tố Hữu là Nguyễn Kim Thành, ông sinh ra tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngay từ khi còn đi học, khoảng 15, 16 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Kim Thành đã được tiếp xúc với hệ tư tưởng Karl Marx, hệ tư tưởng mà các nhà cách mạng Việt Nam đi theo. Những người đã dẫn dắt, giác ngộ cho Tố Hữu là những người Đảng viên thế hệ đầu tiên như Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu.

Trong những năm hoạt động cách mạng của mình kể từ khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương năm 1938, Tố Hữu từng bị bắt giam ở nhiều nhà tù.

Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế. Sau đó ông liên tục giữ những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước như Phó Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đến năm 1980, 1981, ông trở thành Ủy viên chính thức của Bộ Chính trị, sau đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng [nay gọi là Phó Thủ tướng].

Bắt đầu thời kỳ hoạt động thơ văn từ sớm của độ thanh niên, Tố Hữu xuất hiện khi phong trào thơ mới đang ở thời kỳ cao trào với những tên tuổi như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... Trong đó, những chủ đề xoay quanh rung cảm của cái tôi cá nhân , về tình yêu đôi lứa, sự chiêm nghiệm về vui buồn của nhân thế, về sự sống và cái chết...

Trong khi đó, Tố Hữu cũng khởi đầu với tâm tư, suy nghĩ của một cá nhân nhà thơ, nhưng đó là những suy nghĩ của một người đã giác ngộ tư tưởng của Đảng, biết hướng suy tư cảm xúc của mình vào cuộc sống lao khổ của nhân dân, tự mình đứng vào hàng ngũ những người chiến đấu vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng con người của Đảng.  

Nhà thơ Anh Ngọc. [Ảnh: Báo Thể thao và Văn hóa]

Cũng vì thế mà ông Anh Ngọc nói đùa rằng: “Họ sống cùng thời, cùng là nhà văn, nhà thơ nhưng khác nhau như nước và lửa.”

Để phân tích rõ hơn quan điểm này, ông đã chọn hai bài “Từ ấy” và “Bầm ơi” để bình. Tố Hữu có hai tập thơ nổi bật là “Từ ấy” tập hợp các bài thơ từ năm 1945 trở về trước và tập thơ “Việt Bắc” viết trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Cả hai đều nêu bật tư tưởng tình yêu của ông với đất nước, với lý tưởng của Đảng.

Những từ ngữ mang xúc cảm mãnh liệt trong hai câu thơ đầy ấn tượng, nói về sự giác ngộ tư tưởng của Tố Hữu bấy giờ: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” khiến bất kỳ lứa học sinh nào từng học thơ ông trong sách giáo khoa đều ghi nhớ và  thường xuyên trích dẫn  khi gặp những tình huống hợp tình hợp cảnh.

Nói về chữ “ấy,” nhà thơ Anh Ngọc diễn giải đó là một từ rất chung, có thể chỉ bất cứ điều gì nhưng thật ra lại rất cụ thể và rõ ràng. Tố Hữu mặc nhiên đặt cho nó một nội dung, nội hàm lớn: chữ ‘ấy’ đánh dấu mốc của một thời đại mới trong tư tưởng người Việt Nam, thời đại của Đảng vô sản.

Bài thơ đúng với triết lý ‘Từ chân trời một người đến với chân trời mọi người,’ từ cái tôi tới cái chung khi cách mạng mở ra một trang sử được so sánh như mặt trời chói lòa, vừa soi sáng, vừa sưởi ấm trái tim, tâm hồn và trí óc của chúng ta. 

Tố Hữu tự gắn mình với những người cùng khổ, ông chủ động “buộc” tâm hồn mình với những người bị áp bức, những người nô lệ, ông hầu như thoát ra khỏi bản thể để hòa mình thành một phần của tập thể. 

“Đây là một bản tuyên ngôn bằng thơ của một nhà thi sỹ được cách mạng rọi sáng,” nhà thơ Anh Ngọc nhận xét. “Điều đó trong thơ bấy giờ hiếm lắm. Chỉ có những nhà các mạng đi làm thơ như Trường Chinh, Lê Đức Thọ... mới viết những đề tài như thế, mà cũng rất ít. Còn Tố Hữu trước hết là một nhà thơ đúng nghĩa, nhưng là một nhà thơ đi làm cách mạng.” Những cảm xúc, rung động trong thơ ông đầy chân thành, không một chút khiên cưỡng nào. 

Tình cảm ấy của Tố Hữu thật quá đỗi giản dị và thuyết phục, ông Anh Ngọc nói thêm. “Trong một bối cảnh xã hội như lúc ấy, đấy là một sự lựa chọn quá cao đẹp. Phải nói là chừng nào trên trái đất này còn những bất công ngang trái thì một sự lựa chọn như thế mãi mãi là cao cả.”

Nhưng đến đây mới là câu chuyện lý thuyết, lý tưởng ban đầu. Ở “Bầm ơi,” Tố Hữu đến với con người cụ thể, chính là những bà mẹ Việt Bắc. Bài thơ viết về anh bộ đội bày tỏ tình yêu với mẹ mình, nhưng là lời của người con đi theo cách mạng, yêu mẹ bằng tình yêu của một chiến sĩ cách mạng. 

Trong lời nhắn nhủ với người mẹ, Tố Hữu viết bốn câu thơ “Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí/Bầm quý con, bầm quý anh em./Bầm ơi, liền khúc ruột mềm/Có con có mẹ, còn thêm đồng bào” đã đặt tình cảm mẹ con riêng của hai con người với tình cảm lớn là những người mẹ và những đứa con của nhân dân. Như vậy, tình cảm cách mạng trong thơ Tố Hữu là đi từ cái riêng đến cái chung, rồi lại đi từ cái chung trở về với cái riêng, cái riêng và cái chung gắn bó, nâng nhau lên chứ không loại trừ nhau.

Sau khi hòa bình lập lại, ông dần dà nhận ra mình cũng cần trở lại những buồn vui riêng tư của con người bình thường - nhà thơ Anh Ngọc nghĩ như vậy khi nghe Tố Hữu tâm đắc đọc cho ông nghe bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về” của thi sỹ Nga Konstantin Simonov do chính ông dịch ra tiếng Việt, với chất giọng Huế rất ấm áp, rất tình cảm. Ông Anh Ngọc nhớ lại lần được gặp mặt trực tiếp với Tố Hữu tại nhà riêng của cố thi sỹ trên con phố Phan Đình Phùng. “Nếu có được sự tin tưởng của Tố Hữu thì ông ấy sẽ phơi bày ra hết tình cảm tâm tư của mình,” ông cho là như vậy. 

Để kết lại, nhà thơ Anh Ngọc nhận định: “Thì ra một khi đã trở thành máu thịt của cuộc sống thì ngay cả những điều to tát liên quan đến vận mệnh của dân tộc và nhân dân cũng trở thành câu chuyện riêng tư của từng số phận, những điều riêng tư mới kỳ vĩ làm sao. Có điều, chắc không phải ở đâu và bao giờ con người cũng có được những tâm thế thiêng liêng đến như thế.”

Nhà thơ Anh Ngọc, tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghệ An. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1980 và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng, như Giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1972-1973 cho chùm thơ của mình, trong đó có bài “Cây xấu hổ.”

"Cây xấu hổ" được viết năm 1972, khi nhà thơ Anh Ngọc đang chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, một bài thơ được nhà thơ Xuân Diệu rất thích và khen ngợi, ông còn được giải A cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1975 với trường ca “Sóng Côn Đảo,” giải văn học Sông Mê Công năm 2009 với trường ca “Sông Mê Công bốn mặt” và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Hiện ông đang sống tại Khu tập thể 4B Lý Nam Đế, Hà Nội, nơi được coi là ngôi nhà chung của nhiều văn nghệ sỹ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội./.

Minh Anh [Vietnam+]

Ngày đăng: 06-10-2020 Lượt xem: 9195

Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam; đồng thời cũng là một một cán bộ lãnh đạo cấp cao. Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông làm công tác văn nghệ, tuyên huấn ở chiến khu Việt Bắc và sau đó được giao đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam [1948]; Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ [1952]; Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền [1954]; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam [1963]; Ủy viên dự khuyết Trung ương tại Đại hội Đảng lần II [1951]; Ủy viên chính thức [1955]; Ban Bí thư tại đại hội Đảng lần III [1960]; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương tại đại hội Đảng lần IV [1976]; Ủy viên chính thức Bộ Chính trị [từ 1980]; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng từ 1981 tới 1986… Năm 1996, Tố Hữu được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật [đợt 1].

Thơ Tố Hữu hướng vào con đường cách mạng

Có thể nói Tố Hữu là người mở đường nền thơ cách mạng Việt Nam, bởi tiếng lòng và tâm hồn thi sĩ của ông như ông nói là "nghiệp dư" và những bài thơ trong tập thơ đầu tay Thơ [tái bản đổi tên thành Từ ấy, gồm những  bài viết từ năm 1937] chính là tuyên ngôn về cuộc sống của nhà thơ cho lý tưởng độc lập, tự do: "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim" và "mặt trời chân lý ấy" chính là lòng yêu nước nồng nàn, là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của Đảng mà người chiến sĩ trẻ nguyện đi theo. Những tập thơ tiếp theo như Việt Bắc [1954], Gió lộng [1961], Ra trận [1962-1971], Máu và Hoa [1977]… cũng chính là phản ánh hiện thực cách mạng Việt Nam, phục vụ con đường cách mạng Việt Nam.

Dấn thân theo cách mạng, người đảng viên cộng sản 18 tuổi đời sẵn sàng đón nhận gian khó và thách thức, thậm chí tù đày và hy sinh chính là vì lý tưởng cao đẹp như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[1]. Vì thế, con đường cách mạng Việt Nam, thực tế cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy vất vả, hy sinh của nhân dân ta trở thành niềm cảm hứng trong thơ của ông và đó cũng chính là nhằm mục đích giác ngộ cách mạng, phục vụ cách mạng.

Trong cảm nghĩ của mình, Tố Hữu canh cánh một nỗi niềm tranh đấu đầy quả cảm từ "Đi, bạn ơi, đi! Cả cuộc đời/Của ta nào chỉ của ta thôi!" [Đi] cho đến "Đường cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai" [Trăng trối]… Song những vần thơ tràn đầy nhiệt huyết, mê say đầy cảm hứng đó không lên gân mà chân thành, không hão huyền mà rất đời thường, bởi nó là kết quả sự thăng hoa cảm xúc: "Bao nhiêu hi vọng đem ngày mới/Với cả trời vui phủ địa cầu/Tôi đã nuôi trong lòng phấn khởi/Từ ngày chân bước xuống hầm sâu" [Hầm người]… thật khác, thật mới mẻ và tinh khôi so với: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” [Xuân Diệu],  "Mang mang thiên cổ sầu” [Huy Cận] hay “Tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” [Chế lan Viên]…

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thực cuộc kháng chiến, đời sống và suy nghĩ của người dân, người lính, từng bước ngoặt của mỗi giai đoạn cách mạng, v.v.. đều trở thành đề tài và hiện lên rõ nét, phong phú trong thơ Tố Hữu. Tấm gương anh hùng của La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Thị Lý, Hồ Giáo, đội nữ dân quân Hàm Rồng, đơn vị pháo cao xạ nữ Quảng Bình…đều trở thành nguồn cảm hứng cho thơ Tố Hữu. Đặc biệt, Tố Hữu viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những bài “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi”, "Cháu nhớ Bác Hồ", “Theo chân Bác”…, song với mỗi người dân Việt Nam, thì Tố Hữu đã nói hộ lòng mình khi ông viết: “Ta bên Người, người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”. Trong thơ Tố Hữu, từ bài “Huế tháng Tám", "Hồ Chí Minh", "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"… đến "Tiếng chổi tre", "Mẹ Tơm",  "Mẹ Suốt", "Bà má Hậu Giang", "Bài ca xuân 1961", "Ta đi tới", “Theo chân Bác”... đều là dễ nhớ, dễ thuộc, truyền cảm hứng và tác động sâu sắc đến suy nghĩ, tình cảm, tư tưởng và cuộc đời mỗi con người và cả một thế hệ người Việt Nam trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước…

Tố Hữu được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”

Vốn là nhà thơ sớm chọn con đường cách mạng, vừa làm cách mạng vừa làm thơ, làm thơ để làm cách mạng và làm cách mạng để làm giàu nguồn cảm hứng cho thơ; lại từng đã trải qua những năm tháng tù đày, thơ Tố Hữu là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật phục vụ cách mạng và nhà thơ chính là một người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Trong thơ ông, người đọc cảm nhận sâu sắc sự thống nhất giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa tâm hồn người chiến sĩ cách mạng và tâm hồn nhà thơ cách mạng; trong đó, mỗi bài thơ giàu chất nhạc, giàu âm điệu, vần điệu của dân tộc đều gắn với một con người cụ thể, một sự kiện cụ thể, một hình tượng và  gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc ta trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Trên mỗi chặng đường cách mạng Việt Nam, trong cả gian khó và thành công, mỗi người dân Việt Nam khi đọc thơ ông đều cảm thấy nguồn sức mạnh, bởi dù là trong những ngày đen tối hay trong niềm vui vỡ òa của chiến thắng thì những vần thơ ấy chính là trái tim Tố Hữu - trái tim người chiến sĩ cách mạng - trái tim một thi sĩ thật sự lãng mạn cách mạng.

Tố Hữu được tôn vinh là “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”, "một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu", “nhà thơ của nhân dân”,v.v.. bởi chính quá trình phát triển thơ của ông đi song song với tiến trình tiến triển về tư tưởng, trình độ giác ngộ và đóng góp của  Tố Hữu trong cách mạng.

Xuyên suốt chặng đường cách mạng của cuộc đời mình, thơ Tố Hữu là thơ của một con người biết trân trọng đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích, vì thế mà nguyện dấn thân vì lý tưởng, kiên tâm đi theo lý tưởng. Là tiếng nói của dân tộc mình, đắm mình trong văn hóa, cốt cách dân tộc của mình - dân tộc Việt Nam với bề dày hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng đã và đang ngày một phồn vinh và phát triển, thơ Tố Hữu độc đáo và khác lạ. Nói như Nguyễn Quang Thiều thì: "Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng".

Người cán bộ lãnh đạo tâm huyết trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Xuyên suốt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam và cuối cùng là cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, trí tuệ và tâm hồn Tố Hữu hòa quyện vừa trong tư cách nhà thơ vừa trong vai trò nhà lãnh đạo chủ chốt trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ.

Trong những năm gian lao kháng chiến, Tố Hữu luôn là người chiến sĩ xung kích ở tiền tuyến: từng tham gia chiến dịch Tây Bắc, từng vượt hiểm nguy theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để vào chiến trường miền Nam, để viết lên những tác phẩm thơ phản ánh sinh động về hiện thực tiền tuyến lớn miền Nam, chủ nghãi anh hùng cách mạng của nhân dân ta, góp phần làm cho ngọn lửa anh hùng cách mạng lan tỏa, soi rọi tâm hồn mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Đến khi nước nhà thống nhất, non sông liền một dải, cả nước cùng khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, ông lại tiếp tục góp sức mình thông qua những quyết định đầy sáng tạo để xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp với yêu cầu và tình hình của nhiệm vụ cách mạng mới.

Một trong những đóng góp không nhỏ của Tố Hữu chính là quyết định chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng; trong đó có ý kiến về việc đề nghị mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam ở vùng giải phóng miền Nam, hệ đặc biệt cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các tỉnh, thành phố miền Nam nhằm nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên… trong cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Đề nghị của ông được chấp thuận, hệ thống trường Đảng trong cả nước cũng được củng cố về tổ chức, đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo.

Không chỉ là người chiến sĩ xung kích mà còn là một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, những tác phẩm của Tố Hữu: Tổ chức cơ sở Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên [1968], Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy [1968], Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta [1973], Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo gương các điển hình tiên tiến [1978], Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau [1980], Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế [1985],v.v.. đã góp phần vào việc truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, với trọng trách của mình, ông đã góp phần vào việc hình thành chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế quan trọng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

 Đồng thời, cũng thông qua việc đi báo cáo, truyền đạt nội dung, tinh thần các văn kiện của Đảng trước và sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, mỗi Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, ông không chỉ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục qua các thời kỳ cách mạng mà còn thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hoá, giúp các cơ quan Tuyên huấn, trường Đảng, báo chí sớm có thông tin, tài liệu để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền được nhanh và hiệu quả. Cùng với đó, ông còn động viên, tập hợp, góp phần tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam, làm cho văn hoá, văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh trở nên sinh động, phong phú, lan tỏa trong thực tiễn hào hùng của đất nước.

Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, là người lính ở tuyền tuyến hay một cán bộ lãnh đạo của ngành, Tố Hữu đều gương mẫu với vai trò xung kích, tiền phong, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Với ông dấn thân vào con đường cách mạng, vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là nguyện tận tâm phấn đấu, thể hiện trí tuệ, tài năng và sự mẫu mực của mình./.

          TS. Trần Thị Bình

                                  Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr. 94

Video liên quan

Chủ Đề