Tại sao cần luyện chính âm trong tiếng Việt

Bây giờ, hình như người Việt ta nói sai ngữ âm và viết sai chính tả đang có nguy cơ trầm trọng hơn thế kỷ trước.

Từ nhà đến trường, từ chợ đến cơ quan, nhà máy… không mấy ai còn chú ý đến nói và viết đúng chính âm và chính tả.

Cuộc sống số trôi đi mau lẹ, tất bật cuốn đi nhiều thứ chuẩn mực và người Việt đã quen và chấp nhận nó như một tồn tại khách quan.

Dù nói thế nào, dù viết tắt hay sai chính tả thế nào, người ta vẫn hiểu. Nhưng nếu không sửa lỗi chính âm và chính tả, tiếng mẹ đẻ của chúng ta sẽ ra sao?

Người phát âm sai nhưng viết lại đúng nhiều hơn người viết sai, phát âm sai. Phần lớn họ đổ tại mạch đất của làng, ai cũng nói thế viết thế.

Cũng có người sửa được, nói và viết chuẩn đúng.

Thầy cô chính là thủ phạm viết sai chính tả!

Thầy cô giáo là người có tác động quyết định đến việc làm giảm các lỗi chính tả hiện nay, sau đó là các bậc phụ huynh bố mẹ, ông bà, anh chị, là các công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và người làm công việc in ấn, xuất bản...

Thực tế, nếu vấn đề chính tả được thống nhất và thực hiện chỉ trong phạm vi sách giáo khoa hay trong ngành giáo dục, mà không được lan tỏa rộng rãi toàn xã hội thì tiếng Việt có nguy cơ bị xé nát.

Ai cũng biết, bàn đến ngôn ngữ tiếng Việt là bàn về tiếng nói và chữ viết của dân tộc.

Tiếng nói có trước và chữ viết có sau. Tiếng nói đúng thì gọi là chính âm, chữ viết đúng thì gọi là chính tả.

Nói không đúng so với tiếng chuẩn gọi là lỗi chính âm, viết không đúng so với từ/tiếng chuẩn gọi là lỗi chính tả.

Chính tả là viết đúng, viết chuẩn theo quy tắc của một ngôn ngữ nhất định.

Tiếng Việt là thứ tiếng ghi âm bằng công cụ chữ quốc ngữ, có đặc điểm cơ bản là chữ ghi âm, không biến hình, biến âm khi sử dụng như tiếng Anh, tiếng Nga...

Viết thế nào đọc thế nên tình trạng nói sai dễ dẫn đến viết sai và ngược lại viết sai sẽ nói và hiểu sai ý nghĩa.

Tiếng nói ở cả ba vùng phương ngữ Bắc - Trung - Nam hầu hết đều có lỗi chính âm và lỗi chính tả.

Để định hướng chuẩn khi nói và viết, người ta buộc phải chọn các phát thanh viên truyền thanh, truyền hình trung ương của cả ba miền với yêu cầu khắt khe về tiếng Việt.

Sản phẩm sửa lỗi của học trò. Ảnh: Văn Lự

Mỗi vùng phương ngữ lại có những lỗi khác nhau, cách ngụy biện khác nhau và hợp thức hóa những sự sai ấy.

Từ người lớn đến trẻ em đều nói và viết sai những lại hiểu đúng thông tin nên việc góp ý, sữa chữa là điều không thể!

Để giảm các lỗi chính âm và chính tả chỉ còn biết trông chờ đội ngũ nhà giáo từ mầm non đến đại học.

Giáo viên có ảnh hưởng lớn đến việc nói và viết của người Việt ngay từ khi đến trường học nói và học viết tiếng mẹ đẻ.

Khi thầy cô nói và viết chuẩn sẽ tạo ra thói quen và hình thành kỹ năng nói đúng, viết đúng rồi nói hay và viết hay cho học trò. 

Thầy cô và cha mẹ chính là người uốn nắn và điều chỉnh việc dùng ngôn ngữ mẹ đẻ cho chính chuẩn ngay từ ban đầu.

Sinh viên Sư phạm đến từ nhiều vùng phương ngữ, thổ ngữ, cho nên lỗi chính âm, chính tả của họ rất phong phú. 

Việc bắt buộc sinh viên sư phạm nói và viết chuẩn cần được làm nghiêm túc.

Từ điển chính tả... sai chính tả

Một số nước phát triển đã đặt ra tiêu chuẩn khắt khe về ngữ âm và ngoại hình khi chọn tuyển sinh sư phạm nhằm đào tạo thầy cô đạt chuẩn về tính mô phạm của nhà giáo.

Thầy cô giáo có thể về quê nói theo giọng quê nhưng trên bục giảng buộc phải nói và viết đúng chuẩn tiếng Việt!

Lỗi chính tả người Việt mắc phải, không phân biệt vùng miền, như các phụ âm đầu cùng ghi một âm nhưng có nhiều cách viết khác nhau và đôi khi được công nhận thành quen: d/gi, ng/ngh, g/gh, c/k/q...

Chúng ta cũng khó áp đặt với hi vọng là thay đổi mặc định của ngôn ngữ từng vùng miền và các lứa tuổi.

Không ít người vẫn gọi theo sách thời học vỡ lòng [l/n] bằng lờ cao -lờ thấp; sờ nặng - sờ nhẹ, chờ nặng- chờ nhẹ,...

Một số vùng núi phía Bắc, hay miền Trung, miền Nam nước ta lại phát âm sai nghiêm trọng các dấu thanh sắc-ngã, nặng-hỏi làm cho viết cũng sai.

Giải pháp nói chuẩn, viết chuẩn ngay từ khi học nói và viết chữ của học sinh đã được làm rồi nhưng chưa hiệu quả và đang rất phổ biến.

Không ít thầy cô cũng sai nên không dám sửa cho ai. Bệnh thành tích cho lên lớp nhiều học sinh không biết đọc, biết viết và không viết đúng, nói đúng tiếng Việt còn rất phổ biến.

Thầy cô dạy Ngữ văn bỏ công sức sửa lỗi cho học trò nhưng chỉ như muối bỏ sông. Dường như số người nói chuẩn, viết chuẩn chỉ là con số lẻ của hơn 90 triệu dân ta?

Nhiều người sai lầm cho rằng lỗi chính tả là của thầy, trách nhiệm điều chỉnh là thầy cô Ngữ văn mà quên đi vai trò của gia đình “quen rồi, quê mình toàn nói thế”…

Khi người Việt chúng ta hội nhập thế giới, nếu không phát âm chuẩn và viết chuẩn các nguyên âm, phụ âm chắc sẽ dẫn đến nói và viết tiếng nước ngoài sai, máy dịch tự động cũng không thể dịch được.

Học tiếng nước ngoài, dùng tiếng nước ngoài mà không nói và viết đúng và chuẩn là làm mất đi lòng tự tôn dân tộc, làm mất đi gốc gác của chính mình!

Đành rằng, giáo viên Ngữ văn giữ vai trò quyết định trong việc nói, viết đúng và qua các giờ học, qua bài kiểm tra để phát hiện và yêu cầu học sinh chỉnh sửa.

Ai cần sửa lỗi chính tả?

Người viết bài này, giáo viên Ngữ văn, đã duy trì hàng chục năm nay hình thức chép lại để sửa lỗi chính tả cho học sinh. 

Số học sinh đã nhận biết và viết đúng, nói đúng tiếng Việt tăng lên. 

Học trò sửa lỗi bằng cách, nếu một chữ sai [bài kiểm tra viết] lớp 10, viết lại 200 chữ; lớp 11- 400 và lớp 12 là 600 chữ.

Bắt đầu từ bố mẹ, ông bà, anh chị dạy con tập nói đến trường Mầm non; từ việc trang bị tri thức về tiếng Việt đến kịp thời sửa sai, uốn nắn, điều chỉnh, rèn luyện các con thói quen nói - viết đúng chính âm - chính tả, tiến đến kỹ năng nói tốt, viết tốt tiếng Việt.

Việc sửa lỗi chính tả rất khó và lâu dài đòi hỏi sự hưởng ứng nhiệt tình và nỗ lực cùng hành động của mỗi người chúng ta trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống.  

Vấn đề thống nhất chính tả tiếng Việt là một việc bức thiết, cần làm ngay.

Các cơ quan truyền thông, ngành giáo dục và toàn dân cần thống nhất quan điểm hiểu đúng, dùng đúng và chuẩn về chính tả tiếng Việt theo quy định của Bộ giáo dục.

Việc nói và viết chuẩn chính tả vừa tình yêu tiếng mẹ đẻ, vừa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi nhà giáo, là của tôi và của bạn!

Nguyễn Văn Lự

Theo PGS Mai Xuân Huy, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ, nói ngọng là hiện tượng phát âm không chuẩn trong tiếng Việt. Ngôn ngữ chuẩn là một phương ngữ đã được chuẩn hóa, sử dụng trên đài phát thanh, truyền hình quốc gia và phương tiện truyền thông chính quy khác.

Nói ngọng hình thành trong một số cộng đồng phương ngữ địa lý, tồn tại hàng trăm năm. Nói sai "l, n" cũng do phương ngữ, xuất hiện ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, các tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng... Hiện tượng này sở dĩ phổ biến vì nhiều người sống trong cộng đồng nói ngọng, ít khi di chuyển. Họ cảm thấy việc đó bình thường, không cần thiết phải sửa. Trẻ em lớn lên trong cộng đồng đó sẽ nói ngọng như thói quen.

"Phương ngữ mang bản sắc văn hóa vùng miền. Giọng vùng Ba Vì không rõ thanh huyền Con bò vang, giọng Nghệ An, Hà Tĩnh, miền Nam..., tôi nghe rất dễ thương. Nghe tiếng nói, ta nhận ra người đó ở vùng nào. Cái đó không phải sửa và không nên đặt vấn đề sửa. Tuy nhiên, nói ngọng hai phụ âm đầu l, n lại là lỗi phải sửa", ông Huy nêu quan điểm.

Chuyên gia ngôn ngữ học dẫn chứng bất tiện của việc nói ngọng "l, n". Chẳng hạn khi gọi tên một người tên "Nam", ngọng thành "Lam"; "nước này là nước nào?", ngọng thành "Lước lày là lước Lào"... làm sai hoàn toàn nghĩa của từ và câu, gây cười hoặc khiến người nghe không hiểu.

"Tâm lý chung nhiều người cho rằng nói ngọng l, n là văn hóa thấp, không biết tự sửa chữa cho mình. Đặc biệt, đối với những người làm công việc như giáo viên, hướng dẫn viên, người truyền bá văn hóa, phát biểu trước đám đông, việc nói ngọng l, n khó được chấp nhận", ông Huy nói.

PGS Mai Xuân Huy, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ. 

Quảng cáo

Phát âm chuẩn "l, n" phải là tiêu chí bắt buộc của giáo viên

PGS Huy đánh giá chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" cùa Hà Nội rất sáng tạo. Tuy nhiên, việc triển khai "nhắc nhở" như hiện nay chắc chắn sẽ ít đem lại hiệu quả. Với giáo viên, cần đưa vào tiêu chí bắt buộc, bởi họ làm công việc truyền bá văn hóa kiến thức cho nhiều thế hệ. 

"Sửa phát âm ngọng cho giáo viên hoàn toàn được nếu có sức ép thi đua, tăng lương. Sở Giáo dục trực tiếp triển khai chương trình, cùng với khảo sát, đánh giá khoa học, sức ép sẽ lớn hơn nhiều so với nhắc nhở", ông Huy nói. 

Hơn 40 năm giảng dạy ngôn ngữ, PGS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học [Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn] tỏ ra gay gắt khi bắt gặp sinh viên ngọng. "Nói ngọng l, n không những gây hiểu lầm, gây cười mà còn biến vấn đề nghiêm túc thành ra chuyện bông phèng. Phát hiện sinh viên ngọng tôi đều dừng giảng để sửa ngay", ông Đạt kể.

Cách sửa nói ngọng "l, n" của PGS Đạt là yêu cầu sinh viên đó đứng tại lớp nói 10 lần câu "Làng tôi có một cô nàng mắt long lanh, lúng liếng, lung linh". Nhiều ngày sau, ông tiếp tục kiểm tra đến khi sinh viên đó sửa được.

Quảng cáo

"Tôi nghĩ việc phát âm chuẩn phụ âm đầu l, n cần đưa vào chương trình đào tạo sinh viên sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định bắt buộc đối với giáo viên các cấp học", PGS Đạt đề xuất.

Luyện phát âm chuẩn cần đưa vào nhiệm vụ của từng trường

Với bề dày lịch sử gần 60 năm, Đại học Thủ đô Hà Nội, tiền thân là Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, đã đào tạo hàng trăm nghìn giáo viên tiểu học khu vực phía Bắc. Việc phát âm chuẩn được lồng ghép trong các môn nghiệp vụ sư phạm, ngữ văn.

Đến kỳ thực tập, trường khảo sát, sàng lọc những sinh viên phát âm sai để mở lớp sửa trong một tháng. Trung bình mỗi lớp có 50-60 sinh viên, giảng viên môn ngữ văn xây dựng giáo trình phương pháp chữa phát âm sai. Tuy vậy, mỗi khóa đều có 2-3 sinh viên không được thực tập vì phát âm lệch chuẩn "l, n".

"Cấp tiểu học cực kỳ quan trọng đối với việc hình thành ngôn ngữ, chữ viết của học sinh. Với mỗi sinh viên sư phạm, phát âm chuẩn là điều kiện bắt buộc trước khi các em đứng lớp. Sinh viên bị gây sức ép, nếu không sửa được, chúng tôi không cho thực tập", TS Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội nói.

Theo ông Cường, việc sửa phát âm đối với từng cá nhân giáo viên, học sinh không khó, tự ý thức sẽ sửa được. Tuy nhiên, để thực hiện trên địa bàn tỉnh thành và cả nước cần khảo sát lập đề án, đòi hỏi công sức lớn, kiên trì trong nhiều năm.

TS Cường đưa ra phương án, chia tách từng khu vực, nhóm cụm trường để mở lớp cho giáo viên phát âm sai, theo dõi, khảo sát thường xuyên. "Luyện phát âm cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, đưa vào nhiệm vụ năm học của từng trường và không hạn định thời gian hoàn thành", ông Cường nói.

Chương trình sửa ngọng "l, n" của Hà Nội được thí điểm ở các trường tiểu học huyện Phú Xuyên từ năm 2009, mở rộng ở 13 huyện ngoại thành từ năm 2011, nhưng đến 2015 không còn là bắt buộc, chỉ nhắc nhở thực hiện.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng [nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội], người lập kế hoạch, chương trình đạt kết quả khả quan, mỗi năm giảm 2-10% số học sinh, giáo viên bị ngọng. Tuy nhiên, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ chuẩn hóa giọng Hà Nội vì việc này đòi hỏi phải làm lâu dài, 10 năm vẫn là "quá ngắn ngủi".

Cách phát âm chuẩn hai phụ âm đầu "l, n"

Cách phát âm L: Đặt đầu lưỡi ở vị trí hàm trên, nâng mặt lưỡi cong lên, chặn luồng khí lên mũi, đồng thời hai bên lưỡi hạ xuống để luồng không khí từ phổi lên, lách qua hai bên, cọ xát vào thành má, qua miệng mà thoát ra ngoài.

Cách phát âm N: Hai bên lưỡi áp vào hai bên miệng, đồng thời đầu lưỡi hạ xuống làm cho luồng không khí từ phổi lên không hoàn toàn qua đường miệng mà phải có một phần qua mũi thoát ra ngoài. Cảm giác như lưỡi thụt phía sau, đè xuống.

Video liên quan

Chủ Đề