Sự tự tin quá mức là gì

Lifestyle #Explain

#FORMAT

  • Thứ hai, 1/11/2021 10:14 [GMT+7]
  • 10:14 1/11/2021

Hiệu ứng Dunning-Kruger lý giải cách chúng ta tự đánh giá sai năng lực của bản thân.

Hiệu ứng Dunning-Kruger lý giải cách chúng ta thỉnh thoảng đánh giá sai năng lực của bản thân.

Điểm chính:

  • Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể là lời giải thích cho những lần ta "ảo tưởng sức mạnh".
  • Nó xảy ra với mọi người ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.
  • Học hỏi không ngừng là cách tốt nhất để hạn chế mức độ ảnh hưởng.

Linh Trần, 22 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi ngành Marketing của một trường Đại học ở TP.HCM.

Vì đã thực tập từ lúc đi học và sinh hoạt nhiều câu lạc bộ, Linh Trần mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí Digital Marketer của một công ty quảng cáo lớn.

Nhưng, chỉ một vài tuần, Linh nhận ra mình rất thiếu kinh nghiệm. Cô không lường trước những tình huống có thể xảy ra như ngân sách thay đổi, tiếp cận sai tệp khách hàng, không biết cách đo lường và tối ưu quảng cáo,...

Vì chủ quan bản thân vững kiến thức, phải mất một thời gian loay hoay, Linh mới chịu tìm hiểu những thứ mà cô tưởng mình đã "biết hết".

Trong tâm lý học, hiện tượng đó được gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger.


Những lần vô tình "ảo tưởng sức mạnh"

Hiệu ứng Dunning-Kruger được đặt tên theo hai nhà tâm lý học xã hội David Dunning và Justin Kruger.

Bắt nguồn từ việc quan sát nhiều người đánh giá sai khả năng thực tế của mình, họ đã tiến hành các thử nghiệm liên quan đến sự tự nhận thức, trong đó có bài kiểm tra mức độ tự nhận thức về logic, diễn đạt và tính hài hước.

Kết quả, hai nhà nghiên cứu phát hiện rằng sau 3 bài đánh giá, những người nói bản thân làm tốt hơn người khác lại có điểm số thấp, trong khi người thực sự làm tốt, nghĩa là họ có hiểu biết nhất định về bài tập, lại tự đánh giá mình thấp hơn thực tế.

Từ phát hiện này, Dunning và Kruger cho rằng lý do người ở nhóm 1 nhận định sai là họ chưa thực sự hiểu về lĩnh vực đã làm, do đó cũng không nhận ra trình độ của người khác cao đến đâu.

Verywell Mind định nghĩa hiệu ứng Dunning-Kruger là một dạng thiên kiến nhận thức, khi bạn tin rằng mình giỏi và có khả năng nhiều hơn thực tế.

Nói cách khác, hiệu ứng này khiến chúng ta khó nhận ra sự thiếu sót của bản thân, từ đó tự tin thái quá và dễ phạm sai lầm.

Ví dụ, khi mới tập lái ôtô, vì chúng ta không biết lái xe phức tạp ra sao nên đôi khi nghĩ rằng mình làm chủ tay lái tốt hơn người xung quanh.


Nguyên nhân là gì?

Tuy là một hình thức đánh giá sai, Dunning-Kruger không đại diện cho chỉ số IQ của bất cứ ai.

Hầu hết chúng ta trải qua Dunning-Kruger ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt là ở thời điểm "chân ướt chân ráo" bước vào một môi trường, ngành nghề nào đó.

Kiến thức và kỹ năng ở một lĩnh vực không thể chuyển giao 100% sang lĩnh vực khác. Đó là lý do người thông minh, dày dặn kinh nghiệm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi Dunning-Kruger.

Nghiên cứu của Dunning và Kruger sau đó được mô tả lại thành biểu đồ như sau:

  • Chúng ta dấn thân vào một lĩnh vực nào đó với kinh nghiệm và sự tự tin bằng 0.
  • Sau đó, chúng ta tự tin hơn với một ít kiến thức mới và bắt đầu nghĩ mình giỏi. Đây là giai đoạn ta ở "đỉnh cao của sự ngu ngốc" [Peak of Mount Stupid].
  • Tiếp theo, vì một vài thất bại, ta nhận ra bản thân không xuất sắc như mình tưởng và thất vọng - giai đoạn "thung lũng tuyệt vọng" [Valley of Despair].
  • Nếu có thể tự vực dậy, chúng ta sẽ leo lên "sườn dốc giác ngộ" [Slope of Enlightenment], quyết tâm mở rộng kiến thức để phát triển và bỏ qua sự tự cao.
  • Cuối cùng, chúng ta trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, thấu hiểu vấn đề cốt lõi và đứng ở "cao nguyên của sự bền vững" [Plateau of Sustainability].

Hiệu ứng Dunning-Kruger thường xảy ra ở giai đoạn 2 và 3. Trong nhiều trường hợp, không phải ai cũng vượt qua được và sẵn sàng trau dồi.

Vẫn ví dụ học lái ôtô, với một ít kỹ năng trong tay và nghĩ mình giỏi hơn người đi đường, bạn có thể đang ở "đỉnh cao của sự ngu ngốc".

Nhưng, nếu 1-2 lần phạm lỗi, nhận ra mình còn phải thực hành thêm và cẩn thận hơn sau tay lái, bạn sẽ bắt đầu bước đi trên "sườn dốc giác ngộ".

Trong khi khoảng thời gian mới vào thị trường chứng khoán là lúc hầu hết nhà đầu tư cẩn trọng, thì khi đã đầu tư được trên dưới 1 năm, nhiều người có thể mua bán theo cảm xúc hơn vì tin rằng mình đã đủ trải nghiệm. Đây là một ví dụ khác của Peak of Mount Stupid.

Theo Psychology Today, một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng "dậm chân tại chỗ" là áp lực xã hội.

Khi sự tự tin, thành đạt được đánh giá quá cao, nhiều người thà giả vờ giỏi chuyên môn hơn là thừa nhận lỗi lầm và mất mặt. Kết quả là họ mất niềm tin vào bản thân, lựa chọn sai, hoặc không thể phát triển và phát huy hết khả năng của mình.


Làm thế nào để hạn chế bị "giữ chân"?

Người trẻ chưa trải qua nhiều va vấp dễ rơi vào hiệu ứng này. Một cách để giúp đỡ họ là chân thành góp ý và hướng dẫn người đang dừng ở "thung lũng tuyệt vọng" làm thế nào để đi tiếp: đăng ký khóa học kỹ năng, tự học để vững chuyên môn, đọc sách tham khảo,...

Còn với chính mình, Healthline gợi ý chúng ta một số cách để chiến thắng Dunning-Kruger:

  • Cho bản thân thời gian. Việc quyết định nhanh chóng thường cho chúng ta cảm giác tự tin. Để tránh chọn sai, bạn nên quyết định khi và chỉ khi mình hiểu rõ vấn đề.
  • Tự phản biện. Hãy luôn đặt câu hỏi xung quanh điều bạn biết.
  • Lắng nghe và tiếp nhận ý kiến. Bạn có thể tìm đến lời khuyên của người đi trước, hoặc xem xét các lời phê bình để cân nhắc cải thiện.
  • Giải quyết vấn đề bằng nhiều cách. Thử phương pháp mới sẽ giúp bạn bớt đi vào lói mòn và làm tăng khả năng nhận thức.

Cuối cùng, thái độ cởi mở, tò mò có thể là hướng tốt nhất để chúng ta không ngừng học hỏi, tiếp cận cái mới và tránh những thành kiến như hiệu ứng Dunning-Kruger.

hiệu ứng Dunning Kruger tâm lý học ảo tưởng sức mạnh Zing Dunning Kruger đánh giá sai năng lực

Bạn có thể quan tâm

Chủ Đề