Sách chữ nổi cho người khiếm thị

Sách cho người khiếm thị có ba loại: sách nói [talking books], sách minh hoạ nổi [tactile books] và sách chữ nổi [braille books]. Một số điểm sản xuất, cung cấp sách nói, sách chữ nổi chủ yếu là sách giáo khoa... là hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, trường mù Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, thư viện sách nói Hướng Dương Trong đó, nơi sản xuất, phân phối sách nói chuyên nghiệp là thư viện khiếm thị thuộc thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.


Chỉ đáp ứng 60% nhu cầu?

Cô Nguyễn Thị Kim Nhung, phó phòng phụ trách bộ phận phục vụ người khiếm thị, thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cho biết việc sản xuất sách cho người khiếm thị vừa thiếu kinh phí, vừa thiếu nhân lực. Các dạng tài liệu cho người khiếm thị khi sản xuất và bảo quản đều tốn nhiều chi phí hơn sách chữ thông thường. Ngay từ đầu năm, cô phải đi xin tài trợ, nhưng khi có khi không. Như năm 2011 có hai mối tài trợ là Saigon Childrens Charity với 32 nhan đề sách nói, nhân bản làm mười bộ, cung cấp cho mười trung tâm khuyết tật tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; hiệp hội AmCham [Mỹ] tài trợ cho 30 sách minh hoạ nổi, nhân ba bản, dùng để mượn liên thư viện và phục vụ trên xe lưu động.

Năm 2011, việc sản xuất sách chữ nổi đành tạm ngưng vì thiếu kinh phí và vì việc sản xuất loại sách này phải dựa vào sự hỗ trợ của tình nguyện viên [thường là sinh viên]. Công việc này gồm nhiều khâu, từ đọc sách để ghi âm, xử lý kỹ thuật file âm thanh, ghi đĩa đến những việc thủ công tỉ mỉ như cắt, dán. Một tài liệu phải do một người đảm nhiệm để đảm bảo tính thống nhất, có khi hoàn thành xong một cuốn sách phải mất rất nhiều tháng. Một số sinh viên ban đầu tham gia nhiệt tình, nhưng về sau không thu xếp được thời gian hoặc xin được việc làm khác... đã bỏ ngang.

Tại trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh, nơi đang nuôi dạy gần 70 em khiếm thị, nhược thị trong độ tuổi từ năm đến ngoài 20 thì hai em phải dùng chung một bộ sách giáo khoa, do chi phí đặt mua mỗi bộ sách giáo khoa lên đến hàng triệu đồng. Cô Trần Thị Tuyết Tâm, hiệu phó trung tâm cho biết toàn trung tâm chỉ có 20 30 bản sách truyện minh hoạ nổi, gần 50 bản sách nói. Sách nói các em dùng tới dùng lui quá nhiệt tình, đồng thời còn san sẻ cho trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh gần đấy, nên rất dễ hư hỏng. Các cô tại đây thường tự mày mò làm thêm sách minh hoạ cho các em, cũng như tự làm các thiết bị dạy học, nhưng các tranh ảnh minh hoạ trong sách giáo khoa không thể chuyển sang sách chữ nổi được.

Từ những chuyến trao tặng sách thực tế, những lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư người khiếm thị cô Nguyễn Thị Kim Nhung ước chừng hiện chỉ mới đáp ứng được 60 70% nhu cầu sách cho người khiếm thị.

Thiếu sách chuyên đề giới tính, sách giải trí cho tuổi mới lớn

Cô Nhung trăn trở, sách cho người mù hiện nay vừa thiếu về số lượng, vừa không đa dạng về nội dung, loại hình. Các sách phục vụ việc học, sách lịch sử, kiến thức phổ thông còn tương đối, nhưng sách dành cho giải trí, thư giãn rất thiếu. Nhất là rất thiếu sách chuyên đề giới tính hay tình yêu tuổi mới lớn. Các sách này nếu là sách nói thì không phù hợp, vì các em cần được đọc thầm lặng, do đó, sách chữ nổi là cần thiết, nhưng để sản xuất được sách chữ nổi, cần kinh phí lớn.

Một sự thiếu thốn nữa là các máy móc, phương tiện trang bị giúp khai thác tài liệu. Để có thể sử dụng được hết ưu điểm của sách nói format DAISY [có thể đánh dấu trang, tiến nhanh tới trang từ mục lục] cần dùng máy Victor Reader, nhưng hiện nay, phòng khiếm thị thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM với quỹ FORCE [Hà Lan] chỉ mới cung cấp cho các thư viện tỉnh, các trung tâm, mái ấm mỗi nơi 1 2 máy.

Dù đã có nhiều phương tiện giúp người khiếm thị tiếp cận thông tin như truyền hình, radio, máy vi tính với phần mềm JAWS, NDC, máy phóng to chữ cho người nhược thị nhưng phù hợp kinh tế và hiệu quả hơn cả là các dạng tài liệu như đã kể trên. Bởi việc đọc chậm, đọc đi đọc lại giúp người khiếm thị có đủ thời gian tiếp nhận tri thức, lại không cần mua sắm nhiều máy móc Người khiếm thị ở nước ta chỉ mới được cho gì nhận nấy, không được đọc sách theo chuyên môn, sở thích, trong khi chỉ kể tại TP.HCM đã có rất nhiều nhà sách, nhà xuất bản... nhưng trong đó, không có một nhà xuất bản nào cung cấp sách cho người khiếm thị!

Thạch Thảo

Nguồn: Báo điện tử sài gòn tiếp thị media

Video liên quan

Chủ Đề