Phương pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Thiết thực triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 23/3, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng các sự kiện môi trường toàn cầu năm 2022, gồm: Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, làm mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm.

Vì vậy, chủ đề của Ngày Nước thế giới "Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình", Ngày Khí tượng thế giới "Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai" và Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 "Kiến tạo Tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ" có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Qua đó, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời ngay từ bây giờ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH. Trung bình mỗi năm, Việt Nam phải chịu từ 6-7 cơn bão. Những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất nhiều hơn gây trở ngại đến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây, thiên tai bất thường, cực đoan và khó dự đoán đã xảy ra.

Hoàn thiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu

Hưởng ứng 3 sự kiện nói trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.

Truyền tải thông điệp, thúc đẩy quá trình hợp tác, cam kết với quốc tế và thực hiện các hoạt động hưởng ứng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa và nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Hiện nay, phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0" đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Vì vậy, Bộ TN&MT mong muốn và đề nghị các bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm là những việc cần làm để góp phần quan trọng cho phát triển quốc gia phồn thịnh và bền vững, đảm bảo an ninh nước và sinh kế dựa vào nước.

Tại lễ phát động, các đại biểu đã cùng nghe bài phát biểu - thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022; phát biểu của lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, Đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố...

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đáp ứng đủ nhu cầu nhưng đã có dấu hiệu suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước. Do đó, cần xem xét các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước trên chính địa bàn Cần Thơ. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát nguồn nước xuyên biên giới phục vụ an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội.

"Giai đoạn tới, ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển để thực hiện các cam kết nêu trên. Đặc biệt, vùng ĐBSCL cần xây dựng và thực hiện quy hoạch tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do hoạt động khai thác nước ở thượng nguồn sông Mekong", ông Nguyễn Thức Hiện nhấn mạnh.

Tại lễ phát động, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã công bố kết quả và trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt giải cuộc thi "Khí tượng thủy văn trong em".

Thu Cúc


Ba giải pháp ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu 

Bộ TN&MT xác định 3 nhóm giải pháp cần ưu tiên hàng đầu để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Đó là: Nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu; giảm thiểu thiệt hại thiên tai và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục chú trọng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu với việc xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu cơ bản để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám;

Để giám sát khí hậu, Bộ TN&MT sẽ cập nhật, cụ thể hóa Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng và cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai của cả nước và chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương; Tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái [EbA], dựa vào cộng đồng [CbA] và dựa vào tự nhiên [NbS].

Nhằm hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là những vùng dễ tổn thưởng, Bộ TN&MT triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn thông qua các nhiệm vụ như đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái, Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần; Áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải; khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; chuẩn bị cho việc triển khai các công cụ định giá các-bon, xây dựng cơ sở pháp lý và hình thành thị trường các-bon, thuế, phí các-bon; Hướng dẫn triển khai, giám sát thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định [NDC] cập nhật của Việt Nam; xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam đến năm 2030; cập nhật định kỳ 5 năm theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; thiết lập hệ thống quốc gia về giám sát, báo cáo, thẩm định [MRV] cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; Thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia và các kế hoạch có liên quan. - Điều phối tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Bộ TN&MT xác định đến năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể qua trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu, điểm hình như nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm góp phần chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng tới giảm 7,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường [BAU] theo lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định [NDC].

Theo: N. Bách

Nguồn tin: monre.gov.vn

Cống ngăn triều Rạch Đĩa - Nhà Bè sẽ góp phần giúp ngăn xâm nhập mặn hoặc ngập úng cho thành phố trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng

Nghiên cứu của Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho thấy việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là nhiệt độ tăng, từ đó xuất hiện các trận mưa cực đoan liên tục trong khoảng 5 năm trở lại đây với cường độ mưa lớn đã gây ngập cho TPHCM, dẫn đến những thiệt hại về kinh tế - xã hội.

BĐKH cũng sẽ làm mùa khô kéo dài hơn và gây ra mưa lớn trong ngày hè. Điều này tác động lớn đến tài nguyên nước ở TPHCM. Dễ thấy nhất là tình trạng ngập lụt đô thị trong mùa mưa ngày càng tăng; gây nhiễm mặn các nguồn nước và suy thoái nguồn nước ngầm. Khi mực nước biển dâng, kết quả tính toán các kịch bản xâm nhập mặn trong trường hợp không có các công trình ngăn mặn cho thấy, khi ranh mặn đạt 0,25% thì độ mặn trên nhánh sông Sài Gòn vào các năm 2025, 2030, 2050 và 2100, khoảng cách với trạm bơm Hòa Phú sẽ lần lượt là 0,75km, 1,6km, 4,09km và 6,22km. Trên nhánh sông Đồng Nai, khoảng cách so với trạm bơm Hóa An, các số liệu tương ứng là 3,7km, 4,9km, 7,7km, 11,7km. 

Theo TS Nguyễn Văn Hồng, Phó phân Viện trưởng Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu, kết quả nghiên cứu này đã cung cấp cơ sở quan trọng cho việc hoạch định các giải pháp thích ứng xâm nhập mặn phù hợp, đảm bảo các hoạt động sinh hoạt và sản xuất tại địa phương. Khi các cống ngăn triều được đưa vào hoạt động, xâm nhập mặn giảm đáng kể trên các nhánh sông nhỏ như Bến Lức, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, rạch Phú Xuân [quận 7], rạch Cây Khô [huyện Nhà Bè]…, nhưng không có nhiều tác dụng đối với 2 nhánh sông chính Sài Gòn và Đồng Nai. 

Do đó, nếu không có hành động nào được thực hiện thì sự an toàn và sinh kế của người dân TPHCM sẽ bị đe dọa. TPHCM sẽ bị ngập lụt thường xuyên hơn, chất lượng nước nguồn nước sẽ bị suy giảm, những phiền toái do ngập lụt của những trận mưa cực đoan gây nên sẽ tăng và điều kiện sống sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Tăng cường năng lực ứng phó

Để thích ứng với BĐKH, UBND TPHCM đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động ứng phó. Theo đó, thành phố giao cho các sở ngành thực hiện các nhiệm vụ thuộc 10 lĩnh vực: quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch. Việc triển khai kế hoạch hành động sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của thành phố khi thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế  - xã hội; đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác ứng phó với BĐKH, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. 

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, để triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH theo chỉ đạo của UBND TPHCM, sở đã ban hành kế hoạch hành động với các mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển công trình xây dựng, đô thị, kỹ thuật đô thị phù hợp. Hiện sở đã hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng đầu tư cải tiến công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và công nhận tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng. Sở GTVT cũng tăng cường mở rộng mảng xanh, thắt chặt kiểm soát khí thải phương tiện tham gia giao thông và đặc biệt là khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện giao thông xanh… 

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, sở luôn xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cho người dân hiểu và biết cách chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường là công việc rất quan trọng. Do vậy, Sở TN-MT tập trung xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông và lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt. Sở cũng phối hợp các đơn vị liên quan biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền về giảm sử dụng túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường cho học sinh các cấp học, cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH thông qua các phong trào, hội thi, chiến dịch ra quân về môi trường... Riêng với hoạt động sản xuất, việc thắt chặt công tác hậu kiểm xử lý chất thải cũng được xem là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn nguy cơ tái ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố. 

Kỳ vọng, những giải pháp từ các cấp, ban ngành liên quan sẽ sớm “xanh hóa” lại môi trường cho người dân thành phố.

Nông nghiệp TPHCM chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của Phân viện Khoa học khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 0,67% nhưng đây lại là ngành chịu nhiều tác động của BĐKH.

Các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh có nền nông nghiệp chịu tác động của BĐKH cao nhất. Sự biến đổi dị thường của khí hậu ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. BĐKH tác động đến sinh trưởng, phát triển, thời vụ gieo trồng, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh tăng vụ, gây thiếu nước cho cây trồng, tăng dịch bệnh, dịch hại, làm giảm năng suất, sản lượng của cây trồng.

BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích nông nghiệp do mực nước biển dâng, nước sông bị nhiễm mặn, diện tích trồng trọt sẽ bị thu hẹp, thiếu đất canh tác. Thiên tai, bão lũ làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở…, ảnh hưởng tới tài nguyên đất.  

Ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, giảm lượng tiêu thụ thức ăn, giảm khả năng sinh sản, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến trồng trọt, làm giảm nguồn phụ phế phẩm trong chăn nuôi, thức ăn cho vật nuôi trở nên khan hiếm, làm tăng giá thành sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản tại các huyện vùng ven của thành phố

Theo Báo Sài Gòn

Video liên quan

Chủ Đề