Phong cách Retro ở Việt Nam

Điểm chung của ba bộ phim đình đám ra mắt vào cuối năm 2017 là lựa chọn gu thời trang đậm chất retro làm phong cách chủ đạo xuyên suốt bộ phim.

Retro có nghĩa là quay lại, cùng với phong cách vintage, retro quay trở lại làm nóng thị trường thời trang Việt Nam hơn bao giờ hết với những hot item, xu hướng thời trang từ những thập niên trước. Lấy cảm hứng từ những bộ trang phục xưa, trào lưu hoài cổ trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo ra những bộ trang phục phá cách, tinh tế và sang trọng. Trào lưu retro nhanh chóng làm điên đảo các tín đồ thời trang bởi cá tính độc đáo pha cổ điển, trên hết là sự thuận tiện và ứng dụng cao vào cuộc sống hiện đại.

Ở Việt Nam, phong cách retro đã trở lại vài năm gần đây, giúp các cô gái yêu cái đẹp biến hóa phong cách đa dạng. Khả năng sáng tạo và gu thẩm mỹ tinh tế đem đến màu sắc vừa cổ điển, vừa hiện đại.

Thời gian vừa qua, rất nhiều ca sĩ trong giới showbiz lựa chọn retro làm phong cách chủ đạo cho các sản phẩm âm nhạc đình đám của mình, như: Vì em quá yêu anh của Mỹ Tâm, Bao giờ lấy chồng của Bích Phương và đặc biệt là Cả một thời thương nhớ của Hồ Ngọc Hà.

Trào lưu retro không chỉ được các tín đồ thời trang, âm nhạc mê mẩn, mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim Việt Nam thời gian gần đây. Minh chứng là cả ba dự án phim nhận được nhiều kì vọng nhất từ khán giả Việt cuối năm 2017: Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng và Tháng năm rực rỡ đều mang màu sắc Retro hoài cổ.

Tháng năm rực rỡ

Nếu các tín đồ yêu thích trào lưu retro, không thể bỏ qua bộ phim Tháng năm rực rỡ. Phim mang đậm màu sắc và phong cách retro với dàn diễn viên tạo hình cổ điển, quyến rũ sẽ khiến khán giả mãn nhãn.

Câu chuyện thời thanh xuân những năm 1970 được gợi nhắc lại trong bối cảnh hiện tại diễn ra vào năm 2000, Tháng năm rực rỡ gây ấn tượng bởi trang phục nhiều màu sắc, trên tổng thể bức tranh cổ điển, cùng sự kết hơp các item như đôi tất cổ cao, chiếc ô trong suốt, Tất cả đều mang hơi thở xưa cũ, khắc họa rõ nét năm tháng tuổi trẻ vui tươi, dại khờ thời cắp sách đến trường.

Tháng năm rực rỡ kể về hành trình tìm lại kí ức thanh xuân của Hiểu Phương [Hồng Ánh] và nhóm nữ quái Ngựa Hoang. Khán giả như tìm thấy chính mình xưa cũ cùng nhóm bạn qua những câu chuyện buồn vui cùng nhân vật, những trò đùa nghịch ngợm hay suy nghĩ dại dột thời đi học của Ngựa Hoang chắc chắn sẽ khiến khán giả vừa bật cười, vừa xao xuyến về những hoài niệm thanh xuân tươi đẹp không một lần trở lại.

Tình cờ gặp lại người bạn cũ Mỹ Dung [Thanh Hằng] và cũng là trưởng nhóm Ngựa Hoang, Hiểu Phương đau xót khi biết bạn đang mắc bệnh hiểm nghèo, cũng để thực hiện tâm nguyện của bạn thân, Hiểu Phương quyết tìm lại các thành viên của nhóm. Hành trình đi tìm những người bạn cũ cũng chính là hành trình để Hiểu Phương trở về với những tháng năm rực rỡ của cuộc đời mình.

Phim có sự tham gia của dàn diễn viên tài năng của hai thế hệ. Hồng Ánh trở lại màn ảnh rộng sau 2 năm vắng bóng, kể từ sau bộ phim đình đám Em là bà nội của anh. Thanh Hằng tiếp tục mối duyên với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với vai diễn trưởng nhóm nữ quái Mỹ Dung. Đây cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của những gương mặt vốn rất quen thuộc với khán giả như Mỹ Duyên, Mỹ Uyên​​

Hoàng Yến Chibi đảm nhiệm vai chính đầu tiên khi hóa thân vào vai thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm Hiểu Phương, trong khi Hoàng Oanh sẽ là phiên bản Mỹ Dung thời trẻ của Thanh Hằng. Bộ phim là sự quy tụ của dàn diễn viên trẻ đầy triển vọng như Jun Vũ, Khổng Tú Quỳnh, Thanh Tú, Trịnh Thảo, Minh Thảo

Cô Ba Sài Gòn

Ngay từ khi ra mắt poster đầu tiên, phim đã khiến người xem tò mò và choáng ngợp bởi màu sắc đậm chất xưa cũ của Sài Gòn thập niên 60. Từ trang phục áo dài, cách trang điểm, kiểu tóc đến tạo dáng của dàn diễn viên gồm NSND Hồng Vân, Diễm My 6X, Ngô Thanh Vân, Diễm My 9X, Ninh Dương Lan Ngọc, Oanh Kiều đều mang phong cách những mỹ nhân thời xưa.

Màu sắc, hình ảnh, phông chữ, cách sử dụng từ ngữ trên poster thể hiện sự đầu tư công phu và nghiêm túc trong việc đưa văn hóa Sài Gòn xưa đến gần với công chúng ngày nay. Nội dung phim xoay quanh mâu thuẫn giữa hai mẹ con Thanh Mai Như Ý ở nhà may áo dài có truyền thống lâu đời Thanh Nữ. Người xem được dịp nhớ lại những tấm biển hiệu, phong cách ăn mặc, trang điểm của những minh tinh Sài Gòn thế kỉ trước.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng nhận xét trên trang cá nhân của mình: Nói chung, mình thích hết mọi thứ của cái poster này. Hồi làm phim Em là bà nội của anh, mình cũng mong muốn mang tinh thần này vào, áo dài chít eo, tóc bới cao, cùng với font chữ vintage thiệt đẹp và rất Sài Gòn vào. Đẹp quá, nhìn thích luôn, yêu luôn. Đã vậy, phim toàn các gương mặt đẹp khả ái nữa chứ.

Phong cách retro không chỉ được thể hiện qua hình ảnh áo dài truyền thống Việt Nam, mà còn thể hiện qua màu sắc, bố cục poster với những từ ngữ đặc trưng Sài Gòn xưa như cuốn phim thời trang, tình cảm diễm lệ, nhứt trần ai, minh tinh nổi tiếng nhứt Sài Gòn, phim màu, nói tiếng Việt, màn ảnh đại-vĩ-tuyến,

Trong teaser phim, hình ảnh Ngô Thanh Vân trong vai Thanh Mai chủ nhà may Thanh Nữ cẩn thận, tỉ mẩn may, đo áo dài gây ấn tượng cho người xem. Khán giả được chứng kiến người phụ nữ Việt duyên dáng, yêu kiều với trang phục truyền thống, nhưng vẫn thể hiện được cá tính mạnh mẽ, quyết đoán. Do đó, mỗi poster, teaser hay hình ảnh mới của Cô Ba Sài Gòn tung ra trên thị trường đều nhanh chóng nhận được sự quan tâm sâu sắc của khán giả. Đặc biệt, poster phim mới tung ra đã trở thành tâm điểm chế ảnh trên các trang mạng xã hội, hẳn là ai cũng một lần muốn hóa thân thành Cô Ba Sài Gòn.

Lấy bối cảnh thập niên 60, khi áo dài Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xen lẫn sự du nhập của Âu phục phương Tây, phim xoay quanh mâu thuẫn giữa chủ nhà may Thanh Nữ và con gái Như Ý truyền nhân Thanh Nữ nhưng thích chạy theo bộ đồ phương Tây thời thượng. Trải qua một quá trình dài nhận thức, cô gái trẻ Như Ý mới cảm nhận về nét đẹp áo dài, cũng như các giá trị văn hóa Việt Nam cần được lưu truyền và phát huy. Lời dẫn ở teaser vừa nhẹ nhàng, vừa sâu cay: Chỉ đến khi đánh mất một điều gì đó, thì ta mới biết trân trọng nó.

Mẹ chồng

Bên cạnh Tháng năm rực rỡ, Cô Ba Sài Gòn, tác phẩm điện ảnh Mẹ chồng cũng gây ấn tượng với người xem về trang phục, tạo hình nhân vật bắt mắt. Ngay từ poster phim, hình ảnh Thanh Hằng quý phái, quyền lực giúp khán giả hình dung, phỏng đoán về cô Ba Trân khôn ngoan, chịu nhiều ảnh hưởng từ nền giáo dục phong kiến. Bên cạnh quần áo, kiểu tóc, những chi tiết nhỏ như nhẫn, khuyên tai hay vòng đeo cổ của nữ diễn viên đều được chăm chút, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tất cả nhân vật trong phim như nàng dâu Tư Thì [Lan Khuê thủ vai], Tuyết Mai [Midu đóng] hay mợ Bảy Loan [Ngọc Quyên] đều toát lên hình ảnh người phụ nữ xưa. Nếu Tuyết Mai trong sáng, Bảy Loan dịu hiền thì Tư Thì gây ấn tượng bởi sự đoan trang, đài các nhưng vẫn bí ẩn. Mẹ chồng như một bộ phim về chốn thâm cung, nơi các người đẹp chạy đua trong một cuộc chiến quyền lực lắm mưu mô, thủ đoạn.

Mẹ chồng lên án sâu sắc tư tưởng lệch lạc ở quá khứ. Xoay quanh gia đình trưởng giả Hội đồng Lịnh, phim kể về cuộc đời những nàng dâu đầy bi kịch, để cuối cùng, họ tự chèn ép nhau, nhân bản nỗi đau. Từ điểm nhìn hiện tại, nhìn về thuở trước, khán giả khẳng định rằng mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, vợ cả vợ thứ trở nên gay gắt hơn bởi chính các giáo điều, luật lệ hà khắc, phong kiến.

[Nguồn: baomoi]

Rate this post

Video liên quan

Chủ Đề