Nghị định 130 hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng

Ông Phạm Minh Khôi - Phó Chánh Thanh tra tỉnh

Phóng viên: Xin ông cho biết một số điểm mới của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ?

Ông Phạm Minh Khôi: Nhằm cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị [có hiệu lực từ ngày 20/12/2020] để thay thế Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Việc thay đổi cụm từ “Minh bạch” sang “Kiểm soát” tài sản, thu nhập là điểm mới của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Nghị định gồm 8 chương, 25 điều và có một số điểm mới như sau:

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập: Đối với các trường hợp phải thực hiện kê khai lần đầu: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an Nhân dân; sĩ quan Quân đội Nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định cũng qui định cụ thể về người lần đầu giữ vị trí công tác phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.

Nghị định phân thành 3 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm gồm: Các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.

Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.

Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trừ các trường hợp đã thực hiện kê khai hằng năm, các đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản thu nhập lần đầu thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập.

Nghị định cũng qui định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng qui định về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai…

Phóng viên: Xin ông cho biết, thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất được tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người có chức vụ, người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?

Ông Phạm Minh KhôiTrước đây, việc kê khai tài sản được đánh giá là còn hình thức và chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chính vì vậy, nhiều giải pháp mới đã được thể chế hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất được tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp thì nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, trọng tâm là các nội dung sau:

Phải rà soát, lập danh sách đầy đủ những người có nghĩa vụ kê khai để tránh bỏ lọt đối tượng phải kê khai lần đầu; tổ chức kê khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đặc biệt là khâu rà soát nội dung bản kê khai để bảo đảm kê khai đúng mẫu, đúng hướng dẫn. Các trường hợp kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ phải kiên quyết yêu cầu kê khai lại.

Phải tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định và lựa chọn hình thức niêm yết hay công bố tại cuộc họp sao cho phù hợp nhất với tính chất tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đối với người tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp thì phải công khai theo đúng quy định của pháp luật bầu cử. Điều này sẽ góp phần quan trọng để phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như cung cấp thông tin giúp cử tri xem xét, quyết định lựa chọn người xứng đáng để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Đồng thời cần tổ chức tốt việc kiểm tra, xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc kiểm tra xác minh khi có tố cáo hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền và kiểm tra, xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hằng năm.

Thanh tra tỉnh cũng đã tích cực đôn đốc các sở, ngành, địa phương về thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức theo Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là người có chức vụ, quyền hạn và người chuẩn bị ứng cử ĐBQH đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phóng viên: Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Minh Khôi: Để Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống góp phần tích cực thực hiện công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Nghị định; xây dựng kiện toàn các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc kê khai tài sản của người có chức vụ quyền hạn theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp không kê khai, chậm hoặc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản thu nhập và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đến cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo quy định để nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác triển khai thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập; phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Các cán bộ, công chức, viên chức nắm rõ các nội dung của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập. Chủ động triển khai thực hiện các nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản thu nhập và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Tuân [thực hiện]

1. Tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo Điều 34, Luật Phòng, chống tham nhũng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đảm bảo thời gian, trình tự được quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

- Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm a, khoản1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng và gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 15/12/2021; hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập cho người có nghĩa vụ kê khai; lập sổ theo dõi kê khai, giao, nhận bản kê khai theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng [danh sách người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên được lập riêng].

2. Thực hiện kê khai tài sản, thu nhập

2.1. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; mẫu kê khai và thời gian thực hiện hiện kê khai

- Kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên theo định tại khoản 2, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Kê khai hằng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 10 Nghị định số130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

- Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai hằng năm thực hiện theo Phụ lục I, mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập bổ sung thực hiện theo Phụ lục II kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

- Thời gian thực hiện việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

2.2. Việc tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Người có nghĩa vụ kê khai nộp 02 bản kê khai tài sản, thu nhập cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ. Cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tổng hợp danh sách người có nghĩa vụ kê khai [theo mẫu gửi kèm], bàn giao 01 bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Phòng, chống tham nhũng và danh sách người có nghĩa vụ kê khai theo mẫu về Thanh tra tỉnh trước ngày 20/01/2022 [đồng thời gửi bản mền danh sách tổng hợp vào mail công vụ: ]. Đối với bản kê khai của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên lập danh sách riêng và bàn giao về Thanh tra tỉnh để tổng hợp bàn giao về Thanh tra Chính phủ.

*Lưu ý một số trường hợp có sự thay đổi vị trí công tác thực hiện như sau:

- Đối với các trường hợp tiếp nhận [từ các cơ quan Đảng, Đoàn thể, cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh...], bầu cử, bổ nhiệm mới, bố trí vào vị trí công tác theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng thì cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nộp bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu để bàn giao về Thanh tra tỉnh [cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập].

- Đối với các trường tiếp nhận từ các cơ quan hành chính khác trong tỉnh [đã thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu] thì cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm thông báo bằng văn bản [ghi rõ họ, tên, chức vụ đơn vị ở cơ quan trước khi chuyển đến] gửi về Thanh tra tỉnh để thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.

- Đối với các trường hợp đã nghỉ hưu, nghỉ thôi việc theo quy định, chuyển công tác sang tỉnh khác, các cơ quan quan Trung ương... thì cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm thông báo bằng văn bản [ghi rõ họ, tên, chức vụ đơn vị trước khi nghỉ, chuyển công tác; thời điểm nghỉ, thời điểm chuyển công tác] gửi về Thanh tra tỉnh để thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.

Video liên quan

Chủ Đề