Mô hình tố tụng hình sự là gì

Tố tụng hình sự [TTHS] là quá trình giải quyết vụ án hình sự, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng hình sự, người tham gia TTHS, các cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội và cá nhân tiến hành các hoạt động theo đúng trình tự do pháp luật quy định, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Trong lịch sử, các học thuyết tố tụng hình sự đã thừa nhận sự xuất hiện và tồn tại đối với những hình thức giải quyết vụ án hình sự ở mỗi quốc gia khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, song tập trung vào bốn hình thức TTHS cơ bản, đó là: Tố tụng tố cáo, tố tụng thẩm vấn [tố tụng xét hỏi], tố tụng tranh tụng và tố tụng pha trộn.

1. Về hình thức tố tụng tố cáo. Hình thức này được hình thành từ thời chiếm hữu nô lệ, vì vậy, nó mang nhiều dấu vết dân chủ của thời kỳ thị tộc tan dã. Hình thức tố tụng này tồn tại và phát triển mạnh trong thời kỳ đầu của xã hội phong kiến. Nét đặc trưng cho hình thức tố tụng này là thừa nhận vị trí đặc biệt của người buộc tội, họ chính là người bị thiệt hại. Việc tiến hành các hoạt động tố tụng hay chấm dứt các hoạt động tố tụng tùy thuộc vào ý chí của các bên, đặc biệt là người bị thiệt hại. Chủ thể buộc tội là người bị thiệt hại nên khởi nguyên của hình thức này là tư tố. Nhưng về sau này, do nhận thức rằng hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến lợi ích cá nhân mà còn gây ra những thiệt hại cho xã hội, cho Nhà vua. Mặt khác, để hạn chế tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để gây thiệt hại cho người khác, pháp luật quy định khi tố cáo hành vi phạm tội, người tố cáo phải tuyên thệ và nếu người bị tố cáo trắng án thì người tố cáo có thể bị xử phạt, điều đó đã làm cho việc tố cáo trở nên đình trệ. Do vậy, chủ thể buộc tội được chuyển giao cho người đại diện lợi ích của Nhà vua, tư tố chuyển dần sang công tố. Có thể nói, đây là hình thức tố tụng cổ xưa nhất và được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng, nhưng vào thời điểm khác nhau có nước trải qua sớm, có nước trải qua muộn.

2. Về hình thức tố tụng thẩm vấn [tố tụng xét hỏi]. Hình thức tố tụng này xuất hiện vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ, trong các Tòa án tôn giáo và dần dần thâm nhập vào Tòa án thường. Hình thức này phát triển phổ biến nhất vào thời kỳ quân chủ và được chính quyền của giới quý tộc sử dụng rộng rãi.

Đặc điểm của hình thức tố tụng thẩm vấn được tiến hành bằng hình thức viết, bí mật, không trực diện. Tuy nhiên, về các chức năng tố tụng lại không được phân biệt rõ ràng và được thể hiện ở những góc độ khác nhau. Đặc biệt là chủ thể thực hiện chức năng tố tụng chưa được phân định cụ thể mà hầu như chỉ tập trung vào chủ thể thực hiện chức năng xét xử là Tòa án. Ở hình thức này, người bị hại bị đặt ra khỏi vai trò của người buộc tội và thay vào đó là một công chức; bị can, bị cáo bị hạn chế khả năng bào chữa, họ không được xem là một bên của tố tụng mà chỉ là khách thể của tố tụng.

Nguyên tắc cơ bản của hình thức tố tụng này là suy đoán có tội đối với người bị tình nghi. Nó hạn chế đến mức tối đa việc khiếu nại đối với các bản án đã được tuyên; nguyên tắc sử dụng việc thừa nhận lỗi của bị can, bị cáo là chứng cứ quyết định. Cùng với sự phát triển của lịch sử hình thức tố tụng này ngày càng có chiều hướng thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ hơn, dân chủ hơn như hủy bỏ việc tra tấn, nhục hình, tiến hành điều tra sơ bộ, quy định chặt chẽ thủ tục điều tra, xét xử và cao hơn hết là thừa nhận một số quyền cơ bản của cá nhân. Trong hoạt động tố tụng, nguyên tắc suy đoán có tội bị bãi bỏ nhưng chưa áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Trách nhiệm chứng minh thuộc về bên khẳng định chứ không thuộc về bên phủ định. Ở hình thức tố tụng này chức năng xét xử đã có nhiều biểu hiện độc lập hơn trong mối quan hệ với chức năng buộc tội. Quyền của bên buộc tội được quan tâm hơn, chức năng bào chữa ngày càng trở nên quan trọng, điều đó cũng đồng nghĩa là chức năng buộc tội sẽ ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, mặc dù đã có những tiến bộ, thay đổi nhất định song ở hình thức tố tụng này vẫn chưa phân định rõ các chức năng tố tụng theo thực chất, Thẩm phán vẫn giữa vai trò trung tâm của quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh vụ án.

3. Về hình thức tố tụng tranh tụng. Hình thức này hình thành từ hình thức tố tụng tố cáo, phổ biến nhất là vào thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIII ở các nước theo truyền thống án lệ, nơi xuất hiện đầu tiên là ở Anh quốc. Hình thức tố tụng này được phản ánh rõ nét nhất thông qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa giữa một bên là Nhà nước mà chủ thể đại diện là Tòa án và một bên là công dân bị nghi thực hiện tội phạm. Trong quá trình tranh tụng, các bên có quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau, có quyền đưa ra các tài liệu nhằm chứng minh làm rõ vụ án hình sự. Sự bình đẳng đó không chỉ diễn ra tại phiên tòa mà còn thể hiện ở tất cả các nội dung, các giai đoạn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Biểu hiện rõ nét nhất của hình thức này là trong hoạt động xét xử Tòa án đóng vai trò trung tâm. Trên cơ sở tranh tụng giữa các bên tham gia tố tụng, Tòa án nhận định và đưa ra bản án thích hợp. Ở một số nước tiên tiến như như Mỹ, Anh... hình thức này đến nay vẫn còn đang được sử dụng.

4. Về hình thức tố tụng pha trộn. Hình thức này được xuất hiện lần đầu tiên trong pháp luật hồi giáo, đó là sự pha trộn giữa hình thức tố tụng thẩm vấn và hình thức tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên, nội dung của tố tụng thẩm vấn vẫn chiếm phần cơ bản, vì ở đây hầu như không có sự tách biệt giữa Thẩm phán và Điều tra viên. Một số quy định của tố tụng tranh tụng cũng được áp dụng như quyền phản đối lời buộc tội, quyền giữ im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cũng như một số hình thức khác, hình thức tố tụng pha trộn đã có những đổi mới theo hướng dân chủ, tích cực và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia. Thực chất của hình thức tố tụng này là việc kết hợp giữa hình thức tố tụng thẩm vấn với hình thức tố tụng tranh tụng. Ở giai đoạn trước xét xử, các hoạt động tố tụng hầu như được tiến hành bí mật, hạn chế sự tham gia của những người liên quan. Mọi hoạt động đều được ghi thành biên bản, bị can, bị cáo hầu như bị tách khỏi quá trình tố tụng. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử thì phiên tòa được diễn ra công khai, quyền bình đẳng trước tòa và quyền bào chữa cho bị can, bị cáo được ghi nhận, các bên buộc tội và bào chữa có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc đưa ra các chứng cứ hoặc các yêu cầu. Tòa án đóng vai trò là trọng tài đảm bảo các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Các nhà nghiên cứu về nhà nước và pháp luật cho rằng, dù ở các mô hình tố tụng khác nhau, các quốc gia tiến bộ cũng đều rất quan tâm đến vấn đề tranh tụng và ở những mức độ khác nhau, bằng các cách thể hiện khác nhau, yếu tố tranh tụng ngày càng được phổ biến và đề cao trong các mô hình tố tụng.

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù hoạt động TTHS về cơ bản vẫn đang áp dụng mô hình tố tụng xét hỏi, hoạt động tố tụng được chia thành các giai đoạn tố tụng [khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án], song những năm gần đây cùng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... lĩnh vực tư pháp hình sự ở nước ta cũng đã có nhiều đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đề ra[*]. Hoạt động tranh tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm đã được quan tâm, quán triệt trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đã từng bước được hiện hữu, kết quả của tranh tụng ngày càng được khẳng định rõ hơn trong các hoạt động tố tụng, đặc biệt là trong các phán quyết của Tòa án, góp phần bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, đúng người, đúng tội. Các bên tham gia trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Các quan điểm trên bước đầu đã được ghi nhận trong pháp luật TTHS. Điều 19 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, điều kiện thực tế để thực hiện quy định này là rất hạn chế. Nhiều trường hợp bị can, bị cáo, người bào chữa... không thực sự bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật để đưa ra tranh tụng công khai tại phiên tòa, việc tranh tụng chỉ mang tính hình thức. Nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ trước đó được Luật sư phản bác nhưng không được Kiểm sát viên giữ vai trò công tố tranh luận công khai, không được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xem xét trước khi tuyên án.

Mặc dù đã có nhiều đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp, tranh tụng đã từng bước được nâng lên và được hiện hữu nhiều hơn trong các giai đoạn của TTHS, nhất là ở giai đoạn xét xử. Song, do chưa có một mô hình tố tụng tranh tụng hoàn chỉnh, nên vai trò trọng tài của Chủ tọa phiên tòa vẫn chưa thể hiện đầy đủ theo đặc điểm của tố tụng tranh tụng. Phần lớn họ vẫn bị lệ thuộc quá nhiều vào hồ sơ có sẵn và không ít trường hợp, theo quy định của pháp luật họ còn thực hiện cả chức năng chứng minh tội phạm và buộc tội của Kiểm sát viên.

Tóm lại, vấn đề tranh tụng trong TTHS đã được Việt Nam quan tâm thực hiện trong những năm gần đây và đang từng bước được đổi mới, cải cách để mở rộng tranh tụng. Mặc dù TTHS ở nước ta về cơ bản vẫn theo mô hình tố tụng xét hỏi, đề cao vai trò chứng minh làm rõ vụ án của các cơ quan THTT, người THTT, song đến nay nhiều nội dung tiến bộ trong mô hình tố tụng tranh tụng đã được áp dụng phổ biến trong các giai đoạn tố tụng, nhất là giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Các chủ thể tham gia tố tụng như Luật sư, bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền và nghĩa vụ liên quan... đã được dân chủ, bình đẳng hơn trong việc đưa ra các đồ vật, tài liệu, lý lẽ để tranh luận công khai tại phiên tòa. Phán quyết của Tòa án đã dựa nhiều trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Các cơ quan tư pháp, đặc biệt trong đó là Cơ quan điều tra đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm quyền hành nghề của Luật sư, quyền bào chữa của bị can, người bị tạm giữ. Vì vậy, có thể nói, xu hướng tất yếu của TTHS ở Việt Nam trong thời gian tới là việc kết hợp của mô hình tố tụng pha trộn, vừa mang những yếu tố tích cực của mô hình tố tụng tranh tụng, vừa mang những đặc điểm cơ bản của mô hình tố tụng xét hỏi, điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người THTT và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

[*] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

ThS. HOÀNG VĂN HIỆU - NGUYỄN VIỆT HÀ

Bộ môn Pháp luật - Học viện Cảnh sát nhân dân

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số20/2012

Video liên quan

Chủ Đề