Hướng dẫn phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt theo quy định pháp luật

Phạm tội chưa đạt được hướng dẫn và quy định tại 01/2000/NQ-HĐTP [Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự], nội dung cụ thể về phạm tội chưa đạt như sau:

a. Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 thì tội phạm chưa đạt là trường hợp đã bắt đầu cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người tội phạm. Khác với chuẩn bị phạm tội, thì người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt [bất kỳ tội phạm nào do cố ý]. Tuy nhiên, cần chú ý là chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà người phạm tội không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ thuộc khoản nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì mới áp dụng khoản, điều luật tương ứng đó. Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó.

Ví dụ 1: Một người tội phạm có tính chất chuyên nghiệp đang phá khoá để trộm cắp chiếc xe máy Dream II thì bị bắt hoặc một người chưa có tiền án, tiền sự đang trộm cắp tài sản có giá trị 100 triệu đồng thì bị phát hiện. Những người này sẽ bị xét xử theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 [điểm c hoặc điểm e].

Ví dụ 2: Một người đã bị xử phạt 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xoá án tích mà lại phá khoá cửa vào nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, nhưng chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì hành vi của người này đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng không xác định được thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999; do đó, chỉ có căn cứ xét xử họ theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999.

Phạm tội chưa đạt theo quy định pháp luật

b- Trong trường hợp xác định được hành vi vi phạm mà người đó thực hiện không đạt vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc trong trường hợp không thể xác định được hành vi vi phạm mà họ thực hiện không đạt đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, thì áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố bị cáo không phạm tội mà họ đã bị truy tố.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn B [chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích] đang lừa đảo người khác để chiếm đoạt tài sản có giá trị 300 nghìn đồng thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, thì hành vi vi phạm của Nguyễn Văn B không cấu thành tội phạm; do đó, áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố Nguyễn Văn B không phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà họ đã bị truy tố.

Ví dụ 2 : Trần C [chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích] phá khoá cửa và nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, những chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ, Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì không thể xác định được hành vi vi phạm của Trần C đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa [ví không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt]; do đó, áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố Trần C không phạm tội "trộm cắp tài sản" mà họ đã bị truy tố.

c- Khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 18 và các khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999.

Ví dụ: Trần M là tái phạm nguy hiểm đang phá khoá để trộm cắp chiếc xe máy Dream II có giá trị 25 triệu đồng, thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này phải tuyên bố trong bản án là: "Trần M phạm tội trộm cắp tài sản [chưa đạt]; áp dụng điểm c khoản 2 Điều 138, Điều 18, các khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt Trần M....".

Tổng hợp các bản án về phạm tội chưa đạt trong hình sự


Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.


Tại Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015 [ Điều 52 Bộ luật Hình sự 1999] có nội dung quy định về hình phạt đối với người chuẩn bị phạm tội như sau:

Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định

Dưới đây là tập hợp một số bản án về hành vi phạm tội chưa đạt và mức hình phạt tương ứng.

1. Bản án 94/2017/HSST ngày 22/08/2017 về tội trộm cắp tài sản [chưa đạt]

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Ninh Bình - Ninh Bình

+ Căn cứ: Khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự 1999

+ Hình phạt: 09 tháng tù

2. Bản án 111/2017/HSST ngày 15/11/2017 tội trộm cắp tài sản [chưa đạt]

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hòa Bình - Hoà Bình

+ Căn cứ: khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999

+ Hình phạt: 06 tháng tù

3. Bản án 18/2018/HS-ST ngày 09/05/2018 về tội giết người [chưa đạt]

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu

+ Căn cứ: Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999

+ Hình phạt: 08 năm tù

4. Bản án 803/2018/HSPT ngày 30/11/2018 về tội giết người chưa đạt

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

+ Căn cứ: Điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999

+ Hình phạt: 10 năm tù

5. Bản án 32/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội hiếp dâm [chưa đạt]

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận

+ Căn cứ: Khoản 1 Điều 111, Bộ luật hình sự 1999

+ Hình phạt: 24 tháng tù

6. Bản án 02/2018/HS-ST ngày 04/01/2018 về tội hiếp dâm

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lâm - Cao Bằng

+ Căn cứ: Điểm c, Khoản 2, Điều 111, Bộ luật hình sự năm 1999

+ Hình phạt: Một bị cáo 05 năm 03 tháng tù và bị cáo còn lại 05 năm 03 tháng tù

7. Bản án 29/2017/HS-ST ngày 28/07/2017 về tội trộm cắp tài sản [chưa đạt]

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Glong - Đăk Nông

+ Căn cứ: khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999

+ Hình phạt:

9. Bản án 10/2018/HSST ngày 07/03/2018 về tội cướp tài sản

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Gia Lâm - Hà Nội

+ Căn cứ: Khoản 1, Điều 168, Bộ luật Hình sự 2015

+ Hình phạt: 18 tháng tù

10. Bản án 153/2018/HS-ST ngày 15/11/2018 về tội cướp tài sản

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Trảng Bom - Đồng Nai

+ Căn cứ: Điểm d, Khoản 2 Điều 168, Bộ luật Hình sự 2015

+ Hình phạt: 04 [bốn] năm tù

11. Bản án 252/2017/HSST ngày 31/08/2017 về tội cướp giật tài sản

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Quận 8 - Hồ Chí Minh

+ Căn cứ: Điểm d, Khoản 2, Điều 136, Bộ luật hình sự năm 1999 [sửa đổi, bổ sung năm 2009]

+ Hình phạt: 03 năm tù

12. Bản án 63/2018/HS-ST ngày 08/10/2018 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Đồng Nai

+ Căn cứ: Điểm b, Khoản 3, Điều 134, Bộ luật hình sự năm 1999

+ Hình phạt: 08 [tám] năm 06 [sáu] tháng tù

Đức Phong

5134

Từ khóa: Tống hợp các bản án | phạm tội chưa đạt | trong hình sự |

Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Áp dụng pháp luật trong trường hợp “Phạm tội chưa đạt”

T6, 28/08/2020 - 14:15|admin

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 khi áp dụng trên thực tế vẫn có những quan điểm khác nhau nhất là trong trường hợp “Phạm tội chưa đạt”.

Ví dụ: Khoảng 23 giờ ngày 05/05/2020, Nguyễn Văn A đột nhập vào nhà anh Trần Văn B với mục đích trộm cắp tài sản. Khi A đang cậy khoá chiếc két sắt trong nhà anh B để lấy tài sản thì bị phát hiện và bắt quả tang. Sau khi kiểm tra, Cơ quan điều tra xác định trong chiếc két sắt có số tiền 20.000.000 đồng.

Thực tiễn xét xử phát sinh 02 quan điểm về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với Nguyễn Văn A, cụ thể:

- Quan điểm thứ nhất:Hành vi của Nguyễn Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự; bị cáo đang thực hiện hành vi trộm cắp thì bị phát hiện bắt quả tang nên phạm tội thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt” theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự.

Theo Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 [điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015]: Khái niệm “chưa gây thiệt hại” nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, “chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp “chưa gây thiệt hại”. Do bị cáo chưa chiếm đoạt và chưa dịch chuyển được tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản có nghĩa là hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây thiệt hại nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” theo điểm h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

- Quan điểm thứ hai:Hành vi của Nguyễn Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 và Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015. Do bị cáo phạm tội chưa đạt nên đương nhiên thiệt hại chưa xảy ra, do đó không thể áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”. Có thể hiểu, tình tiết chưa gây thiệt hại ở đây là dấu hiệu định tội của trường hợp “Phạm tội chưa đạt”, việc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 trong trường hợp này là phù hợp với tinh thần của khoản 3 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Mặt khác, theo khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định”.

Như vậy khi xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp chưa đạt thì đã được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với tội phạm đã hoàn thành; nếu lại tiếp tục áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 có nghĩa là bị cáo được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hai lần là không phù hợp và không bảo đảm tính công bằng trong áp dụng pháp luật hình sự.

Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ phía các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thị Dương Quỳnh- VKSND huyện Việt Yên

|Tags: Bài viết trao đổi

Video liên quan

Chủ Đề