Học làm người mẫu nhí

Ở lứa tuổi này, các bé phải được chơi đùa, nghỉ ngơi. Song, ngoài giờ học ở trường, các bé phải tập đi đứng, tập vũ đạo đến mệt lả. Còn phụ huynh cứ thế nuôi hy vọng, một ngày không xa con họ sẽ nổi danh trên sàn catwalk.

 

Các người mẫu nhí đang trả bài [tập đi trên sàn catwalk] trong lớp học của Công ty Vietmodel 

Bản nhạc Stronger vang lên rộn rã. Bé H.A tay chống nạnh, bước chéo chân đúng kiểu người mẫu chuyên nghiệp, sải những bước dài một cách điệu nghệ. Gương mặt bé lạnh băng cũng giống hệt những “chân dài” trên sàn catwalk. Dừng lại trước tấm kiếng lớn, H.A cũng tạo dáng, xoay người rồi đi thẳng về góc phòng, ngồi xuống...

Vừa biết đi đã tập làm người mẫu

H.A là một trong những học viên nhỏ nhất, mới 3 tuổi rưỡi, tại lớp học làm người mẫu của Công ty VietModel [Người mẫu Việt, do người mẫu Anh Thư làm giám đốc] dành cho các bé từ 4 đến 12 tuổi ở lầu 3 Nhà hát Bến Thành - TPHCM.

Lớp học chỉ rộng hơn 20m2, xung quanh là 3 bức vách bằng gỗ, 1 vách bằng kính rất đơn giản. Đúng 14 giờ, lớp người mẫu của thầy Hưng Phúc [vốn là học viên của khóa đào tạo người mẫu của Công ty Professional Look, do không đủ chiều cao nên anh được VietModel chiêu mộ dạy các người mẫu nhí] đã có mặt đông đủ.

Lớp học gần 30 học viên từ 3 đến 11 tuổi. Tôi thấy có cả những bé mới xin vào học, tay còn cầm biên lai đóng tiền. Các “người mẫu” dù còn rất nhỏ tuổi nhưng rất ăn diện rất... thời trang. Những đôi giày bốt cao cổ đi cùng màu áo, những chiếc áo đầm hở lưng, những dải khăn buộc tóc, những đôi vớ cao phụ kiện đi kèm... làm cho các bé thêm nổi bật.

Các bé ngồi xếp bằng ngay ngắn trên sàn gỗ. Lần lượt từng học viên được thầy gọi tên lên trả bài tập đi chéo chân. Sau phần kiểm tra không mấy hài lòng, thầy Phúc bắt các bé học lại bài học cũ: Chống nạnh, tập đi chéo chân và luôn miệng đếm 1, 2 như lính duyệt binh. Mồ hôi bắt đầu đổ lấm tấm trên gương mặt từng bé.

Những cánh cửa sổ mở toang, 2 cây quạt gió ở 2 góc phòng quay vù vù vẫn không giúp các học viên nhí ráo bớt mồ hôi. Nhiều bé tỏ ra thấm mệt. Một bé bị phạt tập xoay người 100 lần vì thầy dạy mãi cũng chẳng nhớ nổi quy trình của các bước đi. Tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao có nhiều bé đang tuổi tập đi chập chững này lại học cách lên sàn catwalk cho được?!

Cứ thế, các bé loay hoay tập đi lên, đi xuống rồi tạo dáng. Một quy trình giản đơn đến nhàm chán. Nhiều bé đang ngồi ngay ngắn bỗng chạy vụt khỏi hàng đến chỗ để túi xách lôi bánh, nước ra ăn, uống hồn nhiên. Nhiều bé còn vơ một món đồ chơi cầm tay, nô đùa, cười nói. Không khí lớp học ồn ào như ong vỡ tổ khi thầy giáo thông báo nghỉ ra chơi.

Các “người mẫu” chạy ào ra hành lang chỗ người nhà đang chờ để tranh thủ uống sữa, ăn bánh snack... Tôi chợt hình dung một buổi học của lớp mẫu giáo. Ở lứa tuổi này, các bé phải được chơi đùa, nghỉ ngơi. Song, ngoài giờ học ở trường, các bé phải tập đi đứng, tập vũ đạo đến mệt lả. Còn phụ huynh cứ thế nuôi hy vọng, một ngày không xa con họ sẽ nổi danh trên sàn catwalk.

Xinh đẹp chưa đủ...

Bên hành lang, nhiều phụ huynh không ngớt bình phẩm, khen “gà” nhà, chê “gà” người khác. Một chị còn trẻ hồ hởi khoe với chị đi cùng: “Con bé nhà mình đi dễ thương quá. Chắc mai đưa thằng anh nó đi học làm người mẫu luôn”.

Nhiều chị tâm sự với tôi, con họ xinh đẹp chưa đủ. Họ còn muốn con mình hoàn hảo hơn, nổi bật hơn với một dáng đi đúng chuẩn người mẫu và họ lựa chọn các lớp học người mẫu cho con theo đuổi.

Chị T.N, ngụ quận 1, cho biết: “Con chị chân bị cong, đi hàng hai do học múa. Chị quyết định cho nó qua lớp học người mẫu này, mong nó sẽ học được cách đi không còn khiếm khuyết nữa”. Bé Ng.Tr hồn nhiên khoe với tôi: “Ba mẹ con làm bác sĩ, cho con học lớp người mẫu để con đi đẹp hơn”.

 
 Thầy Phúc đang dạy các bé tạo dáng đúng cách 

Nhiều phụ huynh đưa con mình đến lớp học này với ý nguyện con mình sẽ trở thành một người nổi tiếng, một người mẫu chuyên nghiệp hoặc một gương mặt quảng cáo sáng giá, hái ra tiền. Ai cũng quả quyết rằng con mình có triển vọng. Thêm vào đó là lời chào mời hấp dẫn của các công ty người mẫu, rằng sẽ tạo ra các sân chơi định kỳ dành cho các bé, điển hình là chương trình thời trang diễn ra vào cuối mỗi tháng, nên nhiều phụ huynh càng nuôi ảo vọng.

Quay lại lớp học. Nhiều bé vào lớp nhưng chẳng màng đến lời giảng nào của thầy giáo. Có bé cứ ngồi im lặng ở góc lớp, mắt liếc dọc nhìn nghiêng rồi tán chuyện với bạn bè. Khi thầy bắt ngồi vào hàng cùng các bạn thì bé len lén đứng lên chạy đến chỗ phụ huynh, vẻ mặt chán nản. Khi thầy chuyển sang một môn học mới, các bé cứ mặc nhiên nói chuyện cho đến khi thầy giáo phải lớn tiếng mới trật tự được.

Tôi chăm chú quan sát lớp học. “Bây giờ, các con ngồi vào hàng để chúng ta bắt đầu cho buổi học về kỹ năng nói chuyện trước đám đông nhé” . Tiếng thầy Phúc vang lên dịu dàng. Thế nhưng, lớp vẫn ồn ào tiếng cười nói trẻ thơ. Nhắc lại lần nữa vẫn không có gì thay đổi, thầy Phúc gay gắt: “Thầy nói các con có nghe không?”. Lúc ấy lớp học bỗng im phăng phắc, không một tiếng động.

Giờ học nói chuyện trước đám đông của lớp học người mẫu nhí là các bé sẽ giới thiệu mình trước các bạn. Theo học đã lâu và cũng là một học viên xuất sắc của lớp, bé M. L được thầy chọn lên làm mẫu cho các bạn. “Mình là M.L, năm nay mình 10 tuổi, sở thích của mình là bơi lội, đi du lịch. Mong muốn của mình là được làm người mẫu chuyên nghiệp” - tiếng M.L cất lên rụt rè, bẽn lẽn.

Thầy liền phê bình: “Các con phải nói chuyện mạnh dạn lên, như: Mình tên là M.L, năm nay mình 10 tuổi, mình học Trường Nguyễn Du, sở thích của mình là ăn kem, đọc truyện. Mình ước sẽ trở thành bác sĩ”. Lời thầy lập tức được hầu hết các học viên bắt chước nguyên xi, từ sở thích ăn kem đến ước mơ làm bác sĩ!

 Học cách tự tin, năng động?

Cũng có phụ huynh đưa con mình đến tham gia lớp học người mẫu với mục đích giúp chúng thêm tự tin, năng động, như trường hợp của bé L. mắc bệnh thiểu năng trí tuệ. Những bước đi khập khiễng và yếu ớt của L. khiến mọi người phải ái ngại. Học đi đứng chỉ là điều thứ yếu, quan trọng nhất đối với L. là được nô đùa và tham gia học nói chuyện trước công chúng như mong muốn của cha mẹ bé, thì dường như lớp học này lại không đáp ứng được. L. thường tỏ ra ngơ ngác đến tội nghiệp. Cô bé chỉ cười đùa khi được thầy giáo ôm vào lòng, hỏi han...

Với mức học phí 100.000 đồng - 150.000 đồng/tháng, mọi người không thể đòi hỏi cao hơn trong quy cách giảng dạy của các công ty đào tạo nội địa. Song, ở các lớp người mẫu có giảng viên người nước ngoài với học phí tính bằng hàng ngàn USD, mọi việc vẫn không có gì sáng sủa hơn...
Do đặc điểm thể trạng người VN, phần lớn các người mẫu ở tuổi teen chưa phát triển cơ thể hoàn toàn. Vì vậy, dù hứa hẹn những sân chơi tầm cỡ quốc tế, người mẫu nhí VN khó thể tìm cho mình một cơ hội

Mất hàng ngàn USD để... ăn bánh vẽ?

Ở tuổi 15, X.Th dễ gây ấn tượng với người khác bởi chiều cao của em - 1,65 m. Đã vậy, lúc nào cô bé cũng mang đôi giày cao gót đến 12 cm. Không che giấu mong muốn được bước trên sàn diễn thời trang chuyên nghiệp, X.Th đang được cha mẹ đầu tư một cách nghiêm túc cho hành trình bước lên sân khấu thời trang của mình. Song...

Ở TPHCM, ngoài các lớp đào tạo dành người mẫu nhí hoạt động khá lâu, một năm nay còn có thêm Trường John Robert Power [JRP] chi nhánh VN. X.Th là một trong 4 thí sinh đầu tiên tham gia khóa học đào tạo người mẫu chuyên nghiệp của JRP VN. Mới đến VN đầu năm 2006 nhưng nắm bắt được nhu cầu, JRP quyết định mở thêm khóa đào tạo người mẫu chuyên nghiệp, dành cho các học viên từ 4 - 24 tuổi.

 

 Người mẫu tuổi teen trình diễn làm mẫu cho các lớp người mẫu thiếu nhi

JRP VN cam kết sử dụng tài liệu theo quy chuẩn quốc tế, song với những gì đang diễn ra, giáo trình giảng dạy của trường này không mấy khác so với các lớp đào tạo của các công ty nội. Các học viên cũng sẽ được học những kỹ năng về diễn xuất trước ống kính, đóng phim quảng cáo trên truyền hình, tạo dáng để chụp hình cho báo chí, làm quảng cáo và các kỹ năng cơ bản của một người mẫu chuyên nghiệp.
Sự khác biệt, theo JRP VN, trường này sẽ mời một số giảng viên từ các nước châu Á, như Philippines, Malaysia, Thái Lan... sang hỗ trợ giảng dạy. Do vậy, học phí làm người mẫu của JRP lên đến 2.000 USD/khóa 3 tháng.

Để thu hút học viên, JRP VN quảng cáo sẽ tổ chức những đợt tham gia cuộc thi IMTA [Hiệp hội Người mẫu và Tài năng Quốc tế] diễn ra hằng năm tại Mỹ. Ở đó, các học viên sẽ có cơ hội tiếp thị mình trước hàng trăm công ty thời trang quốc tế, các giám đốc quảng cáo và các nhà làm phim Hollywood... đến từ khắp nơi trên thế giới.

Có điều, ngoài yếu tố xuất sắc, học viên phải tự bỏ ra 8.000 USD chi phí cho một lần tìm cơ hội như thế. Một lời hứa hẹn hấp dẫn nhưng cũng rất tốn kém, với viễn cảnh xa vời cho những người mẫu nhí VN nuôi mộng vươn xa trên sàn diễn thời trang.

Ngoài X.Th, L.B.Ng cũng vừa trở về từ cuộc thi này. Dù trường thông báo X. Th đã nhận được 5 lời hứa hợp tác từ các công ty đào tạo người mẫu, diễn viên của Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, nhưng cô bé cũng không biết phải chờ đến bao giờ. X.Th thừa nhận: “Em vẫn đang chờ họ liên hệ lại với trường mới biết chắc có hợp tác hay không”. X.Th lo ngại, nếu lần này không thành, cô bé sẽ mất tiếp 8.000 USD khác để tiếp tục tìm kiếm cơ hội lần nữa.

Ước mơ xa tầm tay

X.Th quyết tâm học làm người mẫu chuyên nghiệp. Cô bé kể: “Ban đầu, em đi học để có một dáng đi đẹp. Nhưng được ba mẹ ủng hộ, em quyết định theo học người mẫu chuyên nghiệp luôn”. Còn M.A, năm nay 11 tuổi, theo học làm người mẫu 1 năm nay, cho biết cha mẹ rất thích cô bé trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Cả M.A cũng mơ ước như vậy, đơn giản vì “nghề người mẫu sẽ giúp con trở nên nổi tiếng”...

Tuy nhiên, do đặc điểm thể trạng người VN, phần lớn người mẫu ở tuổi teen chưa phát triển cơ thể hoàn toàn. So về chiều cao hay vóc dáng, các em đều thua người mẫu teen nước ngoài. Vì vậy, dù hứa hẹn những sân chơi tầm cỡ quốc tế như IMTA, người mẫu nhí VN khó thể tìm cho mình một cơ hội. Trong khi đó, ở VN những buổi trình diễn thời trang trẻ em chưa được khai thác mạnh. Như vậy, học là một chuyện còn việc có được trình diễn hay không lại là chuyện khác.

Đó là chưa kể, dành quá nhiều thời gian cho học đi, đứng, vũ đạo, trang điểm, các người mẫu nhí không còn nhiều thời gian cho việc học ở trường, một hành trang cần thiết cho tương lai. Theo lịch học của JRP VN, các học viên phải học 4 ngày/tuần, 4 giờ/ngày [từ 8 đến 12 giờ]; ở lớp đào tạo của Công ty VietModel, học viên học 3 buổi/tuần, thứ bảy, chủ nhật học thêm vũ đạo... Thêm nữa, ít ai biết rằng tuổi thọ nghề người mẫu ngắn nhất trong các nghề.

 [ Theo Tin Tức ]

Chủ Đề