Hà bổng là ai

10/08/2016 02:35:00 AM

[Canhsatbien.vn] - 

Đầu thế kỷ XIII, nhà Trần thay nhà Lý cai trị đất nước với sự kiện lịch sử gây chấn động: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông vào tháng 12 năm Ất Dậu [1225]. Về đối ngoại, nhà Trần vẫn giữ mối quan hệ bình thường với nhà Tống ở phương Bắc, mặc dù có dấu hiệu không ổn lúc ban đầu. Nhà Tống không chấp nhận quan hệ ngoại giao với nhà Trần, nhưng còn do dự, vì sự thất bại của nhà Tống thời Lý Thường Kiệt, vua tôi nhà Tống chưa thể quên được.

Tượng vua Trần Thái Tông. [ảnh minh họa]

Năm Kỷ Sửu [1229], vua Trần Thái Tông cho sứ sang Tống cầu phong. Nhà Tống không đáp lại và có thái độ trịch thượng đối với nước ta. Đầu năm 1232, người Mông Cổ bắt đầu xâm lược Trung Quốc, sau đó thống trị Trung Quốc, lập nên triều đại nhà Nguyên.

Năm 1241, quân Mông Cổ bên Tống tràn sang cướp phá miền biên giới nước ta. Nhà Trần cho đốc tướng Phạm Kính An dem quân lên biên giới đánh giặc. Đích thân vua Trần Thái Tông cũng trực tiếp chỉ huy một đạo quân theo đường thủy tiến ra vùng biển Quảng Ninh. Vua Trần đưa quân vượt biên thùy, sang hẳn đất Tống để đánh giặc cướp trên suốt một dải ven biển, từ trại Vĩnh Bình lên Khâm Châu, Liêm Châu rồi mới trở về. Hành động quân sự này của vua Trần Thái Tông vừa giúp Tống đánh dẹp giặc cướp, bảo đảm an ninh biên giới nước ta, vừa tạo điều kiện cho vua Trần và các tướng lĩnh đi cùng hiểu sâu hơn tình hình quân dân Tống, tận mắt thấy được khả năng tiến triển của cuộc chiến tranh Mông - Tống, từ đó định ra kế sách đối phó với cả hai bên Mông và Tống khi chiến tranh lan tới biên giới nước ta.

Trong thời gian này, tình hình biên giới nước ta và Tống tạm yên vì có quân đội nhà Trần trấn giữ. Nhưng miền biên giới nước ta giáp Vân Nam thì có nhiều biến động nghiêm trọng. Vân Nam thời đó chưa phải là đất Trung Quốc, mà là lãnh thổ của một số dân tộc độc lập, trong đó có nước Đại Lý ở liền sát biên giới nước ta. Giữa nước ta và Đại Lý trải mấy trăm năm, quan hệ biên giới được duy trì tốt. Nếu Mông Cổ đánh chiếm Đại Lý thì miền biên giới nước ta sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng, mà Đại Lý bị xâm lược là điều không tránh được. Quân Mông Cổ đánh Vân Nam từ năm 1253, đến năm 1257, vùng Vân Nam về cơ bản đã nằm dưới quyền thống trị của quân xâm lược Mông Cổ. Ngay năm đó [1257], vừa chiếm xong Vân Nam, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai [Uriang Khađai] vội cho sứ sang triều đình nhà Trần, đe dọa bằng ngoại giao để mở đường xâm lược nước ta.

Tháng 12 năm 1257, tướng Ngột Lương Hợp Thai đưa quân tập trung sát biên giới nước ta. Theo kế hoạch quân Mông Cổ sẽ tiến công trên bốn hướng. Trong đó. Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy một hướng, nhận lệnh từ Vân Nam, mở cuộc hành quân nhanh chóng tiến xuống Đại Việt.

Theo kế sách của triều đình nhà Trần, quân dân ta dưới quyền chỉ huy của Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã anh dũng chiến đấu, đánh chặn địch từng bước nhằm tiêu hao sinh lực, hạn chế đường tiến quân của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho đại binh từ kinh đô Thăng Long tiến lên hướng Tây Bắc.

Ngày 17 tháng 1 năm 1258, một trận đánh lớn đã diễn ra trên cánh đồng Bình Lệ [tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay] do đích thân vua Trần chỉ huy. Trận đánh này đã làm thất bại mưu đồ bao vây, cắt đường, cướp thuyền, đánh tan đại quân ta để tiến về Thăng Long, nhanh chóng kết thúc chiến tranh của Ngột Lương Hợp Thai. So sánh tương quan lực lượng và thế trận giữa ta và địch trên chiến trường, tướng Lê Tần đã đề nghị với vua Trần Thái Tông tạm thời rút lui bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ có lợi để phản công.

Khi quân Mông Cổ vào được Thăng Long thì lực lượng của ta đã rút hết. Bọn giặc tìm thấy trong ngục những tên sứ mà Ngột Lương Hợp Thai đã sai vào Đại Việt trước kia. Chúng đều bị trói chặt bằng thừng tre lằn sâu vào thịt. Bọn giặc điên cuồng tàn phá Thăng Long để trả thù. Sau một tháng hành quân, tác chiến, binh lực bị tiêu hao, người, ngựa quân Mông Cổ mệt mỏi, lương thảo thiếu thốn, cộng thêm không nắm được tình hình và ý định hành động của ta, quân địch thấy không ổn. Chúng quyết định không ở lại trong kinh thành mà hạ trại ở phía Đông, ven sông Hồng ở bến Đông Bộ Đầu để nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, nắm tình hình quân ta sau đó tiếp tục tiến công.

Đông Bộ Đầu là một bến thủy quân lớn ở liền sát kinh thành, trên bến có doanh trại thủy binh. Khi quân Mông Cổ tới Đông Bộ Đầu thì thủy quân và thuyền chiến của ta đã rời đi từ trước, chỉ còn doanh trại trống không. Giặc đóng ở đấy, nhưng chúng không thể đi được xa để cướp lương ăn. Từ khi để giặc vào Thăng Long, quân ta một mặt vây chặt không để giặc lọt ra ngoài, một mặt ráo riết chuẩn bị phản công.

Về phía ta, sau khi rút khỏi Thăng Long, đại quân theo sông Hồng về đóng ở bãi sông Thiên Mạc [Khoái Châu, Hưng Yên] cách vị trí quân địch đóng khoảng 30 - 35km về phía Nam. Được nhân dân hết lòng che chở, giữ bí mật, quân ta tranh thủ thời gian bổ sung lực lượng, chỉnh đốn đội ngũ, sẵn sàng chờ lệnh xuất quân. Sau một thời gian rất ngắn khẩn trương chuẩn bị, lực lượng đã hồi phục, khí thế chiến đấu của quân đội nhà Trần lên rất cao.

Trong khi đó, quân Mông Cổ bắt đầu gặp khó khăn và lúng túng vì thiếu lương thực trong một tòa thành bỏ trống. Quân địch cố gắng tiến đánh ra những vùng xung quanh Thăng Long để cướp lương thực, nhưng đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của nhân dân ta.

Đêm 28 tháng 1, tiền quân nhà Trần đã tiến sát Thăng Long và tách làm hai hướng. Khoảng 5 nghìn kỵ binh hợp thành mũi tiến công về phía Tây [mũi trái] khu đóng quân của địch. Khoảng 3 nghìn bộ binh tiếp tục tiến sát khu đóng quân địch từ mặt Nam [mũi phải]. Đến nửa đêm thì các mũi tiến quân của ta đã tiếp cận các tuyến canh gác của địch mà chúng không hề hay biết. Mặc dù thủy binh và đạo quân chủ lực còn ở xa, nắm lấy thời cơ có lợi, tướng tiên phong Trần Khánh Dư lập tức hạ lệnh đánh úp.

Theo kế hoạch bộ binh và kỵ binh của ta thần tốc lao vào khu lều trại quân Mông Cổ. Kỵ binh quân ta chớp nhoáng tiêu diệt kỵ binh địch, đồng thời từng nhóm bộ binh ta tổ chức bao vây tiêu diệt địch ngay trong lều trại của chúng. Hàng ngũ Ngột Lương Hợp Thai rối loạn, lúng túng bị động "người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên" chống lại một cách yếu ớt, hoảng loạn. Mặc dù về số lượng quân ta ít hơn quân địch [chủ lực của ta gần sáng mới tới] nhưng do chủ động, tinh thần chiến đấu cao, cách đánh tài tình, chọn đúng thời cơ không cho địch kịp phát huy sở trường [thời điểm người tách khỏi ngựa], quân ta hoàn toàn chiếm ưu thế.

Mặc dù dốc sức đối phó, đến sáng, tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai mới biết rõ đại quân của y đã bị thiệt hại hết sức nặng nề. Quân chủ lực của nhà Trần lại đang tăng cường đến tiếp sức. Không còn cách nào khác, Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh cho các tướng mở đường máu, rút chạy khỏi Thăng Long về hướng Bạch Hạc.

Quân giặc chạy lên ngã ba Bạch Hạc để theo đường bên phải sông Thao, chạy qua vùng Quy Hóa trở về Đại Lý. Khi quân giặc chạy tới Bạch Hạc, Sơn Vi thì bị Phùng Lộc Hộ đem quân địa phương chặn đánh, buộc giặc phải chạy lên vùng Quy Hóa [Phú Thọ]. Chủ trại Quy Hóa là Hà Bổng cùng quân và dân ta ở đây bố trí đánh tập kích, giặc thua đau. Tàn binh giặc mất hết tinh thần chiến đấu, cố chạy thoát thân ra khỏi biên giới. Khi trở về tới Đại Lý, đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai chỉ còn lại khoảng 5 nghìn tên.

Trận đánh kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Khoảng 2 vạn kỵ binh địch đã phải bỏ xác trên bến Đông Bộ Đầu.

Ngày 29 tháng 1 năm 1258, vua Trần Thái Tông cùng các tướng lĩnh, binh sĩ tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long trong niềm hân hoan của các tầng lớp nhân dân Kinh đô. Ngày 5 tháng 2 năm 1258 [mồng 1 Tết Mậu Ngọ], tại Thăng Long, triều đình nhà Trần tổ chức lễ mừng thắng trận và phong thưởng các tướng sĩ đã có công lao trong trận chiến đấu vừa qua. Lê Tần và Hà Bổng là người đứng đầu, Hà Bổng được phong tước hầu. Cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất của quân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, mà Đông Bộ Đầu là trận có tính chất quyết định. Đây cũng là thất bại đầu tiên của đế quốc Mông Cổ trong cuộc trường chinh chiếm gần 50 nước chưa gặp phải thất bại nào.

14:55, 18/01/2013 [GMT+7]

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của Đại Việt dưới triều nhà Trần, có một tù trưởng người Tày cùng với em trai đã biết vận dụng mưu kế rất thông minh để đánh đuổi quân xâm lược.

Tháng 1-1258, quân Mông Cổ tấn công Đại Việt lần thứ nhất và bị thất bại nhục nhã. Mãi đến mùa xuân năm 1285, sau khi thống nhất được cả đất nước Trung Hoa rộng lớn và lập ra nhà Nguyên, quân Mông Cổ mới có cơ hội để rửa mối quốc hận. Hốt Tất Liệt - đại hãn thứ năm của Mông Cổ đồng thời là người sáng lập ra nhà Nguyên, xua trên 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai.

Lần này quân Nguyên chia thành ba mũi tiến đánh Đại Việt. Mũi chủ công do thái tử Thoát Hoan chỉ huy, từ Quảng Tây sang Lạng Sơn xuống Thăng Long. Mũi thứ hai do tướng Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy, từ Vân Nam tiến sang nước ta theo sông Chảy, sông Lô. Mũi thứ ba do Ô Mã Nhi đảm trách, đi đường biển chở lương thực.

Tháng 4-1285 quân Đại Việt bắt đầu phản công, gây thiệt hại nặng cho quân Nguyên ở Hàm Tử [Hưng Yên], Chương Dương [Hà Nội], Vạn Kiếp [Hải Dương], buộc các cánh quân của giặc phải rút chạy. Đạo quân của Nạp Tốc Lạt Đinh rút chạy theo đường sông Lô khi đến Cự Đà [huyện Phù Ninh] thì bị lực lượng dân binh của một tù trưởng người Tày là Hà Đặc và em là Hà Chương chặn đánh. Chiến sự diễn ra ác liệt ở hai bờ sông Lô thuộc huyện Phù Ninh và Lập Thạch được chép lại trong sách Đại việt Sử ký Toàn thư - bộ sử được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu [1697], niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông.

Theo đó, khi bị Hà Đặc, Hà Chương đem quân chặn đánh, đạo quân của Nạp Tốc Lạt Đinh phải co cụm lại ở Đông Cự Đà, tìm cách đối phó. Hà Đặc vận động nhân dân trong vùng lấy tre đan thành những hình người to lớn khác thường, cho mặc quần áo. Cứ đến chập choạng tối lại đưa “đội quân” khổng lồ này lúc ra, lúc vào, khi ẩn, khi hiện. Quân giặc bán tín bán nghi, tưởng rằng Đại Việt được trời cử thiên binh, thiên tướng xuống giúp sức đánh chúng.

Chưa hết, ông còn cho người đục thủng những thân cây to trong rừng rồi cắm mũi tên lớn vào đó. Quân giặc thấy thế, càng thêm hoang mang, tưởng rằng đội thiên binh thiên tướng khổng lồ này bắn được những mũi tên cứng xuyên qua được cây to. Giặc lo sợ, không dám ra khỏi trại. Lợi dụng lúc giặc hoang mang dao động, ông dẫn quân tập kích phá tan doanh trại của chúng. Quân giặc thua to, tháo chạy. Ông đánh đuổi giặc đến A Lạp thì cho quân làm cầu phao bắc qua sông truy kích, nhưng chẳng may ông bị trúng tên và tử trận.

Em ông là Hà Chương bị giặc bắt. Nửa đêm, nhân lúc giặc sơ ý, Hà Chương lấy cờ xí, quân phục của giặc mặc vào người rồi trốn về. Nhờ cờ xí, quân phục lấy được, ông cho dân binh giả làm quân Nguyên Mông đến doanh trại giặc. Chúng chưa kịp phát hiện ra mưu lược của ông thì đã bị đánh úp bất ngờ từ hai phía. Quân giặc tan vỡ, phải bỏ doanh trại tháo chạy.

Tù trưởng Hà Đặc, không rõ năm sinh, năm mất; chỉ thấy sách “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” [tập 1] chép ông là người “đặt mưu kế để lừa rồi đem toàn lực ra đánh, đuổi quân giặc chạy tới đất A Lạp”. Các nhà nghiên cứu cho rằng A Lạp có thể là Thượng Lạp - một làng bên sông Phó Đáy. Hà Đặc bắc cầu phao qua sông, có lẽ là sông Phó Đáy; quân ta từ căn cứ Núi Sáng tiến xuống vượt sông Phó Đáy sang Vĩnh Tường giao chiến với quân giặc.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 450m, rộng 3,75 - 5,5m, từ đường Dương Đình Nghệ đến đường Nguyễn Công Trứ, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết 97/2010/NQ-HĐND ngày 14-7-2012 về đặt đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

Video liên quan

Chủ Đề