Disposition Effect là gì

1. Định nghĩa

Hiệu ứng ngược vị thế [Disposition Effect] đề cập đến cách các nhà đầu tư xử lý các khoản lãi và lỗ chưa thực hiện trên các tài sản tài chính.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy các nhà đầu tư có xu hướng nhận ra lợi nhuận nhanh hơn thua lỗ. Các nhà đầu tư có xu hướng giữ chặt những kẻ thua cuộc [cổ phiếu thua lỗ] nhưng lại bán đi kẻ thắng cuộc [cổ phiếu lời].Hiểu theo cách đơn giản, hiệu ứng ngược vị thế là xu hướng bán cổ phiếu lời và nắm giữ cổ phiếu thua lỗ.

2. Nguyên nhân

Thuyết triển vọng

Con người thích tìm kiếm rủi ro khi đối diện với thua lỗ nhưng lại thích an toàn khi đứng trước lợi nhuận chắc chắn. Điều này là do tâm lý sợ thua lỗ. Chúng ta luôn cảm thấy việc mất mát là một thứ gì đó rất đáng sợ. Thua 100 USD có cảm giác tồi tệ hơn nhiều so với cảm giác thắng 100 USD, mặc dù cả hai đều có giá trị tuyệt đối như nhau. Đây là một sản phẩm của sự tiến hóa, não người thường có xúc cảm với đạo đức: như thiện và ác, xấu và tốt. Theo nghiên cứu của Kahneman, thậm chí tỷ lệ e sợ rủi ro còn ở mức 1.5 đến 2.5 lần nghĩa là nếu bạn thua 100 USD sẽ có cảm giác sợ hãi tương đương với cảm xúc lời 150 USD hoặc 250 USD. Chính vì tâm lý sợ thua lỗ, nên khi bị dồn vào đường cùng sinh tử hoặc đối diện với khoản lỗ lớn, con người chấp nhận những phương án rủi ro. Họ chấp nhận một khả năng dù rất nhỏ không phải chịu thua lỗ. Trái lại, khi có một khoản lãi hoặc vấn đề sống còn, họ muốn sự an toàn.

Có nghĩa là khi đối mặt với một khoản lời hoặc một vấn đề sống còn, con người thường thích sự an toàn chứ không không thích mạo hiểm. Ngược lại, khi đối diện với một khoản lỗ hoặc một vấn đề sinh tử, con người thường muốn mạo hiểm với rủi ro.

Lý thuyết tính toán bất hợp lý

Nhà đầu tư có xu hướng sắp xếp một vài nguồn lực và sử dụng tiền vào các tài khoản quy ước mang tính tâm lý trong đầu. Shefrin và Statman [1985] tranh luận: Khi nhà đầu tư mua 1 cổ phiếu, họ lập tài khoản ảo cho cổ phiếu đó, sau đó họ sẽ xem xét giá trị của mỗi cổ phiếu một cách tách biệt và so sánh giá trị đó với giá trị mua.

Sự e ngại hối tiếc

Việc đóng vị thế lỗ đối với 1 cổ phiếu rất khó do phải thừa nhận một lỗi lầm [quyết định đầu tư kém] và tâm lý sợ phải hối tiếc về quyết định mua cổ phiếu đó lúc đầu. Sự e ngại hối tiếc dẫn đến việc các nhà đầu tư trì hoãn các khoản lỗ, trong khi sự mong muốn cảm giác kiêu hãnh dẫn đến việc thực hiện các khoản lời vì quyết định tài chính mang lại lợi nhuận.

Sự e ngại phải hối tiếc liên quan đến 1 lý lẽ là sự tự biện minh [self justification]. Nhà đầu tư muốn một viễn cảnh lạc quan đối với thành quả đầu tư của họ, và việc hiện thực hóa nhiều hơn các khoản lời khiến họ đạt đến tình trạng tự biện hộ cho đó chỉ là khoản lỗ danh nghĩa, giá sẽ tăng trở lại thôi

Sự tự kiểm soát

Thậm chí các nhà đầu tư biết họ đang phạm sai lầm nhưng lại gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự thôi thúc nắm giữ những cổ phiếu thua lỗ. Nhà đầu tư có thể tìm cách loại bỏ các cổ phiếu lỗ dễ dàng hơn khi đối mặt với các cơ chế kiểm soát rõ ràng.

Hiệu ứng mốc neo

Bên cạnh tâm lý sợ thua lỗ, con người thường hay bị neo vào một điểm nào đó khi đưa ra quyết định. Thuật ngữ gọi là Hiệu ứng mốc neo. Thực ra con người không phải thỏa mãn với mức tài sản hiện tại mà còn tham chiếu đến lịch sử tài sản của họ. Sự thoả mãn của con người là theo sự thay đổi trong tài sản chứ không phải là mức tài sản.

Trong quyết định của các nhà đầu tư, cảm giác lãi và lỗ được sinh ra là do con người thường hay neo vào giá mua vào trước đó. Một nhà đầu tư lý trí sẽ hiểu rằng, giá mua vào là một chi phí chìm và không còn ảnh hưởng đến quyết định mua bán trong tương lai. Chúng ta cần tập trung vào việc đánh giá triển vọng tương lai của mỗi cổ phiếu để đưa ra quyết định mua bán chứ không phải là do cổ phiếu này đang lời hay đang lỗ.

Thậm chí, một nhà đầu tư lý trí còn có thể ưu tiên bán các khoản lỗ vì mục tiêu né tránh thuế. Hiệu ứng tháng giêng là một ví dụ. Các nhà đầu tư thường có khuynh hướng bán cổ phiếu lỗ vào tháng 12 ở Mỹ để khỏi phải nộp thuế và sau đó mua lại với giá cao hơn ở tháng Một năm sau.

Hiệu ứng sở hữu hàng hóa

Hiệu ứng sở hữu hàng hóa cũng là một cách giải thích khác khi các nhà đầu tư chậm cắt lỗ. Đó là cảm giác mất mát khi không còn sở hữu cổ phiếu đó. Một nhà đầu tư khi mua cổ phiếu thường có một kỳ vọng nào đó, không đơn thuần chỉ là kỳ vọng tăng giá. Họ cảm thấy rất khó khăn khi không còn sở hữu cổ phiếu.

Một nhà đầu tư chuyên nghiệp là nhà đầu tư biết loại bỏ cảm giác sợ bị thua lỗ. Đối với họ việc thua lỗ không quá trầm trọng và như là một phần tất yếu của việc kinh doanh. Một lời khuyên dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc thường xuyên theo dõi bảng điện hoặc kiểm tra tài khoản thực sự mang lại hiệu ứng tồi tệ bởi chúng ta sẽ chẳng làm gì ngoài việc thường xuyên đối diện với nỗi đau thua lỗ và rất khó để thoát khỏi tâm lý sợ thua lỗ.

3. Bài học rút ra

Mỗi nhà đầu tư nên tự tìm ra một phương pháp đầu tư đúng đắn, không nên chỉ chăm chăm theo xu hướng thị trường, có lãi là bán chốt lời, lỗ thì lại ôm tiếp, chờ hồi phục cắt bớt lỗ. Họ phải có được những định giá chính xác và sát với giá trị thực của mã cổ phiếu, cùng đó là hiểu ngành, hiểu nghề của doanh nghiệp. Từ đó xây dựng cái nhìn tốt hơn về tiềm năng cũng như khả năng tăng giảm của cổ phiếu trong tương lai để có thể quyết định đầu tư trong ngắn hạn hoặc lâu dài.

Không ai có thể dự đoán được thị trường chính xác 100%, nhưng những phương pháp phù hợp, tìm hiểu sâu rộng về doanh nghiệp, tâm lý vững chắc trước sự lên xuống của thị trường, sẽ là bàn đạp vững chắc giúp nhà đầu tư cải thiện khả năng sinh lời của mình khi đầu tư vào kênh chứng khoán.

Video liên quan

Chủ Đề