Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán tiếng anh

Ngày xưa, có một anh chàng không có tài nghề gì cả, chỉ được cái hiền lành hay thương người. Từ lúc vợ chết, anh ta trở nên túng bấn tợn. Có dạo phải ngửa tay ăn xin. Thấy nghề này hèn hạ lại không nuôi nổi tấm thân, anh chàng mới xoay sang đi làm thuê. Nhưng chỉ làm được một ngày anh đã thấy nhọc mệt và bị chủ la mắng nhục nhã, nên lại dự định làm nghề đi câu là nghề anh cho là thong thả tự do hơn. Chiều hôm đó, người ta trả công cho ba mươi đồng kẽm. Anh chàng bèn lấy số tiền đó làm vốn, mua lưỡi mua dây quyết chí làm ăn bằng nghề nghiệp mới. Sáng hôm sau, anh ra ngồi ở bờ sông câu cá. Nhưng mãi đến trưa chả kiếm được một tý gì. Mồi cứ mất toi. Mãi đến chiều mới thấy phao chìm xuống, anh giật lên thì được một con rắn nước. Lấy làm bực mình, anh chàng gỡ con rắn ra rồi quẳng xuống sông. Lần thứ hai giật lên thì lại chính con rắn nước hồi nãy mắc vào lưỡi.

Anh than thở với rắn:

- Rắn ôi! Tao nghèo lắm, chỉ được ba mươi đồng kẽm thôi. Mày đừng hại tao hết cả mồi, rồi đây biết lấy gì kiếm ăn.

Anh chàng lại quẳng rắn xuống nước. Lần thứ ba cũng lại con rắn đó mắc lưỡi câu. Lần này hắn giận lắm không thả rắn xuống nước nữa mà nắm lấy cổ rắn định mang đi giết. Qua cửa đền bà thần Khai Khẩu, tự nhiên con rắn nước kêu lên:

 - Đừng giết tôi. Tôi là con vua Thủy Tề, vì muốn đánh bạn với anh nên mới tự cắn câu nhiều lần như thế. Hãy cho tôi đi theo, tôi sẽ giúp anh vượt qua cảnh nghèo. Anh nghe lời, cho rắn theo mình. Từ đó hắn câu được nhiều cá: thứ ăn, thứ bán, cuộc sống rất dễ chịu. Anh chàng với rắn ngày một tương đắc. Một hôm rắn cho anh biết chỉ ba ngày nữa sẽ có một trận lụt lớn xưa nay chưa từng có. Anh nghe lời rắn đóng một chiếc bè nứa để phòng tai nạn. Anh lại còn loan báo cho mọi người xung quanh biết. Nhưng chả một ai thèm nghe. Ba ngày sau, quả nhiên gió bão nổi lên đùng đùng, mưa to như trút, nước dâng lên như biển cả. Người, vật, đồ đạc và mùa màng, v.v… đều trôi băng băng mất tích. Mãi đến ngày cơn bão tạnh, anh mới dám chống bè tìm về chốn cũ. Thấy một cái tổ kiến đang lênh đênh trên dòng nước, con rắn bảo anh chàng:

- Anh hãy cứu chúng nó một chút. Anh trả lời:

- Vớt làm gì bầy kiến nhỏ mọn ấy để nó bò khắp bè. Nhưng rắn khẩn khoản:

- Không, anh hãy nghe lời tôi đi. Rồi chúng nó sẽ trả ơn anh. Nghe lời rắn, anh chàng vớt cái tổ kiến lên bè của mình. Đi được một đoạn, lại gặp một con chuột đang lội bì bõm sắp chết đuối. Rắn lại giục anh vớt lên.

- Ồ - hắn đáp

- Con chuột thì cho nó chết chứ cứu nó mà làm gì ?

- Không, anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh.

Nghe lời rắn, anh chàng vớt con chuột lên bè của mình. Đến một chỗ khác họ lại gặp một con trăn đang nằm cuộn tròn trên một ngọn cây giữa dòng nước đợi chết. Rắn cũng giục anh giúp trăn thoát nạn:

- Ồ - hắn lại đáp.

- Con trăn kinh lắm, cứu nó mà làm gì ? 

- Không. Anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh”.

Nghe lời rắn, anh chàng lại giúp cho con trăn lên bè. Sau cùng họ gặp một người đàn ông đang bám vào một cây gỗ nổi bập bềnh giữa dòng nước. Anh không đợi rắn bảo, định vớt lên bè, nhưng con rắn cản lại:

- Anh đừng vớt nó lên làm gì. Nó sẽ làm hại anh đấy. Anh đáp:

- Người ta thường nói cứu một người dương gian bằng một ngàn âm ti. Sao lại chỉ cứu vật mà không cứu người kia chứ. Nói đoạn, mặc kệ lời rắn can ngăn, anh nhất định thực hiện ý nghĩ của mình, vớt người sắp chết đuối đó lên bè, cho sưởi lửa ấm và cho ăn uống tử tế. Sau mấy ngày nước rút đi hết, anh thả tất cả những con vật lên bờ. Còn người nọ vì gia đình phiêu bạt, nhà cửa trôi mất cả nên anh cho ở lại với mình cùng câu cá nuôi nhau và coi như em ruột.

Đến lúc con rắn nước trở về thủy phủ thì nó mời anh cùng đi theo xuống giang sơn của cha mình. Dọc đường, rắn bảo bạn:

- Nếu cha tôi có cho gì thì anh nhớ đừng nhận, mà chỉ xin lấy cây đàn thất huyền. Đàn ấy nếu có giặc, gảy một bài là có thể làm cho giặc phải tan.

Vua Thủy thấy có bạn của con tới chơi lấy làm mừng rỡ, đãi anh chàng rất hậu. Khi vua Thủy sai quân hầu mang vàng bạc châu báu đến biếu, anh nhớ lời rắn cố khước từ, chỉ xin có mỗi một chiếc đàn thất huyền. Vua Thủy nể chàng, thuận cho ngay. Anh trở về cõi đất, quý chiếc đàn vô hạn. Một hôm anh có việc phải đi xa. Trước khi đi, anh giấu chiếc đàn thần dưới cót thóc, dặn người bạn chớ có bén mảng đến chỗ cót thóc đó. Nhưng người kia nghe dặn, đồ rằng dưới ấy tất có vật quý bèn cố tâm kiếm tìm, quả bắt được cây đàn. Hắn đã biết sự mầu nhiệm của chiếc đàn ấy bèn lấy trộm rồi trốn đến kinh đô để lập công danh. Hồi ấy quân đội nhà vua phải đối địch với một nước láng giềng luôn luôn kéo quân sang quấy nhiễu bờ cõi. Hắn vào xin vua đi tiễu trừ giặc dữ. Nhờ có chiếc đàn thần, hắn đã làm cho quân đội của đối phương thua liểng xiểng. Lúc thắng trận trở về, hắn được nhà vua hết lời khen ngợi, phong làm đại tướng, ban lộc rất hậu. Được giàu sang, hắn không còn nghĩ gì đến ân nhân của mình nữa. Nhà vua toan gả công chúa cho đại tướng nhưng vừa hứa hôn thì bỗng dưng công chúa bị câm. Vì thế hôn lễ đành phải hoãn lại chờ lúc công chúa lành bệnh mới cử hành.

Lại nói chuyện anh chàng câu cá khi trở về thấy mất bạn lại mất cả cây đàn thất huyền thì vội bỏ nhà đi tìm. Vào đến kinh đô, một hôm anh gặp người kia bây giờ đang ngồi trên kiệu sơn son thiếp vàng, có quân gia theo hầu đông nghịt. Anh đón kiệu lại, cất tiếng hỏi thăm bạn cũ. Nhưng người kia vừa gặp ân nhân của mình đã vội thét lính bắt trói lại. Thế rồi, để khỏi lộ chuyện, hắn vu cho anh làm giặc, sai nhốt một chỗ kín đáo, không cho ăn, để chờ ngày đưa ra pháp trường. Trong ngục tối, giữa khi anh chàng đang than thân trách phận thì bầy kiến ngày xưa đã tìm được cách lọt vào hỏi thăm:

- Tại sao ông bị giam ở đây ?

Anh chàng ngơ ngác không hiểu tiếng ai hỏi mình, bèn hỏi lại:

- Ai đó? Tại sao tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy người ?

- Chúng tôi là bầy kiến mà ông cứu khỏi nạn lụt ngày xưa, hiện đang ở dưới chân ông đây!”. Anh chàng cúi xuống tìm kiến rồi kể chuyện cho kiến nghe nông nỗi của mình. Kiến nói:

- Chúng tôi không thể làm được gì nhưng để chúng tôi đi kiếm con chuột ngày ấy, may chuột có kế gì chăng

Lũ kiến bèn chia nhau mỗi con một phương đi kiếm chuột và báo tin không may của ân nhân cho chuột biết. Chuột bảo:

- Bây giờ chắc ông ấy đói lắm, để tôi mang vào ngục một ít thức ăn đã. Rồi tôi sẽ đi kiếm con trăn xem thử nó có mưu mẹo gì chăng.

Chuột liền đưa khoai và bánh lấy trộm được của một nhà hàng vào ngục cho anh chàng ăn. Anh tỏ lời cám ơn. Rồi cả gia đình nhà chuột lại kéo nhau đi tìm trăn. Lúc sắp đến nhà trăn, cả bầy chuột sợ trăn ăn thịt bèn trèo lên cây cao gọi xuống:

- Bác trăn ơi! Bác trăn ơi!.

Khi trăn ra, một con chuột già đánh bạo xuống kể chuyện cho trăn biết. Trăn nhả ra một viên ngọc bảo chuột đưa về cho ân nhân mà rằng:

- Viên ngọc này mài ra thành bột có thể chữa lành bệnh, ân nhân của chúng ta có thể đem chữa bệnh cho công chúa rồi nhờ đó mà thoát nạn 

Khi được ngọc, anh chàng gọi người cai ngục đến nói mình có phép cứu công chúa khỏi câm. Người ta dẫn anh đến trước vua. Quả nhiên sau khi công chúa uống nước ngọc mài bỗng nói được, và câu đầu tiên của nàng là đòi lấy người cứu mình làm chồng. Vua rất 85 86 khen ngợi, hỏi anh ta vì sao có thứ thuốc thần diệu đến thế. Anh chàng kể lại đầu đuôi câu chuyện, từ lúc câu được rắn, cứu được các con vật và người, cho đến lúc bị người phản bội, còn các con vật lại tìm cách trả ơn, trong đó có con trăn cho mình viên ngọc quý. Vua nghe xong tắc lưỡi:

- Thật là bụng dạ con người sâu hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm!.

Lập tức vua sai lính bắt giam tên đại tướng bất nghĩa kia để chờ ngày phán xử. Còn anh chàng đi câu được vua cho làm quan và gả công chúa. Anh ta sống một cuộc đời sung sướng hơn trước...

Biết đền ơn, đáp nghĩa là một việc làm cao quý nhất trong cuộc đời, con người sống thiếu nó thì không có lòng nhân. Biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây.

Ngày xưa, có một đất nước nọ, ông vua sống rất nhân từ, đạo đức, thông suốt việc đời cho đến việc đạo. Ông thấy rõ kiếp sống con người tạm bợ, mong manh, mạng người sống trong hơi thở, vì công danh, sự nghiệp, vợ đẹp, con ngoan mà nhiều người đành lòng giết hại, trộm cướp, lừa gạt mà bức hại, làm khổ lẫn nhau. Nghĩ vậy, vua liền từ bỏ tất cả, đi qua nước khác, tìm thầy học đạo và xuất gia làm người tu hành. Gần hai mươi năm, ông lánh xa thế gian trần tục, tinh tấn tu hành, sống đời đạm bạc. Chỗ ông đang ở có một hang sâu, không có đường lên. Một hôm, có anh thợ săn vì ham đuổi theo con mồi mà rớt xuống hang. Vị thầy tu đó nghe tiếng kêu cứu, liền chặt dây leo thả xuống. Anh thợ săn nhờ vậy mà thoát chết. Lúc đó, anh đã bắt được một con rắn và một con quạ, nhốt chung vào cái rọ đeo bên mình. Vì thấy hai con vật tội nghiệp nên vị thầy thương tình, mở rọ ra thả chúng đi. Riêng anh thợ săn thì thương tích đầy mình, và thầy nhiệt tình chăm sóc. Sau đó, anh thợ săn phục hồi được sức khỏe, cám ơn rối rít vị ân nhân cứu mình và hứa sẽ có ngày đền ơn, đáp nghĩa. Nói xong, anh chỉ cho thầy ngôi nhà ở bìa rừng và mời thầy khi nào có dịp thì ghé nhà chơi để gia đình có dịp hậu tạ. Trước đó, hai con vật được cứu thoát cũng đã thầm hứa khi thầy gặp chuyện không may, chúng sẽ hết lòng tìm phương cứu giúp. Chú quạ sau khi thoát chết luôn tìm cách trả ơn thầy. Nó nghĩ mãi vẫn không có cách nào để đền ơn xứng đáng. Cuối cùng, nó sực nhớ ra, liền bay vào cung vua lúc nửa đêm để lấy cắp hạt kim cương quý giá của hoàng hậu. Sau đó, nó tìm đến vị thầy để đền ơn cứu mạng bằng cách dâng kính thầy hạt kim cương. Hoàng hậu sau khi ngủ dậy mới phát giác ra hạt kim cương bị mất, liền báo cho vua biết. Vì là vật gia bảo quý giá nên nhà vua truyền rao khắp tất cả thần dân thiên hạ, nếu ai tìm được viên kim cương sẽ được tặng đất đai, nhà cửa, tiền bạc và các nhu cầu cần thiết. Lệnh thông báo được truyền đi khắp nơi từ thành thị phồn náo đến hang cùng ngõ hẻm nên ai cũng biết tin. Riêng vị thầy, sau khi nhận hạt kim cương mới nghĩ rằng gia cảnh anh thợ săn chắc rất túng thiếu nên khởi lòng từ bi đem đến tặng anh ta, không ngờ tai họa bắt đầu ập đến. Tên thợ săn nhân cơ hội này trói vị thầy ân nhân đã cứu sống mạng mình, nộp cho nhà vua để được nhận đầy đủ các thứ nhà vua hứa.

Nhà vua hỏi vị thầy: “Hạt kim cương này do đâu mà ngươi có, hãy mau thành thật khai báo”. Vị thầy suy nghĩ, nếu ông nói thật ra thì tất cả loài quạ trên thế gian này sẽ bị tiêu diệt hết. Còn nếu tự mình nhận lấy thì phạm giới tu hành sẽ làm cho mọi người mất tín tâm. Nghĩ vậy nên thầy đành im lặng, một mực cam chịu sự đánh đập, hành hạ dã man. 

Tuy vậy, thầy không khởi tâm oán giận nhà vua, mà còn khởi lòng bi mẫn, thương xót phát nguyện sau khi thành tựu đạo lý giác ngộ giải thoát, sẽ độ nhà vua trước tiên. Nhà vua thấy ngài bị tra tấn dã man mà không hề có thái độ sợ hãi, nên truyền lệnh chôn sống vị thầy, chỉ chừa cái đầu bên trên. Con rắn hay tin thầy bị oan gia vì muốn giúp người mà đành chịu khổ, nó tức tối nên tìm cách cứu thầy. Đêm đó, rắn bò vào cung, cắn chết thái tử là đứa con duy nhất của nhà vua. Xong, nó bò về chỗ thầy bị chôn sống, trao thuốc giải độc cho thầy, rồi từ biệt thầy ra đi. Thương tiếc đứa con duy nhất, nhà vua truyền lệnh, nếu ai cứu được thái tử, ông sẽ nhường lại nửa giang sơn. Danh y các nơi nghe thế đều tìm về cung chữa trị, nhưng tất cả đều bó tay, chào thua. Tin thái tử chết và tin thầy tu bị chôn sống được lan truyền rất nhanh. 

Người hiểu đạo thì tội nghiệp cho nhà vua, người không hiểu thì nói đáng đời cho nhà vua, kẻ thì nói gieo gió thì gặt bão, họ bàn tán xôn xao vì sự oan trái này. Một người lính đi ngang chỗ thầy tu đang bị chôn sống, vừa đi vừa thốt lên tội nghiệp cho nhà vua quá, có đứa con duy nhất mà giờ phải chịu chết vì rắn cắn. Vị thầy nghe vậy mới nói rằng: “Tôi có thuốc giải độc rắn cắn hay lắm”.

 

Thế là tên lính liền đem thuốc giải về trình vua và cho thái tử uống thử. Thật là mầu nhiệm! Mười phút sau, thái tử hồi tỉnh lại trong sự vui mừng của tất cả mọi người. Nhà vua liền truyền lệnh mau cứu sống vị thầy tu và quỳ xuống ăn năn sám hối: “Mong thầy tha thứ lỗi lầm, con vì người phàm mắt thịt nên xém chút đã giết oan một người tu hành chân chính như thầy”.

Sau đó, nhà vua cùng quan quân, gia đình, người thân đồng đến quy y nương tựa thầy cầu mong sự chỉ dạy. Vị thầy vì lòng từ bi cao cả nên đã chấp nhận hết mọi oan gia đau khổ, để tất cả chúng sinh được sống bình yên, hạnh phúc.

Sau đó, thầy hướng dẫn cho vua biết tin sâu nhân quả, khuyên nhủ mọi người làm lành, lánh dữ để cùng nhau sống yêu thương, hiểu biết, để đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi mọi việc xong xuôi, nhà vua mới hỏi: “Tại sao thầy lại không nói lên sự thật?” – “Nếu ta nói lên sự thật thì các loài quạ trong nước đều phải bị hủy diệt hết. Chính vì lẽ đó nên ta không nói. Còn nếu nói sai sự thật thì cũng phạm vào giới cấm, làm cho người khác càng mất niềm tin nơi Phật pháp, ta thà cam chịu đau thương để mọi loài không bị tổn hại”. Vua nghe xong hai hàng lệ rơi mà càng cung kính thầy, vừa cảm phục đức độ của vị chân tu, vừa hổ thẹn vì sự phán xét sai lầm của mình.

Kế đến, nhà vua truyền lệnh chu di ba họ gia đình anh thợ săn, nhưng vị thầy xin vua hãy tha thứ, để anh ta có cơ hội làm mới lại chính mình. Vua nghe lời và từ đó phát tâm xây dựng chùa chiền để hướng dẫn cho mọi người tu theo. Câu chuyện ngụ ngôn trên nói lên sự bạc bẽo của con người khi không có sự hiểu biết chân chính, không có lòng nhân, không có tình người, không tin sâu nhân quả. Chính vì không tin sâu nhân quả, tin không có đời sau mà người ta đành lòng giết hại lẫn nhau để bảo tồn mạng sống cho riêng mình. Kẻ có quyền cao chức trọng thì nhân danh thượng đế, buộc mọi người phải kính cẩn tôn sùng. Con người vì có hiểu biết nên hơn hẳn các loài vật nhờ biết suy nghĩ, quán chiếu, tìm tòi, biết vận dụng đi theo chiều hướng tốt đẹp, cùng giúp nhau sống an vui, hạnh phúc. Nếu si mê, chấp ngã thì tìm cách chiếm hữu của kẻ khác bằng nhiều hình thức, miễn sao lợi cho mình là được, còn ai khổ đau mặc kệ.

Còn các loài vật thì sao? Khi ai cứu nó, nuôi nó, nó sẽ nhớ ơn suốt đời, không bao giờ có tâm phản phúc, mà còn tìm cách để trả ơn và đền ơn. Chính vì lẽ đó mà dân gian có câu: “Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân, nhân trả oán”, thật không sai chút nào.

Tình người lòng dạ đổi thay

Ngoài môi, chót lưỡi những câu ân tình.

Biết đền ơn, đáp nghĩa là một việc làm cao quý nhất trong cuộc đời, con người sống thiếu nó thì không có lòng nhân. Biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Hiện tại, người Việt Nam chúng ta vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp và cao cả này. Ai phủ nhận công ơn của cha mẹ, công ơn của thầy Tổ, công ơn của đất nước, công ơn của tất cả chúng sinh, kẻ đó gọi là “người vong ơn bội nghĩa”.

Ơn cha mẹ là ơn cao cả nhất. Mẹ mang nặng, đẻ đau, cha làm lụng vất vả, nhọc nhằn, chịu cực khổ, mà không hề oán than, chỉ một lòng mong cho con trẻ mau được lớn khôn để nên danh phận ở đời. Đó là sự mong muốn của các bậc làm cha mẹ. Ngoài đời, các em học sinh còn phải biết ơn thầy cô giáo dạy chữ, dạy nghề. Trong đạo pháp, ơn thầy Tổ thì vô cùng cao quý. Cha mẹ làm nên thân ta, thầy cô giúp ta có hiểu biết và công ăn việc làm. Thầy Tổ giúp ta giới, thân, huệ mạng trang nghiêm, trong sạch, sống có nhân cách và đạo đức. Đức Phật ngày xưa, khi thọ ơn ai một điều gì, dù nhỏ nhặt nhất vẫn nhớ và tìm cách trả ơn. Trong một kiếp quá khứ, Ngài thọ ơn một người vì đã nói một lời an ủi. Kiếp hiện tại, vị ấy là đệ tử xuất gia theo Phật, nhưng bị bệnh ghẻ lỡ, hôi hám, do quả báo kiếp trước khi làm quan đánh đập, hành hạ nhiều người oan sai, hiện tại phải bị quả báo bệnh khổ. Phật đích thân cùng ngài A Nan đến chỗ đệ tử thăm bệnh và ân cần hỏi han, chăm sóc. Chính Phật đích thân nấu nước, tắm rửa, lau chùi cho thầy tỳ kheo ấy. Trong cơn khốn đốn, khổ bệnh hành hạ, vị tỳ kheo được Phật quan tâm, tận tình chăm sóc, như được uống nước cam lồ nên thân tâm cảm thấy nhẹ nhàng, an ổn. Song, Phật chỉ dạy phương pháp quán bệnh khổ, vị tỳ kheo tinh cần miên mật, nhiếp tâm quán chiếu mà chứng quả giác ngộ giải thoát. Ta bây giờ yên ổn tu hành, không phải bận rộn lo toan các thứ, vì đã có nhiều người hy sinh, chịu khổ, bảo vệ đất nước, giữ gìn an ninh, trật tự cho mình. Họ đã phải can đảm chấp nhận xa lìa người thân, bảo vệ biên cương, bờ cõi. Ta cần phải cám ơn các nhà lãnh đạo đất nước, cùng các chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng. Một đất nước luôn bị giặc giã, luôn bị chiến tranh, thì thử hỏi ta có thể yên ổn tu hành hay không? Do đó, Phật dạy ta phải biết ơn đất nước mà cố gắng tu hành để được an lạc hạnh phúc mà dấn thân phục vụ tốt đạo, đẹp đời.  Và còn một ơn này nữa cũng tối quan trọng, đó là ơn tất cả chúng sinh và bầu vũ trụ bao la này. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, ta không nuôi tằm dệt vải nhưng vẫn có áo quần mặc ấm. Biết bao con người phải làm lụng vất vả, hành nghề giết mổ để ta được ăn ngon, sống khỏe và bảo tồn mạng sống. Ơn nghĩa ở thế gian là bao la, vô cùng tận, ta không thể nhất thời mà trả hết những công ơn ấy. Do đó, Phật dạy ta biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ai sống luôn nhớ nghĩ và thực hành như vậy, sẽ là những phật tử chân chính sống đúng theo lời dạy của Như Lai Thế Tôn.

Bài viết: "Vật trả ơn, người trả oán vì sao lại như thế?"
Thích Đạt Ma Phổ Giác - Vườn hoa Phật giáo

Video liên quan

Chủ Đề