Cốt nhục chia cắt nghĩa là gì

Cốt nhục đâu rồi?

Câu chuyện về bạo lực ngoài đường phố, trong trường học và gia đình vẫn còn dài với những tình tiết kỳ lạ khiến nhiều người lắc đầu không cắt nghĩa nổi. Theo dõi đường đi của bạo lực, có thể thấy nó đang chuyển sang bước ngoặt nguy hiểm: Đánh vào tình cốt nhục.

Dồn dập trong những tháng gần đây, một số vụ bạo lực gây chết người đã xuất hiện ngay trong gia đình, nơi quần tụ những thành viên của hai hoặc ba thế hệ. Từ cháu giết bà, con giết cha, em giết anh đến vợ chồng giết nhau, cha mẹ giết hoặc hành hạ con cái... Vì phần lớn là hành động có chủ ý nên mức độ tàn độc chẳng khác gì thời Trung cổ. Thật khó chấp nhận khi những câu chuyện bạo lực đó lại xuất hiện ngay trên một đất nước hòa bình, người dân có truyền thống hiếu hòa, thân thiện như Việt Nam.

Điều rất khó hiểu là hầu hết mọi kết cục bi thảm lại được khơi mào từ những nguyên nhân nhỏ nhặt, thậm chí không đáng gọi là nguyên nhân. Chẳng hạn như ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có trường hợp cháu đánh bà nội đến chết để lấy tiền chơi game! Thế nên, cần có độ lùi và sự điều chỉnh góc nhìn cần thiết để có bức tranh bao quát về các hiện tượng và tìm đằng sau nó câu trả lời như là nguyên nhân sâu xa.
Hệ thống lại, có thể thấy các vụ bạo lực gây chết người cùng huyết thống thường rơi vào những gia đình nghèo khó, ít học, thiếu thông tin về những vấn đề xã hội bên ngoài. Túng quẫn về vật chất và nông cạn về văn hóa, tinh thần là con đường ngắn nhất dẫn đến cách ứng xử lệch lạc. Chỉ cần một tác nhân- như rượu hay một lời nói, ánh nhìn mang tính kích động chẳng hạn- sự nóng giận sẽ lập tức bùng lên và chứa chất trong đó những tai ương khó lường.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, sự phát triển nóng của nền kinh tế đất nước đang tạo ra những mặt không thuận của xã hội, góp phần tăng nguy cơ xuất hiện bạo lực. Có một nhận định khá phổ biến là chất lượng sống, nhất là cuộc sống tinh thần, không theo kịp tốc độ tăng trưởng GDP. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, cùng với những kẻ tham nhũng ngày càng ranh ma, đang tích tụ nguy cơ đó. Kẻ ăn không hết, người lần không ra không chỉ là câu than vãn cửa miệng của người nghèo mà còn phản ánh cái nhìn đầy lo âu của những người yêu chuộng lẽ công bằng. Sự phát triển ồ ạt còn kích thích cuộc chạy đua kiếm tiền trong xã hội tạo ra tâm lý mạnh ai nấy sống và chính tâm lý này đang làm rạn nứt gia đình.
Thất vọng, bế tắc, mất niềm tin trước cuộc sống chính là nơi trú ngụ và lan tỏa tốt nhất thứ bạo lực đang đánh vào tình cốt nhục. Nâng đỡ cuộc sống vật chất và tinh thần của người nghèo ngay từ mỗi gia đình - tế bào xã hội - là cách ngăn chặn bạo lực hữu hiệu nhất.
Cao Tuấn

Video liên quan

Chủ Đề