Có bao nhiêu loại hợp đồng

Hợp đồng luôn luôn hình thành trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và tùy từng trường hợp và mục đích cụ thể mà hợp đồng có nhiều loại khác nhau. Vậy có tất cả bao nhiêu loại hợp đồng?

"Có tất cả bao nhiêu loại hợp đồng?", nếu xét câu hỏi này về mặt toán học thì có thể nói đó là một bài toán thiếu dữ kiện. Bởi thực tế có rất nhiều loại hợp đồng: mua bán, đại lý, ủy thác, mua bán, cho thuê, gửi giữ tài sản, kho bãi, bảo hiểm, dịch vụ quảng cáo và vô số các loại hợp đồng khác. Vì thế cho nên khi phân loại hợp đồng, người ta thường dựa theo các tiêu chí khác nhau. Tiêu biểu là phân loại theo đối tượng và nội dung của hợp đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 406 Bộ luật Dân sự 2005 thì tùy theo tiêu chí, hợp đồng còn có thể phân thành nhiều loại sau đây:

  • Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau, ví dụ như bên bán cung cấp thiết bị còn bên mua nhận hàng và trả tiền.
  • Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ, ví dụ công ty A hứa thưởng cho nhân viên X nếu đạt được doanh số đề ra. Nếu X đạt được các yêu cầu như thỏa thuận thì Công ty A phải thực hiện các nghĩa vụ đúng như đã cam kết.
  • Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Ví dụ A mua của B 100 chiếc máy tính và thuê B bảo dưỡng cho số máy tính đó trong thời gian sử dụng; hợp đồng chính giữa A với B là mua bán, hợp đồng phụ là việc bảo dưỡng máy tính; hiệu lực của hợp đồng chính không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
  • Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực của nó phụ thuộc vào hợp đồng chính. Nếu hợp đồng chính hết hiệu lực thì đồng nghĩa với việc hợp đồng phụ cũng chấm dứt.
  • Hợp đồng vì lợi ích của bên thứ ba, điển hình là các hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ như cha mê mua bảo hiểm cho con, theo đó người thứ ba được hưởng lợi từ việc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
  • Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện nó phụ thuộc vào việc xuất hiện, thay đổi hay chấm dứt một sự kiện nhất định. Ví dụ như các đại lý bán vé máy bay hay các cửa hàng nhượng quyền thương mại chỉ được phép hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật hoặc do nhà cung cấp quy định.

Như vậy, trên thực tế có muôn vàn các loại hợp đồng được sử dụng trong từng trường hợp và mục đích cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung chúng đều được phân loại vào một trong số các hợp đồng kể trên.

Những văn bản có liên quan:

Bộ luật Dân sự 2015

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

Hiện nay có bao nhiêu loại hợp đồng lao động? Hợp đồng lao động có thể giao kết dưới những hình thức nào? - Đức Hoàng [Bình Dương]

Có mấy loại hợp đồng lao động? Hình thức của hợp đồng lao động [Hình từ Internet]

1. 02 loại hợp đồng lao động hiện nay

Theo khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, có 02 loại hợp đồng lao động được áp dụng hiện nay, bao gồm:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

2. Hết hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn, NLĐ vẫn làm việc thì giải quyết thế nào?

Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

- Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019.

3. Hình thức của hợp đồng lao động

Hình thức hợp đồng lao động quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

[1] Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại điểm [2] dưới đây.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

[2] Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 Điều 14 Bộ luật Lao động 2019.

4. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động quy định như sau:

- Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

- Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

- Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

+ Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

- Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

+ Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

+ Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

+ Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Như Mai

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn

Chủ Đề