Chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời và lạc hậu năm 2024

Bài viết đưa ra những luận cứ để phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin để tiếp tục khẳng định giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, một bộ phận quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học mở, được phát triển không ngừng và do đó nó không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, dân tộc, không thể bị lỗi thời

Về bản chất, chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết phát triển, là hệ thống mở với bản chất vốn có là luôn được bổ sung phát triển. Cách đây hơn 134 năm, ngày 27-1-1887, trong bức thư gửi bà Florence Kelley [1859-1932] - nhà hoạt động xã hội người Mỹ, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc” [1]. Ph.Ăngghen đã nhiều lần nhắc lại rằng, học thuyết của các ông không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động. Sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và trong thời đại chủ nghĩa xã hội hiện thực bởi V.I.Lênin là một minh chứng cho bản chất cách mạng vốn có của chủ nghĩa Mác-Lênin luôn được bổ sung, phát triển.

Nhiều luận điểm của chủ nghĩa Mác đã được V.I.Lênin bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như sự phát triển của khoa học cùng với cuộc đấu tranh chống lại các loại hình kẻ thù của chủ nghĩa Mác. Chẳng hạn, luận điểm về cách mạng xã hội chủ nghĩa; định nghĩa về vật chất; mối quan hệ giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối; sự thống nhất giữa phép biện chứng, lôgíc biện chứng và lý luận nhận thức,v.v.. Cũng có những vấn đề mà ở thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, thực tiễn lịch sử chưa đặt ra, nhưng thời đại mà V.I.Lênin sống lại đòi hỏi phải trả lời như vấn đề con đường, cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước tiểu nông lạc hậu như nước Nga,…

Cũng chính vì vậy, mà tác phẩm Cương lĩnh của chúng ta, V.I.Lênin đã khẳng định viên phải rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[2].

Rõ ràng là, C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin không bao giờ tự coi lý luận của các ông là “bất khả xâm phạm”, là hệ thống khép kín, là chân lý tuyệt đích. Trái lại, các ông luôn đòi hỏi những người cộng sản phải biết vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi nước. Đó là một trong những đặc trưng vốn có của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế cũng cho thấy bản chất vốn có của chủ nghĩa Mác-Lênin là sáng tạo và phát triển. Chính nhờ có sáng tạo mà chủ nghĩa Mác-Lênin được phát triển, chính phát triển lại là điều kiện cho những người mácxít vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin.

2. Chủ nghĩa Mác-Lênin - những giá trị bền vững không thể phủ nhận

Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời, phát triển với bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn mang trong lòng nó những giá trị bền vững không thể bác bỏ. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho chúng ta nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn của thế giới đương đại; xây dựng CNXH và thực hiện sự nghiệp đổi mới thành công.

Thứ nhất, phương pháp biện chứng duy vật

Phương pháp biện chứng duy vật Mác-Lênin là sự kết tinh toàn bộ những thành tựu tinh hoa của lịch sử phát triển tư tưởng duy vật của nhân loại. Phương pháp duy vật biện chứng là hệ thống các nguyên lý, phạm trù, qui luật cơ bản của phép biện chứng và lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Đó là: Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, nguyên lý về sự phát triển; Các cặp phạm trù: Cái chung và cái riêng; Nguyên nhân và kết quả; Tất nhiên và ngẫu nhiên; Nội dung và hình thức; Bản chất và hiện tượng; Khả năng và hiện thực,... Các qui luật: Qui luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại; Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; Qui luật phủ định của phủ định,... Phương pháp luận này coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác.

Thứ hai, quan niệm duy vật về lịch sử

Ph.Ăngghen đã đánh giá công lao vĩ đại của C.Mác đối với sự phát triển của nhân loại: “Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật đơn giản đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo,... vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm”[3]. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”.

Nói chung quan niệm duy vật về lịch sử là cơ sở phương pháp luận giúp con người nhận thức xã hội, thực tiễn một cách đúng đắn và còn nguyên giá trị, không thể lỗi thời cho dù điều kiện hiện nay.

Thứ ba, lý luận hình thái kinh tế - xã hội

Toàn bộ lịch sử vận động và phát triển của xã hội loài người là sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội mà mỗi hình thái kinh tế - xã hội sau bao giờ cũng là một sự phát triển cao hơn hình thái kinh tế - xã hội trước đó. Khi phân tích quy luật vận động của một xã hội nhất định, học thuyết này chỉ ra những mâu thuẫn bên trong và khẳng định chính sự vận động của mâu thuẫn này, cuối cùng, sẽ dẫn đến sự chuyển hóa từ một hình thái kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác. Tất cả các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau trong lịch sử tạo nên chuỗi phát triển tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau trong lịch sử vẫn chỉ là những nấc thang nhất thời trên con đường phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao.

Thứ tư, Học thuyết giá trị thặng dư

Cùng với quan niệm duy vật về lịch sử, Ph.Ăngghen coi học thuyết giá trị thặng dư là phát minh vĩ đại thứ hai của C.Mác. Vì C. Mác là người phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, cũng như nguồn gốc của giá trị thặng dư, qua đó vén bức màn bí mật che đậy sự thật về bản chất bóc lột lao động làm thuê của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ngày nay chính sự phát triển vũ bão của khoa học – công nghệ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã không làm cho lý luận về giá trị thặng dư, về mối quan hệ sở hữu trở nên lỗi thời, mà ngược lại đã và đang chứng minh cho tính đúng đắn của những lý luận đó.

Thứ năm, lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học

Khi C. Mác và Ăngghen nói về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thì đó mới chỉ là dự báo trên những đường nét cơ bản, đặc trưng nhất. Trên cơ sở quy luật sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên, tính tất yếu thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xa hội, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là tất yếu như nhau. Về sau, V.I.Lênin là người trực tiếp vận dụng học thuyết của C.Mác và Ănghen để tiến hành cách mạng đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga và Liên Xô.

Tóm lại, dù bị các thế lực thù địch đưa ra các luận điệu xuyên tạc, nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là một học thuyết tiến bộ, khoa học và cách mạng. Do vậy, không một thế lực nào có thể chống phá được chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết mở, phát triển không ngừng, có sức sống bất diệt.

Chủ Đề