Chú bé mang pyjama sọc review năm 2024

Chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ đầy lên sự bạo tàn và tội ác của nhân loại nhưng những dư âm, vang vọng của nó sẽ còn đọng lại mãi trong ký ức trẻ thơ – những tấm giấy trắng mong manh trong cơn bão bụi của lịch sử. Thật vậy, dẫu chiến thắng có thuộc về ai thì khi bước ra khỏi cuộc chiến, kẻ thất bại vẫn là nhân dân, nhất là lứa tuổi nhi đồng, một lứa tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng mà vốn dĩ không nên xuất hiện trong bất kỳ cuộc chiến nào. Đáng buồn thay, lịch sử dường như chưa bao giờ vận hành theo ý tưởng này và những đứa trẻ vô tội đầy mộng mơ ấy luôn bị kéo vào những cơn ác mộng kinh hoàng mỗi khi chiến cuộc nổ ra. Liệu rằng giữa cơn cuồng phong ác liệt ấy, những đứa trẻ tuổi chưa quá hai con số sẽ phải vật lộn và trở mình như thế nào với thời cuộc? Liệu rằng tâm hồn chúng vẫn sẽ giữ được sự thuần khiết vốn có hay lại bị vấy bẩn bởi những dã tâm của người lớn đương thời? Tất cả sẽ có trong Chú bé mang pyjama sọc, một quyển tiểu thuyết của nhà văn người Ireland – John Boyne, viết về câu chuyện của Bruno, con một sĩ quan Đức Quốc xã cấp cao trong những năm tháng gay go nhất của Thế chiến thứ nhì.

Mọi chuyện bắt đầu với Bruno, cậu có vẻ cũng là một đứa trẻ 9 tuổi bình thường như bao đứa trẻ khác. Cậu có gia đình với bố, mẹ và chị Gretel. Cậu có Karl, Daniel và Martin là ba đứa bạn mà cậu hay chơi cùng. Cậu còn có cả ông bà nữa. Cậu dường như có được những thứ mà đối với nhiều đứa trẻ khác, đó là cả một giấc mơ. Giấc mơ ấy diễn ra ở Berlin và thật không may là nó sẽ chấm dứt trong chốc lát thôi. Là con của một sĩ quan SS cấp cao, khi ông ta được cho là phải đảm nhận một công việc hết sức quan trọng do Quốc trưởng giao phó, gia đình cậu phải rời Berlin và chuyển đi nơi khác. Từ bỏ một cuộc sống sung túc với một căn nhà năm tầng hoành tráng giữa một Berlin hoa lệ để chuyển đến nơi mà giờ đây cậu gọi là Ao Tuýt [thực chất là Auschwitz do cậu phát âm sai] với một căn nhà chỉ ba tầng cùng một không khí xung quanh hiu quạnh, đó dường như là một cơn ác mộng khiến cậu phải thét lên. Cậu không thích nơi này, rõ ràng là thế. Cậu đảo mắt đến mọi thứ xung quanh và bất chợt phát hiện những dãy nhà cùng những con người xa xăm nào đó ở phía bên kia hàng rào nhìn từ cửa sổ phòng cậu. Cậu tò mò. Với một cậu bé có máu thám hiểm như Bruno thì sự tò mò này như một cơn ngứa dữ dội thôi thúc cậu phải gãi. Mạch truyện từ đây bắt đầu đi dọc theo những sự kiện trong đời Bruno, cậu bắt đầu va chạm và va chạm nhiều hơn với những người khác nhau trong đời cậu. Từ chị hầu gái Maria, cho đến bác phụ bàn Pavel, từ viên trung úy Kotler cho đến chị gái Gretel cũng như chính cha mẹ cậu, họ ẩn dụ cho những mảng giai tầng khác nhau trong bức tranh xã hội lúc bấy giờ, với đầy đủ các lớp người, từ tầng lớp thất thế đến ưu thế. Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn. Nhưng nếu cứ thế này mãi, cậu sẽ phát điên vì buồn chán mất. Cậu mạo hiểm bước chân ra khỏi vòng an toàn để khám phá xung quanh, nhất là những gì ở phía bên kia hàng rào. Và rồi nơi đó cậu gặp Shmuel, nhân vật chính cũng là nhân vật thắt và mở nút cho cả truyện. Không giống như Bruno, Shmuel có một hoàn cảnh xuất thân rất khác, thậm chí đối nghịch. Cậu sống trong một gia đình Ba Lan gốc Do Thái và dưới quyền cai trị của Đức Quốc xã, gia đình cậu đã bị buộc phải rời khỏi nhà để chuyển đến một khu khác ở Krakow. Từ đây, cuộc sống cậu đã bắt đầu thay đổi, mọi thứ có vẻ tệ hơn lúc trước nhưng tệ nhất vẫn là khi gia đình cậu bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz, nơi định mệnh để Bruno và Shmuel gặp nhau. Thằng bé nhỏ thó, gầy gò, mắt trũng sâu và gương mặt xám xịt. Đối với Bruno, cậu chưa thấy ai như thế ở trên đời, ngay cả cái tên cũng chưa. Nhưng điều làm hai cậu đặc biệt hơn cả chính là việc các cậu được sinh ra vào cùng một thời điểm, giống nhau đến từng chi tiết một: “15-04-1934.” Dường như có một sự chua cay chảy dọc sống mũi khi mà hai con người khớp hoàn toàn với nhau về ngày sinh, tháng đẻ như thế giờ đây lại thuộc về hai cộng đồng gần như đối cực. Không có một dấu hiệu nào cho thấy cả hai có thể là bạn của nhau cả. Ấy vậy mà, trái với những lẽ thường phũ phàng về xung đột giai cấp, cả hai kết thân rất nhanh và sau hơn một năm ròng lén lút bên nhau với biết bao kỷ niệm, tình bạn giữa hai đứa trẻ ấy đã trở nên vĩnh cửu. Bruno quyết định làm một việc mà nó đã chạm đến trái tim người đọc, đó chính là cải trang với một bộ pyjama và chui qua bên kia bức tường rào Auschwitz để đến với Shmuel! Ở đó họ cuối cùng cũng đã thật sự được chơi với nhau mà không bị bất cứ cái hàng rào nào chia cắt. Ở đó họ thực hiện một chuyến thám hiểm đầu tiên, mà cũng là chuyến cuối cùng với nhau. Hai cậu vội vã cùng nhau đi tìm cha của Shmuel, người đã mất tích nhiều ngày trong trại tập trung, một nơi không có lối thoát và trừ khi họ bị giết, họ bắt buộc phải trở lại phòng của mình. Hai cậu dĩ nhiên là không tìm được. Cho đến khi Bruno sắp phải về nhà thì sự dồn nén của cả truyện được đẩy lên cao nhất. Những đám lính bắt đầu xuất hiện và dồn cả hai đi về một nơi. Nơi đó tối tăm và có vẻ ánh sáng cũng không thể lọt vào được. Lẽ ra Bruno không phải ở đó nếu cậu ra về sớm hơn một chút. Nhưng giờ đây dẫu có trễ đi chăng nữa thì Bruno cũng vĩnh viễn không thể về được nhà. Cả hai đã bị đưa vào phòng hơi ngạt! Giây phút ấy, Bruno vẫn nắm chặt tay Shmuel. Không thứ gì trên đời có thể làm cậu bỏ tay Shmuel ra cả. Và rồi từ đó trở đi, chẳng ai còn nghe tin gì về Bruno nữa.

Nếu có bất kỳ ai mong chờ một đóa sen thơm về tình người giữa một vũng bùn lầy của tội ác thì ắt hẳn đây là một tác phẩm tuyệt vời dành cho họ. Thoạt nhìn, Chú bé mang pyjama sọc có vẻ là một tác phẩm dành cho thiếu nhi. Tiêu đề được đặt một cách nhẹ nhàng và bình dị, cứ như thể gợi ra một bức tranh toàn màu hồng với những mảng không gian hài hòa, êm đềm và dẫn dắt người đọc vào câu chuyện của một chú bé nào đấy mang pyjama sọc. Lời thoại nhân vật và cách diễn đạt trong xuyên suốt tác phẩm cũng mang âm hưởng mềm mại dành cho trẻ con với những từ ngữ giản đơn, ngắn gọn và dứt khoát. Thế nhưng khi thực sự chiêm nghiệm và cảm thụ từng diễn biến trong tác phẩm, ta mới thấy đây là một tiểu thuyết dành cho mọi lứa tuổi chứ không chỉ giới hạn riêng cho bất kỳ ai. Đến cả những người lớn khi đọc tác phẩm này cũng chưa chắc đã cảm nhận được hết những ẩn ý mà tác giả muốn lồng ghép đằng sau từng câu thoại. Đó không hề là màu hồng mà là đầy rẫy những sự thương đau, tang tóc và ớn lạnh chỉ vì sự ích kỷ và vĩ cuồng bản thân của con người. Phần lớn không gian truyện mang nặng một màu xám xịt với những bức tường rào kinh hoàng bệ vệ cùng chằng chịt những dây thép gai và sự ám ảnh. Giữa một không gian gần như vô vọng, con người hành xử với nhau một cách tàn nhẫn. Ở đó chỉ hiện lên hai điểm sáng lẻ loi là Bruno và Shmuel, hai đứa trẻ mang trong mình những vẻ đẹp khác nhau và cũng là nơi mà tác giả muốn gửi gắm vào niềm tin của mình: sự hồn nhiên, trong sáng và tấm lòng nhân hậu của tuổi trẻ vẫn sẽ tỏa sáng rực rỡ dẫu có bị đặt trong bất kì hoàn cảnh nào.

Với Bruno, nhân vật trung tâm và cũng là xương sống cho toàn bộ nội dung tác phẩm, cậu dường như nổi bật lên là một đứa trẻ giàu lòng trắc ẩn và có tình thương người đầy sâu sắc. Ở một thời buổi mà giết chóc là chính nghĩa thì cậu thật sự đã tỏa sáng và là một cá nhân khác biệt trong cộng đồng của mình, những người tự cho mình là siêu việt và rằng chỉ mình họ mới xứng đáng tồn tại trên đời. Cậu cư xử phải phép và thương yêu bất cứ ai đối xử tốt với cậu. Cậu thương mến và đồng cảm với chị Maria dù cho chị chỉ là một cô hầu gái ở trong nhà. Cậu thương bác Pavel, người đã chữa lành vết thương cho cậu lúc cậu té ngã, dù cho bác ấy là một người Do Thái và có vẻ như cũng đến từ bên kia hàng rào. Cậu thương nhớ bà nội mình và luôn ngóng trông viết thư cho bà dẫu bà đã bỏ đi từ rất lâu. Nhưng điều đặc biệt nhất đó chính là cậu xem Shmuel còn hơn cả người bạn thân, dẫu cho thằng bé ấy với cậu thuộc về hai cộng đồng mà như chị Gretel nói là không thể dung hòa với nhau! Hơn cả một người bạn, cậu quan tâm và sẻ chia cho Shmuel tất cả những gì cậu có thể làm từ những miếng bánh trong tủ lạnh, cho đến mẫu bánh mì dư hay thanh sô cô la. Điều này có thể là bình thường nếu cậu chỉ là một đứa trẻ ngẫu nhiên nào đó. Nhưng cha cậu lại là một sĩ quan cấp cao và là người chỉ huy chính cái trại tập trung Auschwitz nơi mà người bạn Shmuel của cậu đang bị giam cầm! Giữa cậu với Maria, Pavel và Shmuel rõ ràng có một bức màn giai cấp vô hình đang ngăn cách và cậu hoàn toàn có thể chọn cư xử khác đi, thô lỗ như cách của chị gái Gretel hay chỉ đơn giản là xa lánh hết tất cả bọn họ và gói mình vào vùng an toàn. Chính vì lẽ đó, những cư xử tử tế và đáng yêu ấy của cậu mới thực sự đáng trân quý làm sao. Cũng có thể là do từ bản chất bên trong, cậu mang trong mình lòng nhân hậu thực sự hoặc cũng có thể cậu có một tâm hồn trong sáng như tấm giấy trắng chưa hề bị nhem nhuốc bởi bất cứ mưu đồ chính trị hay ý thức thời cuộc nào nên cậu mới hành xử đầy cảm động như thế. Nhưng dù cho có là gì thì đó vẫn là vẻ đẹp của cậu và là thành công của tác giả, phải chăng điều ông muốn chính là tô đậm nên những nét đẹp cao cả ẩn bên dưới thân hình nhỏ bé của một đứa trẻ mà không phải bất kì người lớn đương thời nào cũng có được?

Với Shmuel, cậu có vẻ là một đứa bé hiểu chuyện và thức thời hơn Bruno do đã trải qua biết bao đắng cay và phũ phàng của thời thế. Bởi lẽ cậu cùng gia đình đã phải trân mình qua biết bao sự áp bức và bất công do một chế độ kỳ thị người Do Thái mà nên. Gia đình cậu từ chỗ đang yên ấm ở một cửa hiệu đồng hồ thì lại bị chuyển đến một khu khác ở Krakow nơi có những bức tường khổng lồ cùng với đám lính vô nhân tính. Tại đây họ bị tước đoạt tài sản, hạnh phúc và cả quyền tự do. Cũng giống như bao người Do Thái khác thời bấy giờ, mọi chuyện chỉ có thể càng tệ đi và điều tệ nhất đã xảy ra với gia đình cậu. Không có bất cứ ai, cậu cũng như những người thân, đủ may mắn để có tên trong bất kỳ một bản danh sách nào của Schindler để có thể thoát khỏi số phận bị đưa đến trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan cả. Và nếu nói như Maxim Gorki rằng: “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương” thì gia đình cậu hẳn sẽ phải bất hạnh lắm vì Auschwitz không chỉ lạnh lẽo về mặt khí hậu mà còn đặc biệt vắng bóng tình người. Cậu hiểu rằng bị đưa đến đây đồng nghĩa với việc thời lượng được sống của mình chỉ còn được tính bằng giờ. Cậu rõ ràng ý thức được chuyện gì đang xảy ra. Cậu ghét đám lính, chắc chắn là vậy, với một nghĩa tương tự là cậu ghét luôn cả cha Bruno, người thậm chí còn mang tính đại diện cao hơn cả đám lính đang bóp nghẹt cộng đồng Do Thái của cậu. Nhưng lại một lần nữa cũng giống Bruno, cậu là một điểm sáng khác trong hết thảy những bóng ma đang lượn lờ ở hai bên chiến cuộc. Cậu có một lòng vị tha và bao dung sâu sắc. Cậu biết có thứ gì đang nằm giữa lằn ranh của cậu với Bruno chứ, nó không những vô hình như một bức màn ý thức mà còn hữu hình với một dãy rào thép gai sừng sững đang chia cắt hai bên. Và cậu cũng hoàn toàn có thể lựa chọn là trở nên căm ghét Bruno như căm ghét đám lính, phớt lờ hoặc xa lánh Bruno hoặc chỉ đơn giản là chạy thục mạng về khu trại của mình. Nhưng cậu chọn đối diện mọi thứ và gác lại bao hận thù sang một bên. Shmuel bỏ qua tất cả cũng chỉ để bầu bạn được với Bruno và tình bạn giữa hai người đã trở nên bất tử. Giá mà Quốc trưởng cũng như các chỉ huy của ông ta cũng suy nghĩ được như một trong hai đứa trẻ này thì chắc hẳn tiểu thuyết này sẽ không bao giờ được viết lên!

Ngày nay, nhịp đập của thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn, con người ta có thể chấm dứt sinh mạng của nhau chỉ vì sự thù hận, yêu ghét và bản năng bầy đàn cực đoan. Họ dường như ít bao dung và vị tha hơn bao giờ hết. Giữa một khu rừng hỗn loạn với đầy các loài thú dữ chực chờ xé xác nhau như thế, sẽ thật là bức thiết nếu mỗi người trong chúng ta trở nên trẻ hóa và thơ ấu hóa đi những mưu đồ ích kỷ cũng như tham vọng quyền lực của mình. Quyển sách này sẽ như một dòng nước mát lành xoa dịu đi những bản tính “con” trong mỗi chúng ta để ta có thể trở nên “người” hơn với những bản chất nhân hậu và yêu thương vốn có. Nó cũng là một tấm gương để ta có thể soi vào đó và thức tỉnh lại về bản chất con người mình, chúng ta sinh ra rõ ràng không phải để giết chóc nhau. Ai đó có thể kề chân lên cổ người khác đến tắc thở chỉ vì khác biệt về màu da. Ai đó có thể toan tính sẽ bắn chết người nào chỉ vì khác biệt về tôn giáo. Ai đó có thể làm mọi thứ điên rồ nhất chỉ vì một vài ý kiến cho rằng người này thì siêu việt còn người kia thì thấp kém. Trở nên máu lạnh như những loài cầm thú hay nhân đạo như những con người, đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Xin được phép mượn đôi lời của Victor Hugo trong “Những người cùng khổ” thay cho lời kết: “Trên đời này chỉ có một việc duy nhất, đó là yêu thương nhau, thế thôi.”

Chủ Đề