Chợ lạc xoong ở đâu

Ông Hùng bán đồng hồ vui tính ở vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: THÁI LỘC

Ở các "chợ trời" vỉa hè đó như có những cuốn phim chiếu chậm ngược dòng Sài Gòn 100 năm qua với biết bao kỷ vật, ký ức gần gũi, thân thương.

Mới gần 5h sáng, trời còn mờ mịt, dưới ánh đèn đường vàng leo lét, dăm bảy người bày biện hàng hóa trên mấy tấm bạt ở vỉa hè trước cao ốc 198 Nguyễn Thị Minh Khai [Q.1, TP.HCM].

Tìm "đồ độc" lúc mặt trời chưa mọc

Lát sau, vài người nữa chở mấy bao đầy đồ lạc xoong đổ xuống vỉa hè. Người mua cũng đông dần. Nhiều khách còn cầm cả điện thoại hoặc đèn pin săm soi đồ. Thôi thì đủ thứ, từ máy móc nghe nhạc cũ đến túi xách, đồ lưu niệm, mắt kính, mà nhiều nhất là điện thoại, iPad và đồng hồ bạc màu thời gian...

Ngoài dân "a ma tơ" [nghiệp dư] đi thể dục tò mò dừng chân, có khá nhiều "thợ săn" hàng chuyên nghiệp. Nam, người bán hàng nhẵn mặt khu này, vừa xổ bao lạc xoong thì Hưng, "thợ săn" nhà nghề, liền chớp ngay cặp muỗng bạc, trong khi người đàn ông bên cạnh nhìn thấy nhưng do đứng xa chỉ kịp chỉ tay. Hưng cầm chặt cặp muỗng bạc, trả 150.000 đồng cho người bán trong lời lầm bầm của ông nọ: "Tôi chỉ tay trước mà"...

Nhộn nhạo nhất trong đám "thượng vàng hạ cám vỉa hè" này là bạt đồng hồ của ông Hùng đến từ Q.7. Khách đông săm soi từng tí. Cách bán của ông Hùng cũng vui vẻ, chỉ cần nhỉnh hơn giá vốn hai, ba chục ngàn đồng là ông "đẩy" ngay. Có lúc chưa thấy ai mua, ông rao to át tiếng xe cộ: "Mua đi, mua đi. Vài chục ngàn có cái đồng hồ coi giờ đi... ị" khiến ai cũng bật cười.

Một khách quen cao hứng khoe với ông Hùng cái đồng hồ đeo tay: "Hàng zin nghen, chưa khui". "Nhiêu mà ngon vậy cha?". "Có trăm rưỡi". Đó là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cũ kỹ, song còn "nguyên đai nguyên kiện" do khách nọ vừa mua được từ một bà ve chai đẩy xe mang tới. "Bả đó, nói nhiêu tui đưa nhiêu" - anh ta vừa nói vừa chỉ bà bên chiếc xe đầy đồ ve chai. "Ngon nghen" - ông Hùng cười...

Nhiều năm rồi, khu chợ lạc xoong vỉa hè này họp đều đặn từ trước 5h sáng đến gần 7h, chỉ khi cao ốc mặt tiền mở cửa người bán kẻ mua mới tản dần. Riêng chủ nhật chợ không họp. Nhiều người dạt qua chợ Nhật Tảo [Q.11], số khác sang mua bán ở chợ đồ cổ Cao Minh [Q.Bình Thạnh]...

Cứ canh me đồ dọn đống từ nhà giàu ra vỉa hè, kiểu gì cũng có hàng hiệu giá bèo.

Lan ["thợ săn" đồ vỉa hè]

Phiếu bảo hành... hàng chục triệu bạc

Mấy tháng trước, một buổi trưa, anh Nguyễn Quốc Dũng - chủ quán cà phê Ôtô Xưa đường Lý Chính Thắng - đang rà xe trên đường Hoàng Sa, bất ngờ thấy bà ve chai đẩy xe ba bánh. Nhìn trong mấy thùng giấy nát, anh thoáng thấy cái đồng hồ treo tường cũ kỹ. Dừng lại xem kỹ, anh nhận ra đó là đồng hồ hiệu Odo, không chạy, vỏ gỗ đã bạc màu bụi bặm.

Mở cửa đồng hồ, Dũng giật mình: một tờ hóa đơn cũ nằm trong nilông dùng hắc ín dán sau quả lắc. "Bả hô 5 triệu, nói đang chở lên khu Bùi Thị Xuân bán. Tui đòi mua, bả gật đầu nhưng chắc giá đó. Cuối cùng, bả cũng bớt cho tui năm trăm, còn bốn triệu rưỡi, đem về mà sướng rơn à" - anh Dũng kể.

Anh tỉ mỉ tra cần lên dây, quả lắc lại rung động, kim nhích đều đặn, đúng giờ chuông đổ hay lạ lùng. Dũng lấy khăn mềm cẩn thận lau bụi, gỗ cũ lại lên nước sáng bóng, tất cả đều còn zin, không chút tì vết. 

Đặc biệt, cái phiếu bảo hành chữ Hoa và Pháp của hiệu đồng hồ Hiệp Thành số 69 Boulevard Charner, Saigon [đường Nguyễn Huệ, Q.1] đề ngày bán 5-9-1953, tạm dịch: "Đây là phiếu bảo hành của tiệm đồng hồ Hiệp Thành, Sài Gòn, chuyên đồng hồ nổi tiếng các nước; phiếu bảo hành có giá trị 1 năm, nếu máy móc bị phá hỏng thì không chịu trách nhiệm"...

Anh Dũng chụp hình đưa lên mạng, bạn bè trầm trồ, "like mạnh" cái phiếu bảo hành đã hơn nửa thế kỷ. Nhiều người dạm mua, họ tự ra giá như kiểu đấu giá cao dần, lên đến 70, 80 triệu đồng. Dũng mân mê tấm phiếu bảo hành xưa mà khoe với tôi: "Có giá nhờ cái giấy cũ kỹ này đây, giờ đồng hồ xưa phần nhiều không còn phiếu bảo hành".

Là chủ quán cà phê có thú "săn đồ độc" trong máu, hễ rảnh là sớm Dũng ghé chợ vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai, trưa sang cuối đường Võ Thị Sáu "canh me" mấy bà ve chai. Có khi tối mịt, anh còn lê la chợ Nhật Tảo. 

Quán Dũng giờ bày cả ngàn "đồ độc", từ đồng hồ, máy hát, quạt điện, tranh ảnh xưa, đồ gốm sứ, đồ đồng... Nhiều món trong số đó lên đến hàng chục triệu đồng, có nguồn từ... bà ve chai.

Anh Dũng và phiếu bảo hành đồng hồ Odo - Ảnh: THÁI LỘC

Thú "săn" đồ hiệu

Có lẽ xôm tụ nhất trong "giới lạc xoong" Sài thành vẫn là khu chợ Nhật Tảo. Trong vai "săn" có mặt khi trời chập choạng, tôi bám ngay Tùng - "thợ chạy" [dân buôn đồ cũ/cổ mua hàng khắp nơi, không chỗ bán cố định...], chừng 40 tuổi - đang bày những bao hàng lên vỉa hè giao lộ Lý Thường Kiệt - Tân Phước. Thôi thì đủ thứ "thượng vàng hạ cám", từ đồ gốm sứ, đũa, muỗng, loa, mạch điện tử, túi xách phụ nữ... Thậm chí còn có cả tấm hộ chiếu của một cô gái đã hết hạn.

Vừa dọn hàng, Hùng vừa khoe mình mới trúng "bao lô" đồ đạc linh tinh của gia đình chuẩn bị đi nước ngoài nên có nhiều đồ xịn, giá mềm. Cả chục khách xúm lại, lọc lựa, hỏi giá, kỳ kèo om sòm... 

Một bà trung niên vẻ sang trọng, nhanh tay "chớp" ngay hai chai nước hoa nổi tiếng của Pháp đã dùng hết nửa, rồi mở nắp đưa lên mũi ngửi. "Tám chục" - bà đưa tờ 100.000, nhận lại 20.000 tiền thối, miệng cười toe toét vì ưng bụng...

Lan, cô gái trẻ, lôi chiếc túi da màu đỏ dưới đống hàng rồi hỏi thẳng: "Nhiêu?". "Trăm rưỡi". "Thôi, trăm nha". Chủ hàng gật cái rụp. Lan đưa tiền mà mừng rơn. Cô biết rõ cái túi chỉ cũ kỹ chút, nhưng là hàng hiệu có giá shop hàng triệu đồng. Kinh nghiệm người lãnh lương hành chính bèo bọt nhưng mê đồ hiệu như Lan là "cứ canh me đồ dọn đống từ nhà giàu ra vỉa hè, kiểu gì cũng có hàng hiệu giá bèo"...

Tìm lại kỷ niệm gia đình

"Hôm đó, tui ứa nước mắt bất ngờ thấy lại kỷ niệm ba mình" - bà Trần Thị Phượng, ở đường Hiệp Nhất, P.4, Q.Tân Bình, tâm sự mới năm ngoái bà ra chợ Nhật Tảo thì tình cờ bị hút mắt vào đống máy hát cũ kỹ. Bà chú ý nhất cái máy Akai nghe băng cối, loại mà cha bà đã dành lương giáo viên mua được từ 50 năm trước.

"Lật xem, tôi bật khóc tại chỗ khi góc trái máy vẫn còn dấu khắc chữ T.V.T. kỷ niệm tên ba tôi. Cuộc trùng phùng kỳ lạ quá" - bà Phượng nói và kể thêm sau năm 1975, cha bà phải bán máy hát để đong gạo. Nhưng bà vẫn nhớ mãi những tuồng cải lương Hoa Mộc Lan, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà... nghe từ đĩa cối của máy hát. Không biết 44 năm trôi dạt thế nào, nó lại trở về đúng gia đình bà. Chủ tiệm kêu 16 triệu đồng, bà mua ngay vì sợ người khác lấy mất dù không còn nghe được nữa. [QUỐC MINH]

Chơi đồ cổ như một sứ mệnh

THÁI LỘC

Một ông lão tuổi hơn 80 ngồi trên vỉa hè đường Nguyễn Công Trứ trước cửa chợ Dân Sinh mời khách mua mấy chóa đèn ô tô đã cũ

Ở Sài Gòn có ba khu chợ bán hàng lạc xoong sỉ nổi tiếng lâu nay là chợ Dân Sinh [quận 1], chợ Tân Thành [quận 5] và chợ Nhật Tảo [quận 10]. Chợ Tân Thành nổi tiếng là trung tâm bán sỉ các loại phụ tùng xe máy, ô tô đã xài rồi. Nguồn hàng cung cấp cho ngôi chợ này là những chiếc xe đã cũ dân ve chai mua về bán cho tiểu thương ở chợ rã ra nhặt lại những thứ còn dùng được và xe ăn cắp đưa đến đây “luộc” lấy phụ tùng, chủ yếu bán cho các tiệm sửa xe khắp cả miền Nam. Chợ Nhật Tảo lâu nay là “vựa” hàng điện tử cũ và “làm vua” trong thời bao cấp. Hiện chợ này không còn ồn ã như trước vì những đại gia bán lẻ như Điện Máy Xanh, Thiên Hòa, Chợ Lớn lấn át. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Tự, một trong những tiểu thương có “số má” về kinh doanh hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo khẳng định, giờ kinh doanh hàng điện tử như ti vi, loa, đài, máy ghi âm… ở Nhật Tảo không mạnh như xưa những vẫn đủ sức “dựng những con ti vi hoặc dàn âm thanh xịn nhất”.

Một kệ hàng bày đủ các loại đồ dùng cũ trên đường Hoàng Sa quận Phú Nhuận

Chợ Dân Sinh vốn là khu tổ chức cờ bạc, ăn chơi có tiếng mang tên Kim Chung khi xưa, năm 1954 đổi tên thành chợ Dân Sinh. Ông Tăng Hậu Lạc, tiểu thương gần 80 tuổi chuyên bán các loại quần áo sida [đồ cũ nhập khẩu] ở chợ Dân Sinh nhớ lại, trước giải phóng chợ Dân Sinh chuyên bán đồ quân trang của lĩnh Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước chợ là trung tâm bán đồ cũ lớn nhất miền Nam. Từ đồ quân trang, đồ thờ cúng, quần áo, chăn gối, giày dép, đồng hồ, túi xách cho đến cả vàng, bạc, đá quý đều bán ở đây.

Chợ Dân Sinh bây giờ hàng mới chen lấn khá nhiều tại các sạp, nhưng đồ cũ vẫn chiếm thế thượng phong. Hỏi mua một chiếc còng bằng bạc đeo tay đã cũ, cô tiểu thương chuyên bán đồ trang sức nói với tôi: “Cái này có từ thời 1950, gia bảo của con nhà giàu được khạm khắc tỉ mỉ rất đẹp, giá 1,6 triệu đồng, không bớt”. Cái này so với cùng loại mới bán ở tiệm vàng bạc giá chênh bao nhiêu ?”. Cô Hoa cho biết, chỉ đắt hơn chừng gấp đôi, loại hàng này rất hiếm nếu không mua thì khó mà tìm được. Tại chợ Dân Sinh, đồ trang sức vàng [chủ yếu là 18K] có cẩn đá quý đã cũ cũng được bày bán khá nhiều. Ông Trần Hứa Lâm - chủ một sạp chuyên bán các loại đồ nữ trang cũ - cho biết, các loại còng, kiềng, dây chuyền, nhẫn người dân không xài mang đến bán, dân ta là những người thích hoài niệm, mua để tìm lại quá khứ một thời như một thú chơi tao nhã, riêng dân tây cũng mua nhiều để làm kỷ niệm một chuyến đi Việt Nam. Một chi tiết thú vị mà ông Lâm tiết lộ, các loại trang sức bằng vàng, bạc cũ rất nhiều món đắt hơn đồ mới cùng loại, đơn giản vì nó được người thợ thủ công mài dũa rất tinh vi, đính những hột xoàn [đá quý] đủ màu sắc mà ngày nay hiếm thấy.

Cảnh mua bán ở một chợ lạc xoong trên đường Hoàng Sa khu vực quận 3

Chợ lạc xoong ở TP. Hồ Chí Minh còn hình thành ở nhiều nơi, bày bán từ thượng vàng đến hạ cám. Tại khu vực quận Nhất, đường Lê Công Kiều chuyên buôn bán đồ cổ, đường Lê Thị Hồng Gấm chuyên bày bán các loại giày dép, bóp ví, dây nịt, giỏ xách bằng da cũ rất đông người lại qua. Gần một năm nay, các điểm bán này bị giải tán để xây cao ốc, số dân buôn bán loại hàng này tản đến các khu vực quanh chợ Dân Sinh gần đó. Các chợ lạc xoong đường Phó Đức Chính chuyên bán dây nịt, kính đeo mắt, đồng hồ, trang sức, mũ bảo hiểm cũ. Hỏi mua một chiếc đồng hồ Citizen sản xuất năm 1960 vỏ ngoài bọc vàng 24k tại một điểm bán góc đường Nguyễn Công Trứ - Phó Đức Chính, người bán nói chắc “năm chai” [năm triệu đồng]. Đồng hồ cũ sao đắt hơn cả đồng hồ mới? Người phụ nữ chuyên bán đồng hồ cũ giải thích, tuy cũ nhưng mạ vàng thiệt và hiếm, miễn trả giá!

Người Sài Gòn rất dễ bắt gặp chợ lạc xoong ở lề đường Nguyễn Kiệm [Phú Nhuận], Hùng Vương [quận 10], Võ Thị Sáu [quận 3], Hoàng Sa [nối từ Tân Bình đến quận Nhất], Cách Mạng Tháng Tám [quận 10 - Tân Bình]. Hàng bán ở những khu chợ này là đồ xài rồi [second hand] và có đủ loại. Từ các loại trang sức khảm vàng bạc đá quý, lư hương, chân nến, điện thoại, ti vi, chai lọ, kìm, búa, gương, lược, đũa, bát cho đến chiếc nút áo, bật lửa xài bằng dầu hỏa tưởng chừng như đã tuyệt chủng giá chỉ một đến vài nghìn đồng mỗi món cũng được bày bán.

Chợ Dân Sinh là nơi quen thuộc của dân Sài Gòn chuyên đi săn hàng cũ để làm vật kỷ niệm

Đường Hoàng Sa hiện có 5 chợ lạc xoong và rất đông khách vào những lúc tan tầm. Tôi chọn mua một bộ đũa 4 đôi bằng gỗ mun bịt bạc được chạm khắc rất công phu. Người bán hàng mang tục danh “ông năm vỉa hè” xòe bàn tay năm ngón [năm trăm nghìn đồng] và nói “không bớt nha”. Ông giải thích để bịt miệng tôi mặc cả: “Hàng này là của dân quan lại năm xưa, rất hiếm!”

Chợ lạc xoong ở Sài Gòn tồn tại đã là truyền thống, nó sinh ra nhằm giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận khá đông người lao động, đồng thời đáp ứng được nhu cầu không ít của người tiêu dùng nghèo thành thị. Trên đường đi làm về mỗi chiều, tiếng rao “Hàng lạc xoong đây. Mại dzô, mại dzô” hòa trong âm thanh đông đặc của tiếng xe cộ như một nốt son của bản nhạc đời thường làm cho nhịp sống Sài Gòn thêm sắc màu và đáng yêu hơn.

Video liên quan

Chủ Đề