Cách xử lý khi uống nhầm axit

Cách xử lý trẻ uống nhầm hóa chất

Thứ Sáu, 19:00, 11/12/2015

Nếu trẻ uống nhầm các chất axit hay kiềm, phụ huynh nên cho con uống thật nhiều nước lọc để dung hòa độ axit và kèm trong dạ dày.

Mỗi năm, tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP HCM ghi nhận rất nhiều ca trẻ bị teo dính thực quản do uống nhầm hóa chất như: axit, nước tro tàu làm bánh, nước Javen, nuốt nhầm pin điện tử…

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết, mỗi năm có khoảng 15-20 ca trẻ bị bỏng thực quản vì các lý do như uống nhầm axit [HCL, H2SO4…dùng để sạc bình acquy, làm vàng], chất kiềm [nước tro tàu, chất giặt tẩy…] nuốt nhầm pin điện tử vào viện. 

Điều đáng lo ngại đó là trẻ con thường rất vô tư, nuốt rất nhanh khi ăn uống. Đó là lý do, nhiều trẻ uống một lúc mới biết là uống nhầm hóa chất và dừng lại. Với những trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh thường chỉ thấy tổn thương bên ngoài như bỏng rộp môi, miệng, lưỡi. Nhiều người bỏ qua những tổn thương thực quản, dạ dày, chỉ khi có dấu hiệu nặng mới đưa con đến bệnh viện.

Sự giống nhau của bao bì khiến trẻ dễ uống nhầm hóa chất

BS Sơn cho biết, bỏng do trẻ nuốt nhầm hóa chất có thể chia ra 2 mức độ. Ở mức độ nhẹ, trẻ bị bỏng môi miệng lưỡi và tổn thương niêm mạc dạ dày. Việc điều trị cho bé chỉ cần cho uống thuốc băng dạ dày, thuốc giảm đau. 

Ở mức độ nặng hơn, hóa chất gây tổn thương, viêm loét lớp niêm mạc thực quản và dạ dày. Nặng nề nhất là teo thực quản. Em bé sẽ phải điều trị chống nhiễm trùng, chống dính thực quản bằng cách đặt stend. Việc điều trị này kéo dài hàng năm trời và rất tốn kém vì cứ khoảng 1 tháng, trẻ lại phải nhập viện để nong stend.

Nếu trẻ uống nhầm các chất axit hay kiềm, phụ huynh nên cho con uống thật nhiều nước lọc để dung hòa độ axit và kiềm trong dạ dày. Sau đó gia đình nên đưa con đến bệnh viện một cách sớm nhất, cần mang theo dung dịch trẻ đã uống để các bác sĩ xác định mức độ tổn thương và có hướng xử trí nhanh hơn. Nếu trẻ nuốt nhầm pin điện tử phải đưa trẻ đến bệnh viện một cách sớm nhất.

Để phòng tránh, phụ huynh nên lưu ý đựng hóa chất trong các chai lọ riêng biệt, không nên chứa trong các chai nước, gây nhầm lẫn. Quan trọng hơn, các loại hóa chất này phải đặt xa tầm tay trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi với pin điện tử, pin dù còn mới hay đã sử dụng đều phải cất kỹ, xa tầm tay trẻ./.

Trong trường hợp uống nhầm axit, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu uống phải axit đậm đặc.

Liên quan đến sự việc thí sinh Trần Tấn Phát uống nhầm axit lúc biểu diễn ảo thuật trong chương trình Vietnam's Got Talent được phát sóng trên truyền hình tối 11/1, phóng viên báo điện tử Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với BS. Nguyễn Văn Thành [Viện Bỏng Lê Hữu Trác] về độ nguy hiểm khi uống nhầm phải axit.

Theo BS Thành, nếu nói về mặt khoa học, để phân biệt bằng mắt thường giữa dung dịch axit và nước uống thì rất khó phát hiện, nhất là khi để axit trong các vật dụng hay đựng nước uống như chai lavie hay cốc thủy tinh. Chính vì thế việc uống nhầm là rất dễ xảy ra.


Nếu uống nhầm axit mà không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, thậm chí tử vong

Khi uống nhầm axit, tùy vào mức độ uống nhiều hay uống ít nó sẽ tác động trực tiếp đến niêm mạc miệng cũng như hệ tiêu hóa của con người. Sẽ có những phản ứng hóa học như axit phản ứng với các tế bào bề mặt, làm các tế bào này nhăn nhúm, màng tế bào thay đổi tính thấm và kết quả là nước tràn vào gây chết tế bào.

Không chỉ có vậy, axit còn làm cho bề mặt dạ dày bị viêm, loét và chảy máu, thậm chí là bị thủng. Người bệnh sau khi uống nhầm axit sẽ có cảm giác bỏng rát như đốt lửa trong thực quản và dạ dày. Axit đi đến đâu là cảm giác bỏng rát đi tới đó. Thậm chí có những trường hợp còn tử vong nếu uống nhầm axit đậm đặc.

Còn đối với những trường hợp uống nhầm axit có nồng độ nhẹ thì sẽ vẫn bị tổn thương, trước hết là gây bỏng ở môi, niêm mạc miệng, nếu nuốt vào thì sẽ gây phản ứng viêm ở lớp bề mặt đường tiêu hóa. Trong trường hợp nặng, axit sẽ gây ra thủng đường tiêu hoá, đây là một tai biến nặng, cần phải được xử trí ngoại khoa kịp thời.

Riêng trong trường hợp bị uống nhầm axit nhưng kịp thời nhổ ra thì người bệnh chỉ bị tổn thương ở vùng niêm mạng miệng hoặc bỏng môi vùng tiếp xúc với biểu hiện là xuất hiện màng bọc trắng xóa. Đó chính là phần da bị phản ứng với axit đã bị hoại tử.

Theo BS Thành, nếu khi bị uống nhầm hoặc nuốt axit thì việc đầu tiên là phải uống nước hoặc xúc miệng bằng nước lọc, việc làm này nhằm pha loãng hoặc làm sạch axit dính trong niêm mạng miệng sau khi đã nhổ ra. Ngay sau đó, người bệnh cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để tiến hành cấp cứu.

Theo các bác sĩ, đối với trường hợp uống nhầm axit, khi đi cấp cứu phải mang theo chai đựng axit để bác sĩ có cơ sở đánh giá được mức độ nặng nhẹ của axit đã uống nhầm. Mức độ nặng nhẹ còn được tiến hành bằng cách thấm quỳ tím để đo độ pH trong những giọt axit còn lại.

Trường hợp nồng độ axit loãng [pH vào khoảng 5-6], quỳ tím chỉ hơi hồng thì mức độ tổn thương gây ra chỉ là viêm. Chúng ta có thể tiến hành rửa ngay dạ dày nhằm loại bỏ axit đang tồn tại. Nước rửa ở đây chú ý là nước sạch, nhiệt độ ấm, khoảng 35 - 370C. Tuyệt đối không sử dụng nước lạnh.

Trường hợp nồng độ axit đặc [pH dưới 3], quỳ tím chuyển sang màu đỏ rực thì khả năng tổn thương loét và chảy máu dạ dày là rất cao, nên rửa dạ dày bằng ống mềm cần được cân nhắc. Vì nếu không có thể làm cho dạ dày chưa thủng có thể bị thủng do can thiệp rửa axit. Đây là một tai biến không mong muốn cần phải tránh.

Chủ Đề