Cách xử lý ao nuôi tôm sú

Nguồn nước lấy vào ao nuôi thường mang theo chất hữu cơ, các sinh vật gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm…hay các sinh vật hại tôm như cá dữ. Vì vậy, nước lấy vào ao nuôi phải được xử lý kỹ trước khi thả tôm giống. Đây là khâu kỹ thuật rất quan trọng hạn chế mầm bệnh lây lan vào ao nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra.

Nội dung trong bài viết

  • Xử lý nước nuôi tôm sú bằng chất diệt khuẩn
    • Qui trình thực hiện xử lý nước bằng chất diệt khuẩn
    • Cách tiến hành
  • Xử lý nước bằng vi sinh
    • Qui trình xử lý nước bằng vi sinh
    • Cách tiến hành
  • Lỗi thường gặp

Nước trước khi nuôi tôm có thể xử lý bằng một trong những cách sau:

– Xử lý nước bằng chất diệt khuẩn

– Xử lý nước bằng vi sinh hoặc xử lý nước bằng chất diệt khuẩn sau đó 3 – 4 ngày sử dụng vi sinh để phục hồi vi sinh vật có lợi trong ao nuôi.

Xử lý nước nuôi tôm sú bằng chất diệt khuẩn

Qui trình thực hiện xử lý nước bằng chất diệt khuẩn

Qui trình thực hiện xử lý nước bằng chất diệt khuẩn

– Xử lý nước bằng chất diệt khuẩn là phương pháp sử dụng các chất hóa học có tính sát trùng cao, có khả năng diệt được nhiều loại mầm bệnh cho vào nước ao để tiêu diệt hoặc làm giảm mật số các mầm bệnh [vi khuẩn, vi rút, nguyên sinh động vật và nấm] trong nước ao nuôi.

– Ưu điểm: làm sạch nước, tiêu diệt được các sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm…phòng bệnh rất hiệu quả.

– Nhược điểm: tiêu diệt cả vi sinh vật có lợi, khó gây màu nước, ao nuôi dễ bị nhiễm bẩn trong quá trình nuôi.

Cách tiến hành

Lấy nước vào ao

– Lấy nước vào ao qua túi lọc ngăn địch hại vào ao

– Cách lấy nước được thực hiện trình tự các bước bài trước

– Lắng nước trong ao 3 – 5 ngày để trứng các loài địch hại nở hết

Diệt khuẩn

– Là phương pháp cho chất diệt khuẩn xuống ao để tiêu diệt mầm bệnh, phòng bệnh cho tôm nuôi.

– Có nhiều loại chất diệt khuẩn được sử dụng để xử lý nước trước khi nuôi như: Chlorin, Formol, BKC, hợp chất của Iod, thuốc tím, virkon…để  người nuôi lựa chọn.

– Dưới đây là một số chất sát khuẩn dùng phổ biến trong nuôi tôm

Chlorin [Hypoclorit canxi-Ca[ClO]2]: Chất bột màu trắng; Có tính sát trùng mạnh; Dễ bị ánh sáng và nhiệt độ phá hủy; Dễ bị hút ẩm, vón cục làm giảm chất lượng. Liều dùng: 10 – 30g/m³, sau 5 – 7 ngày sử dụng nước; Nếu ao nuôi tôm bị bệnh ở vụ trước: 20 – 30g/m³.

Formol [HCHO]: Dạng dung dịch 36 – 38% formol, mùi hắc, có tính khử mạnh nên có tính diệt trùng cao. Liều dùng: 10 – 20 g/m³ để sau 3 – 7 ngày mới sử dụng nước.

Thuốc tím [KMnO4]: Chất kết tinh màu nâu, không mùi vị, dễ tan trong nước, có khả năng diệt trùng mạnh nhưng không bền, dễ mất dần tác dụng dưới ánh sáng mặt trời, nên cần bảo quản trong lọ nâu đậy kín. Liều dùng: 2 – 5 g/m³ sau 6 giờ sử dụng.

Polyvinyl Pyrvidone Iodine [PVP-Iodine]: Dạng bột hay dạng dung dịch có khả năng hoà tan trong nước, nồng độ hoạt chất từ 11-15%, có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Liều dùng:  1 – 2 g/m³ sau 24 giờ mới thả giống

Vikon…

Lưu ý:

– Nước đã qua xử lý bằng chlorin có thể sẽ khó gây màu hơn do tảo trong ao bị ức chế hoặc bị chết.

– Khi sử dụng clorin cần lưu ý:

+ Clorin giảm tác dụng ở môi trường có pH > 8 do đó không xử lý vôi truớc khi xử lý clorin.

+ Chỉ nên sử dụng nước đã xử lý Chlorin hơn 3 ngày trong ao chứa đưa vào ao nuôi tôm để lượng clo dư bị phân hủy hoàn toàn.

Cách tiến hành:

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ: Cân; Chất diệt khuẩn; Máy tính; Xô, chậu, ca nhựa; Thuyền

Bước 2: Lựa chọn chất diệt khuẩn. Chlorin là chất được sử dụng nhiều vì có khả năng diệt khuẩn cao, hiệu quả, phòng được nhiều bệnh

Các thùng đựng Chlorin

Bước 3: Xác định lượng chất diệt khuẩn

– Là xác định lượng chất diệt khuẩn đưa xuống ao đảm bảo đủ tác dụng tiêu diệt mầm bệnh trong nước

– Lượng chất diệt khuẩn cần thiết đủ để xử lý nước được tính toán dựa vào liều sử dụng theo hướng dẫn và thể tích nước ao.

Lượng Chlorin cần cho xuống ao = Liều sử dụng x thể tích nước ao

Lưu ý:

Liều lượng sử dụng: theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thông thường được tính theo g hay ml hóa chất cho 1m³ nước [ký hiệu là ppm hoặc g/m³; ml/m³]

Ví dụ: Tính lượng Chlorin để xử lý nước ao

Diện tích ao là 5000m²

Độ sâu nước ao là 1m

Liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất là 15ppm hay 15g/m³.

Cách tính:

Tính thể tích nước ao: 5000 m² x 1m = 5000m³

Tính lượng chlorin: 15g x 5000m³ = 75.000g = 75kg

Vậy chlorin cần thiết để xử lý nước ao là 75kg

Bước 4. Kiểm tra pH nước

– Kiểm tra pH nước bằng máy đo pH [hay Test kit]:

+ pH nước 7-7,5: thì hiệu quả xử lý Chorin tăng

+ pH nước > 8: thì hiệu quả xử lý cholorin giảm

Bước 5: Thực hiện xử lý

– Cân lượng chlorin cần dùng cho vào xô, chậu

– Hòa tan chlorin: đổ nước từ từ và nhẹ nhàng vào thùng

– Quấy đều, hòa tan chất diệt khuẩn trong nước

– Tưới đều Chorin khắp ao

– Thời gian xử lý: Chiều mát để tăng hiệu quả xử lý

– Quạt nước khoảng 3-4 giờ để chất diệt khuẩn phân tán đều

– Để yên khoảng 3 ngày nhằm làm giảm nồng độ Chorin [sau 3 ngày sẽ tiến hành gây màu nước]

Lưu ý:

– Không sử dụng trực tiếp chlorin bột vì hiệu quả xử lý sẽ giảm

– Không đổ mạnh nước vào chlorin bột sẽ mất an toàn

Xử lý nước bằng vi sinh

Qui trình xử lý nước bằng vi sinh

Qui trình xử lý nước bằng vi sinh

Cách 1:

– Là phương pháp sử dụng chế phẩm men – vi sinh cho xuống ao để xử lý nước trước khi thả nuôi.

– Sau khi lấy nước vào ao, người sử dụng chế phẩm sinh học đưa xuống ao để làm sạch nước và hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.

– Ở những vùng nuôi ít dịch bệnh hay nuôi theo phương pháp nuôi sạch, cần hạn chế sử dụng chất sát khuẩn xử lý nước mà khuyến khích dùng phương pháp sinh học.

– Ưu điểm: cân bằng hệ sinh thái ao nuôi, gây màu nước dễ, các vi sinh vật có lợi hay cơ sở thức ăn tự nhiên không bị tiêu diệt.

– Nhược điểm: không tiêu diệt được các loại mầm bệnh như vi khuẩn, nấm…

Cách 2:

– Là xử lý bằng chất sát khuẩn trước nhằm mục đích diệt các sinh vật gây bệnh, sau đó 3-5 ngày cho chế phẩm vi sinh xuống ao để phục hồi các vi khuẩn có lợi trong hệ sinh thái ao nuôi. Đây là phương pháp có hướng ngày càng áp dụng nhiều hơn.

Cách tiến hành

Lấy nước vào ao

– Lấy nước vào ao qua túi lọc ngăn địch hại vào ao

– Cách lấy nước thực hiện như bài trước

– Lắng nước trong ao 3 – 5 ngày để trứng các loài địch hại nở hết

Diệt cá [diệt tạp]

– Nhằm mục đích diệt cá tạp cá dữ khi phát hiện có trong ao

– Các chất diệt khuẩn và cách sử dụng:

* Saponin

– Nồng độ gây chết tôm gấp 50 lần nồng độ gây chết cá do đó có thể sử dụng để diệt cá tạp trong nước ao nuôi tôm.

– Hoạt tính của saponin tăng lên theo độ mặn. Khi độ mặn lớn hơn 15‰, dùng 12g/m³. Khi độ mặn nhỏ hơn 15‰, sử dụng 20g/m³ để diệt cá tạp.

Cách tiến hành diệt tạp bằng saponin:

Bước 1. Chuẩn bị dụng cụ: Cân; Saponin; Máy tính; Xô, chậu, ca nhựa; Thuyền

Bước 1: Tính lượng saponin cho xuống ao

– Tính lượng saponin cho xuống ao: Lượng nước trong ao x liều lượng sử dụng saponin

Ví dụ: Ao có thể tích là 4000m³ Thì lượng dây thuốc cần dùng là: 4000 x 20g = 80.000g hay 80kg

Bước 2: Cân chất diệt tạp cho vào xô, chậu

Bước 3: Đổ nước vào xô khuấy, hòa tan đều trong nước

Bước 4: Tạt xuống khắp ao

Bước 5: Theo dõi vớt cá chết ra khỏi ao

* Dây thuốc cá

– Dây thuốc cá có chứa rotenon dùng để diệt cá dữ, nồng độ gây chết cho tôm lớn hơn cá gấp 5 lần do đó có thể dùng để diệt cá tạp trong nước ao nuôi tôm.

– Hoạt tính của rotenon giảm khi độ mặn tăng do đó sử dụng trong ao có độ mặn thấp đạt hiệu quả hơn.

– Liều lượng rễ thuốc cá để diệt cá tạp là 4g rễ khô/m³ nước ao.

Cách tiến hành diệt tạp bằng dây thuốc cá:

Bước 1: Tính lượng dây thuốc cá cần dùng: Liều lượng x thể tích nước ao

Ví dụ: Ao có thể tích là 5000m³ Thì lượng dây thuốc cần dùng là: 5000 x 4g = 20.000g hay 20kg

Bước 1. Chuẩn bị dụng cụ: Cân; Dây thuốc cá, cối, chày; Máy tính; Xô, chậu, ca nhựa; Thuyền

Bước 2: Giã nát hoặc xay nhuyễn dây thuốc cá

Bước 3: Ngâm qua đêm.

Bước 4: Vắt kỹ để rotenon tan ra nước càng nhiều càng tốt

Bước 5: Tạt dịch rễ thuốc cá đều khắp ao

– Có thể chạy quạt nước khoảng 10 – 15 phút cho hòa tan đều dây thuốc vào ao sau đó tắt quạt

Bước 6: Theo dõi vớt cá chết ra khỏi ao

Xử lý nước bằng vi sinh

– Nhằm mục đích phục hồi đáy ao, giải độc tố

– Các chế phẩm men – vi sinh xử lý môi trường ao nuôi bao gồm chủ yếu các chủng vi khuẩn Nitrosomonas sp, Nitrobacter sp, Bacillus sp, Lactobacillus sp, Pseudomonas sp, Saccharomyces…, các nhóm men phân giải chất đạm, đường, béo như protease, lipase, amylase, hemicellulase…, có tác dụng phân giải các chất hữu cơ phức tạp trong nước ao thành các chất vô cơ đơn giản cho thực vật nổi sử dụng. Cạnh tranh, lấn át các vi khuẩn gây bệnh.

Lưu ý khi sử dụng:

– Do các chủng vi khuẩn ở dạng tiềm sinh khi còn ở trong bao bì nên ở một số loại chế phẩm men-vi sinh, trước khi đưa các chủng vi khuẩn này xuống ao cần phải “đánh thức” và tạo điều kiện môi trường thuận lợi [độ mặn, nhiệt độ, ánh sáng, oxy, chất dinh dưỡng…] cho chúng phát triển mạnh ban đầu rất cần thiết. Phải thực hiện đúng theo các hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Không sử dụng hóa chất diệt khuẩn [chlorine, formol, thuốc tím, GDA, BKC…], kháng sinh trước trong và sau khi sử dụng chế phẩm men-vi sinh trong ao.

– Giữ ổn định hàm lượng oxy, pH, nhiệt độ, độ mặn ở mức thích hợp để các chủng vi khuẩn phát triển tốt.

– Có nhiều loại chế phẩm sinh học được dùng để xử lý nước: Aqua Guard, Super VS, Soll-Pro, Envi Baciilus…

– Liều lượng và cách sử dụng: theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất

Cách tiến hành:

Bước 1. Chuẩn bị dụng cụ: Cân; Chế phẩm vi sinh; Máy tính; Xô, chậu, ca nhựa; Thuyền

Bước 2: Tính lượng vi sinh

Lượng vi cần cho xuống ao = Liều lượng sử dụng x thể tích nước ao

Bước 3: Cân vi sinh cho vào thau, chậu

Bước 4: Hòa vi sinh với nước

Bước 5: Tạt vi sinh xuống ao

– Nên chạy quạt nước khoảng 10 – 15 phút cho hòa tan đều vi sinh vào ao và tăng hiệu quả của vi sinh.

Lỗi thường gặp

– Tính lượng chất sát khuẩn hoặc vi sinh sai

– Nước sau khi xử lý chưa sạch

Chủ Đề