Cách trị mấy đứa khẩu nghiệp

Khẩu nghiệp là nghiệp quả thiện ác phải gánh chịu do gây nhân từ lời nói tốt xấu gây ra. Các ác nghiệp do nói dối, nói ác khẩu, nói lời thêu dệt…đều chịu quả báo nặng nề và thế gian thì gần như không ai không mắc lỗi này!

Miệng là cửa ngõ vào ra của thân. Thức ăn đưa vào miệng, nhờ đó nuôi dưỡng thân xác. Lời nói phát ra từ miệng, nhờ đó biểu đạt những gì nuôi dưỡng trong tâm ý. Lời nói ra phải phù hợp với những gì suy nghĩ trong lòng, thì mới có thể khiến cho người khác phân biệt đúng sai, phải trái. Nếu không được như vậy, ắt chỉ là hạng xảo trá, gian ngụy khó lường. Kẻ chuyên dùng cơ mưu xảo trá với người, lời nói còn chưa lập được chút công đức gì thì trước đó đã tạo ra biết bao lầm lỗi.

Người đời thất bại do lời nói quả thật không ít. Miệng không thể suy xét, chỉ tâm mới có khả năng suy xét. Miệng do tâm sai khiến, nên nói ra lời dối trá là miệng, nhưng chủ ý nói ra lời dối trá để lừa gạt người khác lại chính là tâm. Con người khi giao tiếp mà trong lòng ngoài miệng chẳng được như nhau thì không phải lỗi của miệng, mà chính tại tâm. Chỉ cần giữ tâm trong sáng minh bạch thì lời nói tự nhiên sẽ không còn gian xảo trí trá. 

Khẩu nghiệp là gì

Lời Phật dạy về Khẩu nghiệp

Đức Phật dạy: “Người bình thường nếu nói ra điều chi thì nên nói lời tốt lành, không nên nói lời tệ hại. Nói lời tốt lành là thân thiện, nói lời tệ hại thì tự sanh ra phiền muộn bực bội”. Lại trong Thành Thật Luận nói: “Nếu người ác khẩu mắng nhiếc bới móc đủ loại, thì tùy theo lời nói mà nhận chịu báo ứng”.

Người thế gian, gặp thời uế trược này, dễ tạo nhất là khẩu nghiệp. Như trước mọi người dối trá mê hoặc, khiến người ta nhận thức sai lạc. Làm cho muôn vàn khổ đau tranh nhau trói buộc, trăm mối ưu sầu thảy đều tụ tập. Gieo trồng nhân tố hư vọng, cảm lấy quả báo hèn hạ. Địa ngục khổ đau vô cùng lại thêm nước sôi đỏ. Mê mờ pháp tắc làm loạn chân lý thật sự đều do vọng ngữ mà ra. Kinh Chánh Pháp Niệm có bài kệ:

*

Cam lộ cùng với những thuốc độc.

Đều ở trong lưỡi của con người.

Cam lộ là lời nói chân thật.

Vọng ngữ thì trở thành thuốc độc.

Nếu như người cần vị cam lộ.

Thì người ấy nói lời chân thật.

Nếu như người cần đến thuốc độc.

Thì người ấy nói lời vọng ngữ.

Thuốc độc không quyết định cái chết.

Vọng ngữ thì quyết định không sai.

Nếu như người nói lời vọng ngữ.

Thì họ phải nói là người chết.

Vọng ngữ không lợi ích cho mình.

Cũng không lợi ích cho người khác.

Nếu như mình và người không vui.

Tại sao phải nói lời vọng ngữ.

Nếu như người xấu xa phân biệt.

Vui thích những lời vọng ngữ.

Chết rơi vào trong lửa và dao.

Phải chịu những khổ não như thế.

Thuốc độc làm hại tuy rất dữ.

Nhưng chỉ có thể giết một thân.

Quả báo của ác nghiệp vọng ngữ.

Làm cho trăm ngàn thân bị hoại”.

Nhân quả báo ứng khẩu nghiệp

Các bậc hiền triết ngày xưa dạy rằng: “Nghe nói đến lỗi lầm của người khác như nghe tên họ cha mẹ mình, chỉ có thể nghe nhưng miệng không được lặp lại.” Thật vĩ đại thay! Quả đúng là luận thuyết của bậc quân tử nhân hậu.

Những kẻ tầm thường nhỏ nhen thường rất thích nghe nói lỗi của người khác, lại quen thói rêu rao truyền rộng đến nhiều người khác nữa, luôn nói rằng đó là những điều hết sức chắc chắn, xác thực, thậm chí còn tô điểm vẽ vời thêm, khiến cho người khác phải tán hoại thanh danh. Những kẻ ấy nếu như không gặp tai họa ngay trước mắt do người trừng phạt hoặc bị luật trời tru diệt trong chốn âm ty thì quả là hiếm thấy!

Những điều xấu ác tinh tế nhỏ nhặt tất nhiên không được truyền rộng, mà điều xấu ác trong việc lớn lao lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác ở nam giới cũng không được truyền rộng, mà những xấu ác nơi người phụ nữ lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác của tự thân mình thì tất nhiên không thể truyền rộng, mà những xấu ác của tổ tiên dòng họ lại càng không thể truyền rộng. Nói chung, tiếng tăm lan truyền của những điều xấu ác càng lớn lao, thì công đức của việc không truyền rộng lại càng lớn lao. Những kẻ không lưu tâm đến việc gìn giữ không truyền rộng việc xấu ác, thảy đều không có được cái phúc của sự không truyền rộng việc ác.

*

Khổng tử khi luận về những lợi ích của niềm vui có dạy: “Vui nói đến việc thiện của người khác.” “Nói đến” có nghĩa là truyền rộng cho người khác biết, tức là tán dương việc thiện ấy. Con người thật khó nói ra được điều thiện, khó làm được việc thiện. Nếu thấy được một điều hiền thiện đức hạnh, ta nên ngợi khen truyền rộng ra, ắt là người làm được việc thiện ấy sẽ càng tinh tấn hơn trong việc làm thiện, như vậy tức là ta đã cùng làm việc thiện với người.

Cho nên, việc thiện ở bậc thánh hiền ắt có thể thúc đẩy, phát triển phong tục tốt đẹp; việc thiện ở trong xóm làng ắt có thể cảnh tỉnh cải hóa kẻ ương ngạnh ngu si. Chỗ cốt yếu để có thể đạt được kết quả như vậy chính là nhờ có sự ngợi khen xưng tán, không để tâm thiện của người khác bị che lấp quên lãng không ai biết đến. 

Các tội lỗi như hủy báng Tam bảo, bác bỏ nhân quả, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, đều thuộc về tội nặng nhất, đó là vì những tội này làm dứt mất căn lành, che lấp trí tuệ của người khác. Người thế tục khi thấy kẻ khác thiết trai cúng dường chư Tăng Ni, nói ra những lời ngăn cản, thường là có hai nguyên do: Một là bẩm tính cay nghiệt, chỉ biết lấy việc chê trách chế nhạo người khác mà cho là giỏi giang, tài cán; hai là mê muội không biết có chuyện kiếp trước đời sau, nên không biết rằng ngôi Tam bảo là ruộng phước lớn của thế gian.

Khẩu Nghiệp Đời Trước

Khi đức Phật đang thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Hoàn, có 60 vị Bồ Tát vừa mới phát tâm Bồ-đề, cùng tìm đến chỗ Phật, đảnh lễ năm vóc sát đất, rồi nước mắt tuôn như mưa, mỗi người đều muốn thưa hỏi về nghiệp duyên đời trước của mình.

Đức Phật dạy: “Vào thời đức Phật Câu-lưu-tôn ra đời, tất cả các ông đều xuất gia học đạo, nhưng không bao lâu thì tâm đạo dần dần thối thất. Thời bấy giờ có một vị thí chủ đức tin sâu vững, hết sức cung kính cúng dường hai vị pháp sư. Khi ấy, các ông lại sinh tâm ganh tỵ, liền đến chỗ vị thí chủ kia mà nói lỗi của hai pháp sư, khiến người thí chủ kia dần dần khởi tâm khinh dễ, xem thường hai vị pháp sư, tự dứt mất căn lành.

Do nhân duyên xấu ác đó mà các ông đều đã bị đọa vào đủ bốn loại địa ngục, trải qua hàng vạn năm, sau đó mới được sinh làm người, nhưng trong 500 kiếp thường phải chịu cảnh mù lòa, ngu si không trí tuệ, bị người khác khinh miệt. Trong tương lai, các ông sau khi chết rồi, vào khoảng 500 năm mà Chánh pháp suy diệt, lại sẽ phải sinh ra ở những cõi nước xấu ác đầy dẫy những người xấu ác, làm người hèn kém hạ tiện ở đó, thường bị người khác phỉ báng, tự mình quên mất bản tâm.

Trải qua hết 500 năm ấy rồi mới dứt trừ được hết thảy nghiệp chướng, được sinh về cõi nước của đức Phật A-di-đà ở thế giới Cực Lạc, được đức Phật A-di-đà thọ ký cho việc về sau chứng quả Bồ-đề.” 

Quả báo Khẩu Nghiệp: Thề độc chịu hậu quả tàn khốc

Vào thời đức Phật còn tại thế, có vị tỳ-kheo ni tên là Vi Diệu, sau khi chứng đắc quả A-la-hán liền tự nói ra với ni chúng những quả báo thiện ác của chính mình trong đời trước. Tỳ-kheo-ni Vi Diệu kể lại rằng: “Vào đời quá khứ, ta từng làm vợ của một vị trưởng giả rất giàu có. Ông này chưa có con nối dõi, nhân có người tiểu thiếp sinh được đứa con trai nên ta ghen tị mà lén lút giết chết đứa trẻ. Người thiếp ấy oán hận lắm, mắng nhiếc rất nhiều câu khó nghe.

Khi ấy ta liền tự phát lời thề độc rằng: ‘Nếu quả thật tôi giết con của cô thì sau này chồng tôi sẽ bị rắn cắn, con tôi sinh ra sẽ bị nước cuốn trôi, bị sói ăn thịt, tự tôi sẽ ăn thịt con mình, thân tôi sẽ bị chôn sống, cha mẹ người nhà đều sẽ bị lửa lớn thiêu chết.’ “

Do nghiệp ác đó, sau khi chết ta bị đọa vào địa ngục chịu vô số những khổ não đau đớn. Sau khi chịu tội ở địa ngục xong, trong đời này ta được sinh làm con gái một vị Phạm chí. Khi ấy, ta mang thai sắp đến ngày sinh nở, liền cùng chồng đi về nhà cha mẹ. Giữa đường chợt đau bụng sắp sinh, phải dừng lại sinh trong đêm dưới một gốc cây, bỗng có con rắn độc cắn chết chồng ta.

*

Ta đau buồn khóc lóc, đợi trời vừa sáng thì tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, gạt nước mắt mà tiếp tục lên đường. Phía trước bỗng gặp một con sông chắn ngang, không có thuyền bè qua lại, ta liền để đứa con lớn ở bờ sông bên này, bế đứa con nhỏ bơi qua sông trước, đặt con trên bờ rồi mới quay lại đón đứa con lớn. Con ta nhìn thấy mẹ thì từ bờ sông chạy ngay ra, không ngờ liền bị nước cuốn trôi đi mất. T

a không cứu được đứa con lớn, quay lại chỗ đứa con nhỏ thì nó đã bị sói ăn thịt mất rồi, chỉ thấy máu thịt còn lênh láng nơi ấy. Đau buồn thống thiết vì cốt nhục chia lìa, ruột gan ta như đứt đoạn, chết đi sống lại. “Ta tiếp tục đi về nhà thì gặp một vị Phạm chí là người quen thân với cha mẹ ta, liền kể hết những nỗi khổ của mình rồi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ.

Vị ấy liền nói: ‘Cách đây mấy hôm nhà bị cháy, hai ông bà cùng tất cả người nhà đều chết cả.’ Nhân đó, ông liền đưa ta về nhà, nuôi dưỡng như con gái. Về sau ta lại tái hôn với một người khác, mang thai đến ngày sinh nở thì vừa gặp lúc chồng ta đi uống rượu về, không ai mở cửa nên tự phá cửa vào. Đang lúc say rượu điên cuồng, chồng ta liền trói ta lại rồi đánh đập tàn độc, lại nấu thịt đứa con mới sinh bắt ta phải ăn. Ta quá sợ phải cố nuốt vào một miếng, đau xé tâm can.

*

Sau việc đó, ta bỏ chồng trốn chạy đi thật xa. Đến nước Ba-la-nại, dừng nghỉ dưới gốc cây thì gặp một người vừa chết vợ, liền cùng ông ta kết làm vợ chồng. Vừa được mấy hôm, người chồng này bỗng lăn ra chết. Theo luật của nước ấy, nếu vợ chồng vẫn còn đang sống với nhau thì khi chồng chết, vợ phải bị chôn theo. Thế là ta bị chôn sống theo chồng. May thay lúc đó có một bọn trộm cắp kéo đến đào mộ để lấy của cải, ta nhờ đó mà được cứu ra còn sống.

“Khi ấy ta tự suy nghĩ, không biết mình đời trước đã tạo tội gì mà chỉ trong một thời gian ngắn đã phải liên tục gặp những tai họa khủng khiếp đến như thế. Khi nghe biết đức Phật Thích-ca đang ở nơi tinh xá Kỳ Hoàn, ta liền tìm đến chỗ Phật, cầu xin được xuất gia. Vì trong quá khứ ta đã có lần cúng dường thức ăn cho một vị Phật Bích-chi, lại nhân đó có phát nguyện tu hành, nên nhờ nhân duyên ấy mà đời này được gặp Phật, cuối cùng tu tập chứng đắc quả A-la-hán.”[ Theo An Sĩ Toàn Thư]

Nhân quả báo ứng Khẩu nghiệp

Hai chuyện sau đây trích từ Nhân quả báo ứng hiện đời[Ni sư Hạnh Doan dịch]: “Mới vừa qua rằm tháng Giêng âm lịch năm 1993. Bạn đạo của tôi là Bác sĩ Hoàng gọi điện cho Quả Lâm. Ông bảo có một nữ đồng hương của ông mắc phải quái bệnh: Toàn thân đau đớn khó chịu, đau đớn khóc la như quỷ gào sói tru. Trị thế nào cũng không hết, phải quỳ trên giường mới có thể tạm giảm bớt đau đớn, mồm luôn kêu rên: “Ôi đau! Đau quá” không ngừng.

Có người trong thôn nhớ Bác sĩ Hoàng đang công tác tại Thiên Tân, liền bảo người chồng đưa cô đến đó. Bác sĩ Hoàng sắp xếp cho cô nhập viện rồi, nhưng viện khám không ra bệnh. Hôm qua, cô quỳ trên giường thét rên không ngớt, khiến nhiều bệnh nhân không nghỉ ngơi gì được. Sáng hôm nay viện thông báo phải cho cô ra viện ngay. Bác sĩ Hoàng hỏi chúng tôi về nguyên nhân căn bệnh của cô. Quả Lâm bảo:

– Cô này hiện nay thọ mạng chỉ còn trong sớm chiều. Bác sĩ mau đi hỏi cô: Đời này đã phạm lỗi gì với ai nhiều nhất? Chỉ cần cô đáp đúng, lập tức cơn đau có thể dừng. Sau đó hãy để cô tự phát lồ, nói ra hết những lỗi mình đã phạm phải. Hễ tự thú được càng nhiều, thì tội càng bớt, cơn đau càng giảm.

*

Hôm sau, Bác sĩ Hoàng gọi thuật lại tình hình bệnh nhân. Khi cô đang quỳ trên giường kêu rên, ông hỏi:

– Ngay cả y viện lớn tại Thiên Tân này cũng tìm không ra bệnh của cô. Tôi đã đi thỉnh ý một vị tu hành, họ bảo tôi nên hỏi cô: Cả đời này có làm điều gì phạm lỗi với ai không? Nếu nói đúng thì bệnh dừng.

Cô đáp:

– Tôi có lỗi rất lớn đối với mẹ chồng!

Cô vừa nói xong liền ngã lăn ra trên giường, miệng không còn rên la nữa. Cô có vẻ muốn nói nữa nhưng do quá kiệt sức đành nhắm mắt lại rồi thiếp đi. Từ lúc phát bệnh đến giờ, cô phải quỳ như thế suốt ba bốn ngày chưa được nghỉ ngơi. Lần này cô ngủ một lèo hơn hai mươi tiếng, truyền nước biển vào tay cũng không tỉnh.

Lúc Bác sĩ Hoàng đến gặp, dù vẫn còn nằm trên giường, nhưng cô không còn kêu rên nữa. Bác sĩ giảng lý nhân quả Phật giáo và hướng dẫn cô niệm hơn mười câu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Sau đó bảo cô nếu chân thành nhận lỗi sám hối tha thiết thì có thể tiêu tội.

Gieo đại khẩu nghiệp xấu ác

Cô đã thực sự biết lỗi và bắt đầu phát lộ việc mình phạm đại tội với mẹ chồng như sau: “Lần đầu tiên bước vào nhà tôi phát hiện mẹ chồng là một bà già quá mê tín. Trong nhà thờ bài vị “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư” tôi bảo:

– Thời đại nào rồi mà mẹ còn tin ba cái thứ nhảm nhí đó, hãy mau mau đem bài vị vứt hết đi!

Mẹ chồng nói chúng tôi tuổi trẻ không hiểu chuyện, quả thực trên đầu ba thước có thần minh. Tâm con người ta lành hay ác trời đất đều nhìn thấy hết. Cho nên làm người phải hiếu thảo, trọng sư trưởng. Nếu sống mà không hành thiện tích đức, toàn làm việc xấu, sớm muộn gì cũng sẽ bị ác báo!

Tôi nghe vậy thầm cho lời mẹ chồng ngầm chứa ác ý, nên từ đó ghim hận trong lòng. Khổ nổi, chồng tôi rất hiếu thuận, mỗi khi ăn cơm đều mời bà ngồi trên. Bà mà chưa cầm đũa, thì chúng tôi chẳng thể ăn trước. Điều này càng khiến tôi tức giận.

Cho đến khi sinh con xong thì tôi nghĩ: “Đã có con rồi, thì xem như tôi có đủ tư cách để nghênh chiến cùng mẹ chồng”. Bởi vậy hễ muốn ăn thì tôi ăn, muốn uống thì uống, chẳng để ý đến ai. Trong nhà không cho chơi Mạt chược, thì tôi đến nhà bằng hữu chơi. Có hôm chơi ham đến sáng mới về.

*

Vì chuyện này mà nhiều lần vợ chồng tranh cãi. Có lần không kìm được, anh đánh tôi. Lúc đó tôi tức giận ẵm con về nhà mẹ ruột. Một tháng sau, mẹ chồng thân hành tìm đến rước, tôi mới chịu về.

Từ đó, không những mẹ chồng không dám chọc giận tôi, mà chồng tôi cũng phải nhường nhịn. Tôi cho đó là chiến thắng vẻ vang, còn dạy kinh nghiệm này cho các nàng dâu khác trong thôn. Tôi trời thành nữ chủ nhân trong nhà. Tất cả việc nhà mẹ chồng tôi phải làm hết.

Mẹ chồng hằng ngày trừ thắp hương lễ bái ra, bà còn làm thêm việc “thày lay” ngu dốt nữa là: Hễ nhà ai có xảy ra chuyện hiếu hỉ thì bà liền nhào tới đó trợ giúp. Cơm nước trong nhà cũng bỏ, để mặc người nhà ăn một mình. Hễ gặp ăn mày đến nhà mà bị tôi xua đuổi, thì bà rượt theo họ, ráng cho mấy đồng. Vì vậy mà tôi nhiều lần gây cãi với bà, mắng bà là: “Đồ đần, ngu như heo, thần kinh!”. Nhưng mẹ chồng khồng hề dám cãi lại với tôi, chỉ mỉm cười nói:

– Ta nghĩ mình là người biết tiết kiệm tiền, con dừng có quản tới mà chi!

*

Còn một chuyện khiến tôi tức giận nữa là: Nhà tôi ngụ tại đầu thôn, cổng trước cách đường lộ khoảng hai trăm mét.  Mẹ chồng tôi tự chế ra mười cái đèn bão. Vào những đêm không trăng bà đem ra treo. Cứ cách hai mươi mét thì treo lên một cái, mục đích để soi đường cho thiên hạ đi. Tính ra cả năm bà tiêu phí không biết bao nhiêu dầu. Tôi nghĩ bà muốn được mấy câu khen ngợi của dân làng, chứ tính ra có thu được cái gì đâu!

Ngày 30 tết, sáng sớm cả nhà tôi đi tầu đến Thạch Gia Trang mua hàng, về tới nhà thì đã hơn 4 giờ chiều. Thấy cái sân được mẹ chồng quét sạch, lu vại gì cũng đã đổ đầy nước, chồng tôi còn hỏi: Ai gánh nước đây? Anh đâu biết là trong nhà này, nếu không phải anh gánh thì là mẹ chồng gánh!

Thấy cửa gian giữa hơi khép, con tôi gọi bà, nhưng gọi mãi mà không thấy bà đâu. Chúng tôi đẩy cửa vào, thì thấy bà ngồi trên ghế trúc, đầu quẹo qua bên trái ngủ queo. Chồng tôi vội buông hàng hóa, bước tới gần kêu:

– Mẹ ơi, thức dậy đi, lên giường mà nằm ngủ chứ, ngồi trên ghế ngủ như vầy sẽ mệt đó!

Nhưng mẹ chồng tôi không nhúc nhích cựa quậy gì, chồng tôi vừa lay bà nhè nhẹ, vừa kêu “mẹ ơi” mấy tiếng, nhưng bà vẫn không động đậy, anh hoảng hốt khóc to, kêu réo mẹ thức dậy um sùm.

*

Tôi đang rửa sơ cái mặt thì nghe nói: “Mẹ chết rồi, đã ngừng thở rồi”. Tôi cáu tiết rủa ngay:

– Sớm không chết, muộn không chết, lại ra đi đúng vào ngày 30 tết. Chẳng phải là muốn chúng tôi không được ăn tết ư? Thiệt thất đức quá mà!

Chồng tôi nghe vậy liền quay qua tát mạnh vào mồm tôi, tôi liền tru tréo khóc ầm lên. Hàng xóm cùng người trong thôn đều chạy qua, bu đầy nhà. Mọi người đều khóc thương mẹ chồng tôi. Lúc đó tôi nghĩ: “Trong đám láng giềng này nhất định sẽ có kẻ mắng tôi”, nhưng không ai làm vậy.

Bây giờ nhớ lại, có thể là mẹ chồng tôi chưa từng ra ngoài nói xấu tôi với ai. Tôi đã hiểu lầm lòng tốt của bà, thật quá có lỗi với bà! Tối 30, đây là lần đầu người toàn thôn phá lệ: Không nhà nào chơi đùa hay đốt pháo hoa. Không một đứa trẻ nào mặc quần áo mới, toàn thôn thay nhau giữ linh quan suốt đám tang.

Bây giờ tôi mới hiểu là do mẹ chồng hay giúp đỡ xóm giềng. Nhiều năm nay những đêm không trăng, bà đã treo đèn, soi sáng đường về giúp người trong thôn. Bởi cảm ân đức của bà, nên năm mới chẳng ai muốn đón mừng. Bà biết mình sắp ra đi, còn ráng vì chúng tôi làm hết mọi việc trong nhà rồi ngồi trên ghế an lành ra đi. Bà quá nhân nghĩa mà! Nhưng lúc đó tôi lại mắng trách mẹ chồng, tôi quả thật đáng chết!

*

Qua rằm tháng giêng, tôi bỗng cảm thấy toàn thân khó chịu, tôi chỉ nghĩ “Chắc tại lo đám tang nên mỏi mệt”. Việc “ngày Tết mà còn phải lo ma chay” khiến tôi rất hận mẹ chồng, tôi còn nói xấu bà không ngớt với chồng. Lúc đó chồng tôi rất khó chịu, anh trừng mắt lườm tôi và chỉ nói một câu:

– Em làm ơn lưu giữ chút khẩu đức đi!

Sáng hôm sau tôi thức dậy, vừa rời giường thì té nhào trên đất. Tôi đau đớn thét lên, cảm giác như đang bị một trận mưa roi bằng sắt giáng quất vào thân. Chồng vội chạy đến đỡ tôi nhưng không được. Vì hễ tay anh chạm vào đâu, là tôi nghe chỗ đó đau như muối xát kim châm.

Tôi bị đau đớn thống khổ dày vò suốt thời gian dài mới phát hiện ra. Chỉ có tư thế quỳ, hai tay ra vịn trên đất mới tạm giảm đau một chút. Toàn thân tôi có cảm giác như xương cốt đều bị bẻ gãy vỡ vụn. Hễ động đậy một chút là đau không chịu nổi. Tôi lúc đó không hề biết đây là ác báo của khẩu nghiệp: Do mình vô lễ hỗn hào, ngược đãi phỉ báng mẹ chồng mà ra.

Tôi không bao giờ tin vào mấy cái thuyết nhân quả báo ứng! Nhưng bây giờ tôi đã tin rồi, tôi chưa muốn chết, con tôi chưa trưởng thành. Tôi nguyện từ nay nhất định sẽ tu sửa, lo hương hỏa thờ phụng mẹ chồng. Nguyện ngày ngày thắp hương lễ sám, sẽ làm nhiều việc thiện, tạo phúc đức.”

Sám hối khẩu nghiệp

Bác sĩ Hoàng thấy bà đã biết nhận lỗi, thân thể cũng không còn đau. Ông liền khuyên bà lúc nào cũng phải niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát”. Ông còn tặng bà một xâu chuỗi. Nhắc bà phải luôn kiểm lại những lỗi lầm đã gây ra với mẹ chồng, để mà sám hối.

Nửa tháng sau, Bác sĩ Hoàng báo tin là ông vừa cho bệnh nhân kia xuất viện về quê. Ông kể: Nàng dâu ngỗ nghịch này sau khi hối lỗi, tự đánh vào mình nhừ tử rồi. Mỗi ngày bà đều niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” và ngủ được an lành. Nhưng bà không thể ăn gì, chỉ có thể nương vào truyền dịch mà duy trì mạng sống. Bác sĩ có lần vào phòng bệnh, thấy bà nằm trên giường, miệng niệm Thánh hiệu. Tay phải để trên ngực lần chuỗi, hai khóe mắt tuôn tràn lệ, ướt đẫm cả gối.

Một sáng thức dậy bà kể cho chồng rằng mình mơ thấy mẹ chồng đến thăm, cười ha hả bảo:  Yên tâm đi, nhà ta sẽ ngày càng tốt hơn. Rồi đột nhiên mẹ chồng hóa thành vị trời biến mất. Bà nói: “Chắc là bệnh mình sẽ lành”. Nhưng ông chồng thấy bà mỗi ngày càng một tệ hơn, bèn quyết định dùng xe cứu hộ đưa bà về quê.

*

Hôm đó thời tiết đặc biệt lạnh. Xe khởi hành rồi thì Bác sĩ Hoàng nhắm mắt niệm “Nam mô A Di Đà Phật!” . Đột nhiên ông nghe thấy tiếng bà nói với ông:

– Tôi đi đây, cảm tạ ông cứu tôi, đã dạy tôi niệm Phật.

Ông vội mở mắt, ý thức bà đồng hương đã chết, kiểm tra thì thấy bà đã tắt thở. Lúc này xe vừa ra khỏi huyện Tĩnh Hải, gió lạnh vây bủa tứ bề. Phải mất 5 tiếng mới về tới nhà.

Khi khiêng người chết xuống, thấy thân bà rất mềm dịu, so với lúc sống không khác bao nhiêu. Tang sự hoàn tất thuận lợi. Chuyện của bà trở thành tấm gương giáo dục cho toàn thôn! Đây là do tội không tin Tam bảo. Đã bất hiếu với mẹ chồng, lại còn gieo khẩu nghiệp phỉ báng người thiện lương mà chịu quả báo.

May nhờ có Bác sĩ Hoàng dạy bà niệm Phật sám hối, diệt được vô lượng tội, nếu không cái chết của bà sẽ còn đau đớn và thê thảm hơn gấp vạn lần. Chết rồi chắc chắn sẽ đọa nơi địa ngục vô gián!

Đừng tạo khẩu nghiệp với người tu hành

Thiện niệm ác niệm đều do tâm sinh, vì vạn pháp do tâm tạo. Chúng ta tu hành cần phải kiểm soát, quản lý tâm mình cho tốt. Nếu giữ được chánh niệm thường xuyên, thì số mệnh tất được cải đổi.

Nhà Phật thường nói: “Khởi một niệm thiện, cung điện nơi thiên đường liền thành. Khởi một niệm ác, hình phạt nơi địa ngục chờ sẵn”. Người học Phật chúng ta, nếu tu đến thời tiết nhất định, sẽ có mài luyện đủ loại đủ kiểu hiện đến với bạn. Lúc ấy cần có tâm bình hòa, nhẫn nhục tinh tiến, để vượt qua thử thách.Dưới đây là kinh nghiệm từ cuộc sống cửa tôi, hi vọng mọi người xem xong được lợi ích.

*

“Tiểu Vận là thằng em họ kém tôi 7 tuổi, tính hết sức ngang ngược bướng lì. Dì dượng tôi rất cưng chìu nó. Hôm đó tôi tới nhà thăm dì dượng, nhưng họ đi vắng, chỉ còn một minh Tiểu Vận trông nhà. Tôi vừa bước vào nó đã kéo tôi lên mạng chơi vi tính. Bất đắc dĩ tôi phải chơi cùng nó một lúc. Do tôi ít chơi game, nên rất mau thua, làm ảnh hưởng xấu đến số điểm, khiến em tức giận chạy đến xô tôi té xuống đất và trách:

– Sao chị chơi tệ quá vậy?

Nhìn khí thế hung hăng của em, tôi lấy giọng chị, nghiêm nghị quở:

– Em dám đối với chị dữ dằn thế ư? Bình thường nể dì dượng nên chị luôn nhịn nhường, hôm nay phải dạy dỗ em mới được!

Thế lả tôi túm lấy nó, đánh vào mông nó một trận. Tiểu Vận bị tôi đánh, khóc ầm lên, vừa khóc vừa chụp đồ đạc quăng ném lung tung. Đồng hồ, bàn, ly tách, các món đồ chơi đều bị nó làm vỡ hết. Ngay lúc đó di dượng tôi về. Nhìn thấy bãi “chiến trường” hỗn độn dì dượng phật ý, hỏi với giọng đầy trách móc:

– Thế này là sao?

Chẳng đợi tôi giải thích, Tiểu Vận vừa khóc vừa gào lên:

– Là chị Hồng làm hết đó! Chỉ vừa đánh con vừa quăng đồ, không những làm con bị thương mà còn phá hư hết đồ chơi của con! Hu hu! Ba ơi! Mẹ ơi! Chị thừa lúc hai người đi vắng đã ăn hiếp con như vậy đó.

*

Tôi nghe em nói mà ngỡ ngàng, đứng chết trân, á khẩu. Cũng chẳng biết làm sao để giải thích. Dì dượng tôi quá cưng em nên tin ngay. Họ giận dữ mắng tôi:

– Sao con không có lương tâm, cư xử quá tồi như thế? Con cũng từng ờ đây một thời gian mà, sao lại đối với em ác như vậy? Cái con nhỏ bụng dạ xấu xa độc địa này, mau cút khỏi đây ngay! 

Tôi muốn giải thích, nhưng dường như chuyện khó có thể vãn hồi, đành nhẫn nhịn, nuốt giận quay về. Về túc xá, tôi khóc to một trận, thầm nghĩ: “Vì sao dì dượng lại đối với tôi như thế, rõ ràng là Tiểu Vận sai, nhưng họ chẳng cần phân rõ trắng đen, cứ mắng tôi xối xả, tại sao? Tại sao chứ? Bồ tát Quan Thế Âm đại từ đại bi ơi, cầu xin Ngài gia trì, giúp hóa giải mọi hiểu lầm giữa con và họ”.

Một tuần trôi qua, tôi rất muốn đi thăm dì dượng, vì bình thường họ đối với tôi rất tốt. Thế là tôi mua quà mang đến nhà họ. Vừa bước vào nhà, cảnh tượng trước mắt khiến tôi giật mình ngạc nhiên: Dì đang ngồi trên sô pha bưng mặt khóc, còn dượng ở cạnh bên thở dài não nuột.

*

– Dì dượng ơi, có chuyện gì vậy? Tiểu Vận đâu?

Dì dượng chỉ vào phòng ngủ. Tôi bước tới, vừa nhìn thấy biểu đệ, thì giật mình thất kinh: Không ngờ Tiểu Vận tuấn tú giờ đã biến thành kẻ đần độn ngớ ngẩn. Lưỡi em thè ra khỏi miệng quẹo sang bên phải, nước giãi chảy nhỏ giọt. Còn tay và gò má bên phải cùa em thì không ngừng co giật.

Nó bị như vậy đã một tuần rồi! Dượng bất đắc dĩ kể cho tôi nghe:

– Con đi rồi thì qua ngày sau, Tiểu Vận đột nhiên toàn thân co giật. Đến bịnh viện khám, bác sĩ nói đây là triệu chứng bại não, chỉ có thể điều trị từ từ, không có cách tốt hơn

Dì tôi ngồi bên nghẹn ngào chen vào nói, hai mắt đỏ chạch, chứng tỏ dì đã khóc rất nhiều. Tôi tiến đến an ủi:

– Đừng lo, rồi sẽ có cách mà. Quay về ký túc xá, tôi cảm thấy việc này có liên quan đến tôi. Mặc dù Tiểu Vận, dì dượng đối với tôi một bề ghét bỏ, dùng toàn lời ác dành cho. Nhưng tôi là người học Phật, cần phải dùng thiện niệm và tâm từ bi mà đối với họ. Nếu như tôi thành tâm tụng kinh hồi hướng cho Tiểu Vận, có thể em sẽ dần hồi phục, gia đình sẽ bình an, hài hòa. Thế là tôi bắt đầu tụng Kinh Kim Cang, hồi hướng công đức cho Tiểu Vận.

*

Kỳ tích xảy ra, ba ngày sau, di tôi mừng rỡ gọi điện khoe:

-Từ lúc con đến thăm thì trưa hôm sau bịnh Tiểu Vận chuyển tốt lên rồi. Miệng và mặt nó hết co giật, có thể ăn cơm bình thường. Tiểu Vận đã kể hết sự thực cho chúng ta nghe rồi, nó đã làm sai và phải nhận lỗi trước con! Thật xin lỗi con nhé, hôm ấy dì đã mắng oan con, con hãy tha lôi cho dì nghe. Tối nay mời con đến ăn cơm nha!

Thế là mọi việc tốt đẹp, an ổn hài hòa. Điều này làm tôi xúc động sâu sắc. Nếu như mỗi người học Phật đều có đủ trái tim từ bi, cho dù bị người khác khởi ác niệm với mình, bản thân cũng không nên nổi sân, mà phải nhờ vào sức mạnh của Phật pháp, sám hối, hồi hướng. Nếu biết dùng thiện niệm đối đãi với mọi sự, mọi việc, thì nhất định sẽ có hảo báo, thu được kết quả tốt đẹp không ngờ!

*

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu người muốn biết, ba đời tất cả Phật, nên quán tính pháp giới, tất cả do tâm tạo”. Người học Phật trong lúc gặp nghịch cảnh nghịch duyên, cần giữ chánh niệm, chớ nổi sân mà tạo khẩu nghiệp. Nên dùng tâm nhẫn nhục, như như bất động đối với mọi hoàn cảnh. Làm được vậy mới có cơ hội giải thoát.

Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp vô ngã, thành tựu nơi nhẫn”… Nhân đây xin khuyên thế nhân, cẩn thận khi nói năng hành động, phải gìn tâm giữ miệng, chớ tạo khẩu nghiệp, chớ nói lời vu khống người, vì thiện ác nằm trong một niệm, phúc họa như bóng theo hình, nhân quả báo ứng luôn có thật.”

Tuệ Tâm 2020.

Video liên quan

Chủ Đề