Bắp súp lơ xanh có vào mùa nào trong năm

Kết thúc những ngày tháng nắng nóng của mùa hè, bước sang thời tiết se lạnh, người nông dân bắt đầu trồng rau củ cho vụ thu đông. Đặc biệt là các giống cây như rau cải, súp lơ xanh, su hào, rau diếp xoăn, bắp cải,… phát triển rất nhanh và cho năng suất cao trong giai đoạn này.

Để trồng trọt thuận lợi, chúng ta nên trồng rau củ đúng mùa vụ, vừa đảm bảo năng suất, vừa hạn chế được sâu bệnh, tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc.

Súp lơ xanh

Thời điểm thích hợp để trồng súp lơ xanh là khoảng từ tháng 9 đến tháng 12. Loại cây này có thể trồng từ hạt hoặc cây con. Trước khi gieo, nên ngâm hạt trong nước ấm khoảng 25 - 30 phút để diệt hết nấm bệnh ở vỏ và giúp hạt dễ nảy mầm.

Súp lơ xanh là một trong những loại rau củ rất thích hợp để trồng vào vụ thu đông [Ảnh: Ngọc Nga].

Sau khi gieo hạt khoảng 2 tuần thì chọn những cây khỏe, phát triển tốt đem ra trồng. Các cây cách nhau từ 10 - 20cm để tán lá có thể xòe rộng tối đa. Nên trồng cây vào buổi chiều mát và chú ý tưới nước thường xuyên.

Khi cây ra hoa thì buộc túm các lá lại với nhau để hoa không bị dập và thối hỏng. Sau 15 - 20 ngày là có thể thu hoạch. Súp lơ xanh ngon và chất lượng nhất khi hoa chưa nở bung.

Các loại rau cải

Vụ thu đông là giai đoạn rất thích hợp để trồng các loại rau cải như cải ngọt, cải bẹ xanh, cải ngồng, cải cúc,... Đây cũng là những giống cây dễ trồng, dễ chăm và nhanh cho thu hoạch.

Trước khi gieo, nên chọn những hạt giống dễ nảy mầm, chất lượng cao và không sâu bệnh. Hạt được ngâm nước ấm từ 2-3 tiếng đồng hồ. Sau đó gieo hạt vào lớp đất mỏng rồi chú ý chăm sóc và tưới nước thường xuyên.

Thông thường, rau cải cho thu hoạch sau 30 ngày kể từ khi gieo hạt. Tùy nhu cầu sử dụng mà gia chủ có thể hái sớm hoặc muộn hơn vài ngày. Khi hái nên chọn lúc sáng sớm hoặc chiều tối để rau không bị héo lá.

Rau cải dễ chăm sóc, chỉ cần tưới nước đầy đủ, đảm bảo độ ẩm và ánh sáng thích hợp là có thể thu hoạch sau hơn 1 tháng gieo trồng [Ảnh: Gardening Know How].

Do cải chỉ thu hoạch một lần nên người ta thường trồng thành nhiều đợt. Tuy nhiên, sau mỗi lần thu hoạch, bà con cần chú ý cải tạo đất, bón vôi và cho đất có thời gian nghỉ ngơi đủ dài trước khi gieo vụ mới.

Su hào

Giống như súp lơ xanh và các loại rau cải, hạt giống của su hào trước khi gieo cũng được ngâm nước ấm trong khoảng 15 phút. Sau khi gieo hạt phải chú ý tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho cây.

Củ su hào lộ trên mặt đất nên dễ dàng thu hoạch. Không để củ quá to vì dễ bị xơ, ăn không ngon [Ảnh: Ngọc Nga].

Nếu làm vườn trên cao, bạn cần chuẩn bị thùng xốp và chọn loại đất thịt pha cát để su hào phát triển tốt nhất. Sau khoảng 20 ngày từ lúc gieo hạt, bạn có thể di chuyển cây con vào chậu trồng. Su hào thường bị bệnh ở lá nên cần được kiểm tra thường xuyên cũng như loại bỏ lá già để cây khỏe.

Rau diếp xoăn

Rau diếp xoăn khá phổ biến đối với người Việt, thường được dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn. Loại rau này đặc biệt thích hợp trồng vào mùa thu đông.

Bạn có thể dùng chậu hoặc thùng rồi gieo hạt trực tiếp. Sau đó, chú ý tưới nước đều đặn dưới dạng phun sương để cung cấp độ ẩm cần thiết cho cây và đất. Rau diếp xoăn phát triển rất nhanh và cho thu hoạch liên tục.

Bắp cải

Bắp cải là loại cây ưa lạnh nên thường trồng vụ đầu tiên trong năm vào giai đoạn thu đông, tầm tháng 9 đến tháng 10 và sau 3 tháng là có thể thu hoạch.

Giống cây này đòi hỏi quá trình trồng và chăm sóc kỳ công hơn các loại rau củ khác do là cây ăn lá dài ngày, lại dễ bị sâu bệnh.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RAU SÚP LƠ

[Bassica oleracea L.var.botrytis]

A. Giới thiệu

Súp lơ hay còn gọi là rau bông cải, su lơ, hoa lơ thuộc loài Brassica oleracea L, họ Cải, có nguồn gốc từ châu Âu. Súp lơ có 2 loại súp lơ trắng [Cauliflower] và súp lơ xanh [Brocoli].

Phần sử dụng làm thực phẩm của súp lơ là toàn bộ phần hoa chưa nở, phần này rất mềm, xốp nên không chịu được mưa nắng. Phần lá và thân thường được sử dụng làm thức ăn cho gia súc.

Ở Việt Nam rau súp lơ được trồng quanh năm ở những vùng có khí hậu mát như vùng Đà Lạt – Lâm Đồng, Mộc Châu – Sơn La, Sapa – Lào Cai hoặc trồng ở miền Bắc vụ Thu Đông, Đông Xuân.

Rau súp lơ có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại rau họ cải khác cũng như giá trị dinh dưỡng cao. Súp lơ có chứa nhiều Vitamin A, Vitamin C, Vitamin K, chất xơ, Quercetin. Nó cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng có khả năng chống ung thư như Myrosinase, Sulforaphane, Di-indolyl mêtan và một lượng nhỏ selen.

Thành phần dinh dưỡng có trong 100g súp lơ xanh

Giá trị dinh dưỡng trong 100g rau tươi

Thành phần Lượng Đơn vị Thành phần Lượng Đơn vị Calo [kcal] 34 K.cal Protein 2.82 g Lipid [chất béo] 0.37 g Vitamin A 31 μg Canxi 47 mg Vitamin K 101.6 μg Kali 316 mg Vitamin E 0.78 mg Cacbohydrat 6.64 g Vitamin C 89.2 mg Phốt pho 66 mg Sắt 0.73 mg Chất xơ 2.6 g Vitamin B6 0.175 mg Chất đạm 2.82 g Pantothenic acid [B5] 0.573 mg Đường thực phẩm 1.7 g Folate [B9] 63 μg Lutein zeaxanthin 361 -1121 μg 66 mg Thiamine [B1] 0.071 mg 316 mg Riboflavin [B2] 0.117 mg 0.41 mg Niacin [B3] 0.639 mg Magie 21 mg Pantothenic acid [B5] 0.573 mg Nước 89.30 g

Nguồn:Từ USDA [U.S. Department of Agriculture]

B. Quy trình kỹ thuật

I. Điều kiện ngoại cảnh

Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng sinh dưỡng 23-25°C ở giai đoạn hình thành hoa từ 17-20°C. Cây ưa ánh sáng ngày dài, trong điều kiện ngày ngắn, cây kéo dài thời gian sinh trưởng, thời kỳ cây con yêu cầu ánh sáng mạnh, khi hình thành hoa cần ánh sáng dịu và yếu. Ẩm độ 70-80 %, trong điều kiện độ ẩm không khí thấp mà nhiệt độ cao thì hoa nhỏ.

Súp lơ sinh trưởng tốt trên đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, pH trong khoảng 5,5 – 6,5. Chân đất chủ động tưới tiêu.

II. Quy trình kỹ thuật

1. Giống

Giống dùng cho vụ sớm và chính vụ: Lơ xanh F1: Thanh Hoa [VA.84], Green magicc [VA.82], Green Paragon [VA.87], Innova [VA.80], Marathon [VA.Marathone], Green Roya [VA86]. Lơ trắng F1: Hoa Tuyết [VA.83],

Giống dùng cho vụ chính và vụ muộn là giống ưa lạnh: Incline [VA.89], [VA86], Invenger [VA81], VA80, VA.Marathone, VA.82, VA.198, VA.87.

2. Thời vụ

– Vụ sớm: Gieo từ tháng 7-8, trồng tháng 8-9

– Chính vụ: Gieo tháng 9-10, trồng tháng 10-11

Hiện các giống mới có thể trồng ở vụ Xuân: Trồng tháng 1 thu hoạch tháng 4

3. Kỹ thuật gieo trồng

Vườn ươm

Có thể gieo khay [1 hạt/ô] hoặc gieo sạ trực tiếp xuống đất vườn ươm:

– Gieo khay: Khay gieo ươm bằng nhựa hoặc xốp, phổ biến là loại khay 84 lỗ, sử dụng giá thể là xơ dừa hoặc peatmoss. Chú ý xử lý xơ dừa trước khi sử dụng.

– Gieo sạ: Đối với gieo sạ cần làm đất kỹ, nhỏ, tơi xốp lên luống rộng 1 – 1,2 m, rãnh luống 0,3m, cao 25-30 cm. Đất vườn ươm phải là đất chuyên gieo ươm, tơi xốp, sạch cỏ dại, cao ráo thoát nước tốt, không có nguồn sâu và bệnh hại.

– Hạt giống được gieo bằng tay hoặc máy gieo hạt với 1 hạt/lỗ hoặc được gieo đều trên mặt luống. Sau khi gieo xong cần phủ hạt trên khay bằng một lớp xơ dừa/peatmoss mỏng 0.5-1 cm, phun ẩm bằng bình phun, che đậy khay ươm bằng màng Acrylic hoặc nylon, sau khi hạt nảy mầm thì bỏ lớp màng che phủ ra. Đối với gieo sạ trên mặt luống, gieo xong phủ mặt luống bằng một lớp vỏ trấu hoặc rơm rạ dày 1- 2 cm, sau đó dùng ô doa tưới đẫm nước.

– Chăm sóc: Sau gieo 1-2 ngày hạt sẽ nảy mầm, chú ý tưới nước để giữ ẩm cho vườn ươm bằng phun ẩm hoặc tưới nước vào sáng sớm và chiều mát. Làm vòm che nắng mưa cho vườn ươm, cao 0,8-1 m từ mặt luống đến mái vòm, chắc chắn, tránh đổ khi giông bão. Nên dùng một lớp nylon trong suốt và một lớp bạt cắt nắng để che đậy vườn ươm, chỉ che mặt luống khi nắng to hoặc trời mưa.

– Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3-5 ngày đầu, 1-2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cách một ngày tưới một lần. Không nên tưới nhiều vào giai đoạn 1- 2 lá thật, nếu ẩm quá ở giai đoạn này cây dễ bị chết thắt, lở cổ rễ. Trước khi trồng khoảng 3-4 ngày, ngừng tưới nước để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng xuống ruộng phải tưới nước trước để khi nhổ cây không bị đứt rễ.

– Tiêu chuẩn của cây giống tốt: Phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn, cây có 5-6 lá thật thì nhổ trồng.

– Cây giống gieo trên đất vườn ươm hoặc gieo trong khay nếu nhiễm sâu tơ thì trước khi trồng nhúng, ngâm trong 1 phút toàn bộ lá vào dung dịch Regent [1g], Lanate [5g] và BT [5g] / 4 lít nước để diệt sâu non và trứng, chú ý không nhúng rễ.

Chuẩn bị đất: Chọn đất canh tác cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy… [không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện].

Vệ sinh vườn, dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trồng trước, rải vôi cày xới kỹ sâu khoảng 20-25 cm. Trong trường hợp cần thiết, xử lý đất bằng Sincosin, phun đều trước khi phay đất để hạn chế tuyến trùng và rải đều Nebijin 0.3DP trước khi cày xới để hạn chế bệnh sưng rễ.

Kỹ thuật trồng

Làm luống rộng 120 cm cả rãnh, cao 15 cm, mùa khô cao 10 cm. Trồng hàng ba với khoảng cách 30×35 cm, mật độ 50.000 – 55.000 cây/ha, trồng buổi chiều, trồng xong tưới duy trì đủ ẩm để cây bén rễ tốt.

Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm như nước mạch ngầm, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày để tưới rau.

Tưới nước: Cây súp lơ xanh ưa ẩm, không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ, tưới 2 ngày 1 lần bằng nước sạch.

Che đậy hoa: Che hoa là một biện pháp cần thiết trong kỹ thuật trồng súp lơ. Nếu không che hoa, để nụ hoa chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ cao và ánh sáng trực xạ thì sẽ làm cho hoa chuyển sang màu sẫm rồi màu nâu, làm giảm giá trị sử dụng. Sau trồng khoảng 45-50 ngày, khi mà 2 lá ở giữa nhỏ hẳn đi và bắt chéo nhau, đó là dấu hiệu điểm sinh trưởng đã xuất hiện, nụ hoa có đường kính 4-5 cm thì tiến hành che hoa. Khi che có thể bẻ những lá phía dưới đậy lên hoa.

4. Phân bón

Phân bón: Lượng phân tổng số tính cho 1 ha/vụ:

Phân chuồng hoai: 25-30 m³; phân hữu cơ vi sinh: 1.000 kg; vôi bột: 800-1.000 kg, tùy theo pH đất canh tác;

– Phân vô cơ lượng nguyên chất: 140 kg N – 85 kg P2O5– 180kg K2O.

Lưu ý: Chuyển lượng phân hóa học nguyên chất qua phân đơn hoặc NPK tương đương:

Cách 1: Ure: 304 kg; Super lân: 531kg; KCl: 300 kg.

Cách 2: NPK 15-5-20: 900 kg; Ure: 11 kg; Super lân: 250 kg.

Bón theo cách 1:

Hạng mục Tổng số Bón lót Bón thúc Lần 1

10 ngày sau trồng

Lần 2

10 ngày sau trồng

Lần 3

10 ngày sau trồng

Phân chuồng hoai 25-30 m³ 25-30 m³ – – – Vôi bột 800 – 1000 kg 800 – 1000kg – – – Hữu cơ vi sinh 1.000 kg 1.000 kg – – – Ure 304 kg 104 kg 40 kg 70 kg 90 kg Super lân 531 kg 400 kg 131 KCl 300 kg 120 kg 60 kg 120 kg

Bón theo cách 2:

Hạng mục Tổng số Bón lót Bón thúc Lần 1

10 ngày sau trồng

Lần 2

10 ngày sau trồng

Lần 3

10 ngày sau trồng

Phân chuồng hoai 30-40 m³ 30-40 m³ – – – Vôi bột 800 – 1000 kg 800 – 1000kg – – – Hữu cơ vi sinh 300 kg 300 kg – – – Ure 11 kg 11 kg – – – Super lân 250 kg 250 kg – – – NPK 15-5-20 900 kg 250 kg 50 kg 250 kg 350 kg

* Ghi chú: Phân bón lá sử dụng theo khuyến cáo in trên bao bì.

Chỉ sử dụng các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

5. Chăm sóc

– Nên ngắt bỏ bớt lá già, lá sâu bệnh đảm bảo ruộng thoáng, hạn chế sâu bệnh, thuận tiện cho chăm sóc, thu hái.

– Tưới nước: có thể sử dụng nước mặt [hồ, ao, sông] hoặc nước ngầm [nước giếng khoan] để tưới; hàm lượng một số hóa chất và kim loại nặng trong nước không vượt mức tối đa cho phép được quy định trong Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tưới theo quy định.

– Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp.

– Sau khi trồng thường xuyên tưới ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Giai đoạn cây sinh trưởng thân lá cần đảm bảo đủ nước [luôn duy trì độ ẩm đất từ 70-80%].

– Nếu có điều kiện thì tưới rãnh, sau khi mặt nước đã thấm nước đều phải tháo kiệt, hạn chế đọng nước trên rãnh.

– Các đợt bón thúc đều phải kếp hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại

Phòng trừ dịch hại tổng hợp

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM.

Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, luân canh cây trồng khác họ. Chọn giống khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Kiểm tra vườn phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh. Thực hiện ghi chép nhật ký.

Biện pháp sinh học: Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…. Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh.

Biện pháp vật lý: Sử dụng bẫy màu vàng, bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng. Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5-1,8 m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang.

Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng [đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc] và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Phun khi bệnh chớm xuất hiện. Sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học. Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau tại Việt Nam.

Sâu hại và biện pháp phòng trừ

Sâu tơ [Plutella xylostella]: Là sâu gây hại nguy hiểm, chúng phát sinh và gây hại liên tục quanh năm, nặng nhất từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Kiểm tra đồng ruộng và chỉ phun thuốc khi mật độ sâu non trung bình 2 con/cây ở giai đoạn 2-3 tuần sau trồng, 3 con trở lên ở giai đoạn 4-7 tuần sau trồng. Không phun thuốc đặc trị sâu tơ khi sâu chưa xuất hiện ở ngưỡng trên.

– Đặc điểm hình thái:

Trưởng thành là loài bướm nhỏ, thân dài 8-12 mm, cánh trước màu xám nhạt, có nhiều đốm nhỏ màu trắng và đen xen kẽ, mép trên trắng và có 3 đường lượn sóng màu nâu đậm, phía ngoài có những lông tơ dài.

Trứng rất nhỏ, màu vàng, hình bầu dục, bám ở mặt dưới lá.

Sâu non: màu xanh vàng nhạt, thân thon, có nhiều lông ngắn màu đen, rải rác có những đốm nhỏ màu đen.

Nhộng: kén trắng thưa, nhộng thon, có màu xanh chuyển sang vàng, sắp nở có màu nâu.

– Tập quán sinh sống và gây hại: Bướm hoạt động mạnh về đêm, mạnh nhất là từ chập tối đến nửa đêm. Bướm đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm hay theo dây dọc ở mặt dưới lá, trung bình mỗi con cái đẻ từ 100-150 trứng.

Sâu non ăn toàn bộ biểu bì lá làm cho lá bị thủng lỗ chỗ. Nếu bị hại nặng sẽ làm giảm năng suất và chất lượng rau. Vòng đời trung bình 20-25 ngày, trong đó giai đoạn trứng 3-4 ngày, sâu non 12-15 ngày, nhộng 3-4 ngày, bướm đẻ trứng 3-4 ngày.

– Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn, tiêu hủy tàn dư cây trồng sau thu hoạch. Trồng xen một số cây tiết ra mùi khó chịu để ngăn ngừa bướm sâu tơ như hành, tỏi. Tưới phun mưa lúc chiều mát là biện pháp hữu hiệu phòng trừ sâu tơ bắt cặp, đẻ trứng. Bảo vệ các loài thiên địch của sâu tơ như ong ký sinh, bọ đuôi kìm… Sâu tơ có khả năng kháng thuốc cao nên có thể sử dụng luân phiên một số loại thuốc sau:

+ Các loại thuốc sinh học gốc BT như: Bacillus thuringiensis var. aizawai [Xentari 350WDG]; Bacillus thuringiensis var.kurstaki [Dipel 6.4WG, Delfin WG [32BIU], Biocin 16 WP];

+ Chlorantraniliprole [DuPontTM Prevathon® 5SC];

+ Abamectin [Abatin 1.8 EC, 5.4 EC, Agromectin 1.8 EC, Alfatin 1.8 EC, Shertin 1.8EC, 3.6EC, 5.0EC, Vertimec 1.8 EC, 084SC];

+ Abamectin + Chlorantraniliprole [Voliam targo 063SC];

Sâu xám [Agrotis ypsilon]

– Đặc điểm hình thái: Trưởng thành là loài bướm, cơ thể có nhiều lông màu xám, trứng lúc đầu có màu nhạt sau chuyển sang màu đen đến nâu. Sâu non màu đen nâu, nhộng có màu nâu cánh gián.

Tập quán sinh sống và gây hại: Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất.

Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất.

Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, chủ yếu phá hại khi cây còn nhỏ.

– Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, thu dọn cỏ dại trên vườn;

Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc hoá học có hoạt chất:

+ Abamectin [Dibamec 1.8 EC, 3.6EC, 5 WG, Shertin 3.6EC, 5.0EC]

+ Permethrin [Pounce 1.5GR]

Bệnh hại và biện pháp phòng trừ:

Bệnh thối gốc [Phoma ligam]

– Triệu chứng: Ban đầu là những vết nứt thối trũng xuất hiện trên gốc thân cây và sau này có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Những cây bị bệnh thường có kích thước nhỏ hơn.

Các vết thối mục lan rộng và bao lấy thân phía trên mặt đất, làm cho cây bị héo và đổ. Thân cây khô và hoá gỗ, mô cây chuyển màu đen, đôi khi có viền đỏ tía. Bệnh gây hại cho cả cây con và cây lớn.

– Điều kiện phát sinh, phát triển: Nấm phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 15ºC và ẩm độ không khí cao. Nguồn bệnh tồn tại trên hạt giống và tàn dư cây bệnh.

– Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Trồng cây giống sạch bệnh, vệ sinh vườn. Mùa mưa lên luống cao, thoát nước tốt.

– Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc có hoạt chất: Trichoderma viride; [Biobus 1.00WP]…; Validamycin: [Validacin 5SP]; Ngoài ra có thể xử lý đất bằng Sunfat đồng CuSO4.

Bệnh cháy lá [Xanthomonas campestris]

– Triệu chứng: Bệnh gây hại ở cả cây giống và cây đã lớn. Lá của những cây giống nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng và rụng trước khi cây lớn. Trên cây lớn hơn, vết bệnh có màu vàng, hình chữ V xuất hiện trên rìa lá với mũi nhọn hướng vào trong. Những vết bệnh này lan dần vào giữa lá. Diện tích bị nhiễm bệnh chuyển sang màu nâu, các mô cây bị chết. Gân lá ở những vùng bị nhiễm chuyển màu đen có thể nhìn thấy khi cắt lá.

– Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển: Vi khuẩn phát triển ở nhiệt độ 30-32 ºC, pH thích hợp 7,4. Tồn tại trong tàn dư cây trồng và trong hạt giống. Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương do côn trùng hoặc cơ giới, mưa gió.

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng vườn, thu dọn tàn dư sau khi thu hoạch, luân canh cây trồng khác họ, tránh các dòng nước chảy từ nơi bị bệnh. Chọn cây con khoẻ mạnh không có triệu chứng của bệnh. Thậm chí khi phát hiện nhiều cây con bị bệnh việc chọn cây giống khỏe cũng vô ích vì những cây khỏe có thể đã bị nhiễm vi khuẩn. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm.

Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Copper Oxychloride 16% + Kasugamycin 0.6%: [New kasuran 16.6BTN]; Copper Hydroxide [DuPontTM KocideÒ 46.1 DF, Champion 77WP]; Kasugamycin 2% [Kasuran 47WP].

Bệnh sương mai [Peronopora parasitica]

Triệu chứng: Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ trong vườn ươm cho đến khi cây lớn. Trên lá mầm và các lá thật của cây con xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng hoặc nâu. Trên cây lớn vết bệnh là những đốm tròn hoặc hình dạng bất định màu vàng nâu, trên đó có lớp mốc như lông mịn màu xanh đen. Vết bệnh ở dưới mặt lá được bao phủ một lớp trắng xốp như sương. Sau một thời gian vết bệnh khô lại, có màu nâu hoặc đen. Các vết bệnh lan rộng liên kết với nhau thành mảng cháy lớn trên lá, lá vàng và rụng.

– Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết mát mẻ [10-15 ºC] và ẩm ướt. Nấm bệnh tồn tại trên hạt giống, tàn dư cây trồng và các cây cỏ họ thập tự.

– Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Trồng mật độ thích hợp, hạn chế bón nhiều đạm nhất là trong mùa mưa

Biện pháp hóa học: Sử dụng một số hoạt chất sau: Chlorothalonil: [Forwanil 75WP]; Mancozeb + Metalaxyl [Vimonyl 72 WP, Ridomil MZ 72WP]; Ningnanmycin: [Diboxylin 4SL, 8SL]; Metalaxy: [Mataxyl 25WP]; Acrylic acid 4 % + Carvacrol 1 % [Som 5DD]; Ningnanmycin: [Diboxylin 4SL, 8SL]; Oligo – sacarit: [Olicide 9DD].

Bệnh lở cổ rễ [Rhizoctonia solani]

– Triệu chứng: Vết bệnh lõm sâu vào phần thân giáp mặt đất và có màu hơi sẫm. Cây bị bệnh phát triển kém, bắp nhỏ, bị nặng có thể héo và chết.

Trong điều kiện ẩm ướt bệnh lây lan sang các lá bên cạnh và gây thối bông. Toàn bộ bông có thể bị thối khô, bắt đầu từ những lá bao phía ngoài. Trên chỗ thối có các hạch nhỏ màu nâu.

– Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao.

– Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng, trồng cây giống sạch bệnh.

Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất:

Validamycin [Tung vali 3SL, 5SL, Valivithaco 3SC]; Copper citrate: [Heroga 6.4SL],…; Trichoderma viride: [Biobus 1.00 WP]; Copper citrate: [Heroga 6.4SL],…; Cytokinin: [Etobon 0.56SL]; Trichoderma viride: [Biobus 1.00 WP].

Bệnh sưng rễ [Plasmodiophora brassicae.W]

– Triệu chứng: Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây [rễ chính và rễ bên]. Bộ phận rễ bị biến dạng sưng phồng lên, có các kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh.

Cây dần dần biểu hiện các triệu chứng sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biểu hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân cây héo rũ kề cả khi trời mát, lá chuyển màu xanh bạc, nhợt nhạt, héo vàng và cây bị chết hoàn toàn.

– Bệnh hại tấn công vào vùng rễ, gây biến dạng, làm giảm khả năng hút nước, dinh dưỡng và khả năng chống chịu của cây, dẫn đến việc xâm nhập dễ dàng của một số loài nấm, khuẩn gây nên sự thối mục đen toàn bộ rễ cây. Khi cây bị nhiễm bệnh sớm [giai đoạn vườn ươm, hồi xanh] cây khó phục hồi và chết, nhưng nếu cây bị nhiễm ở giai đoạn muộn hơn [giai đoạn hình thành bắp, phân hoá hoa] cây có thể cho thu hoạch nhưng năng suất giảm, chất lượng kém.

– Đặc điểm: Nấm có thể tồn tại trong đất 7-10 năm ở dạng bào tử tĩnh, cũng có thể lâu hơn. Bệnh phát triển thích hợp trong đất chua và nhiệt độ từ 18-25 °C. Khi phát triển trong cây, bào tử động tiếp tục được hình thành ở pha thứ cấp và tấn công những cây bên cạnh hoặc di chuyển, phát tán xa hơn. Bào tử tĩnh được hình thành rất nhiều trong tàn dư cây bệnh và giải phóng ra đất khi rễ cây bị phân huỷ.

– Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Xử lý dụng cụ [khay, máy dập khuôn, xẻng, cuốc…] bằng formol 2-3 % sau mỗi lần sử dụng, xử lý đất bằng Nebijin 0.3DP [3kg/10 m³ giá thể] hoặc xử lý bằng nhiệt. Điều chỉnh pH đất của giá thể > 6,5 bằng vôi. Sử dụng nước máy, nước ngầm để tưới. Không được sử dụng nước ao hồ. Vệ sinh vườn ươm định kỳ 01 tháng/lần. Tiêu huỷ tàn dư cây con không đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Sau mỗi lần xuất cây con cần vệ sinh vườn ươm và dụng cụ làm vườn, kiểm tra cây con trước khi xuất vườn.

Luân canh cây trồng với cây khác họ. Nhổ bỏ, gom và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh.

– Biện pháp hoá học: Xử lý đất trước khi trồng bằng Nebijin 0,3DP [Flusulfamide] liều lượng 300kg/ha.

III. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

Thu hoạch

Khi hoa cuộn chặt, màu trắng hay màu trắng ngà [súp lơ trắng], tuổi hoa 15-20 ngày, tiến hành thu hoạch.

Thu hoạch, tránh dập nát, hư hỏng, thời gian thu hoạch: 3 – 4 ngày thu 1 lần tuỳ thuộc vào giống và điều kiện chăm sóc, dùng các thùng, rổ nhựa sạch thu quả, phân loại sản phẩm, xếp vào các thùng nhỏ, có kích thước phù hợp, tránh để dập nát, xây sát hoặc tiếp xúc với đất.

Loại bỏ sản phẩm có vết sâu bệnh hại, dị dạng. Không rửa nước trước khi đóng gói và đưa vào bảo quản cũng như vận chuyển.

Sơ chế

Nhà sơ chế, các thiết bị dụng cụ, vật tư, đồ chứa, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Chất lượng nước sơ chế tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế.

Đóng gói

Trước khi đóng gói, cần loại bỏ thân, lá già, lá sâu bệnh, phân loại, rửa sạch. Đóng gói theo nhu cầu sử dụng, ghi nhãn theo quy định để giúp việc truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

Bảo quản

Súp lơ được bảo quản nơi thoáng mát cho đều; có thể làm khay nhiều tầng để xếp khi vận chuyển [không để chất đống giảm nhiệt độ, giảm hô hấp].

Sản phẩm

Súp lơ an toàn sau thu hoạch, sơ chế để tiêu thụ trên thị trường hoặc chế biến. Không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm.

Chủ Đề