Bao nhiêu ngày kể từ 22/2/202

Tháng 2/2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại, một số nền kinh tế lớn tiếp tục suy giảm tăng trưởng và đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế,... Trong nước, khó khăn và thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng vẫn còn không ít khó khăn; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực vẫn chưa hồi phục sau thời gian dài bị tác động của dịch COVID-19. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình tháng 2/2023 trên các lĩnh vực cụ thể như sau:

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

Tháng 2/2023, tỉnh Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa vụ Đông Xuân và tiếp tục gieo trồng các loại cây hàng năm khác. Tình hình chăn nuôi gặp khó khăn do giá cả thức ăn tiếp tục tăng cao trong khi giá đầu ra thấp do nguồn cung lớn, nhu cầu tiêu thụ giảm,.... Hoạt động khai thác thủy sản đạt kết quả khá, nuôi trồng thủy sản đang chuẩn bị các điều kiện về ao, hồ, giống,... để triển khai vụ nuôi mới.

a] Trồng trọt

Thời tiết trong tháng 2 tương đối thuận lợi nên các địa phương tranh thủ đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân nhằm đảm bảo đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo. Diện tích lúa ở các địa phương cơ bản hoàn thành công tác gieo cấy; các loại cây trồng khác như khoai lang, lạc, đậu, rau các loại,... tiếp tục thực hiện, dự kiến kết thúc gieo trồng vụ Đông Xuân vào cuối tháng 2. Ước tính đến ngày 28/2/2023, tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện 52.726 ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể diện tích gieo trồng các loại cây như sau:

- Cây lúa thực hiện 29.130 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng lúa giảm chủ yếu là do một số địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước và một phần do nhiều hộ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn. Năm nay, các giống lúa mới, chất lượng cao, chịu rét, chống chịu sâu bệnh tốt tiếp tục được đưa vào sử dụng như: VN20, P6, Nhị ưu 838, HT1, QS88, QS33, PC6, QS447, Phong Nha 99,…

- Các loại cây trồng khác thực hiện 23.596 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể một số cây trồng: Cây ngô 3.910 ha, giảm 0,3%; khoai lang 2.572 ha, giảm 0,1%; cây sắn 6.050 ha, tăng 1,7%; cây mía 115 ha, tăng 0,1%; cây lạc 3.740 ha, giảm 1,1%; cây rau, đậu các loại 4.808 ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 1. Tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân

 

Thời tiết khá thuận lợi nên nhiều loại sâu bệnh gây hại cây trồng đã xuất hiện nhiều nơi. Trên cây lúa: Chuột hại chủ yếu ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Ba Đồn, Minh Hóa, Tuyên Hóa; tỷ lệ phổ biến 1-2%, nơi cao 4-5%. Bọ trĩ xuất hiện ở tất cả các địa phương; tỷ lệ phổ biến 5-7%, nơi cao 15-20%. Rệp muội: Tỷ lệ phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%. Ốc bươu vàng: Mật độ phổ biến 2-3 con/m2, nơi cao 4-6 con/m2, cục bộ 20-30 con/m2. Tuyến trùng rễ: Tập trung chủ yếu ở huyện Lệ Thủy; tỷ lệ phổ biến 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 10-12%. Bệnh đạo ôn lá: Tập trung chủ yếu ở huyện Lệ Thủy, Ba Đồn, Quảng Ninh, Minh Hóa; tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 15-20%, bệnh cấp 1-3 trên giống P6. Trên cây hồ tiêu: Bệnh vàng lá chết chậm: Tỷ lệ hại phổ biến 3-5%, nơi cao 15-20%. Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu, tập trung chủ yếu ở Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh; mật độ phổ biến 1-2 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2, sâu tuổi 2. Sâu xám: Tập trung ở huyện Minh Hóa; mật độ phổ biến 1-2 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2. Sâu cắn nõn: Tập trung ở huyện Quảng Ninh; mật độ phổ biến 2-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2, sâu tuổi 1-2. Trên cây rau: Sâu ăn lá chủ yếu ở huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy; mật độ 3-5 con/m2, nơi cao 7-10 con/m2.

b] Chăn nuôi

Thời điểm sau tết Nguyên đán Quý Mão, số lượng đầu con giảm do một lượng lớn gia súc, gia cầm được giết mổ phục vụ Tết. Sang tháng 2, các hộ chăn nuôi đang tích cực tiêu độc, khử trùng để tái đàn; nhờ chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Chăn nuôi trâu, bò đang giảm quy mô do giá thịt hơi thấp, không xuất khẩu được, đồng cỏ chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Chăn nuôi lợn cũng đang gặp khó khăn, giá thịt lợn hơi giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng. Vấn đề này tạo áp lực lớn đối với người chăn nuôi lợn, hiện các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người dân để duy trì, phát triển đàn, đảm bảo đầu ra và khắc phục trong điều kiện khó khăn. Đàn gia cầm phát triển khá, đặc biệt đàn gà phát triển nhanh.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 2 đạt 9.050 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 220 tấn, giảm 3,4%; thịt bò 970 tấn, giảm 5,1%; thịt lợn 5.050 tấn, tăng 0,6%; thịt gia cầm 2.810 tấn, tăng 1,9% [trong đó: thịt gà 2.350 tấn, tăng 0,7%] so với cùng kỳ năm trước.

Hình 2. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

 

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2 tháng đạt 16.681 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu 397,5 tấn, giảm 0,8%; thịt bò 1.900 tấn, giảm 1,0%; thịt lợn 9.263,5 tấn, tăng 3,4%; thịt gia cầm 5.120 tấn, tăng 3,4% [trong đó: thịt gà 4.100 tấn, tăng 2,5%] so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Dịch tả lợn châu Phi: Lũy kế từ ngày 01/01/2023 đến ngày 21/02/2023, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2 hộ/1 thôn ở xã Quảng Đông [Quảng Trạch] làm 109 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 3.253 kg. Hiện ổ dịch chưa qua 21 ngày.

- Bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh trên đàn gia súc, gia cầm không xảy ra [1].

Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp các ngành liên quan, các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là dịch cúm gia cầm; tiếp tục thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung,… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

2. Lâm nghiệp

Thời tiết trong tháng 2 tương đối thuận lợi, các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ rừng trồng, khai thác củi; đồng thời tập trung cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng, tiến hành đốt, dọn thực bì, đào hố, tuyển chọn cây giống, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch năm 2023.

Ước tính diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 2 đạt 1.401 ha, tăng 2,6%; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 2.422 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương tiếp tục thực hiện chăm sóc rừng trồng, trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích trồng năm trước và triển khai trồng cây phân tán theo kế hoạch.

Ước tính sản lượng gỗ khai thác tháng 2 đạt 17.600 m3, tăng 2,3%; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 40.700 m3, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng củi khai thác trong tháng 2 đạt 22.126 ste, tăng 1,9%; lũy kế 2 tháng ước đạt 40.776 ste, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng và chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng và thiệt hại về rừng.

3. Thủy sản

Thời tiết thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt hải sản, cũng như thả giống nuôi vụ mới nên hoạt động sản xuất thuỷ sản đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản tháng 2 ước đạt 3.972 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 3.151,3 tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 301,9 tấn, tăng 2,0%; thuỷ sản khác đạt 518,8 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản 2 tháng ước đạt 7.577,7 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 6.098 tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 495 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 984,7 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thủy sản

 

a] Khai thác

Thời tiết tháng 2 thuận lợi nên bà con ngư dân chủ động tăng cường vươn khơi bám biển. Nhờ phương tiện đánh bắt được trang bị hiện đại hơn, công tác tìm kiếm ngư trường khai thác hợp lý nên các chuyến đi biển khai thác của bà con ngư dân đạt kết quả cao.

Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 2 ước đạt 3.356,8 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 2.724,8 tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 121,3 tấn, tăng 2,8%; thuỷ sản khác đạt 510,7 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản khai thác 2 tháng ước đạt 6.624,2 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 5.496,8 tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 166,2 tấn, tăng 2,6%; thuỷ sản khác đạt 961,2 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác tăng chủ yếu là do khai thác biển tăng. Sản lượng khai thác biển tháng 2 ước đạt 3.106,1 tấn, tăng 4,7%; lũy kế 2 tháng ước đạt 6.115,8 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

b] Nuôi trồng

Hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tháng 2 phát triển ổn định. Thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh nên các hộ nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục thu hoạch sản phẩm nuôi trồng; đồng thời cải tạo, tu sửa, gia cố hồ, ao nuôi, bờ đê ruộng lúa để chuẩn bị cho vụ nuôi mới trong năm.

Sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch trong tháng 2 ước đạt 615,2 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 426,5 tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 180,6 tấn, tăng 1,5%; thuỷ sản khác đạt 8,1 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch 2 tháng ước đạt 953,5 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 601,2 tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 328,8 tấn, tăng 1,8%; thuỷ sản khác đạt 23,5 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất giống nước ngọt, lợ hiện nay đang bước vào vụ sản xuất mới, các cơ sở, trang trại và doanh nghiệp đang tiến hành ươm giống sản xuất theo kế hoạch đề ra, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đạt yêu cầu.

4. Công nghiệp

Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại hoạt động với quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2023. Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 02 năm 2023 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình an ninh, chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao; hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn; một số doanh nghiệp đơn hàng sụt giảm. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng rất mạnh từ cuối năm 2022 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02 năm 2023 tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 32,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 02 năm 2023 có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước [do tháng 02 năm 2022 trùng vào thời gian nghỉ Tết].

Tính chung 2 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 43,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Do tình hình thời tiết những tháng đầu năm 2023 mưa rét kéo dài nên một số ngành khai khoáng và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt thấp so với cùng kỳ.

Hình 4. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp

 

Chỉ số sản xuất 2 tháng năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện tăng 43,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 38,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn [trừ máy móc, thiết bị] tăng 30,2%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 22,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 22,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 19,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 14,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,1%. Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác giảm 1,2%; khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 4,7%; sản xuất trang phục giảm 16,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa [trừ giường, tủ, bàn ghế] giảm 19,4%; khai thác quặng kim loại giảm 44,8%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất cộng dồn đến cuối tháng 02 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Quặng titan đạt 8 nghìn tấn, giảm 44,8%; đá xây dựng đạt 485,2 nghìn m3, giảm 4,5%; cao lanh đạt 10,2 nghìn tấn, tăng 34,0%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 3,2 nghìn tấn, giảm 1,8%; tinh bột sắn đạt 3,8 nghìn tấn, tăng 122,8%; bia đóng chai đạt 139 nghìn lít, giảm 65,5%; nước khoáng đạt 174 nghìn lít, tăng 40,1%; áo quần các loại [trừ áo sơ mi người lớn] đạt 444 nghìn cái, giảm 64,6%; áo sơ mi đạt 1.873 nghìn cái, giảm 6,1%; dăm gỗ đạt 53,1 nghìn tấn, giảm 11,6%; ván ép từ gỗ đạt 2,7 nghìn m3, giảm 82,8%; cao su tổng hợp đạt 157 tấn, tăng 25,5%; kính cường lực đạt 454 tấn, tăng 9,1%; clinker thành phẩm đạt 289,3 nghìn tấn, giảm 31,8%; xi măng đạt 200,2 nghìn tấn, tăng 42,8%; thủy điện sản xuất đạt 8,0 triệu kwh, tăng 105,2%; điện gió đạt 168,6 triệu kwh, tăng 90,7%; điện mặt trời đạt 9,2 triệu kwh, giảm 14,7%; điện thương phẩm đạt 147 triệu kwh, giảm 4,7%; nước máy thương phẩm đạt 1.980 nghìn m3, giảm 4,8%.

5. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện trong tháng 02 năm 2023 có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước do tháng 02 năm 2022 trùng với thời gian nghỉ tết Nguyên đán. Ngay sau thời gian nghỉ Tết, nhiều công trình, dự án được các đơn vị triển khai, chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, các nhà thầu, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đấu thầu các công trình, dự án mới trong năm 2023 đã được phân bổ vốn để sớm triển khai thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 02 năm 2023 ước đạt 352,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 228,2 tỷ đồng, tăng 43,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 72,1 tỷ đồng, tăng 40,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 52,5 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 678,1 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 447,5 tỷ đồng, tăng 16,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 134,9 tỷ đồng, tăng 18,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 95,7 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

6. Thương mại, dịch vụ

a] Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Sau tết Nguyên đán, hoạt động kinh doanh thương mại trở lại bình thường, giá cả ổn định, nhu cầu tiêu dùng và sức mua giảm hẳn so với tháng trước. Vì vậy doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 2/2023 giảm so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm 2022 doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng khá [do năm 2022 ảnh hưởng của dịch COVID-19].

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02 năm 2023 ước tính đạt 4.065,4 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hầu hết các nhóm hàng đều giảm, riêng 2 nhóm xăng dầu và nhiên liệu khác tăng do nhu cầu du xuân, cụ thể: nhóm xăng dầu các loại tăng 0,9%; nhóm nhiên liệu khác tăng 6,7% so với tháng trước.

Tính chung 2 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 8.217,1 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm đều tăng cao trên 10%, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 12,8%, đóng góp lớn nhất [+4,5%] vào tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Hình 5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

 

b] Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch

Tháng 02/2023, sau tết Nguyên đán, nhu cầu du xuân cùng điều kiện thời tiết thuận lợi nên lượng khách tham quan các điểm tâm linh, đền, chùa,… đầu năm tăng; khách đến thăm động Phong Nha, động Thiên Đường, Chùa Hoằng Phúc, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Đại Giác, Núi Thần Đinh, Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường biển Bảo Ninh,… rất đông đúc, nhộn nhịp. Ngoài khách du lịch nội tỉnh còn có khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị,… khách đi theo hình thức gia đình, nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân hoặc tàu hỏa, máy bay kết hợp phương tiện thuê riêng. Vì vậy doanh thu dịch vụ lưu trú, du lịch tháng 02 năm 2023 tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2022.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 02/2023 ước đạt 32,2 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước, tăng 100,9% so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 62,3 tỷ đồng, tăng 107,2% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 02/2023 ước đạt 100.429 lượt khách, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 102,0% so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 194.898 lượt khách, tăng 108,6% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 02/2023 ước đạt 7.248 lượt khách, giảm 5,1% so với tháng trước và gấp 11,2 lần so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 14.889 lượt khách, gấp 13,2 lần so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 02/2023 ước đạt 104.839 ngày khách, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 110,8% so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 203.544 ngày khách, tăng 117,7% so với cùng kỳ.

Hình 6. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống

 

- Dịch vụ ăn uống:

Tháng 02/2023, doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 357,6 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước [do nhu cầu ăn uống, liên hoan, tiếp khách sau tết Nguyên đán giảm] và tăng 41,5% so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 724,8 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ.

- Du lịch lữ hành:

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 02/2023 ước đạt 32,0 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 63,2 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ.

Hình 7. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành

 

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 02/2023 ước đạt 51.368 lượt khách, tăng 1,8% so với tháng trước, gấp 7,8 lần so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 101.804 lượt khách, gấp 9,9 lần so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 02/2023 ước đạt 6.135 lượt khách, giảm 2,5% so với tháng trước, gấp 11,2 lần so với cùng kỳ; 2 tháng năm 2023 đạt 12.430 lượt khách, gấp 13,0 lần so với cùng kỳ.

c] Dịch vụ khác

Cùng với nhu cầu du xuân, hoạt động dịch vụ diễn ra nhộn nhịp, hút khách nên doanh thu hoạt động dịch vụ khác tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm 2022.

Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 02/2023 đạt 161,6 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. So với tháng trước, hầu hết doanh thu các nhóm ngành dịch vụ đều tăng.

Tính chung 2 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ khác đạt 322,6 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 24,9%, đóng góp lớn nhất [5,0%] vào tổng số tăng chung của dịch vụ khác; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 25,5% đóng góp 4,5%.

d] Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh cơ bản trở lại bình thường sau tết Nguyên đán, các cơ sở kinh doanh vận tải hành khách trong những ngày đầu tháng 02 chủ yếu vận chuyển người dân, học sinh, sinh viên trở lại học tập và làm việc sau thời gian nghỉ dài ngày. Vận tải hàng hóa có phần chững lại do nhu cầu lưu thông hàng hóa sau Tết giảm. Do đó, doanh thu hoạt động vận tải tháng 02 giảm so với tháng trước, nhưng vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 02 năm 2023 ước tính đạt 457,6 tỷ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước và tăng 32,3% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm đạt 946,7 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Vận tải hành khách đạt 154,1 tỷ đồng, tăng 24,5%; vận tải hàng hóa đạt 728,6 tỷ đồng, tăng 29,5%; doanh thu kho bãi dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 64,0 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ.

Hình 8. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

 

Ước tính tháng 02/2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 3,0 triệu hành khách, giảm 3,0% so với tháng trước và tăng 29,2% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển đạt 129,9 triệu hành khách.km, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt hành khách vận chuyển đạt 6,1 triệu hành khách, tăng 28%; tổng số lượt hành khách luân chuyển đạt 263,6 triệu hành khách.km, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính tháng 2/2023 đạt 3,1 triệu tấn, giảm 7,0% so với tháng trước và tăng 32,9% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2023 đạt 6,4 triệu tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính tháng 2/2023 đạt 226,1 triệu tấn.km, giảm 7,5% so với tháng trước và tăng 80,0% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2023 đạt 470,6 triệu tấn.km, tăng 74,0% so với cùng kỳ năm trước.

đ] Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng [CPI]

Chỉ số giá tiêu dùng tỉnh Quảng Bình tháng 02 năm 2023 tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 6,66% so với kỳ gốc 2019, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,92% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 0,39% [trong đó: nhóm hàng hóa tăng 0,49%; nhóm dịch vụ tăng 0,20%].

So với tháng trước, CPI tháng 2 năm 2023 tăng 0,53%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 08 nhóm tăng và 03 nhóm không đổi, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,56%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,03%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,23%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm giao thông tăng 1,86%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,35%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,19%, các nhóm: nhóm giáo dục; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số không đổi so với tháng trước.

Nguyên nhân làm tăng CPI so với tháng trước:

- Giá xăng, dầu trong nước ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới, liên Bộ Công Thương - Tài Chính ra quyết định điều chỉnh giá xăng dầu 03 đợt vào ngày 30/1/2023, 13/2/2023 và ngày 21/2/2023. Giá xăng so với tháng trước tăng 5,73%, dầu Diezen tăng 0,01% đã tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,86% cũng như ảnh hưởng đến các nhóm ngành hàng liên quan;

- Giá gas được điều chỉnh tăng so với tháng trước, cụ thể bình gas Pertrolimex 12kg có giá 491.000đ/bình, tăng 62.000đ/bình làm giá gas tăng 14,45% so tháng 01/2023;

- Giá vật liệu xây dựng tăng 0,79% so với tháng trước, cụ thể là giá thép các loại, cát sỏi, xi măng có dấu hiệu tăng do thời điểm đầu năm nhu cầu xây dựng tăng;

- Ảnh hưởng của giá vàng tăng nên các mặt hàng trang sức tăng 0,08% so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước, bình quân tháng 2/2023 giá vàng tăng 1,71% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,42 triệu đồng/chỉ, tăng 40,50% so với kỳ gốc 2019, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,33% so với tháng 12 năm trước, bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,13% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ [USD]

Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 23.484 đồng/USD, tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,67% so với kỳ gốc 2019, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,25% so với tháng 12 năm trước, bình quân 2 tháng đầu năm tăng 3,91% so với cùng kỳ.

7. Thu ngân sách Nhà nước, ngân hàng

a] Thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 2 tháng năm 2023 ước tính thực hiện 731,9 tỷ đồng, đạt 11,9% dự toán Trung ương giao, đạt 10,5% dự toán địa phương và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 706,9 tỷ đồng, đạt 12,0% dự toán Trung ương giao, đạt 10,9% dự toán địa phương và tăng 4,2% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 25 tỷ đồng, đạt 9,4% dự toán Trung ương giao, đạt 5,0% dự toán địa phương bằng 74,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 2 tháng năm 2023, có 4/16 khoản thu đạt tiến độ [16,7%] so với dự toán năm của tỉnh là thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương; thu ngoài quốc doanh; thu phí, lệ phí; thu xổ số kiến thiết. Còn lại 12 khoản chưa đạt tiến độ của tỉnh. So với cùng kỳ năm 2022, 9/16 khoản thu tăng, đó là thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương; thu ngoài quốc doanh; thu thuế thu nhập cá nhân; thu phí và lệ phí; thu tiền sử dụng đất; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu khác; thu xổ số kiến thiết. Còn lại 7 khoản đều giảm.

b] Ngân hàng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước về công tác huy động vốn, cho vay phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Hoạt động huy động vốn: Đến ngày 31/1/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 55.738 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước. Ước tính đến ngày 28/02/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 56.160 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm và tăng 0,8% so với tháng trước.

- Hoạt động tín dụng: Đến ngày 31/1/2023, tổng dư nợ cho vay đạt 78.184 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước. Ước tính đến ngày 28/02/2023, tổng dư nợ đạt 78.476 tỷ đồng, giảm 0,4% so với đầu năm và tăng 0,4% so với tháng trước.

- Tình hình dư nợ các chương trình tín dụng:

Cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ nội bảng 51,4 tỷ đồng, đã chuyển hạch toán ngoại bảng 794,5 tỷ đồng.

Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn: 162.207 khách hàng, dư nợ 37.397 tỷ đồng, chiếm 47,5% tổng dư nợ, tăng 11,3% so với đầu năm.

Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 109.913 khách hàng, dư nợ 16.876 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ, tăng 8,1% so với đầu năm.

Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 22 chương trình cho vay, dư nợ cho vay 4.393 tỷ đồng, tăng 18,9% so với đầu năm [2].

II. XÃ HỘI

1. Y tế

Sau dịp tết Nguyên đán năm 2023, ngành Y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình hình các loại dịch bệnh, không để dịch có nguy cơ bùng phát. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 01/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 63 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 450 trường hợp cúm; 115 trường hợp tiêu chảy; 4 trường hợp viêm gan virut khác; 14 trường hợp thủy đậu; 2 trường hợp lỵ trực trùng; 10 trường hợp bệnh không thuộc danh mục. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

Dịch COVID-19 tiếp tục được theo dõi sát sao, ngành Y tế vẫn đang đẩy mạnh tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo không để dịch bùng phát trở lại. Sở Y tế bám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chủ động, kịp thời, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch. Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến thời điểm 6h00 ngày 22/2/2023, toàn tỉnh có 2.044.347 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó 674.055 người đã tiêm 2 mũi; 151.727 người đã tiêm mũi bổ sung; 406.885 người đã tiêm mũi nhắc lại 1 [mũi 3]; 93.317 người đã tiêm mũi nhắc lại 2 [mũi 4]; tổng số ca dương tính là 05 ca [trong đó số bệnh nhân nặng 0, số ca tử vong 0].

Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 01/2023, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 2 lượt người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 1.137 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,0%.

Tháng 01/2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 01 người nhiễm HIV. Tính đến ngày 31/01/2023, lũy tích nội tỉnh số người nhiễm HIV là 471 người; số bệnh nhân AIDS là 407 người; số bệnh nhân tử vong là 140 người. Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, khám, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hướng dẫn các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng [3].

Sở Y tế đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính đến hết tháng 01/2023 không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bản tỉnh; số ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ 17 ca [4].

2. Giáo dục, đào tạo

Trong tháng 02 năm 2023, các trường học trên toàn tỉnh đã tiến hành sơ kết học kỳ I và bước sang học kỳ II năm học 2022-2023.

Để triển khai hiệu quả học kỳ II năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo [GDĐT] đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn các cấp học, đôn đốc các cơ sở giáo dục bám sát kế hoạch năm học để triển khai chương trình học kỳ II đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tiếp tục chú trọng công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; tập trung nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục ở vùng khó, vùng có học sinh dân tộc; phát huy thế mạnh về chất lượng mũi nhọn, phát hiện, bồi dưỡng để tạo nguồn học sinh giỏi cho các năm học tiếp theo.

Sở GDĐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024; tổ chức tập huấn nhập dữ liệu phục vụ công tác thi, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024. Ban hành Quyết định thành lập Hội đồng coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tại tỉnh Quảng Bình và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tại tỉnh theo kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế. Ban hành các Quyết định thành lập đoàn cán bộ coi thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.

Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức “Ngày hội học sinh tiểu học” với nhiều hình thức đa dạng, tạo cơ hội cho học sinh thực hành các hoạt động trải nghiệm góp phần hình thành năng lực, phẩm chất. Tổ chức bồi dưỡng học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc năm học 2022-2023.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện nội dung quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền vui chơi giải trí của trẻ em trong các cơ sở giáo dục; tham gia Cuộc thi và Triển lãm tranh quốc tế thiếu nhi năm 2023; báo cáo tình hình dạy học ngoại ngữ năm 2022 và đề xuất kế hoạch thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2024; hướng dẫn nội dung, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024.

Sở GDĐT đã tổ chức bàn giao máy tính bảng đến học sinh từ nguồn kinh phí Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hướng dẫn các đơn vị về việc cấp phát và chế độ bảo hành máy tính bảng hỗ trợ học sinh thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

Trọng tâm hoạt động văn hóa trong tháng là các hoạt động chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam [03/02/1930 - 03/02/2023] và các ngày kỷ niệm của đất nước. Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm; kiểm tra thực địa, các điều kiện thực hiện Chương trình sân khấu thực cảnh "Trở về bến phà xưa"; xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam [1943-2023].

Bảo tàng tổng hợp tỉnh kiểm tra hiện trạng, làm vệ sinh, sơn lại một số di tích, bia di tích; khảo sát, vẽ các loại bản đồ di tích lịch sử Trận đánh lịch sử trên sông Gianh ngày 28/4/1965 tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn. Phối hợp với phòng Văn hóa - Thể thao huyện Tuyên Hóa, và Uỷ ban nhân dân xã Lâm Hóa tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ tại di tích Trận địa Pháo Bắc Ka Tang, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Phối hợp với phòng Văn hóa - Thể thao các huyện, thị, thành phố trong việc quản lý, tổ chức lễ hội trong di tích; Kiểm tra việc tổ chức lễ hội tại các di tích danh thắng Núi Thần Đinh; Chùa Hoằng Phúc; Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tổ chức thành công lễ Khai mạc Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Sưu tầm hình ảnh, xây dựng Đề cương, maket, thuyết minh phục vụ Triển lãm chuyên đề: “Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Cuộc đời và sự nghiệp”. Thực hiện tốt thuyết minh hướng dẫn khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan tại nhà Trưng bày Bảo tàng. Phối hợp tốt với Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh phục vụ cho chữ đầu năm tại nhà Trưng bày Bảo tàng.

Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh thực hiện tuyên truyền phòng chống đốt pháo; xây dựng tài liệu,  thực hiện Bản tin Văn hóa số Tết với những tin, bài có chất lượng về các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Phục vụ chiếu phim lưu động tại xã Thượng Hóa; xã Lê Hóa; xã Kim Thủy; xã Sơn Lộc và bản Khe ngát [thị trấn Nông trường Việt Trung].

Thư viện tỉnh Tổ chức  trưng bày sách báo kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; “Hội báo Xuân” trưng bày sách, báo mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023; xử lý kỹ thuật 533 bản sách; nhập cơ sở dữ liệu 172 biểu ghi, tiếp nhận 47 bản sách bổ sung và biếu tặng; chấm chọn sách bổ sung; cấp đổi 40 thẻ bạn đọc.

Đoàn Nghệ thuật truyền thống phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình quay VIDEO phát dịp Tết Nguyên đán phục vụ nhân dân.  Phối hợp biểu diễn chương trình “ Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại xã Kim Thủy; phục vụ khai mạc triển lãm “Theo dấu chân Đại Tướng Võ Nguyên Giáp”,…

Thể thao đầu năm nổi bật giải cờ vua, cờ tướng các nhóm tuổi trẻ Miền Trung lần thứ XIX năm 2023 diễn ra từ ngày 02/2 đến ngày 05/02/2023. Kết quả đoàn Quảng Bình giành được 86 huy chương các loại [14 HCV, 21 HCB, 51 HCĐ],  xếp thứ Nhì toàn đoàn.

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng [từ 15/01/2023 - 15/02/2023], trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, tăng 4 vụ so với tháng trước, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2022; trong đó tai nạn giao thông đường bộ 10 vụ, tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 6 người, tăng 1 người so với tháng trước, bằng cùng kỳ năm 2022. Số người bị thương do tai nạn giao thông 8 người, tăng 2 người so với tháng trước, giảm 5 người so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 2 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đường bộ 16 vụ, giảm 6 vụ so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 11 người, giảm 3 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 11 người, giảm 3 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 14 người, giảm 3 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 14 người, giảm 3 người so với cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, trong đó 1 vụ cháy nhà đơn lẻ, 2 vụ cháy loại hình khác, ước giá trị thiệt hại 332,5 triệu đồng; so với tháng trước, số vụ cháy tăng 2 vụ, giá trị thiệt hại tăng 132,5 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy tăng 3 vụ, giá trị thiệt hại tăng 332,5 triệu đồng. Lũy kế 2 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy với giá trị thiệt hại tạm ước tính 532,5 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy tăng 2 vụ, giá trị thiệt hại tạm ước giảm 985,5 triệu đồng.

Hình 9. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh

 

5. Tình hình nổi bật khác về xã hội

Tháng 02 năm 2023 là thời gian sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 28/01/2023 và Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 486-CV/TU ngày 27/01/2023 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết; tăng cường chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, đặc biệt là những công việc còn tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết; không tổ chức các hoạt động du xuân sau Tết.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm; tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm và các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của Bộ Luật lao động cho 1.643 lượt người; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 143 người; hỗ trợ học nghề cho 8 người; tổ chức đào tạo cho 66 học viên tham gia các lớp học ngoại ngữ và pha chế đồ uống.

Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai phong trào “Tết Nhân ái”, kế thừa từ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Đối tượng hưởng lợi của phong trào được mở rộng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, người khó khăn nào cũng nhận được quà Tết. Tính đến ngày 10/2/2023, các cấp hội đã tổ chức được 15 chương trình, hỗ trợ 16.634 suất quà [vượt 3.634 suất so với chỉ tiêu Trung ương hội giao] và các hỗ trợ khác, như: Quần áo, vé tàu xe, làm nhà,... với tổng trị giá gần 7,2 tỷ đồng.

Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh đã tổ chức họp triển khai nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới 2023. Hiện nay, toàn tỉnh có 36 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 44 vườn mẫu và 2 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 18.420 tỷ đồng, trong đó đóng góp trực tiếp của dân cư 205,5 tỷ đồng,… Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 14 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 37 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 87 vườn mẫu nông thôn mới.

Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Công tác an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương liên quan phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; đôn đốc các địa phương cung cấp dữ liệu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, xác minh trả lời đơn thư kịp thời của 1 đối tượng; thẩm định hồ sơ 1 đối tượng khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt nặng để đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định khoản viện trợ dự án “Chương trình Hỗ trợ nạn nhân bom mìn toàn cầu của Quỹ phúc lợi xã hội EDEN”, dự án “Cấp phát xe lăn nhân đạo” của Tổ chức Trả lại tuổi thơ. Việc chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội luôn kịp thời, đúng quy định.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều chương trình quan tâm đến người dân vùng sâu vùng xa như: Chương trình Khởi công xây dựng “Mái ấm biên cương” cho gia đình chính sách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lệ Thuỷ; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội liên hiệp Hội phụ nữ Bố Trạch với nhiều hoạt động ý nghĩa, vận động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới, giúp họ vươn lên trong cuộc sống./.

Chủ Đề