Bài văn về hiện tượng chảy máu chất xám năm 2024

Một tài liệu thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, gần 40 năm qua, trung bình mỗi ngày, có hơn 70 trí thức của Mỹ La-tinh di cư sang Mỹ, Ca-na-đa, Anh.

Mỹ luôn là cái đích ưu tiên, với lực hút cực mạnh về tài chính, khiến nhiều nước lao đao về nhân tài, trong đó có Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ca-na-đa, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a...

Các quốc gia đang phát triển: điêu đứng vì chảy máu chất xám

Bản báo cáo chính trị và an ninh toàn cầu năm 2007 của Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã cảnh báo, hiện tượng chảy máu chất xám ở đất nước tỉ dân này đang diễn ra nghiêm trọng nhất thế giới. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở lại đây, trong số lưu học sinh [LHS] Trung Quốc ra nước ngoài học tập, có 2/3 số người không quay trở về Tổ quốc làm việc, 88% sinh viên du học tại Mỹ đã làm việc lâu dài ở xứ người, ít nhất là 5 năm. Tuổi xuân cống hiến của họ nhanh chóng rơi vào tay Mỹ, với đủ loại công trình nghiên cứu, thậm chí là những ý tưởng siêu hạng. Tình trạng này khiến Trung Quốc thiếu nhân tài trầm trọng.

Trong thời kỳ hậu thực dân, có khoảng 40% trí thức chuyên nghiệp của châu Phi đã rời khỏi lục địa đen để kiếm sống. Theo thống kê, tại một số nước đang phát triển như Guy-a-na, Gia-mai-ca, Ha-i-ti, Tri-ni-đát và Tô-ba-gô, Phi-gi… có khoảng 3/4 nhân viên kỹ thuật với trình độ cao đã di cư sang các nước là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế [OECD].

Các nước phát triển: khó tránh khỏi tai ương

Mặc dù được đánh giá là thành công trong việc thu hút chất xám từ các nước đang phát triển, nhưng chính nước Anh cũng gặp phải vấn đề chảy máu chất xám, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học. Một cuộc điều tra gần đây của OECD cho thấy, tình trạng chảy máu chất xám của Anh đang lên tới đỉnh cao. Hiện Anh có khoảng 3,3 triệu người di cư ra nước ngoài, trong đó có 1, 1 triệu người có bằng đại học. Trong số các nhân tài có trình độ cao của Anh, có 28,3% số người có bằng về y dược và giáo dục, 28,5% nhân tài công tác trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, đây là đội ngũ trí thức mà nước Anh đang rất cần.

Nhật Bản vốn là một nước công nghiệp phát triển, nhưng gần đây họ cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài ngay tại quê nhà. Ước tính có 2.500 kỹ sư Nhật trong ngành kỹ thuật công nghiệp đang làm việc tại Đài Loan. Đối mặt vấn đề này, Bộ Thương mại Nhật Bản đang cố thuyết phục các công ty trong nước đưa ra mức lương hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến hơn, nhằm ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám.

Vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, có rất nhiều nhà khoa học Nga đã bỏ nghề ra nước ngoài làm việc. Tình trạng di cư của các nhà khoa học Nga vẫn tiếp tục diễn ra ở đầu thế kỷ 21. Nước Nga là nôi đào tạo các chuyên gia khoa học nổi tiếng, nhiều nước phương Tây đã giành nhiều ưu ái cho các nhà khoa học Nga. Các nhà vật lý, toán học và sinh học của Nga có thể tìm việc tại các trường đại học Mỹ mà không gặp khó khăn gì lớn. Tình trạng "chảy máu chất xám" khiến Nga thiệt hại hơn 30 tỉ USD/năm.

Nguyên nhân do đâu?

Sở dĩ hiện tượng chảy máu chất xám diễn ra khá phổ biến ở các nước đang phát triển là do tác động của nhu cầu thị trường lao động thế giới. Hiện nay, thị trường lao động thế giới đang dư thừa lao động phổ thông, nhưng thiếu trầm trọng số lượng trí thức giỏi, đặc biệt những người có trình độ kỹ thuật cao, giỏi quản lý. Năm 2000, Mỹ thiếu 450.000 nhà khoa học và kỹ sư, đến năm 2008, con số này đã lên tới 675.000 người. Trong vòng 10 năm tới, Nhật Bản sẽ thiếu 4,45 triệu nhân lực có trình độ kỹ thuật cao.

Ngoài ra, ngành công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão trên phạm vi toàn cầu, gây ra tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực này. Cuộc chiến “chiêu hiền nạp sĩ” đang âm thầm diễn ra ở châu Âu và Mỹ,rất nhiều nước đã phải sửa đổi luật di dân, phát “thẻ xanh”, lương cao, đãi ngộ tốt, xây dựng các quỹ nghiên cứu hoặc quỹ học bổng… để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao từ các nước đang phát triển.

Hiện tượng "chảy máu chất xám" có thể thay đổi hằng năm, mặc dù nguyên nhân thì vẫn giống nhau: lương thấp, thiết bị lỗi thời, tương lai không sáng sủa. Các nhà khoa học ở các nước đang phát triển không có nhiều lựa chọn. Họ hoặc nai lưng ra làm việc để nhận số tiền ít ỏi hoặc đi đến một nước nào khác - nơi họ được trả lương cao, làm việc với các thiết bị hiện đại và được mọi người kính nể hơn.

Hậu quả khó lường

Theo thống kê của Liên hợp quốc, năm 1971, thế giới có 24 nước nghèo, năm 1981, con số này lên tới 31, năm 1990, số quốc gia nghèo lên tới 43, và đến năm 2007, con số này đã lên tới 50 – chiếm hơn 1/4 tổng số các quốc gia có mặt trên toàn cầu. Một nguyên nhân quan trọng khiến khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng rõ rệt là tình trạng chảy máu chất xám tại các quốc gia nghèo, đặc biệt là châu Phi như Mô-dăm-bích, Xô-ma-li, Xi-ê-ra Lê-ôn, Ghi-nê xích đạo… đang diễn ra nghiêm trọng. Vài năm gần đây, có gần một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học ở các quốc gia này ra nước ngoài tìm việc. Bốn nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng chảy máu chất xám ở châu Phi diễn ra nghiêm trọng là: nghèo đói, chiến tranh, đại loạn; chế độ đãi ngộ kém; môi trường nghiên cứu khoa học không phù hợp. Theo thống kê, nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật của cả đại lục châu Phi chưa đạt tới 0,3 % tổng thu nhập quốc dân của đại lục này.

Tình trạng chảy máu chất xám đã gây ra những hậu quả khó lường cho các nước đang phát triển. Ví dụ, tại châu Phi, để đào tạo một nhân tài có trình độ khoa học kỹ thuật cao, trung bình các nước châu Phi sẽ phải bỏ ra khoảng 150.000 USD, và số tiền này có thể cung cấp cho 500 nông dân ở các nước nghèo của châu Phi sống đủ trong một năm. Nguồn chất xám bị chảy máu khiến kinh phí đào tạo của châu Phi không ngừng thất thoát. Đồng thời, do thiếu thốn nhân tài, hằng năm các nước châu Phi đã phải bỏ ra khoảng 4 tỉ USD - một nguồn kinh phí lớn để trả lương cho các chuyên gia nước ngoài được mời sang nước mình làm việc, riêng con số này đã chiếm hết 1/3 nguồn viện trợ hằng năm châu Phi nhận được từ bên ngoài. Ngoài ra, do thiếu thốn nhân tài, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học của các nước châu Phi không được thực hiện, một số thành tựu khoa học kĩ thuật cũng không được phổ biến và ứng dụng vào thực tiễn. Nếu tình hình này không được cải thiện, rất nhiều quốc gia châu Phi không thể dựa vào khả năng của mình để thoát khỏi tình trạng đói nghèo hiện nay.

Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là các nhà xã hội học lại rất mơ hồ về những hậu quả xã hội và văn hóa do hiện tượng chất xám chảy máu gây ra cho đất nước. Một số còn tin rằng các khoa học gia tài năng không bao giờ nghĩ đến việc rời quê cha đất tổ. Thế nhưng, hiện tượng các nhà khoa học dứt áo ra đi đã tác động xấu đến người dân cũng như các giới trí thức khác - những người đóng góp lớn nhất cho sự tiến hóa của nhân loại.

Trọng dụng nhân tài: nền tảng để phát triển

Nhằm ngăn ngừa tình trạng nhân tài bỏ ra nước ngoài lộ bí mật quốc gia cũng như hiện tượng "chảy máu chất xám", Bộ Nhân sự Trung Quốc kết hợp với một số bộ ngành liên quan trong chính phủ đã ban hành quy định mới xác định sáu loại đối tượng không được phép ra làm việc ở nước ngoài nếu không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm: chuyên gia kỹ thuật, các nhà quản lý nhân sự làm việc trong các dự án hoặc chương trình nghiên cứu lớn, công chức nhà nước, những người tham gia chiến lược phát triển khu vực miền tây Trung Quốc, những người làm trong các bộ phận cơ mật và những người có công việc liên quan tới pháp luật.

Khi nền kinh tế của các nước đang phát triển ở trong giai đoạn cất cánh, trong số các LHS ra nước ngoài học tập, tỉ lệ giữa số người quay về và số người ở lại định cư là 2:1 được gọi là tỷ lệ lý tưởng hay “tỷ lệ vàng”. Tuy nhiên, nếu chính phủ các nước không có chính sách đúng đắn thì tỷ lệ này không dễ dàng đạt được. Thiết lập hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, trả lương hậu hĩnh không kém gì Mỹ và châu Âu, đảm bảo nhà cửa và việc ăn học cho con cái của các chuyên gia, thành lập công ty... đó là những gì mà châu Á và châu Phi đang làm để lôi về những bộ óc siêu phàm đang phục vụ cho xứ người. Châu Á và châu Phi đang nỗ lực xây dựng mô hình tập trung nghiên cứu cấp cao để thu hút sự quan tâm của những đứa con xa tổ quốc. Ấn Độ và Trung Quốc chú trọng thành lập công ty do những chuyên gia hồi hương làm chủ, hoặc thử áp dụng biện pháp “hoàn lại tiền đào tạo” nếu sinh viên bỏ nước mà đi.

Từ năm 2000, hằng năm chính phủ Trung Quốc đều bình xét và trao giải công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật xuất sắc nhất cho một nhà khoa học, trị giá của giải thưởng này lên tới 5 triệu NDT [khoảng 12 tỉ VNĐ].Trung Quốc cũng đang tập trung nâng cấp [ngang tầm cỡ quốc tế] hơn 100 trường đại học để tạo ra một nền giáo dục chất lượng cao. Chính hệ thống đại học tuyệt hảo sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và giảng dạy của các bậc thầy li hương. Riêng với các nước đang phát triển, việc để chảy máu chất xám là một lãng phí lớn bởi đây là nguồn tài sản quốc gia vô cùng quan trọng, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế bản quốc vững bước đi lên./.

Chủ Đề