Anh có thích nước Mỹ không Tân Di Ổ Review

Đánh giá: 8.4/10 từ 436 lượt

Dịch giả: Trần Quỳnh HươngCô thiếu nữ 18 tuổi xinh xắn với đôi má hồng hồng, nước da trắng ngần, thật sự là điển hình của kiểu mẫu em gái nhà bên vô tư đáng đáng yêuMà đúng là ở độ tuổi tươi trẻ như cô cũng không có gì để ưu sầu cảĐúng vào thời điểm đánh dấu bước ngoặt trọng đại của cuộc đời, cô quyết định lên thành phố G, thi vào Học viện Kiến trúc vì một lời hẹn ước với Lâm Tịnh - chàng trai sống cùng khu nhà tập thể với cô và hơn cô 5 tuổi.Ngay từ nhỏ cô đã đi theo sau anh, đuổi theo bóng dáng anh, và luôn nghĩ rằng có thể rút ngắn khoảng cách giữa anh và cô khi hai người cùng ở chung trong một thành phốNgỡ đâu, vì mối tình thuở xưa của mẹ cô và cha anh khiến hai bên gia đình có khúc mắc, cho nên anh đã đi Mỹ, để lại cô một mình trăm tư không thể giải---"18 tuổi, Trịnh Vy nói với Nguyễn Nguyễn:"tớ là ai, tớ là thiên hạ vô địch Ngọc Diện Tiểu Phi Long, có cái gì tớ không giành được chứ?22 tuổi, Trịnh Vy đứng trên đỉnh núi hét: "Nước Mỹ, đất nước chủ nghĩa tư bản gian ác, ta hận ngươi, trả lại người yêu cho ta..."26 tuổi, cô nhìn anh, "em không thể tin anh hết lần này đến lần khác, không thể..."---Những điều thú vị trong cuộc sống ở trường đại học, nơi căn phòng 402 của kí túc xá - một điều đặc biệt trong cuộc sống của cô, những cô gái cùng phòng, mỗi người một cá tính và những điều riêng tư, nỗi niềm ấp ủ. Sáu cô gái trở thành "Lục đại Thiên hậu" ở chốn "kinh đô hòa thượng".Lâm Tịnh đã chọn con đường cho riêng mình, vậy Trịnh Vy cũng phải chọn cho mình lối đi không có anh. Trịnh Vy lao vào cuộc theo đuổi anh chàng Trần Hiếu Chính lạnh lùng khô khan, chỉ biết cắm đầu vào học. Tình yêu của cô đã được đền đáp, họ trở thành một đôi rất nổi tiếng trong trường đại học.Bốn năm đại học của cô trôi qua trong hạnh phúc của tình yêu, nhưng ông trời vốn ghét kẻ má hồng, một lần nữa nước Mỹ lại cướp đi người cô yêu. Sau những lời "tâm huyết" của người mẹ đã hy sinh cả một đời để nuôi mình khôn lớn, Trần Hiếu Chính quyết định đi Mỹ mà không cho Trịnh Vy một lời hẹn ước, cả cơ hội chờ đợi cũng không có.Thời gian vẫn trôi, con người vẫn phải sống, Trịnh Vy mạnh mẽ tiếp tục bước tiếp con đường mình phải đi. Cô làm thư ký cho Giám đốc Công ty 2 trực thuộc Tập đoàn Kiến trúc Trung Quốc, trước kia cô nộp hồ sơ vào đây vì Trần Hiếu Chính cũng nộp hồ sơ. Nhưng nay không còn anh cô vẫn đi làm vì cô thấy đây là cơ hội cô có thể phát triển sự nghiệp.Dưới sự dìu dắt của Giám đốc Chu Cù, một Trịnh Vy sốc nổi, bốc đồng, bừa bãi đã trở thành thư ký Trịnh điềm đạm trong giao tiếp, cẩn trọng trong công việc.Cô Lý Chủ tịch Công đoàn của công ty đã giới thiệu cho cô rất nhiều chàng trai, cô nghĩ mình cũng nên tìm một người để nương tựa. Vậy là cô lao vào các cuộc hẹn hò, người thích cô thì cô không thích, mà người cô thích lại chẳng có tình cảm với cô, trước những chàng trai xa lạ cô luôn có một câu hỏi "kinh điển": "Anh có thích nước Mỹ không?"7 năm trôi qua từ khi Lâm Tịnh ra đi, Trịnh Vy tình cờ gặp lại anh trong đám cưới của Nguyễn Quản, một sự trùng hợp nữa thời gian đó Trần Hiếu Chính về nước trở thành trợ lý giám đốc của Công ty 2, anh trở thành đồng nghiệp, cấp trên của cô.Trong cô diễn ra sự giằng co đau đớn, giờ đây cô phải lựa chọn, một người là niềm mơ ước từ nhỏ, một tình cảm kéo dài 17 năm; một người là tình yêu nồng thắm, gắn bó những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi xuân.Cô có một ước nguyện là được cùng người mình yêu đến làng Vụ Nguyên, ở đó có cây hòe già đã chứng kiến sự gặp gỡ và chia ly mối tình đầu của mẹ cô. Cô cũng mong muốn cây hòe già cũng làm chứng cho tình yêu của cô, nhưng hai lần đến cô đều phải đi một mình, cô phát hiện ra rằng cây hòe già không phải là niềm mơ ước của riêng cô nữa.

Trịnh Vy nghiệm ra rằng: Cố hương là nơi để người ta ôn lại thuở hàn vi, tuổi xuân là quãng thời gian để con người nhớ nhung hoài niệm, khi ôm nó vào lòng nó sẽ chẳng đáng một xu, chỉ khi cô dốc hết nó quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa. Những người đã từng yêu và làm tổn thương cô đều có ý nghĩa đối với sự tồn tại tuổi xuân của cô.

Thật ra mà nói, mình không thích đọc ngôn tình Trung Quốc. Thể loại hay đọc lại thiên một chút không về tình yêu nam nữ sướt mướt chẳng hạn như Haruki Muzakami hay “Bay trên tổ chim cúc cu”. Đầu tiên, khi học tiếng Hoa cô giáo đã nói một câu “Có tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn Trung Quốc thì đốt đi”, không khỏi có chút thấy buồn cười. Thật ra mà nói, truyện nào cũng là truyện, tiểu thuyết tình yêu nào cũng là tiểu thuyết tình yêu. “Đồi gió hú” lại không phải ngược tâm, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” không phải cũng quá đau lòng và Jane Austen cũng toàn những thứ khiến người ta mơ mộng sao? Kim Dung ngoài chiêu thức võ công thì cũng tình tứ lung tung mà viết truyện đấy thôi. Nói như thế, không có nghĩa mình đánh giá tác phẩm kinh điển ngang tầm “ngôn tình Trung Quốc” nhưng bỏ thời gian tìm hiểu một chút thì cũng có thể gọi là đáng.

Thời gian mình biết đến ngôn tình lần đầu tiên là cấp 3, lúc ấy nổi tiếng hai người [hoặc do chỉ biết mỗi hai người]: Tân Di Ổ và Tào Đình. Cảm nhận chung, mình thích Tân Di Ổ hơn. Đến nay vẫn chưa đọc qua sách của ai khác nên không có nhiều so sánh bình luận. Vừa hay khi đọc “Anh có thích nước Mỹ không?” và “Hóa ra anh vẫn ở đây” lại là mới chia tay người yêu. Nói thế nào nhỉ, so với một đứa chỉ từng si mê Nguyễn Nhật Ánh thì thể loại này dĩ nhiên mới mẻ. Hơn hết, so với một đứa học sinh ở tuổi tình cảm cái gì cũng đẹp, cũng buồn, cũng khổ, nói đúng hơn là mộng mơ mơ mộng thì ngôn tình không phải là lựa chọn tồi. Bạn học si mê, mình cũng si mê, lũ con trai còn hùa nhau đọc “Chết sập bẫy rồi!” nữa chứ.

Theo lời người mình thích từng nói thì “Ngôn tình không phải không có đạo lý”, chỉ khác là đạo lý năm đó đọc được ít nhiều khác với đạo lý năm nay cảm nhận. Khác như thế nào thì cũng không biết diễn tả sao cho phải, chỉ thấy là đã qua rồi lúc “xem kết thúc không có hậu làm tâm trạng xấu đi vài phần”. Chí ít là xem One Day đỡ than trách hơn chút.

Bây giờ tự dưng đào mộ viết về hai bộ này dĩ nhiên là có lý do. Phần lớn là vì luyện nghe Audio Book bằng bản tiếng Hoa. Đến bây giờ vẫn cảm thấy “Anh có thích nước Mỹ không?” khá hay, vì thích văn phong của Tân Di Ổ lúc này, và cũng vì nội dung không đến nỗi xa rời tận phương trời nào. Thêm nữa, dĩ nhiên là “có chút đạo lý”.

“Hóa ra anh vẫn ở đây” thì khác hơn một chút, cảm thấy cách viết không hay, có chút lưng chừng. Nhưng đổi lại, truyện này nhẹ nhàng, gà bông, đọc thư giãn tốt. Đặc biệt, thích nam chính lẫn nữ chính.

Truyện Tân Di Ổ mình đọc được kha khá, xác thực là nhân vật sống cùng một thời điểm và có liên quan với nhau, nhập nhằng nhưng cũng nhờ đó mà thú vị. Giống như Lâm Tĩnh có quen Tư Đồ Quyết của “Anh sẽ đợi em trong hồi ức”, Tô Vận Cẩm hẹn hò Ngô Giang, Phong Lan – Ngô Giang là anh em họ, etc.

Nói về “Anh có thích nước Mỹ không?”

Thật ra cốt truyện rất đơn giản, nhân vật cũng giản đơn. Không có tổng tài, không có mỹ nữ quyền quý, không có ngược đi ngược lại. Nhưng phủ trên đó vẫn là thổn thức, là đau lòng, là day dứt. Truyện năm được Triệu Vy ra tay đạo diễn, mình đã rất mong chờ. Mặc dù đạt đến kỳ vọng còn xa lắm, nhưng không thể phủ nhận là lột tả khá tốt, với người chưa bao giờ đọc qua sách, chắc hẳn ít có lời phàn nàn. Điều mình thích ở bản điện ảnh vẫn là kết thúc mở, biên kịch cho Trần Hiếu Chính một cơ hội. Trong sách thì không như thế, Trần Hiếu Chính rốt cuộc vẫn trắng tay.

Nội dung không có nam chính cũng không có nam phụ, nửa đầu là Trần Hiếu Chính, tưởng như mỹ mãn rồi thì sau lại là Lâm Tĩnh. Cả hai người cùng rời bỏ Trịnh Vi, cuối cùng cô chọn người đầu tiên, người mà cô chờ đợi cả đời – thay vì ba năm. Xét về tạo hình nhân vật, Tân Di Ổ cũng không xây dựng đặc sắc lắm. Họ cũng chỉ bình thường thôi, ấy vậy mà vẫn có cái hay của sự bình thường. Đọc truyện để lôi kéo chút đồng cảm hóa ra tốt. Tình yêu cơ hồ là chẳng có kẻ thua người thắng, ai có hạnh phúc của người đó, chỉ như vậy mà thôi.

Có một đoạn khiến mình nhớ rất lâu, chẳng biết có chính xác không, đó là khi Trịnh Vi kể câu chuyện thế này: “Em đã từng có một con gấu bông, em rất thích nó, đi đâu cũng không thể thiếu. Khi mất nó, em không thể ngủ được. Để rồi một ngày tìm lại được, em lại quên đi, em nhận ra mình đã quá tuổi cần đồ chơi rồi”. Lúc đó mình đã nghĩ, có lẽ tình cảm cũng vậy. Như Vương Gia Vệ từng nói trong Trùng Khánh Sâm Lâm “Cái gì cũng có hạn sử dụng”. Tình cảm cũng có hạn sử dụng, thời gian trôi qua rồi, nó lại hết. Một khi đã hết, nó không còn giá trị. Món đồ ăn đã từng rất ngon, quá hạn rồi cũng phải vứt.

Lúc đó mới mình chia tay người yêu, buồn lên buồn xuống. Để sau này nhìn lại, chỉ cười khẩy một cái: “À, thì ra cũng qua cái tuổi đó rồi”.

Đừng vội đánh giá Lâm Tĩnh tốt hơn, Trần Hiếu Chính tốt hơn hay ai xứng đáng để có được tình yêu hơn. Vốn dĩ, khi yêu “xứng đáng” hay không nói ra thật rất nực cười. Yêu là yêu, là sự lựa chọn của mỗi người, nói trắng ra chữ “xứng đáng” chẳng cần thiết hay thích hợp. Chỉ có điều, Trịnh Vi chọn không phải là Trần Hiếu Chính, dĩ nhiên vẫn cảm thấy có chút xót thương.

Đi con đường riêng của mình ắt hẳn không có gì sai. Bởi anh nói đúng “Một ngày nào đó em phải hiểu rằng, ai cũng phải lo cho bản thân mình trước. Anh thì không thể yêu em với hai bàn tay trắng”. Đó không phải là sai, mà là thực tế. Ai cũng biết Trung Quốc khắc nghiệt, tìm việc không dễ dàng, huống hồ Trần Hiếu Chính không phải được sinh trưởng cuộc sống sung túc đủ đầy. Con người vốn dĩ không thể tin tưởng vào tình yêu, vì cũng không ai biết tình yêu bao giờ sẽ kết thúc. Cũng không ai chắc rằng họ ở bên nhau suốt đời viên mãn mà không quay sang trách người kia làm lỡ mất cơ hội của mình.

Điều duy nhất trách được, có lẽ họ sai thời điểm.

Bởi lẽ nội dung đơn giản, mà Tân Di Ổ phải mang nhiều lời tự sự, phải đặt vào đó rất nhiều tâm tư. Bởi lẽ đó mà câu chuyện lắng đọng hơn một chút, sâu sắc hơn một chút.

Tân Di Ổ có nói, Trần Hiếu Chính cũng sẽ có người cho mình, dù người đó không phải yêu sâu đậm nhưng nhất định sẽ phù hợp với anh. Đọc truyện Tân Di Ổ mới thấy, “trong tim ai cũng có một tòa thương thành”, có một người để mình mãi chờ đợi và để trong lòng, đến được hay không thì phải còn tùy duyên. Trần Hiếu Chính đến bản thân còn không cảm thấy an toàn, làm sao có thể đảm bảo niềm tin nơi người khác.

Cũng vì thế mà trong số các câu chuyện đã đọc qua, mình vẫn ấn tượng sâu sắc với “Anh có thích nước Mỹ không?”

Nói qua về phiên bản điện ảnh, Triệu Vy có thể cho là bỏ không ít tâm huyết. Lối dựng tốt, diễn viên dù bị than phiền nhiều nhưng cũng không tệ, chỉ có điều mình không thích Hàn Canh. Lâm Tĩnh và Trần Hiếu Chính đều thuộc mẫu người trầm tư ít nói, nhưng Lâm Tĩnh có lẽ cần già dặn một chút, trái lại Triệu Hưu Đình lại già dặn quá nhiều. Nhưng Triệu Hựu Đình không phải lột tả không tốt, chỉ có điều hơi thiếu thư sinh. Nguyễn Nguyễn không phải thần tiên mỹ nữ, nhưng rõ ràng là có khí chất, xinh đẹp hơn người. Trịnh Vi vốn chỉ là “đáng yêu dễ thương, ngũ quan đều đặn” nên không phải đòi hỏi quá nhiều về nhan sắc.

Tóm lại, “Anh có thích nước Mỹ không?” đọc một lần cũng xứng đáng. Cái kết không đánh giá được là có viên mãn hay không, bởi Tân Di Ổ đã làm rõ một vấn đề “viên mãn của người này là bất hạnh với kẻ khác”. Đối với Lâm Tĩnh là có hậu, đối với Trần Hiếu Chính là quá tàn nhẫn.

Lại đến “Hóa ra anh vẫn ở đây”.

Muôn người không thích nữ chính, mình lại ngoại lệ. Đơn giản vì tính cách mình giống Tô Vận Cẩm, suy nghĩ cũng giống Tô Vận Cẩm. Điều mình cảm nhận được xuyên suốt khi đọc chính là “Khi yêu quan trọng nhất vẫn là tự trọng”, làm người bản thân không thể thiếu tôn nghiêm.

Trên đời này có vài loại người; một là theo đuổi không cần so đo tự trọng, tình yêu là tất cả, đã yêu thì thẳng thắn mà yêu, giống như nhân vật của Krystal trong Prison Playbook có nói “Em thích anh ấy nhiều như thế. Tại sao phải làm cao nữa chứ?”; hai là giống Tô Vận Cẩm, mất sự tự tôn bản thân coi như mất tất. Trình Tranh cùng Tô Vận Cẩm là hai thái cực trái ngược nhau; gia cảnh, tính cách, ngoại hình, suy nghĩ đều không giống nhau.

Nói một chút về tạo hình nhân vật. Tân Di Ổ xây dựng những nhóm nhân vật rất điển hình trong ngôn tình ở truyện này. Đầu tiên là mô-tuýp Lọ Lem thường thấy; một cô gái bình thường cùng chàng trai vượt trội ưu tú vô cùng hoàn mỹ, vì cuộc đời bình yên không gì không thể sở hữu rồi vì người mà một cái lướt mắt cũng tiết kiệm với mình làm cho thất điên bát đảo. Nhân vật phụ như Thẩm Cư An không phải là hiếm thấy, kiểu người “rất gần nhưng lại rất xa”, đúng nghĩa hoàn hảo – vì quá hoàn hảo mà tạo cho người ta cảm giác mờ nhạt, lại có gì đó hơi ghê ghê người; thuộc dạng để nữ rung động và làm tình đầu nhưng vì thiếu “phản ứng” mà dễ làm người ta quên mất. Thẩm Cư An cũng như Tô Thích của “Trước là tiểu nhân sau là quân tử”, là Tô Á Văn trong “Chết sập bẫy rồi!” hay Tô Kỷ trong “Phấn hoa lầu xanh” [cái này có hơi chút khập khiễng] [Chà! Chàng nào cũng họ Tô!]. Tuy nhiên, chắc chắn là Thẩm Cư An không hợp với Tô Vận Cẩm, anh quá “tối”, quá nhiều uẩn khúc, hệt như viên ngọc khảm – nhìn thì đẹp, đến gần chỉ thấy lạnh. Đọc “Ánh trăng không hiểu lòng tôi” sẽ biết, Thẩm Cư An vốn không phải người đơn giản.

Như từ đầu mình đã nói, lối viết không có gì đặc sắc, nặng hơn là kém chiều sâu và tính hấp dẫn, nhưng lại thích nam nữ chính. Chuyện của họ không chồng chéo, bi kịch, lằng nhằng. Chuyện của họ đơn giản chỉ là tình yêu.

Trình Tranh thì trẻ con, vạn vạn như một đứa con nít. Nói đúng ra là “ngây thơ” và đơn thuần. Ngây thơ đến thẳng thắn, bộc trực, Tô Vận Cẩm còn phải nói rằng Trình Tranh là một “tấm pha lê trong suốt, cái gì cũng có thể nhìn xuyên qua được”. Tô Vận Cẩm thì khác; vui, buồn, yêu, hận nhất nhất chỉ điềm tĩnh như một. Nói gì thì nói, Trình Tranh yêu là yêu tính cách Tô Vận Cẩm, nên nếu lòng cô âm ỉ thế nào cũng không thể đánh mất bản thân mình; giả sử cô là người yêu hận viết ngoài mặt, chuyện gì cũng thẳng thắn tỏ bày thì đối với người như Trình Tranh chắn chắc mọi thứ sẽ bung bét sớm.

Nói về cái “tự trọng trong tình yêu”, “tự tôn của bản thân” thì rõ rắc rối. Nhưng dù sao thì mình vẫn đồng ý cách làm của Tô Vận Cẩm. Yêu là không dựa dẫm, yêu là chừa cho mình đường lui. Bất chấp đối phương có đáng tin đến mức nào cũng không ngu ngốc trao tất cả chỉ để khi quay đầu lại chẳng có gì. Trong mối quan hệ, ít nhất là còn có thể đường hoàng ngẩng mặt, đứng trên một vị trí cùng người kia.

Tô Vận Cẩm nói đúng, tại sao người thua kém hơn phải là người chịu thiệt. Không ai nói rằng “Trình Tranh may mắn được yêu Tô Vận Cẩm” mà là “Tô Vận Cẩm may mắn được Trình Tranh yêu”. Rõ ràng là không cho người khác một sự lựa chọn. “Tôi dù là cỏ hoang ven đường thì cũng tự tin vươn mình là độc nhất” – Yêu là sự lựa chọn của mỗi người, được người mình chọn yêu là may mắn của cả hai, tại sao lại phân biệt chỉ bởi những thứ khác. Trình Tranh hết lần này đến lần kia trách Vận Cẩm ích kỉ, không nghĩ cho người khác, nhưng anh cũng đâu khác gì. Theo đuổi không mỏi mệt, bảo người ta đến Bắc Kinh mà không hỏi “Em có muốn đi cùng anh không?”, từ đầu đến cuối Vận Cẩm vẫn lí trí, ích kỉ, nghĩ cho bản thân mình. Thà như vậy cũng tốt, Trình Tranh cố gắng là quyết định của anh, cả hai tuyệt nhiên không nợ nhau chuyện gì.

Nói về Trình Tranh, không phải mình không thích. Nói ghét hình mẫu “đẹp trai, tài giỏi, chung tình có pha chút [hay rất nhiều] sự trẻ con” thì chả khác nào tự vả vào mặt mình. Nhưng Trình Tranh yêu nhiều quá, yêu đến mức khiến người ta như đi trên băng mỏng, biến tình yêu thành “gánh nặng” lúc nào không hay. Không biết có ai đọc manga Hana Yori Dango/Vườn sao băng/Con nhà giàu không nhỉ? Trình Tranh khá giống Tsukasa ấy, chỉ có trắng – đen, không có xám, sống chỉ duy đường thẳng, không có đường cong.

Ai lại nói Tô Vận Cẩm không yêu anh, một người đầy tự trọng như Tô Vận Cẩm mà phải oằn lưng lo việc nhà, chu toàn mọi thứ chỉ để hầu hạ người con trai “chưa động móng tay bao giờ”. Nếu tình yêu là sự san sẻ thì Trình Tranh lại thiếu – nếu không muốn nói là không hề có khái niệm. Anh vốn dĩ đơn giản, chỉ nghĩ yêu thôi là đủ, chỉ nghĩ hết long [theo cách riêng của mình] là có thể khiến người yêu toại nguyện.

Và đến cuối cùng, Tô Vận Cẩm vẫn một mình, làm lá cỏ hoang độc nhất và vươn mình, tự sinh tồn, tự sống tiếp. Nhưng có một điều ở Tô Vận Cẩm, chính là vì tôn trọng tự trọng của bản thân quá nhiều mà lại quên mất tự trọng của người còn lại. Vì thế nên tạo mối nghi hoặc ở Trình Tranh, tạo nên cảm giác không an toàn nơi anh. Tình cảm là một thứ, nếu đã cố gắng quá nhiều để gìn giữ, chắc chắn là sắp vỡ tan rồi. Điều này Trình Tranh không hiểu, cô xuất phát từ sự tự ti của chính mình. Tô Vận Cẩm tự biết rằng bản thân không là gì là gì để khiến người ta si tâm, cô ý thức được rằng ngoài kia có bao nhiêu thứ khiến anh thay đổi; vì vậy phải tự yêu lấy mình trước, đến khi Trình Tranh đi rồi cũng không phải níu giữ nữa.

“Hóa ra anh vẫn ở đây” được viết hai bản, bản hai được xuất bản với dòng thời gian hoàn toàn đi ngược. Nói về nội dung không khác nhau là mấy, nhưng có lẽ Tân Di Ổ muốn hoàn hảo hóa hình tượng nhân vật nên dựng lại tất cả không một vết tì. Mình thích bản mới hơn một chút, khoảng thời gian trung học được diễn giải rõ ràng hơn, hình tượng Trình Tranh vốn đã ngỗ ngược lại càng ngỗ ngược hơn. Bản sau làm rõ một điều, rõ ràng suy nghĩ hai người khác nhau, không thể dung hòa được, cách duy nhất là người này phải vì người kia mà thay đổi. Nhưng diễn biến câu chuyện hợp lý, đáng yêu hơn nhiều.

Nói về phim, bản điện ảnh mình đã xem qua, truyền hình vẫn chưa thưởng thức. Cả hai đều dựa theo nội dung của bản sau. Nhận xét về bản điện ảnh, theo phương diện khách quan mà nói – là quá tệ. Trình Tranh của Ngô Diệc Phàm không đủ cứng cỏi, không đủ trẻ con, không đủ phần bá khí. Ngược lại, Lưu Diệc Phi lại quá xinh đẹp [so với Vận Cẩm là người “quẳng ra phố soi kính lúp cũng không tìm thấy”], may nhờ diễn xuất cũng khá, tạo hình cũng gần với nguyên tác nên có thể xem là “vớt vát” được một chút. Tuyến nhân vật phụ tuy không xuất hiện nhiều nhưng Thẩm Cư An, Chu Tử Dực, Tống Minh, Mạnh Tuyết và Mạc Úc Hoa lại được lựa chọn ổn hơn. Một phần mình cảm thấy ảnh hưởng khá nhiều chính là diễn xuất của Ngô Diệc Phàm, nội tâm Trình Tranh không phải vô cùng phức tạp nhưng lột tả bên ngoài cũng chẳng được phần nào. Nói chung, mình vẫn hi vọng sẽ có một phiên bản khác hay hơn, tốt hơn.

Điều quan trọng là Tân Di Ổ tuy kết thúc còn chút lở dở, nhưng cũng hoàn thành tâm nguyện người xem ở bộ “Chúng ta” khi viết rằng Tô Vận Cẩm cuối cùng cũng đã có thai qua lời Trịnh Vi [Tội nghiệp Vận Cẩm phải chăm hai đứa con nít, đứa kia lại quá to đầu]. Vậy nên kết thúc được gọi là 100% viên mãn. [Một điều hiếm thấy ở truyện của Tân Di Ổ].

Cảm nhận của mình về hai truyện không phải là ngắn, nhưng cũng không là sâu sắc. Bởi thực sự ngôn tình đối với mình mà nói khá vô thực, có một chút mông lung và được dựng nên trong bối cảnh gần như nhau. Nói về day dứt, quả thực vẫn thích cái gì đó giống One Day hay Brokeback Mountain hơn, còn so về nội tâm nhân vật thì lại thích kiểu lột tả của chú Nguyễn Nhật Ánh hơn nhiều.

Dù sao thì ngôn tình cũng là một cái gì đó rất thơ và văn, tìm hiểu một số không phải là không đáng, xét về phương diện giải trí không phải là tồi.

Về một mặt khác, mình nội tâm là người thích ngược, thích ngược tới ngược lui hơn là đọc truyện bình lặng chỉ những phân đoạn toàn ghen tuông nhăng cuội và đáng yêu tình cảm của đôi lứa nam nữ, nên có lẽ lựa chọn Tào Đình hay Tân Di Ổ không phải là dở. Chỉ có điều, bây giờ lại qua lúc mình thích đọc ngôn tình 5 năm mất rồi, nên có lẽ chỉ dừng lại ở đây thôi.

Facebook: //www.facebook.com/onlylamethoughts

Video liên quan

Chủ Đề