Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở việt nam hiện nay

Văn hoá doanh nghiệp đang được xem là một loại tài sản vô hình. Loại tài sản này có thể giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu không biết phát huy thì nó sẽ đưa doanh nghiệp nhanh chóng đến chỗ phá sản. Vậy văn hoá doanh nghiệp là gì và cần làm gì để nhận biết cũng như phát huy hiệu quả của nó... đang là những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở việt nam hiện nay
 
Hợp tác cùng phát triển. Ảnh: P.V  

Nhận diện văn hóa doanh nghiệp

Khái niệm về văn hoá doanh nghiệp (DN) đã được đưa ra luận bàn từ lâu trên thế giới, nhưng cho đến nay vẫn còn khá nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, văn hoá DN là văn hoá của một tổ chức, vì vậy nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh. Nó là giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi mỗi thành viên DN. Bằng những quan niệm khác nhau mà người ta ứng xử nó cũng khác nhau trong chính mỗi DN. Cũng có quan điểm cho rằng, văn hóa DN thể hiện thông qua suy nghĩ, hành vi ứng xử, thói quen của những con người trong tổ chức chứ không phải những điều khắc ghi trên giấy…

Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên viết: Văn hoá DN là toàn bộ các giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của mỗi DN trong môi trường chung, đó là những quan niệm, tập quán, truyền thống của dân tộc, tác động của môi trường tới hoạt động của DN, tác động này chi phối tình cảm, lý trí, cách suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong DN và trong cộng đồng DN với người sử dụng sản phẩm của DN.

Văn hoá DN còn được coi là nền tảng để phát triển DN, được cấu thành bởi mục đích kinh doanh và phương pháp kinh doanh. Là tổng hoà các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh và hiệu quả phục vụ cho chính những con người cần cù lao động sáng tạo để tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội… Dù có diễn giải thế nào thì văn hoá DN vẫn phải dựa trên cơ sở là cách thức ứng xử của mỗi thành viên trong DN mà biểu hiện của nó là các hành vi quản lý lao động, sáng tạo lao động và các hoạt động của DN phải phù hợp với các quy định của pháp luật trong mặt bằng chung và của hiệp hội ngành nghề nói riêng.

Kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Nghiên cứu tại một số nước tiên tiến trên thế giới cũng cho thấy, hầu hết các DN thành công trên thế giới đều duy trì, gìn giữ nếp văn hoá DN của mình thành nếp sinh hoạt truyền thống để giáo dục cho cán bộ, công nhân, người lao động của DN đó.

Đối với văn hóa DN Nhật Bản có thể tóm lại một số nét độc đáo như: Về triết lý kinh doanh: Phần lớn các DN Nhật Bản hiện nay đều có triết lý kinh doanh. Triết lý kinh doanh có ý nghĩa giúp cho nhân viên công ty có thể trả lời cho các câu hỏi quan trọng: “Công ty này tồn tại vì cái gì? Tiến hành công việc kinh doanh này với mục đích gì và theo cách nào?”. Thông qua triết lý kinh doanh, các DN Nhật Bản truyền tải và tôn vinh các giá trị chủ đạo xác định nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến DN. Triết lý kinh doanh của các DN Nhật Bản luôn đi kèm với quan niệm phát triển DN không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì phục vụ con người, phát triển đất nước.

Theo quan niệm của người Nhật: “Trong bất kỳ ai cũng đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi cái đầu, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều ẩn trong mỗi trái tim, nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở khách quan hay chủ quan. Vấn đề là gọi thành tên, định vị nó bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy bằng đào tạo, sẵn sàng cho mọi người tham gia vào việc ra quyết định theo nhóm hoặc từ dưới lên”. Chính quan niệm này đã khiến cho các DN Nhật Bản rất quan tâm đến con người, xem công tác đào tạo và phát triển nhân viên là đầu tư chứ không phải chi phí, từ đó đề ra được nhiều giải pháp phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân viên.

Còn tại Mỹ và các nước phương Tây, việc quyết định số phận của một DN là các cổ đông. Cổ đông lại luôn yêu cầu nhà quản lý phải nâng cao lợi nhuận của DN thông qua việc nâng cao chỉ số cổ tức. Vì mục đích lợi nhuận được đặt lên hàng đầu nên văn hóa DN được đặt sang hàng thứ yếu, và vì vậy ngày càng xuất hiện nhiều người bị thất nghiệp do không có công việc làm. Đây là mặt trái, nhưng qua đó cũng cho thấy, người lao động dù bất cứ ở lĩnh vực nào cũng phải luôn cố gắng, tự nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để đảm bảo có công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống cho cá nhân, gia đình.

Như vậy, khi bàn về vận dụng văn hoá DN như thế nào tức là chúng ta phải giải bài toán mối quan hệ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với lãnh đạo, cá nhân với DN, DN trong nước với DN trong nước, DN trong nước với DN nước ngoài… trên nền tảng lợi ích và mục tiêu, quyền lợi và trách nhiệm…

Giải pháp xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn hiện nay

Để có được văn hoá DN thời hội nhập theo đúng nghĩa, thì trách nhiệm của từng cá nhân và lãnh đạo DN Việt Nam là phải chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh; Tìm hiểu kinh nghiệm ứng xử khi có các sự kiện tranh chấp thương mại; Nghiên cứu, cập nhật thông tin kinh doanh, bám sát thị trường để ra các quyết định hợp lý, nhằm đem lại lợi nhuận ngày một cao. Các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tạo môi trường thuận lợi cho văn hoá kinh doanh Việt Nam hình thành và phát triển. Trước hết, cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Thể chế kinh tế là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến văn hoá DN. Văn hoá kinh doanh không thể được phát huy một cách có hiệu quả dưới thể chế kinh tế tập trung, bao cấp. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần đẩy mạnh thực hiện nghiêm chỉnh, hiệu quả luật sở hữu trí tuệ, luật bảo hộ thương hiệu, trợ giúp các DN đăng ký bảo hộ thương hiệu trong và ngoài nước. Hoàn thiện và quản lý nghiêm ngặt việc thực thi luật bảo hiểm xã hội, luật lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khuyến khích các DN nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ người lao động của mình.

Hai là, Nhà nước cần khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm tư vấn về văn hóa DN như cấp giấy phép hoạt động nhanh, không thu hoặc thu thuế thu nhập thấp trong một số năm nhất định… Bên cạnh giải cúp vàng doanh nhân văn hóa, Nhà nước cần có thêm giải DN văn hóa để khuyến khích, động viên và tôn vinh các DN đầu tư xây dựng văn hóa mạnh, làm tấm gương cho các DN khác học hỏi.

Ba là, các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ các DN tăng cường nhận thức về văn hóa DN và văn hóa kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thảo, các chương trình đào tạo, tham quan học hỏi hoặc cấp các dự án cấp bộ về vấn đề văn hóa kinh doanh và văn hóa DN.

Bốn là, xây dựng chiến lược đầu tư cho con người để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân trong DN, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Năm là, tích cực tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho tất cả mọi thành viên trong DN.

Sáu là, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hoá và tìm hiểu biết pháp luật giữa các thành viên của các DN.

Nguyễn Văn Kỷ

_____________________

1. PGS.,TS. Dương Thị Liễu (2009), Văn hóa kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;

2. PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Quân (2007), Giáo trình đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;

3. PGS.,TS. Trần Ngọc Thêm (1999), Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở việt nam hiện nay
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh.

Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định, xây dựng văn hóa trong kinh tế là quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ xuyên suốt trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Do đó, trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ đã luôn đề cập và nhấn mạnh điều này. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI tiếp tục khẳng định, thường xuyên quan tâm đến xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp gắn với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản, cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tư tưởng nói trên là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, bởi lẽ, doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế và là động lực thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi cộng đồng doanh nghiệp phát triển hài hòa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, trong đó văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, nền tảng dẫn dắt, tác động và điều chỉnh các trụ cột khác…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian qua không tránh khỏi những khó khăn, ngưng trệ, nhưng dòng chảy văn hóa không hề ngừng lại, nó vẫn luôn vận động và là nguồn sức mạnh để gắn kết, thúc đẩy mỗi con người, mỗi tổ chức hành động vì mục tiêu chung cùng vượt qua khó khăn. Khi cả xã hội ứng phó, thích nghi cùng dịch bệnh, từng bước tiến tới giai đoạn bình thường mới, những giá trị văn hoá được vun đắp trong khó khăn sẽ là nền tảng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và vươn lên.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp chú trọng bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp thì khi đó, uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng lên và được khách hàng ghi nhận. Đồng thời, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở việt nam hiện nay
Văn hóa doanh nghiệp là liều “vắc-xin” bảo vệ doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.
Văn hóa doanh nghiệp là liều “vắc-xin” bảo vệ doanh nghiệp

Trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, bên cạnh sự phát triển của xã hội và xu thế thời đại, các doanh nghiệp sẽ trải qua chặng đường tiếp biến văn hóa. Quá trình tiếp biến văn hoá là quá trình tiếp thu và phổ biến những giá trị văn hoá để phát triển, quá trình tiếp thu này không máy móc mà có sự tiếp nhận và phát triển các giá trị khác biệt có chọn lọc để phù hợp với quá trình sản xuất – kinh doanh, phát triển doanh nghiệp bền vững trong sự biến đổi không ngừng của sự vận động liên hoàn của nền kinh tế thế giới.

Những tác động của tiếp biến văn hóa có thể giúp doanh nghiệp xây dựng quá trình sản xuất, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp, từ đó có sự gắn kết trong sản xuất, vượt qua khó khăn, ứng phó khi xảy ra khủng hoảng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp cận các giá trị văn hóa dựa trên các giá trị mở. Quá trình tiếp cận và tiếp biến văn hóa đúng hướng sẽ tác động tới những đối tượng liên quan như: bạn hàng, đối tác và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp kinh doanh phát triển bền vững hơn.

Hiện nay, xu hướng tiếp biến văn hóa tại Việt Nam theo những mô hình quản trị doanh nghiệp, giúp hoạt động kinh doanh diễn ra tốt hơn, chẳng hạn như xây dựng thương hiệu, quan hệ khách hàng phù hợp với những điều kiện, yếu tố gắn với kinh doanh hiện đại. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống Việt Nam với bản sắc vốn có, được tích hợp giữa hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc. Điều này giúp doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu riêng, được khách hàng tin tưởng, sản phẩm kinh doanh tốt hơn, mang giá trị riêng, giữ được bản sắc dân tộc.

Văn hóa doanh nghiệp còn là những liều “vắc-xin” cho doanh nghiệp để bảo vệ và duy trì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Trên thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản lượng, giảm lao động… Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp khác, công nhân vẫn đồng lòng lao động dù bị giảm lương, thưởng. Qua đó chứng minh rằng, để có được sự đồng lòng giúp doanh nghiệp đứng vững, văn hóa doanh nghiệp chính là tấm lá chắn, là “vắc-xin” giúp doanh nghiệp không bị chảy máu chất xám, hay hụt hẫng khi người lao động bỏ việc.

Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là nghệ thuật của doanh nghiệp trong lựa chọn loại hình văn hóa phù hợp với năng lực, trình độ của nhân lực hiện có, việc xem trọng nhân viên chính là bảo vệ “trái tim” của doanh nghiệp. Thành công của doanh nghiệp chính là tạo được kháng thể tốt và để làm được điều này, doanh nghiệp phải có/nắm giữ được “trái tim khoẻ”, một bộ phận rất quan trọng để có thể duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, ban đầu, đối với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là sức khoẻ của người lao động. Đến thời điểm bị phong tỏa, người lao động lo lắng về thu nhập bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin đến người lao động về tình hình phát triển, tiềm lực của doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cần cố gắng bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, sản xuất – kinh doanh dần khôi phục thì lúc này doanh nghiệp cần thông tin tích cực, động viên, khuyến khích người lao động, đồng thời, thúc đẩy họ tích cực làm việc để bảo đảm tương lai của chính người lao động và của chính doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp là mối quan hệ biện chứng, tồn tại của bên này cũng chính là sự phát triển của bên kia.

Có thể khẳng định, những giá trị văn hóa, như: tạo dựng niềm tin, tình nghĩa trong lúc khó khăn, tạo thuận lợi cho người lao động trong công việc, việc ứng xử có trước có sau với người lao động là những yếu tố cốt lõi, quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp hơn. Văn hóa vì vậy chính là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp. Điều này mô tả những giá trị lõi để cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin vào sự phát triển của từng con người, từng bộ phận và của cả doanh nghiệp. Niềm tin đó đến từ sự kiên tâm ở lãnh đạo và tin tưởng tuyệt đối, sự kiên cường của người lao động, từ đó doanh nghiệp có thể vượt qua mọi cuộc khủng hoảng để phát triển bền vững.

Thuý Vân