Vì sao nói Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình

Xuân Diệu (1916 – 1985) là nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Thơ ông thường viết về tình yêu, được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”. Cuộc đời thơ Xuân Diệu là cuộc đời của sự yêu thương, của sự vội vàng, không muốn để tuột phai từng khoảnh khắc sống.

Vì sao nói Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh tại làng Trảo Nha, hyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, được nhiều nhà phê bình văn học đánh giá cao. Có người coi ông là nhà thơ lớn, nhà thơ của tình Yêu. Hầu hết các bài thơ của Xuân Diệu đều nói lên được cái khát khao sống, khát khao yêu và được yêu.

Xung quanh cuộc đời Xuân Diệu còn đó những câu chuyện bên lề. Có những chuyện đến nay chúng ta còn chưa rõ hết. Xuân Diệu là tên tuổi nổi bật trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân. Các tập thơ nổi tiếng của ông giai đoạn trước năm 1945, là Thơ thơ và Gửi hương cho gió, được Hoài Thanh đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.

Sau năm 1945, đời thơ Xuân Diệu gắn liền với cuộc sống của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, và công cuộc xây dựng đất nước. Và dù viết trong tâm thái nào, thì thơ Xuân Diệu luôn giàu hình ảnh và nhạc điệu, vui tươi. Xuân Diệu có khả năng gieo vần độc đáo, tự nhiên, không gò bó. Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, và được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.

Ở Xuân Diệu, ta thấy ông sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, tiêu biểu có lối diễn đạt phi lý, để nói lên cái cuống quýt vội vàng với cuộc sống và trong tình yêu, như trong bài thơ nổi tiếng Vội vàng. Ngay cái tên bài thơ cũng đã cho thấy quan niệm yêu và sống của “ông hoàng thơ tình” Việt Nam.

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Chúng ta không thể tắt được nắng, càng không thể buộc được gió, và không thể ngăn được hương bay đi ở ngoài không gian. Nhưng Xuân Diệu muốn làm điều này. Qua đó, cho thấy sự “cuồng yêu”, muốn lưu giữ lại thực tại của màu nắng đẹp, của gió mơn man, của hương đời, hương hoa.

Cách ví von của Xuân Diệu ở bài thơ này cũng thật lạ, “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Tả về thời gian, nhưng ông đã cho người đọc cảm nhận được “vị ngon” như đôi môi, và đây chắc là đôi môi của người yêu.

Vì sao nói Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình

Xuân Diệu cũng tỏ ra là người hiểu rõ thời gian. Ông cho rằng, khi xuân mới đến, tức xuân còn non, thì mùa xuân đó đã già rồi. Sự cảm nhận này nói lên rằng, chúng ta cần phải cảm nhận ngay xuân khi xuân vừa đến, phải giữ lấy xuân khi nó còn non, bởi khi xuân đến cũng là lúc xuân già và mất đi. Nên Xuân Diệu đã thôi thúc sự ham muốn của mình bằng ước muốn “hỡi xuân nồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Bên cạnh sự yêu đời, yêu vội vàng, thơ Xuân Diệu còn đó cái buồn bàng bạc, như trong bài “Đây mùa thu tới”. Có lẽ đây là một trong ít bài thơ viết về mùa thu vào loại hay và độc đáo trong thi ca Việt Nam.

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Viết về mùa thu, Xuân Diệu cũng tả liễu như nhiều thi sĩ khác. Nhưng ông đã nhân hoá những nhánh liễu như tóc buông xuống, và có nước mắt. Lá vàng thì như áo mơ phai. Những hình ảnh đầy chất thơ, thể hiện được cái buồn mùa thu, nhưng thật êm đẹp.

Trong bài này, Xuân Diệu gọi trăng là nàng có thói quen ngẩn ngơ. Từ cái thu này, Xuân Diệu “đã nghe rét mướt luồn trong gió”, tức đã cảm nhận được cái đông lạnh lẽo đang sắp đến, và như vậy thu cũng tàn đi. Xuân Diệu cho người đọc thấy, dù là yêu thực tại, sống trong thực tại, nhưng ở một tâm hồn thơ mộng, thì những thứ chưa đến, còn ở xa đã được người thơ cảm nhận rất rõ ràng.

Trong thơ Xuân Diệu, ta rất hay bắt gặp hình bóng người phụ nữ, thể hiện được tâm trạng của tình yêu lứa đôi, những nụ hôn nhẹ nhàng, hay cái buồn khi hai người đang yêu, sự chia cách.

Như trong bài “Nụ cười xuân”, ngay từ đầu, Xuân Diệu đã lột tả được sự tươi vui của thiếu nữ:

Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui

Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời

Sao buổi đầu xuân êm ái thế!

Cánh hồng kết những nụ cười tươi.

Tuy nhiên, người thiếu nữ không thể vui trọn vẹn, mặc dù đang mùa xuân, mặc dù tuổi đang xuân, có ánh sáng, có nhạc xuân, có mặt trời, có nụ cười, nhưng rốt cuộc, nỗi buồn yêu vẫn dâng lên:

Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người

Chưa từng hẹn đến - giữa xuân tươi

Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy

Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười.

Đó là những bài thơ tiêu biểu thể hiện cho tâm hồn thơ Xuân Diệu, môt nhà thơ nhạy cảm với đời, với thiên nhiên muôn màu. Với những gì cống hiến cho văn học, Xuân Diệu được đặt tên đường ở nhiều nơi. Thơ ông đến nay vẫn được nhiều người yêu thích, và dường như còn mới nguyên như hồi Xuân Diệu mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam.

Vì sao nói Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình

(*Loạt bài tôn vinh các cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Xuân Diệu xuất hiện như một luồng gió lạ trên thi đàn Việt Nam. Khác biệt với một Huy Cận nặng chất suy tư triết lý, một Lưu Trọng Lư mang nỗi sầu tình, Xuân Diệu đã mang tới cho thi viện nước nhà từ năm 1932 tất cả sự tươi trẻ mới lạ, cả cái rạo rực giục giã của tuổi trẻ bằng thứ ngôn ngữ riêng trên cơ sở niêm luật vần điệu câu cú. Xuân Diệu viết nhiều thể loại nhưng trên hết vẫn là thơ. Tiêu biểu có: +Thơ : Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Trường ca (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964); Tùy bút: Phấn thông vàng (1939); Tiểu luận: Dao có mài mới sắc,  Tuyển tập Xuân Diệu (1983).

Vì sao nói Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình
                                   Nhà thơ Xuân Diệu.                                 

Nhà thơ Xuân Diệu đã được Nhà nước phong tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1985) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996). Ông từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Viện sĩ Hàn Lâm viện Nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức (1983). Tên của nhà thơ được đặt cho: một con đường ở Hà Nội, một con đường ở Quảng Bình, một trường Trung học Phổ thông tại Bình Định, một THCS và một nhà tưởng niệm tại Hà Tĩnh quê hương nhà thơ.

Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985), họ Ngô, bút danh Trảo Nha. Ông là người nguyên quán Hà Tĩnh nhưng sinh ra tại tỉnh Bình Định. Thân phụ là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Thời thơ ấu, Xuân Diệu được gia đình cho học chữ Nho, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Sau đó ra Hà Nội, ông học tiếp tại trường trung học Bảo hộ rồi vào Huế học trường Khải Định. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài Toàn phần, ông đi dạy tư và cũng bắt đầu làm thơ. Một thời gian, Xuân Diệu ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, làm thành viên của Tự lực Văn đoàn (1938-1940). Khi đỗ xong Cử nhân Luật (1943), ông trở vào làm Tham tá Thương chánh Mỹ Tho (sở đoan /douane). Khi làm thi sĩ, lúc Tây đoan/Nửa việc nhà thơ, nửa việc quan một thời gian trước khi chuyển về sống luôn với bạn như một quả đôi cùng nhà thơ Huy Cận ở Hà Nội. Theo phong trào Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu đã tham gia giành chính quyền tại Hà Nội (1945). Ông từng làm đại biểu Quốc hội (1946-1960), công tác tại đài Tiếng nói Việt Nam (1947), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (1948) và vào Đảng Cộng sản Việt Nam (1949). Từ 1957, nhà thơ Xuân Diệu là Ủy viên Ban Chấp hành  Hội Nhà văn Việt Nam liên tục các khóa I, II, III cho đến năm nhà thơ qua đời (1985).

Người ta hay nhắc lại, trong những ngày đầu tiên, sự xuất hiện thơ Xuân Diệu trên thi đàn như một một luồng gió lạ gây không ít cảm nhận khác chiều cho người đọc và đã làm xôn xao giới phê bình văn học (Vũ Ngọc Phan). Bởi lẽ, Xuân Diệu đã có những bài thơ mà bút pháp nghệ thuật và cảm xúc thi tứ khác hẳn với tác phẩm của những nhà thơ mới trong thời kỳ tiền lãng mạn như Tản Đà (1889-1939) hoặc cách đây không lâu như Thế Lữ. Chưa vội nói đến các thể loại và chủ đề khác trong tổng thể sự nghiệp văn chương của Xuân Diệu, điểm dị biệt đó có thể tìm nhận ra được ở những bài thơ trong các thi tập của tác giả.

Nổi bật lên trước hết trong thơ Xuân Diệu là tất cả cái sắc màu phong phú và tình cảm rạo rực của tình yêu lứa đôi đời thường còn được gọi là ái tình hay yêu đương. Nhà thơ dường như đã không vội vàng khi nói trước tất cả và nhiều hơn hết về tình yêu gần như là một định luật tự nhiên mà tạo hóa đã ban cho con người. Đó là một quy luật – một thực thể đảm bảo sự sinh tồn cho loài người như một nhà văn phương Tây đã nói: Ái tình – tình yêu – đó là cái gì xảy ra giữa hai người yêu nhau (L’Amour, c’est ce qui se passe entre deux personnes qui s’aiment – Roger Vaillant).

Với một tâm hồn tinh tế vô cùng nhạy cảm rất dễ giao thoa cùng vạn vật, Xuân Diệu nói lên tự trái tim mình tất cả nỗi lòng như một lời tự thú: ”Tôi chỉ là cây kim bé nhỏ/ Mà vạn vật là viên đá nam châm/… Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Bản chất tình yêu đẹp nhưng nó luôn thể hiện những nỗi khát khao, ích kỷ, hoài nghi, hờn ghen, khổ đau, thất vọng. “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ hay thờ ơ chẳng biết” (Yêu).

Với Xuân Diệu, tình yêu đã như là mạch máu, như nhịp đập của con tim, là hơi thở nồng ấm của con người nên nhiều khi vu vơ không có chuyện gì, nhà thơ vẫn anh đau đáu trong hồn một nỗi nhớ nhung chờ đợi, yêu thương da diết trước hiện ảnh khách quan bên ngoài: “Em nói trong thơ mấy bữa rày/ Sao mà bươm bướm cứ đua bay/ chao ôi em nhớ, ôi em nhớ/ Em gọi thầm anh suốt cả ngày…”; “Tương tư có nghĩa đôi bờ ngóng/ Anh một mình thôi cũng đợi chờ”.

Bình diện thứ hai nói về tình yêu trong thơ Xuân Diệu, dù tác giả không bao giờ nói thực ra nhưng rất rạo rực nồng nàn, mà có người cho là tình yêu đồng tính. Điều này làm cho ta nhớ đến những bậc tài danh trong văn học nghệ thuật như Léonard de Vinci (1452- 1519), Arthur Rimaud (1854-1891) và Paul Verlaine (1844-1896),…

Ở Xuân Diệu, lời lẽ thiết tha trong bài Tình trai đã cho ta thấy được phần nào tâm trạng mình khi tác giả nhắc đến mối tương đồng ở hai nhà thơ Pháp: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/ Hai chàng thi sĩ choáng hơi men/ Say thơ xa lạ, mê tình bạn/ Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen”; “Kể chi chuyện trước với ngày sau/ Quên ngó môi son với áo màu/ Thây kệ thiên đường và địa ngục/ Không hề mặc cả họ yêu nhau” (Tình trai). Và sau này là bài “Biển”, mà nhiều người cũng cho là chuyện tình cảm oái oăm đó có liên quan đến nhà thơ bộ đội Hoàng Cát – một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu được đưa vào chương trình trung học phổ thông.

Với Huy Cận, người bạn thơ đồng chí – bạn đường gần nhất, Xuân Diệu đã coi tác giả Lửa thiêng như người bạn trai này như người bạn đời thủy chung của mình. Khi còn sinh tiền, Xuân Diệu – Huy Cận cả hai như một quả đôi, tuy hai mà là một, khăng khít gắn chặt nhau sau trước không rời. Họ đã để lại cho nhau rất nhiều bài thơ lời lẽ thiết tha, nồng cháy tình cảm yêu thương. Em gái Xuân Diệu là vợ Huy Cận và vợ Xuân Diệu là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam – Bạch Diệp dù cả hai cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng này cũng không ăn ở với nhau suốt đời. Nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Cát bụi chân ai”, cũng nhắc đến mối tình trai thể hiện ở nhà thơ Xuân Diệu.

Vì sao nói Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình
Nhà thơ Huy Cận.

Là một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy bén, Xuân Diệu không chỉ thể hiện tình yêu rạo rực đắm say với con người mà còn bộc lộ tình yêu thiên nhiên tạo vật với niềm giao cảm dạt dào tha thiết. Thời gian, không gian cùng với đất trời, sông nước, cỏ hoa thực tế đã chiếm một vị trí không nhỏ trong thơ Xuân Diệu. Tâm hồn nhà thơ như có muôn nghìn sợi tơ buộc ràng cùng không gian ngoại giới: “Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu”.

Cái tôi lãng mạn của nhà là một bầu cảm xúc mênh mang vô tận trước vạn vật thiên nhiên khi nhà thơ vẽ lên chân dung thi sĩ: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn ràng buộc bởi muôn dây/ Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến…”(Cảm xúc). Hồn thơ tinh tế nhạy bén của tác giả dễ nhận ra những dấu hiệu của từng mùa xuân mới vừa đến: “Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới…/ Trời xanh quá, hàng cây thơ biết mấy/ Vườn no sao, đường cỏ mộng bao nhiêu”; hay những cành liễu rũ như mái tóc người thiếu phụ để tang chồng với đôi mắt đẫm lệ sầu và rừng lá úa vàng như chiếc áo cũ biểu tượng của mùa thu buồn đã đến: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/ Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Tình yêu thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu nhuốm một sắc màu tang tóc u buồn không tránh khỏi gây cho người đọc một nỗi ngậm ngùi.

Nhưng sáng trong sáng và cao cả hơn hết ở cả đời thực và đời thơ Xuân Diệu là tình yêu đất nước. Là nhà thơ mới hàng đầu thuộc dòng thơ lãng mạn ở vị thế cao nhất có chân trong Tự Lực Văn đoàn, sáng chói trước hết với hai tác phẩm nổi tiếng nhất là Thơ thơ và Gửi hương cho gió, nhưng Xuân Diệu đã giác ngộ sớm ra con đường mới phải đi theo để thích nghi với tình hình đất nước.

Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một chân trời mới cho dân tộc, văn nghệ sĩ phải có sứ mệnh chính trị với xã hội. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ tiến bộ khác, nhà thơ Xuân Diệu, nhanh chóng và hăng hái hòa mình vào cách mạng. Ngoài những bài thơ mang hơi thở của toàn dân, sáng tác để phục vụ kịp thời cho sự nghiệp lớn của dân tộc, Xuân Diệu đã có ngay những tập thơ: Ngọn quốc kỳ (1945), một tráng khúc thi ca nồng nhiệt ấm nồng hơi thở, ca ngợi ngọn cờ đỏ sao vàng, qua đó khẳng định sự hiện hữu của chế độ mới và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Hội nghị non sông (1946), bài thơ dài ca ngợi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định ý chí thống nhất, độc lập của dân tộc. Sau đó là Dưới sao vàng (1949) rồi Ngôi sao (1954), vẫn với giọng thơ trữ tình, Xuân Diệu đã thâm nhập vào đời sống nông dân qua thực tế cải cách ruộng đất. Ngoài ra, ở tuổi chiều, nhà thơ Xuân Diệu hay đi nói chuyện, giảng thơ, đọc thơ, bình thơ….

Ngày nay, nhắc đến Xuân Diệu, công chúng yêu thơ và giới văn học nước nhà đã coi ông bao giờ cũng là một nhà thơ có tâm hồn phong phú, nồng nhiệt với tuổi trẻ nhân dân, đất nước và tiềm tàng một sức sáng tạo mãnh liệt. Bạn yêu thơ và hậu thế sẽ trân trọng và tôn vinh Xuân Diệu như một trong những nhà thơ lớn của thời đại – một nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ, nổi trội trong lãnh vực thi ca dân tộc và được công chúng yêu thơ tôn trọng thi sĩ như một “Ông hoàng Thơ Tình”.

Nguyễn Hoài Thi