Tháng 7 2023 chỉ số vnindex chạm đáy bao nhiêu

Tháng 7 hàng năm là khoảng thời gian các doanh nghiệp trên sàn bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên. Đây là nguồn thông tin quan trọng có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán [TTCK] nói chung.

Chỉ số chính gặp khó

Nhìn lại thống kê lịch sử giao dịch trong 23 năm trên TTCK Việt Nam, VN-Index có 11 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm vào tháng 7.

Thực tế, chỉ số chính có xác suất tăng điểm khá cao với 7/10 năm gần nhất khởi sắc, đặc biệt là chuỗi 5 năm tăng liên tiếp trong tháng 7 từ 2013 - 2017. Gần nhất, trong năm 2022, chỉ số đã ngược dòng tăng trở lại sau 2 năm 2020-2021 giảm sâu.

Các chuyên gia cho rằng, trong tháng 7 sẽ có nhịp điều chỉnh diễn ra nhưng VN-Index khó có thể giảm sâu.

Trở lại với hiện tại, việc dòng tiền nội khởi sắc sau thời gian dài đứng ngoài “cuộc chơi” đã giúp cho VN-Index tăng tốt ngay từ cuối tháng 5, thậm chí mức tăng của VN-Index trong 6 tháng đầu còn vượt bậc so với các thị trường trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, chỉ số chính đang có dấu hiệu gặp khó trong việc tiếp tục gia tăng về điểm số khi vừa vượt thành công nhiều mức cản để tiến lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Điều này được thể hiện ở việc áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện vào những phiên giao dịch cuối tháng 6.

Có thể thấy, trong 2 tháng qua, việc hồi phục đáng kể của VN-Index đã giúp thị trường xác nhận kịch bản tăng trong trung và dài hạn. Dù vậy, việc thị trường tăng mạnh thời gian qua đã đẩy định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện đã trên 13,x lần, cao hơn đáng kể so với thời điểm xuống đáy giữa tháng 11 năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái, các nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ,… nhiều khả năng vẫn sẽ khó tăng trưởng dương trong quý II dù lợi nhuận có thể cải thiện so với quý đầu năm.

Hơn nữa, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự rõ ràng, một số chỉ tiêu còn suy yếu. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy, GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 6 tiếp tục ở mức thấp với 46,2 cho thấy hoạt động sản xuất có dấu hiệu thu hẹp.

“Khả năng thị trường có một cú bứt phá mạnh trong giai đoạn này không nhiều”, bà Nguyễn Phương Mai, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường Chứng khoán Vietinbank [CTS] nhận định.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Chứng khoán MB [MBS] dự báo, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết đa phần sẽ có màu xám và là đáy của kết quả kinh doanh [TTCK luôn phản ánh trước yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nên chỉ số tạo đáy từ trước, còn quý II này mới là quý xấu nhất về kết quả kinh doanh, từ quý III trở đi dự kiến sẽ hồi phục]. Theo đó, thị trường cần điều chỉnh vì đã chạy quá xa so với yếu tố cơ bản là kết quả kinh doanh quý II sẽ được công bố vào cuối tháng 7.

Do đó, chuyên gia MBS cho rằng, sau đà tăng vừa rồi, thị trường sẽ đối mặt với một nhịp giảm điểm có tính chất điều chỉnh ngắn hạn, có thể kéo dài trong 3 - 4 tuần, với nhiều mã giảm 20 - 25% từ đỉnh ngắn hạn và chỉ số VN-Index có khả năng cao sẽ giảm xuống dưới 1.100 điểm.

“Thị trường có thể sẽ điều chỉnh giảm trong cả tháng 7, điều này là hợp lý cả về yếu tố cơ bản lẫn kỹ thuật”, ông Chung nhận xét.

VN-Index sẽ không giảm sâu

Dù vậy, ông Dương Văn Chung đánh giá VN-Index sẽ không giảm sâu và thời gian điều chỉnh dự kiến kéo dài nên độ dốc sẽ thoai thoải, không khiến nhà đầu tư hoảng loạn, nhất là khi một số cổ phiếu có thể tăng ngược xu hướng chung.

“Trên TTCK hiện vẫn có những cổ phiếu chưa tăng mạnh, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2023 của doanh nghiệp được dự báo khá tốt. Số lượng các mã này không nhiều, nhưng cũng đủ làm cản trở đà giảm của chỉ số”, ông Chung chỉ rõ.

Chuyên gia MBS nhìn nhận, xu hướng dài hạn của TTCK dự kiến đa phần các cổ phiếu có tính thị trường cao sẽ giảm giá cùng chỉ số, nhưng vẫn có những mã tăng ngược thị trường chung. Do vậy, nhà đầu tư cần nắm rõ đặc tính này để từ đó có phương pháp giao dịch phù hợp.

Tương tự, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Maybank Investment Bank [MSVN] nhận xét, nhìn góc độ thanh khoản TTCK, chuyển động dòng tiền [qua số tài khoản mở mới, đóng thêm tiền vào tài khoản…] đang rất mạnh. Đây là những yếu tố hỗ trợ thị trường không giảm nhiều, nếu có, là những nhịp điều chỉnh cần thiết để đi lên tiếp.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng, mặt bằng định giá hiện nay cũng tương đối hợp lý với PE quanh mức 13 lần , không ở vùng cao như những giai đoạn tăng nóng 2017-2018 hay 2021, do vậy khó xảy ra cú “crash” mạnh.

Đồng thời, chuyên gia Agriseco cũng đưa ra một số nhóm ngành có triển vọng khả quan trong quý II, bao gồm nhóm xây dựng, nhóm nhựa và nhóm hàng không - du lịch.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư nên xem xét kỹ mức giá cổ phiếu tại thời điểm dự kiến giải ngân, bởi có thể giá đã phản ánh trước triển vọng phục hồi kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp. Nếu xét theo yếu tố dòng tiền, nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kỳ vọng cải thiện trong nửa cuối năm để giải ngân”, ông Khoa lưu ý.

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Mai đưa ra một số nhóm cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong mùa báo cáo quý II này: ngành du lịch giải trí, ngành tài nguyên cơ bản tỷ trọng lớn là nhóm thép, ngành ngân hàng và đầu tư công.

Chủ Đề