Tham luận về việc học ngoại ngữ

THAM  LUẬN CỦA TỔ NGOẠI NGỮ VỀ

“DẠY HỌC NGOẠI NGỮ TRONG XU HƯỚNG HỘI NHẬP”

           Cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, Tiếng Anh ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Tiếng Anh chính là chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa hội nhập quốc tế thời kì cách mạng công nghiệp 4.0, là cây cầu kết nối nước ta với mọi nền kinh tế tri thức, nền văn hoá của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới. Có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc nhất là trong thời đại hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa như hiện nay sẽ giúp chúng ta mở được cánh cửa bước vào thế giới, dễ dàng tiếp cận được với nền văn minh nhân loại và nắm bắt được các cơ hội tốt nhất cho bản thân.

         Nhận thức rõ tầm quan trọng của Tiếng Anh, những năm gần đây, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến chất lượng giáo dục bộ môn này trong các nhà trường, đặc biệt là trong các nhà trường phổ thông. Theo triết lý giáo dục được nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 là “Lấy việc hình thành năng lực người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo thay cho truyền thụ kiến thức” và quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng là nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025.

         Bối cảnh xã hội hiện nay có nhiều thay đổi: tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, không thể phục hồi, nhu cầu của con người ngày càng gia tăng; xã hội loài người đang bước vào giai đoạn phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ… Những thay đổi đó đòi hỏi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ đứng trước một tương lai có nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức. Việc chuẩn bị tri thức, kĩ năng, phẩm chất, năng lực thích nghi với xã hội hiện đại cho học sinh là không thể chậm trễ. Đó cũng là nhiệm vụ then chốt cho toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện nay.

      Như tất cả các đ/c đều biết, chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh của trường THCS Phùng Chí Kiên trong những năm gần đây không ngừng nâng cao. Chất lượng đại trà luôn đứng ở vị trí tốp đầu của TP cũng như trên toàn Tỉnh. Hs tham gia các cuộc thi HSG, thi hùng biện Tiếng Anh, thi IOE đều đạt các giải cao, hàng năm đều có HS đỗ chuyên Anh Lê Hồng Phong…

       Để đạt được những kết quả đáng phấn khởi đó là bởi chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của chi bộ và BGH nhà trường. Ban giám hiệu đã chỉ đạo, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, hội giảng trong nhà trường để rút kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực hiện công tác giảng dạy. 

      Về phía giáo viên, tất cả các thành viên trong tổ Ngoại ngữ đều nhận thức rõ ràng được trách nhiệm của mình. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được. Chúng tôi luôn tìm tòi nghiên cứu các tài liệu để bổ sung thêm kiến thức trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó chúng tôi cũng luôn tham gia tất cả các lớp tập huấn do trường, Sở tổ chức để cập nhật thông tin. Ngoài ra chúng tôi cũng luôn nghiên cứu kĩ SGK, tìm ra những phương pháp phù hợp cho từng tiết dạy, từng bài dạy để tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Trong các giờ dạy chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến việc chuẩn bị nội dung phù hợp với đối tượng HS lớp mình đang dạy. Luôn chọn lựa kiến thức phù hợp chuẩn KT-KN nhưng tiệm cận với kiến thức HS. Đối với các tiết nghe, nói, chúng tôi hướng dẫn HS tự học và phát huy tinh thần tự học ở nhà. Trong từng tiết dạy, chúng tôi dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp dựa trên chuẩn kiến thức không cần phải bổ sung, nâng cao đối với HS yếu kém giúp HS nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm của từng bài, HS tái hiện được, và làm tốt các bài tương tự. Từ đó tạo sự hứng thú cho HS khi học. Đối với những vấn đề trọng tâm, chúng tôi thực hiện nhiều lần và đặt vấn đề tương tự để HS giải quyết, chúng tôi cũng luôn cố gắng truyền thụ kiến thức một cách ngắn gọn, tinh giản nhưng đảm bảo đầy đủ, chính xác kiến thức trọng tâm từng bài, để giúp HS ôn tập được dễ dàng.

          Ngoài ra chúng tôi cũng luôn nắm thật sát năng lực học tập của từng học sinh trong từng lớp mình dạy để từ đó phân loại và đổi mới phương pháp dạy học thích hợp, giao nhiệm vụ làm bài tập phù hợp cho từng đối tượng HS, không qua loa, dễ dãi.  Sửa chữa triệt để các sai lầm, thiết sót của HS trong quá trình học tập, nhất là các tiết luyện tập, tiết trả bài kiểm tra; hướng dẫn, phân tích giúp HS phát hiện lỗi sai và hướng giải quyết để khắc phục dù có thể đó là những lỗi nhỏ nhất; tạo mọi điều kiện để giúp HS tự đánh giá mình trong quá trình học tập và rèn luyện, từ đó rút kinh nghiệm để  giúp các em học tốt hơn. Chúng tôi luôn đặt mình vào vai trò học sinh, tích cực hướng dẫn HS phương pháp học, cách thức lĩnh hội kiến thức giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Chúng tôi luôn khen ngợi, động viên kịp thời nếu HS có cố gắng, đôn đốc nếu HS không hợp tác; luôn kết hợp với GVCN, liên hệ với gia đình để cùng giáo dục Hs .

          Hiện nay giáo viên dạy Ngoại ngữ chúng tôi có một lợi thế rất lớn đó là được đầu tư về cơ sở vật chất tương đối đồng bộ và hiện đại.  Tất cả các lớp trong trường đều có mạng Internet, có hệ thống TV phục vụ công tác giảng dạy. Do vậy, yêu cầu với giáo viên chúng tôi cũng được đặt ra nhiều hơn, mỗi người chúng tôi phải làm chủ công nghệ, làm chủ phương tiện dạy học tiên tiến đồng thời có những sáng kiến, phương pháp mới để nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh trong xu hướng hội nhập như ngày nay. Tuy nhiên để sử dụng được ngoại ngữ trong cuộc sống thì mỗi học sinh cần phải có sự đầu tư về thời gian và công sức. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang mở rộng không ngừng và chính giáo viên giảng dạy sẽ là người “truyền lửa” cho những đam mê học tập cho học sinh của mình.

          Vai trò của người giáo viên giảng dạy ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở trong phạm vi giờ giảng trên lớp mà còn thể hiện trong sự định hướng hoạt động tự học của học sinh. Giáo viên dạy ngoại ngữ phải chú ý hơn về những kiến thức ngôn ngữ, kiến thức xã hội. Bởi lẽ đặc trưng của ngoại ngữ là có yếu tố nước ngoài, vì thế các tài liệu, học liệu mà giáo viên khi khai thác các thông tin cần phải có sự đảm bảo phù hợp, có sự kiểm định chính xác, đảm bảo với môi trường đào tạo của các nhà trường tránh những luận điệu xuyên tạc, nói xấu của kẻ thù chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.    

Học tiếng Anh, sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay là mong muốn của mỗi học sinh, sinh viên. Trong Hội nghị "Học tốt thi nghiêm túc Khóa 19 khối ngành Kinh tế - Văn hóa” diễn ra ngày 14/3 vừa qua, bạn Nguyễn Thị Ngọc Linh, sinh viên lớp QT1902K đã có bài tham luận chia sẻ phương pháp học tiếng Anh rất thú vị và hiệu quả. Xin giới thiệu tới các bạn sinh viên bài tham luận này.

Nguyễn Thị Ngọc Linh tham luận tại Hội nghị

Kính thưa các vị đại biểu, quý thầy cô cùng toàn thể các bạn sinh viên thân mến!

Tên tôi là Nguyễn Thị Ngọc Linh, sinh viên lớp QT1902K. Hôm nay tôi rất vinh dự khi được đứng đây, thay mặt cho các sinh viên khóa 19 chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh của bản thân.

Trước hết tôi xin được cam đoan với các bạn rằng : tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 vô cùng quan trọng với tất cả mọi người. Như các bạn đã biết xã hội đang ngày càng phát triển và toàn cầu hóa về mọi mặt, các công ty nước ngoài đang đầu tư và làm việc ở nước ta ngày càng nhiều. Nếu các bạn biết tiếng Anh các bạn sẽ có một lợi thế rất lớn. Ví dụ nếu bạn được làm trong công ty nước ngoài thì mức thu nhập của bạn sẽ nhiều hơn so với bạn tưởng tượng.

Vậy làm thế nào để có thể học tiếng Anh hiệu quả? Lí do đầu tiên : “ Các bạn phải đam mê nó”, đó là động lực cao nhất. Thứ hai mục đích của việc bạn học tiếng Anh là gì ? Nó không đơn thuần là để bạn kiếm được thu nhập tốt hơn khi ra trường sau này, mà nó còn có ảnh hưởng lớn trong các lĩnh vực: trí tuệ, chính trị, ngoại giao...Vì vậy nó là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Sau đây tôi xin được chia sẻ với các bạn về phương pháp học tiếng Anh của bản thân:

1.     Cách học tiếng Anh qua bài hát.

Xem nào, chắc chắn các bạn thường rất thích nghe nhạc. Tại sao chúng ta không tận dụng học tiếng Anh ngay cả khi đang giải trí nhỉ ? Bạn cảm thấy thật nhàm chán mỗi khi nghe những bài Listening và thậm chí chẳng hiểu tí nào. Còn gì tuyệt vời hơn nếu vừa nghe nhạc, ngân nga theo giai điệu vô cùng thoải mái mà lại học luôn được. Thế nên đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho những bạn luôn “khổ sở” trong cuộc chiến từ vựng và cấu trúc câu. Bởi cách học tiếng Anh bằng âm nhạc thật sự hiểu quả, giúp bạn nhớ từ vựng lâu hơn và sử dụng cấu trúc câu dễ dàng hơn.

2.     Xem phim.

Tôi đã xem rất nhiều bộ phim Âu Mĩ và tất nhiên vẫn phải nhìn Vietsub. Hãy xem phim và tận dụng luôn thời gian đó để học tiếng Anh. Vì sao ? Trong phim tiếng Anh được sử dụng sẽ ở dạng giao tiếp chuẩn của họ, vậy tức là bạn có thể “ bắt chước “ được từ giọng điệu cho đến những cấu trúc của họ sử dụng. Tôi đã có thể nghe, học và đoán được ngữ pháp mà chẳng cần học thuộc ngữ pháp rồi không biết cách áp dụng.

3.     Học từ vựng tiếng Anh theo chủ đề.

Nhiều người đang gặp rắc rồi lớn vì việc học tràn lan từ vựng không đồng nhất về chủ đề dễ dẫn đền nhầm lẫn và dẫn đến tình trạng thuộc từ này quên từ kia. Tôi cũng từng như vậy ! Và tôi đã dành thời gian để tìm những chủ dề khác nhau như “công việc”, “thời trang”, “trường học” hay “du lịch”...là những từ vựng cơ bản nhất để có thể giao tiếp hàng ngày. Lợi ích của nó là có thể bao quát toàn bộ từ vựng trong một vùng nhất định rồi sau khi nắm rõ mới chuyển sang lĩnh vực khác.

4. Học tiếng Anh qua thành ngữ, tục ngữ.    

Tôi đã từng tìm và học rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ. Các học này vô cùng hiệu quả và áp dụng được luôn trong quá trình giao tiếp. Cũng như trong tiếng Việt thì thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh hay được sử dụng khi giao tiếp như một các thể hiện ngắn gọn, ẩn dụ hơn.

Đó là 4 kĩ năng tôi đã áp dụng vào bản thân và thấy thực sự hiệu quả. Còn về 4 kĩ năng : nghe, nói, đọc, viết cũng một phần nằm trong bốn bước trên để cải thiện tiếng Anh của bạn rồi. Bốn kĩ năng khác nhau nhưng chúng lại liên quan mật thiết với nhau.

Về nói, các bạn không có cơ hội giao tiếp với người bản xứ, hãy nói với giáo viên của bạn, hoặc nói chuyện với những người bạn thích học tiếng Anh như bạn. Khi rảnh rỗi hãy đứng trước gương tập nói 1 mình, bởi vì sự tập luyện sẽ trau dồi sự tự tin cho bạn. Đừng ngại nói vì sợ sai, điều đó sẽ giết bạn đó. Dù có nhiều lỗi đi chăng nữa, hãy cứ nói để biết mình sai ở đâu mà sửa, từ đó mới đúng được.

Về nghe, hãy nghe thật nhiều, nghe qua những bài hát, qua phim và nghe những bài giao tiếp cơ bản có phụ đề. Chẳng mấy chốc bạn sẽ chẳng cần nhìn, chẳng cần nghe lại cộng thêm phát âm chuẩn mà cũng nói được như vậy, lúc đó sẽ có nhiều người phải khâm phục bạn.

Còn về đọc, bạn hãy học nhiều từ vựng về nhiều chủ đề khác nhau. Đừng ngại và hãy hỏi giáo viên của bạn kĩ năng làm bài đọc trong bài thi. Có vốn từ vựng vững chắc và thêm kĩ năng làm bài thì dù cơ bản hay nâng cao thì các bạn sẽ đều hoàn thành được bài thi. Kĩ năng đọc thật sự là cách đọc, các phát âm, cách nối từ, cách bạn nhấn trọng âm, ngữ điệu. Hãy đọc những văn bản tiếng Anh khác nhau và tra từng từ phát âm của nó. Đây là sự luyện tập bằng chính bản thân mỗi người chứ không ai dạy được.

Và cuối cùng là kĩ năng viết. Viết là kĩ năng khó, nó là kết tinh của từ vựng và ngữ pháp. Bạn giàu từ vựng và chắc ngữ pháp, bài viết của bạn sẽ càng cuốn hút. Hãy tìm những chủ đề từ dễ đến khó, dùng những từ vựng và vốn ngữ pháp mình có viết bài, sau đó nhờ giáo viên hay những người giỏi tiếng Anh chữa cho bạn, bạn sẽ biết mình sai ở đâu để không còn mắc lại lỗi đó nữa.

Đó là toàn bộ các phương pháp tôi đã và đang áp dụng. Dù tôi là sinh viên ngành Kế toán, nhưng tôi rất muốn mình có thể giỏi tiếng Anh. Tôi tự đặt mục tiêu cho mình đó là đạt số điếm 600-700 trong phần thi TOEIC. Trước hết đó sẽ là bài điều kiện tốt nghiệp. Thứ hai, nó cũng là lợi thế lớn cho công việc trong tương lai của mình. Đó là tất cả những gì tôi phải làm được. Hãy đặt mục tiêu trước đã, đó là mục tiêu, là kết quả phải đạt được để bạn phấn đấu.

Hy vọng những phương pháp tôi chia sẻ bên trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình chinh phục tiếng Anh. Chúc các bạn thành công và tìm được sự thú vị trong việc học Anh ngữ, như một danh nhân đã từng nói: “một người biết hai ngôn ngữ cũng như sống được hai cuộc đời”.

Nguyễn Thị Ngọc Linh - Nguyễn Vũ Quý [QT1902K]

Video liên quan

Chủ Đề