Tại sao nói gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách của trẻ

Cái nôi của giáo dục đạo đức chính là gia đình Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội và sự ổn định dân số của mỗi quốc gia.

Dù xã hội hiện đại phát triển đến đâu đi chăng nữa thì gia đình vẫn là tế bào, là cái nôi đầu tiên của mỗi người. Các bậc cha mẹ trong các gia đình Việt Nam luôn có tâm niệm, lời hứa trước tổ tiên sẽ nuôi dạy con mình khôn lớn, thành tài. Dưới thời Hậu Lê, do nhận thức được trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của xã hội và sự hưng thịnh của quốc gia, danh sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499) từng viết: “… Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

Lời văn bất hủ của bậc danh sĩ từ hơn nửa thiên niên kỷ trước vẫn còn giá trị to lớn với chúng ta hôm nay và mai sau. Theo đó, chúng tôi cho rằng: trước khi xét đến tài năng thì hiền tài phải là người có đạo đức, một lòng, một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.

Trong mỗi gia đình vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng. Theo truyền thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.

Trẻ được sinh ra từ lòng mẹ, được nuôi dưỡng từ dòng sữa mẹ, được nghe lời ru ấm áp của mẹ để đi vào giấc ngủ. Mẹ là người đầu tiên trẻ được tiếp xúc khi cất tiếng khóc chào đời, là người dạy trẻ từ lời ăn tiếng nói, hướng dẫn trẻ những bước đi đầu tiên. Bên cạnh quan hệ cha mẹ – con cái còn có quan hệ vợ chồng. Đây là quan hệ cơ bản, đan xen giữa khía cạnh tự nhiên – sinh học, kinh tế và tâm lý đạo đức.

Văn hóa trong gia đình nói chung, quan hệ vợ chồng nói riêng đều có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên trong gia đình. Bầu không khí tâm lý – đạo đức của gia đình tác động trực tiếp đến nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Mọi xung khắc của các cá nhân trong gia đình, nhất là giữa bố và mẹ, đều ảnh hưởng đến con cái. Trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ luôn lưu giữ hình dáng, lời ăn tiếng nói của cha mẹ.

Trong gia đình, ngoài các mối quan hệ nói trên còn có mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh chị và các em. Mối quan hệ này càng bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các cá nhân trong gia đình. Các bậc lớn tuổi phải làm gương, tự điều chỉnh hành vi của mình thì mới đáp ứng được vấn đề đạo đức, văn hóa và các mối quan hệ đặt ra trong phạm vi gia đình.

Cái nôi của giáo dục đạo đức chính là gia đình. Thông qua cách giáo dục, mối quan hệ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, trẻ con sẽ tiếp thu và từ đó định hình cách thức ứng xử theo chuẩn gia đình. Nếu gia đình không có sự đồng lòng với nhà trường và xã hội về cách thức giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh đô thị cho con trẻ có thể dẫn đến sốc văn hóa, lệch lạc hành vi tâm lý, hành động lệch chuẩn khi trưởng thành,…

Trên thực tế, sống trong các gia đình có ba mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô… thì những gương xấu này làm cho trẻ em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư, tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dần dần vi phạm pháp luật.

Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ, có người ỷ lại cho nhà trường, một số mải làm ăn, kiếm sống hoặc phải đi công tác trong thời gian dài, giao phó cho người giúp việc,… thì con trẻ cũng không được nuôi dưỡng và phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng, sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó.

Thực trạng giáo dục gia đình trong các đô thị Việt Nam hiện nay

Ngày nay, với những biến đổi của kinh tế – xã hội khiến cho văn hóa gia đình truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đến đời sống tình cảm, giá trị tinh thần.

Trong không khí sôi động của cơ chế thị trường, mọi người đều mong muốn có công ăn, việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, chất lượng cuộc sống. Song khi đạt được sự thỏa mãn cao nhu cầu cá nhân thì cũng là lúc xảy ra xung đột lợi ích giữa các thành viên, đạo đức gia đình bị vi phạm, hạnh phúc gia đình không còn.

Đạo đức gia đình còn thể hiện qua mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Ở Việt Nam, từ trước đến nay, vẫn đề cao việc chăm sóc con cái và con cái có hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Đó là nét đặc sắc của văn hóa gia đình Việt Nam, văn hóa gia đình phương Đông. Song, trong nhưng năm gần đây, đã có một số gia đình quá yêu chiều con cái hoặc không quan tâm, săn sóc ông bà, cha mẹ, không muốn làm nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ.

Có gia đình đã thu hẹp phạm vi giáo dục gia đình vào việc nuôi con ăn học, chỉ chú ý đến thành tích học tập hay sức khoẻ thể lực mà bỏ qua việc giáo dục phẩm chất đạo đức cá nhân, cách ứng xử trong mối quan hệ với người khác. Hiện tượng buông lỏng giáo dục phẩm chất đạo đức và cách ứng xử đúng đắn, tình nghĩa đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Có những gia đình đã dung túng cho tính tham lam, ích kỷ, ngang ngược của con cái.

Tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng là một vấn đề của xã hội hiện đại. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. Rõ ràng, tình trạng ly hôn trong giới trẻ ngày càng phổ biến, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn. Ly hôn không chỉ đơn thuần tạo nên sự tự do của hai vợ chồng, mà còn dẫn đến áp lực tâm lý không nhỏ đối với con cái. Dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì những đứa trẻ của các gia đình ly hôn đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mình, các con bị mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển – đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ.

Nếu như sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn tác động lớn đến trẻ nhỏ thì ở trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Ở các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc.

Qua những phân tích liên quan đến mặt trái giáo dục gia đình hiện nay của đời sống đô thị, chúng tôi nhận thấy sự lúng túng, bất lực trong việc giáo dục đạo đức gia đình của cha mẹ, sự coi thường, phủ định sạch trơn những nội dung và hình thức giáo dục đạo đức truyền thống cho con cái là những nguyên nhân chính dẫn đến phá vỡ mối liên kết tinh thần của tổ ấm gia đình, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhân tố phát triển con người/ vốn con người cho tương lai đất nước. Điều đó đòi hỏi những giải pháp thiết thực.

Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định

Trong xu thế phát triển nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và mở rộng giao lưu quốc tế, nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là những con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao – tức là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nhằm trở thành “nguồn vốn – vốn con người, vốn nhân lực” (the human capital).

Để nguồn vốn con người trở thành năng lực nội sinh chi phối quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia Việt Nam, cần thiết phải chú trọng đến giáo dục nhân cách song song với đào tạo kiến thức; giáo dục nhân cách con người ở giai đoạn quan trọng đầu đời thuộc về trách nhiệm của gia đình, cụ thể hơn là các bậc cha mẹ.

Xin được nêu ra một số ý kiến góp phần tăng cường giáo dục nhân cách gia đình như sau:

Đầu tiên là phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí. Ở Singapore, hiểu rõ Singapore không giàu có về tài nguyên, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã xác định lấy dân làm gốc. Cội rễ này càng bền vững hơn khi có sự vun vén của nữ giới và sức bật của mầm non để đất nước hóa rồng. Nhờ có vợ chu toàn hậu phương, cùng chồng giáo dục các con mà ông Lý Quang Diệu mới có thể thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình và ngày nay con trai ông – Thủ tướng đương nhiệm của Singapore tiếp tục sự nghiệp của ông, gánh trên vai trọng trách của quốc gia.

Tiếp đến là phổ biến kiến thức về giới góp phần thiết thực tạo lập sự bình đẳng giới trong gia đình và xã hội… Sự chăm sóc cho nữ giới cũng là cách Singapore chào đón mầm non đất nước. Từ quan điểm và trải nghiệm gia đình riêng cùng người vợ Kha Ngọc Chi, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu hiểu rõ rằng, chỉ có thể tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển thì mới có được thế hệ trẻ lớn mạnh.

Cuối cùng, các bậc cha mẹ hiện nay cần tôn trọng và lắng nghe con mình nhằm xóa đi những cách biệt thế hệ. Cách giáo dục áp đặt, theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, là rất phản khoa học, dẫn đến những phản ứng tiêu cực, khiến mối quan hệ ruột thịt không những trở nên căng thẳng, rạn nứt mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và định hướng tương lai của con trẻ.

Khoa học và thực tiễn đã chứng minh: giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ từ lứa tuổi ấu thơ được xem là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Thông qua những hành vi bắt chước hành động của người lớn, trẻ em bắt đầu thu nhận tất cả các tương tác nhân – sinh – quan để dần dần hình thành nhân cách. Chính vì vậy, quan tâm sâu sắc đến vấn đề giáo dục gia đình là điều cốt lõi giúp xây dựng con người Việt Nam hiện đại, có đầy đủ cả tư chất lẫn phẩm hạnh.