Tại sao doanh nghiệp phải bảo vệ môi trường

TN&MTTrước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong công tác BVMT. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực môi trường hoặc đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để đáp ứng các yêu cầu về BVMT trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

Tại sao doanh nghiệp phải bảo vệ môi trường

Ảnh minh họa

Thực trạng doanh nghiệp bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh hiện nay

Trước các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, việc tăng cường công tác BVMT được chú trọng hơn, các yêu cầu ngày càng chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường trong xuất, nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng cao đã làm cho nhận thức của doanh nghiệp đối với hoạt động BVMT không ngừng được nâng cao. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT không chỉ còn là nghĩa vụ “phải làm” đối với các doanh nghiệp mà từng bước đã trở thành “động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững” cho doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là trong lĩnh vực như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn, ý tưởng kinh doanh chuyển hướng đầu tư như TH truemilk, Vinamilk , VinGroup, Công ty Organic Đà Lạt…; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải, tham gia vào hỗ trợ các Chương trình có mục đích BVMT. Đặc biệt, kinh doanh trong lĩnh vực cung ứng và dịch vụ môi trường đã bắt đầu trở thành một lĩnh vực có tính hấp dẫn cao, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều loại hình được các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển; lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích.

Một số lĩnh vực phát triển mạnh như: Thu gom, vận chuyển chất thải rắn, cơ sở xử lý chất thải rắn; thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại (kể cả chất thải y tế); xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ phân tán,... Chính vì vậy, việc thực hiện BVMT đã trở thành một ngành có tiềm năng và một yếu tố cấu thành nên thương hiệu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp có ý thức BVMT trong quá trình sản xuất – kinh doanh thì vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp chưa nhận thức hoặc biến nhận thức thành hành động. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư cho BVMT, hoạt động BVMT chưa được tiến hành thường xuyên, chưa trở thành nhận thức hành động của các doanh nghiệp, còn mang nặng tính đối phó, thời vụ. Nghiên cứu các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đầu tư cho công tác BVMT ở một số doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức, thậm chí có doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý rác và nước thải hiện đại nhưng hầu như không hoạt động mà tất cả rác, nước thải được xả thẳng ra môi trường.

Một số khía cạnh dưới đây giúp đưa ra một sự nhìn nhận cụ thể về nhận thức của doanh nghiệp BVMT trong bối cảnh thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh của BĐKH ở Việt Nam.

Một là, đầu tư cho mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và nguyên liệu: Sau một khoảng thời gian trầm lắng do khủng hoảng kinh tế, đến tháng 9 năm 2015, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,9% GDP cả nước, đứng thứ hai trong cơ cấu kinh tế hiện nay, trong đó, ngành công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia khác trong khu vực, do vậy, để sản xuất các mặt hàng cần tiêu thụ nhiều hơn nguyên liệu và năng lượng, thải ra nhiều hơn chất thải đã không được xử lý hoặc xử lý không bảo đảm, gây ONMT. Theo đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp còn thấp và có xu hướng giảm dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp.

Hai là, đầu tư cho xử lý chất thải, nước thải, khí thải: Theo số liệu điều tra của Tổng cục Môi trường, tính đến hết năm 2015, cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất các KCN đã vận hành đạt khoảng 60%, thu hút khoảng 3 triệu lao động cả trực tiếp và gián tiếp. Trong tổng số 283 KCN đang hoạt động trong cả nước có 212 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 74,9%), 24 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 11,5%), các KCN còn lại đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguồn thải từ các KCN mặc dù tập trung nhưng thải lượng rất lớn, trong khi đó công tác quản lý cũng như xử lý chất thải KCN còn nhiều hạn chế. Các hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các KCN chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh. Lượng nước thải còn lại, một phần do các cơ sở đã được miễn trừ đầu nối và tự xử lý, một phần không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường.

Ba là, đầu tư cho phục hồi và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có chiều hướng gia tăng. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là BVMT, phục hồi và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và bảo đảm phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hiện nay, phục hồi và duy trì hệ sinh thái gắn với sản xuất kinh doanh được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm là, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhờ BVMT và tăng trưởng xanh: Việc làm xanh là những việc làm trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý đóng góp vào bảo vệ gìn giữ chất lượng môi trường,... bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai, thực hiện công bằng và bình đẳng cho mọi người. Với cách hiểu như vậy, phạm vi của việc làm xanh ở Việt Nam là rất rộng, bao gồm những việc làm góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tiêu hao năng lượng nguyên vật liệu, tối thiểu hóa rác thải, giảm ô nhiễm không khí đất và nguồn nước trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đến hệ sinh thái và ứng phó với BĐKH. Cùng với tiềm năng lớn trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, khả năng tạo việc làm xanh của Việt Nam cũng là rất lớn. Những ngành có nhiều tiềm năng tạo ra việc làm xanh bao gồm: Cung cấp năng lượng (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, thủy điện nhỏ), vận tải, công nghiệp cơ bản (thép, xi măng, hóa chất, dệt nhuộm, giấy và bột giấy, khai thác khoáng sản...), xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, bán lẻ, du lịch...

Sáu là, khởi nghiệp trong các lĩnh vực môi trường hay sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường: Trong những năm gần đây, có rất nhiều các sáng kiến kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến phát triển các sản phẩm, công nghệ hoặc phương thức kinh doanh được lấy ý tưởng từ mục đích bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những sáng kiến khởi nghiệp trong lĩnh vực BVMT vẫn còn manh mún, thâp nhập thị trường của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chứng nhân sản phẩm và tiêu chuẩn sản phẩm còn là rào cản hạn chế.

Trách nhiệm, lợi ích của doanh nghiệp khi đầu tư vào bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh

Nhiệm vụ này đang được xem như là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của doanh nghiệp hơn là những quy định hay từ thiện bắt buộc. Triển khai tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không những sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội. Ở Việt Nam, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước tiên là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật BVMT năm 2014, Luật Thanh tra kiểm tra… Trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng, thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật môi trường, sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực.

 Hiện nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất, cụ thể quy định tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP và Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được Quốc hội xem xét thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào hoạt động BVMT và tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích hết sức tích cực cho chính doanh nghiệp và cộng đồng, quốc gia.

Thứ nhất, lợi ích đối với chính doanh nghiệp: Việc thực hiện đầu tư cho BVMT sẽ giúp các doanh nghiệp có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên được đảm bảo, từ đó cán bộ yên tâm công tác, bảo đảm năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường sẽ giúp doanh nghiệp không gặp rủi ro về pháp lý, thanh kiểm tra và chế tài xử phạt. Đặc biệt, trong dài hạn khi doanh nghiệp đầu tư bài bản, có hệ thống vào công tác BVMT sẽ gúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên (ví dụ giảm thiểu chi phí sử dụng nước, tái sử dụng các chất thải bỏ, xử lý biogas giúp giảm chi phí về nhiên liệu…), điều này sẽ góp phần làm tăng “lợi nhuận – động lực chính của doanh nghiệp” trong nền kinh tế thị trường. Một lợi ích dài hạn nữa mà các doanh nghiệp có được là hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Sử dụng các nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng và xem như là một công cụ để hấp dẫn “khách hàng”.

Thứ hai, lợi ích đối với cộng đồng và đất nước: Mỗi một doanh nghiệp có thể được xem như một “tế bào” của nền kinh tế của mỗi quốc gia. Kết quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc địa phương - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động và xa hơn nữa là đến cả đất nước. Do đó, khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho công tác BVMT, tăng trưởng xanh sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.

Giải pháp, kiến nghị thiết thực, hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh thực hiện nền kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững

Một là, về phía các doanh nghiệp: Doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ trong nền kinh tế thị trường. Để giải quyết vấn đề môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội các doanh nghiệp cần: Đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT trong doanh nghiệp cho chính người quản lý và lao động trong doanh nghiệp mình và tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, cơ sở sản xuất.

Hai là, về phía Chính phủ: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay thì chính phủ cần đóng vai trò kiến tạo cho doanh nghiệp trong mọi hoạt động, trong đó có BVMT. Hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp luật, hệ thống tổ chức về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với các quy luật và nguyên tắc của kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường thực thi chính sách, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT để thay đổi hành vi của các đối tượng gây ONMT.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực thi trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp là hết sức cần thiết và phải được chú trọng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng trước những hoạt động sản xuất kinh doanh, những sản phẩm có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

PGS.TS. NGUYỄN THẾ CHINH, TS. LẠI VĂN MẠNH

Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường