Tại sao bình đẳng giới lại quan trọng

Nguồn: Laura Tyson& Anu Madgavkar, Why Gender Parity Matters, Project Syndicate, 05/11/2015.
Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Cái giá đắt đỏ của bất bình đẳng giới đã được ghi nhận rộng rãi. Nhưng một nghiên cứu mới của Viện Toàn cầu McKinsey ước tính rằng nó thậm chí còn cao hơn so với suy nghĩ trước đây với những hậu quả sâu rộng.

Nghiên cứu của McKinsey sử dụng 15 chỉ số bao gồm cả các phép đo thông thường về bình đẳng kinh tế, như tiền lương và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, cũng như các số liệu về bình đẳng xã hội, chính trị, và pháp lý để đánh giá điểm bình đẳng giới cho 95 quốc gia, chiếm 97% GDP toàn cầu và 93% phụ nữ thế giới. Các nước cũng được chấm điểm theo từng chỉ số.

Không ngạc nhiên, điểm số cao về các chỉ số xã hội tương ứng với điểm số cao về các chỉ số kinh tế. Hơn nữa, điểm bình đẳng giới tính cao hơn có liên quan chặt chẽ tới mức độ phát triển cao hơn, được đo bằng GDP đầu người và mức độ đô thị hóa. Những khu vực phát triển nhất của châu Âu và Bắc Mỹ đã tiến gần nhất tới bình đẳng giới, trong khi những khu vực vẫn đang phát triển của Nam Á còn cách xa nhất. Tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch đáng kể trong các khu vực, một phần là do sự khác biệt trong đại diện chính trị và các ưu tiên chính sách.

Một kết luận tổng quan của nghiên cứu của Viện McKinsey là bất chấp sự tiến bộ ở nhiều nơi trên thế giới, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại đáng kể và đa chiều. Bốn mươi trong số các quốc gia được nghiên cứu vẫn cho thấy mức độ bất bình đẳng giới cao hoặc rất cao trong hầu hết các khía cạnh của việc làm đặc biệt là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tiền lương, vị trí lãnh đạo, và công việc chăm sóc không lương cũng như trong bảo vệ pháp lý, đại diện chính trị, và bạo lực với phụ nữ.

Cái giá của sự bất bình đẳng này là rất đáng kể. Nếu phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc làm không chỉ tham gia vào lực lượng lao động với tỷ lệ tương đương, mà còn làm việc với số giờ và trong các lĩnh vực tương đương thì GDP toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 28 nghìn tỷ USD, hay 26%, đến năm 2025. Điều này tương đương với việc cộng thêm một Hoa Kỳ vàmột Trung Quốc nữa vào nền kinh tế thế giới. Thu hẹp khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sẽ đem lại 54% của thành quả này; điều chỉnh tiền lương cho các công việc bán thời gian sẽ cung cấp thêm 23%; và đưa phụ nữ vào các lĩnh vực có năng suất cao hơn sao cho tương đương với mô hình việc làm của nam giới sẽ đem lại phần còn lại.

Với tốc độ tiến bộ gần đây, hy vọng bình đẳng giới toàn diện trong thế giới việc làm trong tương lai gần là phi thực tế. Nhưng các nước có thể đạt được điều đó trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất trong khu vực. Điều đó có thể đem lại 12 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu đến năm 2025, tăng 16% GDP của Ấn Độ và khoảng 10% GDP của Bắc Mỹ và châu Âu.

Để đạt được điều này, nghiên cứu của Viện McKinsey khuyến nghị rằng các chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, và các doanh nghiệp cần chú trọng tiến bộ trong bốn lĩnh vực chính: giáo dục, quyền lợi pháp lý, tiếp cận các dịch vụ tài chính và kỹ thuật số, và công việc chăm sóc không lương. Nếu có thể thúc đẩy vị thế kinh tế của phụ nữ, những nỗ lực quan trọng và củng cố lẫn nhau này sẽ giúp cải thiện vị thế xã hội của phụ nữ, được thể hiện bằng chất lượng sức khỏe tốt hơn, an ninh vật lý được tăng cường, và đại diện chính trị lớn hơn.

Bước đầu tiên là cải thiện giáo dục và đào tạo kỹ năng, điều đã được chứng minh là sẽ làm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Chênh lệch nhỏ hơn trong trình độ học vấn giữa nam giới và phụ nữ có liên quan chặt chẽ với vị thế cao hơn cho trẻ em gái và phụ nữ, giúp giảm tỷ lệ nạo phá thai dựa trên lựa chọn giới tính, tảo hôn, và bạo lực gia đình. Phụ nữ được hưởng sự bình đẳng trong giáo dục nhiều khả năng có thể chia sẻ công việc không lương với nam giới một cách công bằng hơn, làm việc trong các ngành nghề chuyên môn và kỹ thuật năng suất cao, và đảm nhận các vai trò lãnh đạo.

Để củng cố tiến bộ như vậy, các quy định pháp lý bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong vai trò là thành viên đầy đủ của xã hội nên được triển khai hoặc mở rộng. Các quy định như vậy đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, trong khi cải thiện một số chỉ tiêu xã hội, trong đó có bạo lực với phụ nữ, tảo hôn, thiếu biện pháp kế hoạch hóa gia đình, và giáo dục.

Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, điện thoại di động, và công nghệ kỹ thuật số cũng có liên quan tới tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn, bao gồm cả trong vai trò lãnh đạo, và giảm thời gian làm công việc chăm sóc không lương. Thực tế hiện nay, phụ nữ dành rất nhiều thời gian cho những công việc như vậy, chiếm 75% tổng số tính theo trung bình thế giới.

Công việc chăm sóc không lương bao gồm các công việc quan trọng giữ cho các hộ gia đình hoạt động, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em và người già, nấu ăn, và dọn dẹp rõ ràng là một rào cản lớn cho phụ nữ trong việc tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế. Nếu nam giới chia sẻ những trách nhiệm như vậy một cách công bằng hơn, các doanh nghiệp áp dụng lịch làm việc linh hoạt và chăm sóc thân thiện hơn, và chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho chăm sóc trẻ em và các chức năng chăm sóc gia đình khác, thì tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động có thể tăng lên đáng kể.

Nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ bình đẳng giới chắc chắn cũng là lợi ích của các công ty, do điều đó giúp mở rộng nguồn nhân lực mà từ đó họ có thể chọn nhân viên và nhà quản lý. Hơn nữa, nhiều nhân viên nữ hơn cũng đồng nghĩa với việc có cái nhìn sâu sắc hơn vào tâm lý của khách hàng nữ. Và có lẽ quan trọng nhất đối với một công ty là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí điều hành và quản trị có thể làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với bình đẳng giới có lẽ là niềm tin và thái độ vốn đã ăn sâu bén rễ. Như Anne-Marie Slaughter đã nhấn mạnh trong cuốn sách mới đây của bà, cả nam giới và phụ nữ đều đánh giá thấp công việc chăm sóc so với công việc có lương bên ngoài. Tương tự, các cuộc khảo sát cũng cho thấy còn tương đối nhiều nam giới và phụ nữ trên thế giới tin rằng trẻ em phải chịu thiệt thòi khi mẹ chúng làm việc. Nhiều tài liệu nghiên cứu tiếp tục chỉ ra những định kiến tiềm ẩn đối với phụ nữ trong quá trình tuyển dụng và đề bạt, tạo nên ngày càng nhiềumối quan tâmđối với những nhà khởi nghiệp ở thung lũng Silicon có sử dụng công nghệ để giảm thiểu những định kiến như vậy trong các hoạt động nhân lực của họ.

Chắc chắn, đạt được bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng. Nhưng nó vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện vị thế của phụ nữ và trẻ em gái và thúc đẩy phát triển kinh tế và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Laura Tyson, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ, là giáo sư Trường Kinh doanh Haas, Đại học California, Berkeley, cố vấn cấp cao tại Rock Creek Group, và thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu về Bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Anu Madgavkar là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Toàn cầu McKinsey.

Video liên quan

Chủ Đề