Sói ăn Chay Huỳnh Vĩnh Sơn Facebook

– Said by most of my colleagues.

Words and Concepts have always been my addiction. They concern me, shape me and make me happy. The more I love what I do, the more I want to share those experiences via the act of training.

So tell me what’s holding you or your creative team back, we will discuss that over a good cup of coffee.

Trong buổi trò chuyện với Advertising Vietnam, Sói Ăn Chay đã có những chia sẻ về hành trình trở thành người sáng tạo tự do, cũng như tình yêu đối với ngôn ngữ và sứ mệnh “dùng tiếng Việt để chinh phục thế giới” của anh. 

12 năm gắn bó với sáng tạo - truyền thông của Sói Ăn Chay có thể chia làm hai giai đoạn, trước và sau khi quyết định làm việc độc lập. Thế giới creative agency cho anh nhiều kinh nghiệm thực tiễn, những cú va chạm không thể thật hơn với cái gọi là “ý tưởng”. Nhưng đến một thời điểm Sói Ăn Chay nhận thấy môi trường văn phòng không phù hợp với mình. Con người sáng tạo trong anh cần một quỹ thời gian rộng rãi hơn để nhào nặn những sản phẩm đạt chuẩn như mình mong muốn. Anh tin bản thân có thể làm tốt hơn nếu tự làm. 

Sói Ăn Chay quyết định nghỉ việc sau 7 năm “lăn lộn” trong ngành để làm một independent creative (người sáng tạo độc lập), viết sách và dạy học. Đến nay, anh đã xuất bản 3 tác phẩm gồm Ý tưởng này là của chúng mình, 90 - 20 - 30, Ê có khi nào?, ra mắt 2 khoá học là Sáng Tạo A Bờ CờBếp Chữ, đồng thời vẫn duy trì việc xây dựng ý tưởng, thông điệp truyền thông cho một số nhãn hàng.

Sói Ăn Chay xác định phong cách sáng tạo của mình là ngược ngạo, giống như cái tên Sói Ăn Chay tự đặt cho bản thân. Không đến từ việc yêu thích chú sói hay thói quen ăn chay, biệt danh này chỉ đơn giản là “Nếu sói ăn thịt thì không có gì để nói cả”. Những ý tưởng của anh luôn xuất hiện một cách ngẫu hứng và trái ngược với các định nghĩa thông thường. Nhắc đến Sói Ăn Chay, người ta sẽ nghĩ ngay đến những ý tưởng dí dỏm cùng lối viết gãy gọn, những câu chuyện gần gũi, chạm đến người đọc. 

Sói Ăn Chay cho rằng bất kỳ ai cũng cần nuôi dưỡng một phong cách sáng tạo riêng, bởi sáng tạo suy cho cùng chính là nét màu cá nhân. Ở đó, tiếng nói của người làm sáng tạo còn giữ được nét đặc trưng và không bị gọt dũa, sửa quá nhiều. Thay vì chạy theo xu hướng một cách mù quáng, người làm sáng tạo cần cố gắng trung thành với niềm tin sáng tạo của mình. Nếu môi trường hiện tại có thể chưa chấp nhận những ý tưởng đậm màu cá nhân của bạn thì cũng đừng bỏ cuộc, hãy dũng cảm để bảo vệ nó đến cùng. Về lâu về dài, chính nét màu ấy sẽ dẫn bạn đến những vùng trời phù hợp để vẫy vùng, mà không nhất thiết phải là ngành quảng cáo. Bởi, "bạn càng cố gắng khác biệt thì lại càng không khác biệt".

Hơn 5 năm làm sáng tạo tự do, Sói Ăn Chay thừa nhận mình may mắn vì có thể phát triển ý tưởng theo góc nhìn của riêng mình mà vẫn được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Thành quả này có được là nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng vào từng giải pháp và khả năng dẫn dắt khách hàng chầm chậm đi ra khỏi những lối mòn. “Trước khi bắt tay vào thực hiện một dự án bất kỳ, tôi luôn tìm hiểu kỹ những hoạt động truyền thông trong quá khứ, đối thủ cạnh tranh của họ đã làm gì, những cuộc trò chuyện nào đã và đang diễn ra giữa thương hiệu và người dùng,... Từ những cái cũ, tôi có cho mình vùng trống để sáng tạo những ý tưởng không trùng lặp nhưng vẫn giúp thương hiệu nói hết lòng mình. Và quan trọng hết là làm nên những câu chữ ngạo ngược mà người ta vẫn ồ à!”.

Đặc biệt, thay vì làm việc cùng một đội ngũ cố định, Sói Ăn Chay sẽ tập hợp những bạn trẻ có phong cách phù hợp với đề bài và nhãn hàng để cùng nhau “đào tìm” ý tưởng. Anh có một tôn chỉ cho nhóm của mình “Ai cũng nghĩ đến, chỉ có mình nghĩ ra” - phương pháp sáng tạo không thiếu, nhưng phải đổ sức và đổ nhiều suy nghĩ thì mới ra được câu trả lời sắc sảo.

Một poster trong dự án cá nhân Chữ Ơi Hình Nè – tập hợp các đúc kết về sáng tạo của Sói Ăn Chay (chữ @soianchay, hình @type.of.la).

Tháng 12 vừa qua, Sói Ăn Chay kết hợp cùng các bạn trẻ trong ngành sáng tạo ra mắt MV “Giang Hồ Chính Tả”. Chia sẻ với Advertising Vietnam về lý do thực hiện dự án âm nhạc này, anh cho biết đó là một cách để anh thực hành sáng tạo, ngoài phạm vi của truyền thông thương hiệu. Bắt đầu từ một câu chọc ghẹo “chỉnh chu là không có chỉn chu nha!” trong sách “90 - 20 – 30”, anh đã cùng các học viên phát triển một bản rap hóm hỉnh, nhắc nhẹ mọi người hãy viết cẩn trọng hơn.

 “Giang Hồ Chính Tả” nhận được nhiều sự quan tâm của người làm chữ nghĩa

Thực hiện bởi @soianchay @maximin.vibes @davidbeckthanh @teutute @doladuo @manx.motion

Sói Ăn Chay quan niệm, người viết (tiếng Việt) hay là người có niềm yêu thích đặc biệt và dành giờ nhất định để trau dồi tiếng Việt, như cách mình trau dồi ngoại ngữ vậy. Do đó, anh muốn thực hiện những dự án cá nhân nhằm lan tỏa niềm tin yêu với tiếng mẹ đẻ đến mọi người. Chỉ khi nào những tay viết tự tin về vốn liếng tiếng Việt của mình thì họ mới có thể viết nên những câu chữ “xuyên tim”.

Những nét phác họa đầu tiên của MV “Giang Hồ Chính Tả”

Với Sói Ăn Chay, một thông điệp chạm đến người đọc không chỉ dừng lại ở bắt trend hay gieo vần đơn thuần. “Tiếng Việt có hơn 10 phép tu từ nhưng bây giờ đa phần người viết chỉ xài mỗi.. phép gieo vần, hơi phí! Một câu tiếng Việt hay sẽ có sức lay động rất tự nhiên nên tôi muốn dùng chữ, cụ thể là tiếng Việt để chinh phục thế giới. Tôi còn phải cố gắng nhiều nhưng tôi tin mình sẽ làm được”, copywriter 12 năm kinh nghiệm bày tỏ.

Bên cạnh mong muốn các tay viết trẻ dành thời gian để trau dồi kỹ năng, Sói Ăn Chay cũng chia sẻ một số quan điểm về đạo đức nghề nghiệp của người sáng tạo nói chung và người viết nói riêng. Anh luôn nhắc nhở học viên của mình không được vay mượn hoặc đạo ý tưởng của người khác, không viết cho xong để trả bài hoặc đưa ra những ý tưởng không thật sự giải quyết vấn đề cho khách hàng. Cuối cùng, người sáng tạo cần học cách tôn trọng nghề nghiệp của mình bằng cách từ chối những lời mời làm không công.

“Hiếm ai hiểu rằng sáng tạo, viết lách là một nghề rất khó. Một ý tưởng chất lượng không thể có được trong ngày một ngày hai, một câu ra trò đôi khi là phút xuất thần sau hàng trăm giờ rèn luyện, hàng trăm cuốn sách đã đọc. Ngoài ra, nghề này còn đòi hỏi ta rất nhiều thời gian chiêm nghiệm, quan sát cùng những va chạm thực tế. Nếu bạn làm miễn phí một lần, sẽ có lần thứ 2, thứ 3,... và dần dần mọi người sẽ không tôn trọng công sức của bạn nữa”, anh chia sẻ.

Sói Ăn Chay cho rằng trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các thiết bị hiện đại, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo. Khi sự sáng tạo nằm trong tay tất cả mọi người, tính cá nhân sẽ ngày càng được đề cao. Điều này đặt ra thách thức cho không chỉ những người mới bước chân vào ngành, mà cả những người sáng tạo nhiều kinh nghiệm như anh. Người làm sáng tạo cần thả lỏng và ngẫu hứng hơn. Đồng thời, anh hy vọng mọi người cởi mở để đón nhận và hỗ trợ những ý tưởng trông có vẻ “ngáo ngơ”, bởi đó có thể là nền tảng cho những ý tưởng lớn hơn sau này. Còn với những bạn trẻ mới trước vào ngành, anh khuyên các bạn hãy khó tính hơn, dám tự "kết liễu" ý tưởng của mình để những dòng suy nghĩ và con chữ có cơ hội được xuất hiện. Dòng chảy sáng tạo sẽ không bao giờ dừng nếu bạn còn muốn vươn xa!

Cảm ơn Sói Ăn Chay về những chia sẻ thú vị với độc giả Advertising Vietnam! Chúc anh thành công với những dự định của mình, đồng thời luôn là nguồn cảm hứng cho những ai yêu thích sáng tạo và con chữ.