So sánh n40 vs ie 40 pro năm 2024

Tuy không quá nổi bật trong thị trường tai nghe cao cấp với hàng tá các sản phẩm mới được ra mắt mỗi năm, cái tên AKG lại luôn được gắn liền với chất lượng và hiệu năng cao mà từ xưa đến nay, phẩm chất đó vẫn được các audiophile trên khắp thế giới công nhận. Các sản phẩm tai nghe và microphone của hãng xuất hiện chủ yếu trong các phòng thu chuyên nghiệp, góp phần tạo nên những tác phẩm âm nhạc với chất lượng cao nhất. AKG sở hữu chuỗi tai nghe có thể nói là phù hợp với bất cứ ai từ người dùng không chuyên đến các audiophile khó tính, mang lại sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Hồi lâu rồi mình có up bài unbox và impression cho mẫu in-ear N40 của hãng và sau một thời gian sử dụng, so sánh thì hôm nay mình mới viết bài review chi tiết cho cả nhà tham khảo

AKG N40 được thiết kế khá đơn giản mà không kém phần bắt mắt. Phần tráng chrome làm ánh lên một nét gì đó rất cổ điển và sang trọng, điểm xuyết với phần vỏ đen matte làm nổi bật được vẻ đẹp của sản phẩm khi đeo trên tai. Ống âm của N40 được gia giảm khoảng 2 độ để vừa vặn hơn với ống tai, cho phép eartip được phân bố dàn trải trên thành ống tai mà không bị méo mó kể cả với các kiểu tai đặc biệt. Móc tai [earhook] ngay phía trên housing còn giúp cable nằm gọn trên vai người đeo mà không bị lòng thòng như ở các kiểu tai nghe thông thường.

Sản phẩm được đi kèm cùng bộ filter để người dùng thoải mái thay đổi chất âm theo ý thích. Bộ filter cung cấp các kiểu âm thông dụng như cân bằng, thiên về treble, thiên về bass dành riêng cho các bạn thích nghe dày dày, dập tưng tưng cho phê 😁. Tai nghe cũng có sẵn 2 cable phụ kiện với cable dày [chuyên cho nghe nhạc] và cable có kèm remote control cùng microphone để phục vụ cho nhu cầu sử dụng đa tính năng.

Ở chế độ tiêu chuẩn, AKG N40 vẫn cho chất âm rất ấm áp và chi tiết. Mình thấy filter high boost và low boost của N40 hơi không đúng gu mình cho lắm nên thôi mình cứ review bằng filter reference vậy. Tý nữa ở dưới mình sẽ nói về chất lượng âm thanh sau.

N40 là in-ear có thiết kế Hybrid Dual-Driver với 1 driver dynamic [bass] và 1 driver Balanced Armature. Housing bằng nhựa được thiết kế đặc biệt ở các mối nối cable để gia tăng độ bền cho dây, tránh các va chạm ngoại lực gây xước hay đứt dây. Cable cũng được thiết kế chống rối khá hiệu quả, chí ít là khi bỏ túi áo khoác hay ngăn túi xách. Vỏ thân housing còn được ép kỹ lưỡng từ 2 lớp nhựa mỏng mang lại cho tai nghe cảm giác vô cùng chắc chắn.

Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo và N40 cũng vậy. Tai nghe khá “kén chọn” khi kết nối trực tiếp với smartphone hay các máy nghe nhạc giá rẻ và cho một trải nghiệm nghe hoàn toàn không tương xứng chút nào so với hiệu năng thực sự của nó. Mình chỉ dùng filter reference để có chất âm cân bằng nhất có thể. Mình thử pair với điện thoại iPhone 6 và một vài mẫu điện thoại khác thì cái chất nó có, tiếng rộng, thoáng và giàu chi tiết nhưng độ rõ nét, sự bóc tách và nhạc tính vẫn còn gì đó bị kìm hãm nên lấy X5 Gen 3 và Chord Mojo để đánh thì cục diện thay đổi hoàn toàn theo hướng tích cực.

Nghe Nguyên Nhung hát Cho Em Quên Tuổi Ngọc hay Biển và Em của Phương Anh, tiếng guitar dạo đầu bài hiện lên mộc mạc, từng nốt búng có độ căng và no lực, giai điệu tưởng chừng đơn giản với guitar classic vuốt, búng khá khẽ vẫn đầy năng lượng và rõ ràng, giàu chi tiết, phần top-end của các nốt cao có độ ngân và vang tự nhiên, các nốt trầm dìu dặt nhẹ nhàng, sự cộng hưởng do thùng đàn được N40 thể hiện nồng nàn, ấm áp, không gian hiện ra trước mắt gần gũi, ấm cúng, cực kỳ lý thú để thưởng thức lâu dài. Giọng ca của Nguyên Nhung khỏe, ngọt và thanh cao, N40 mang lại sự tươi tắn và khỏe khoắn nên nghe hơi khỏe, mạnh, không bị đuối. Nghe thử tiếp một bài Cho Quên Tình Yêu Cũ của Trịnh Nam Sơn và Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về của Vũ Khanh, giọng nam trầm dày, sâu và nhiều màu sắc, dễ nghe và cực kỳ hợp gu với những ai mê nhạc trữ tình hoặc Blue Jazz. Mình thấy con AKG N40 này, riêng phần trung âm thì chưa có con nào giống nó cả, nó không ngọt và ngang, bí như tụi AudioTechnica IM Series, nó ngọt, khỏe và thoáng đãng, bay bỗng với chất lãng tử đặc trưng của AKG từ xưa đến giờ.

Thử độ động và nổi khối, mình mở Get Lucky và Lose Yourself to Dance của Daft Punk thì phê quá. Lực bass mạnh, căng và control tuyệt vời cùng độ impact chặt chẽ, tốc độ nhanh nhẹn, dứt khoát và âm nhạc được thoát xác, được “bơm” sức sống nghe khá là xung. Treble không gắt, rất “ôn hòa” với đôi tai, mình thấy trong nó giòn giã, tan nhuyễn mịn, decay nhanh, sắc nét đến ấn tượng, độ tan của treble nhẹ nhàng, dễ chịu, nó na ná như Jupiter của Campfire và thiệt tình mà nói thì mình thích con AKG N40 này hơn. Âm hình và âm trường của N40 sống động với dây stock, tuy nhiên mình cũng tò mò nên gắn thử cọng Linum Music và cọng Furutech iHP-35, không gian trở nên bao la, chiều sâu hiện ra rõ tiếng và tổng thể âm thanh có phần calm, tĩnh tại hơn. Cá nhân mình rất thích cọng dây Furutech, nó hài hòa, đầy đặn, full hơn dây Linum, bass của AKG N40 sâu hơn, nghe piano của Mari Kodama có khi còn thấy được tiếng phím đàn chạm vào phần đệm vải nữa :D Linum Music rộng rãi hơn một chút nhưng phần low-mid và low-bass bị bè ra và không sâu bằng cọng Furutech, ý kiến theo gu cá nhân là vậy chứ đây cũng là dây hay và hợp với AKG N40 và dành cho các bạn nào nghe giao hưởng, new age gì đó.

Vậy, nói chung AKG N40 rất tốt để nghe nhiều thể loại nhạc và phần mà mình đánh giá cao nó không gì ngoài độ nhạc tính và cảm xúc khi nghe, nó thể hiện và phô diễn thứ âm thanh khó tìm, khó đạt được đối với các tai nghe trong cùng tầm giá của nó và mình nghĩ đây sẽ là một trong các tai nghe mình yêu thích nhất trong thế giới in-ear.

Chủ Đề