self-determination theory là gì

Chú ý: Tất cả những nội dung dưới đây thể hiện quan điểm và tư tưởng của cá nhân tác giả, chứ không phải một sự khẳng định chân lý nào cả. Bài viết ăn cắp ý tưởng và thông tin một cách không biết xấu hổ từ cuốn sách Handbook of Self-Determination Research biên tập bởi Edward L. Deci và Richard M. Ryan và cuốn sách Self-Determination Theory: Basic Psychological Needs in Motivation, Development and Wellness của cùng tác giả.

Động lực tinh thầnlà một trong những thành phần quan trọng nhưng lại thường ít được để ý đến của đờisống cá nhân và xã hội. Đối với mỗi cá nhân, động lực là lực lượng đứng sau thúc đẩy mọi hoạt động có ý thức của con người. Đối với các tổ chức, việc quản lý và tạo ra động lực hoạt động cho các thành viên của mình là một việc thiết yếu và có ảnh hưởng to lớn đến kết quả hoạt động và thậm chí là sự tồn vong của mỗi tổ chức. Do vai trò quan trọng của nó, mà cho đến nay các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý và các triết gia đã đưa ra rất nhiều lý thuyết nhằm giải thích và tiên đoán về động lực tinh thần của con người từ nhiều khía cạnh và trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Một trong những lý thuyết hiện đang thu hút được nhiều sự chú ýlà Thuyết tự chủ [self-determination theory] mà tôi xin được giới thiệu trong bài viết lần này.

1. Thuyết tự chủ và động lực

Trước khi đi vào nội dung của Thuyết tự chủ, ta hãy nói qua về khái niệm động lực. Động lực, đúng như tên gọi, là thứ [lực] khiến con người thực hiện hành vi [động]. Điều đó có nghĩa là động lực vừa cung cấp một sự định hướng, vừa cung cấp năng lượng để cá nhân thực hiện hành vi. Nói cách khác, động lực luôn là động lực hướng đến hành vi, chứ không có động lực đứng một mình không có phương hướng cụ thể. Nhưng động lực cũng lại khác biệt với những khái niệm khác như lý do hay mục đích ở chỗ bản thân động lực còn có tính định lượng, thể hiện ở mức độ mạnh mẽ của năng lượng mà động lực cung cấp cho hành vi của cá nhân. Do vậy, khái niệm động lực không những có thể được dùng đểlý giải vì sao một cá nhân lại thực hiện một hành vi nào đó, mà còn có thể dùng để lý giải mức độ hoạt bát và năng nổ của cá nhân ấy khi thực hiện hành vi.

Thuyết tự chủ là một học thuyết dựa trên thực nghiệm và nằm trong trào lưu các học thuyết tổ chức sinh vật [organismic] về hành vi con người và phát triển nhân cách. Tuy chủ yếu tập trung nghiên cứu ở lĩnh vực tâm lý học, nhưng Thuyết tự chủ cũng được dựa trên một số kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực sinh lý học và thần kinh học. Bài viết này đề cập chính đến khía cạnh động lực con người, cũng là khía cạnh nghiên cứu chính của Thuyết tự chủ, nhưng phạm vi của nó thì rộng lớn và bao quát hơn, với mục đích là giúp cho con người hiểu rõ hơn về các quá trình tâm lý xảy ra trong nội tâm bản thân và các cá nhân khác, cũng như tìm kiếm các phương pháp hiệu chỉnh môi trường xung quanh, nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất và hiệu quả hành động cũng như sự phát triển của mỗi cá nhân.

Đa số lý thuyết về nhận thức từ trước tới nay thường chỉ coi động lực là một khái niệm đơn nhất. Điều đó có nghĩa là các lý thuyết này thường dựa trên giả thiết là tất cả động lực đều giống nhau về định tính và chỉ khác nhau về định lượng, tức là chỉ có động lực mạnh và động lực yếu chứ không có động lực khác biệt nhau về bản chất. Trong các lý thuyết đó, động lực thường được định lượng bằng cách nhân giá trị về mặt tâm lý của kết quả hành vi với xác suất của việc cá nhân có thể đạt được kết quả đó, hoặc dựa trên những khái niệm khác tương tự như niềm tin của cá nhân đối với việc đạt được kết quả, hay kỳ vọng của cá nhân về năng lực bản thân và mối quan hệ nhân quả của hành vi. Các phương pháp tiếp cận này, do vậy, thường bỏ qua việc phân tích sự khác nhau, chẳng hạn, giữa động lực mà cá nhân tự sinh ra với động lực sinh ra bởi phần thưởng hay đe dọa.

Đây cũng là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Thuyết tự chủ với nhiều học thuyết khác bàn về động lực. Thuyết tự chủ cho rằng động lực có thể được chia ra làm nhiều phân loại khác nhau về mặt định tính, bên cạnh sự khác nhau về định lượng. Cụ thể, các phân loại động lực này có thể được sắp xếp thành một dải động lực giữa hai thái cực: một bên là động lực có tính tự chủ [autonomous] và một bên là động lực không có tính tự chủ, hay động lực bị điều khiển [controlled]. Chúng có sự khác biệt rõ rệt về nguồn gốc cũng như phương thức đem lại năng lượng và định hướng cho hành vi của cá nhân, và qua đó mang lại sự khác biệt cả về kết quả của các hành vi ấy cũng như tâm lý của bản thân cá nhân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc áp dụng lý thuyết về động lực vào thực tế: chúng ta không chỉ cần nghĩ tới việc tạo ra thật nhiều động lực cho cá nhân, mà còn phải nghĩ tới việc tạo ra những loại động lực tốt hơn.

Một đặc điểm nữa của Thuyết tự chủ là nó có tính bao quát và mạch lạc, tức là nó không chỉ đề cập và nghiên cứu về cách phân loại động lực, mà còn cả về các điều kiện tác động từ môi trường xung quanh đến cá nhân để dẫn đến từng phân loại động lực khác nhau, cũng như những tác động của mỗi phân loại động lực đối với sức khỏe và hiệu quả hành động của cá nhân. Nói cách khác, Thuyết tự chủ nghiên cứu cả về động lực lẫn tiền đề và kết quả của nó. Thêm vào đó, Thuyết tự chủ dựa trên nghiên cứu thực nghiệm, sử dụng các kết quả thí nghiệm khoa học trong môi trường thí nghiệm lẫn trong thực tế, trên nhiều lĩnh vực [giáo dục, thể thao, tôn giáo, chính trị,] và phạm vi đối tượng [giới tính, độ tuổi, văn hóa, quốc gia,] khác nhau. Tất cả những điều này giúp cho những kết luận của Thuyết tự chủ có mức độ tin cậy cũng như tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao.

2. Năm phân loại động lực

Thuyết tự chủ cho rằng động lực tinh thần của con người có thể được chia ra làm hai phân loại lớn, dựa trên tương quan giữa động lực và hành vi mà động lực đó thúc đẩy: động lực nội tại [instrinsic motivation] và động lực ngoại lai [extrinsic motivation].

Động lực nội tại là động lực có nguồn gốc từ sự hấp dẫn và thỏa mãn cố hữu của bản thân hành vi mà động lực đó thúc đẩy. Nói cách khác, động lực nội tại được gói gọn bên trong hành vi và không cần thêm bất cứ một nguồn gốc nào khác nằm ngoài hành vi đó. Khi cá nhân cảm thấy có động lực nội tại đối với một hành vi nhất định, và không gặp phải sự ngăn cản, cá nhân ấy sẽ tự mình thực hiện và duy trì hành vi đó một cách hoàn toàn tự phát mà không cần bất cứ sự thúc đẩy nào khác. Sự hấp dẫn và thỏa mãn làm nên động lực nội tại có thể rất đa dạng, nhưng tựu chung có thể được chia ra làm ba loại chính: động lực tìm hiểu đến từ việc tìm tòi khám phá ra những điều mới mẻ, động lực thành tựu đến từ việc tạo nên một điều gì đó hoặc vượt qua giới hạn của bản thân, và động lực trải nghiệm đến từ việc tiếp nhận những kích thích cảm giác. Ví dụ về động lực nội tại có thể dễ dàng tìm thấy trong hầu hết các hoạt động giải trí của con người.

Động lực ngoại lai là động lực có nguồn gốc nằm bên ngoài hành vi mà động lực đó thúc đẩy. Một cá nhân thực hiện một hành vi nào đó bằng động lực ngoại lai sẽ không làm như vậy vì bản thân hành vi ấy, mà để nhằm đạt được một mục đích nào đó tách biệt khỏi hành vi, và hành vi khi đó chỉ còn đóng vai trò là công cụ mà thôi. Vì lúc này bản thân hành vi không còn sinh ra động lực, nên động lực sẽ cần phải được tạo ra một cách nhân tạo từ một sự kiểm soát [regulation] nào đó.Thuyết tự chủ, do vậy, chia động lực ngoại lai ra làm bốn phân loại nhỏ hơn, dựa trên tính chất của sự kiểm soát nằm trong nó, đi từ không có tính tự chủ đến có tính tự chủ cao: sự kiểm soát từ bên ngoài [external regulation], sự kiểm soát đã tiêm nhiễm [introjected regulation], sự kiểm soát đã đồng nhất [identified regulation], và sự kiểm soát đã tích hợp [integrated regulation].

Sự kiểm soát từ bên ngoài là sự kiểm soát nằm hoàn toàn bên ngoài cá nhân, tức là sự kiểm soát đến từ môi trường xung quanh. Sự kiểm soát dễ nhận thấy nhất thuộc dạng này là sự đe dọa và cưỡng ép, nhưng chúng cũng có thể là tiền bạc, danh vọng, địa vị, sự tán thưởng, kỳ hạn công việc, kỳ vọng của người thân, sự phán xét của xã hội Tựu chung lại, một cá nhân bị kiểm soát từ bên ngoài sẽ thực hiện hành vi để nhằm đạt đến một kết quả tích cực nào đó, hoặc tránh khỏi một kết quả tiêu cực nào đó mà hoàn toàn không liên quan tới bản thân hành vi. Đặc điểm của sự kiểm soát này là một cảm giác không có sự lựa chọn hoặc chịu sự chi phối từ bên ngoài. Một ví dụ là một người làm việc chỉ để nhận lương, và luôn nghĩ rằng nếu không phải vì tiền thì mình đã nghỉ việc quách cho xong.

Sự kiểm soát đã tiêm nhiễm là sự kiểm soát đã xâm nhập phần nào đó vào bên trong nội tâm cá nhân, nhưng vẫn chưa được chấp nhận làm một phần của nhân cách tự thân. Sự kiểm soát thuộc dạng này thường được thể hiện dưới dạng các sức ép nội tâm như cảm giác nghĩa vụ, cảm giác xấu hổ, Bản chất của sự kiểm soát này là sự tích tụ của những sự kiểm soát từ bên ngoài mà cá nhân đã trải nghiệm hoặc quan sát được trong quá khứ, được cá nhân ghi nhớ, đúc rút kinh nghiệmvà chuyển hóa thành một sự tự kiểm soát bản thân để tránh khỏi các hậu quả của sự kiểm soát trực tiếp từ bên ngoài. Đặc điểm của sự kiểm soát này là một cảm giác mâu thuẫn nội tâm tương đối rõ ràng giữa áp lực tinh thần từ bên trong của sự kiểm soát và mong muốn thực sự của nhân cách tự thân cá nhân. Một ví dụ là một người làm việc để không trở thành người thất nghiệp vì sợ bị người xung quanh dè bỉu.

Sự kiểm soát đã đồng nhấtlà sự kiểm soát đã được nhân cách tự thân của cá nhân chấp nhận về nguyên tắc dựa trên giá trị mà hành vi mang lại, tuy có thể vẫn còn tồn tại sự xung đột ở mức độ nào đó. Sự kiểm soát thuộc dạng này dựa trên một sự đánh giá có ý thức về các mặt lợi hại của hành vi, cả về vật chất lẫn tinh thần, và một sự quyết định có ý thức về việc thực hiện hành vi đó từ nhân cách của cá nhân. Nói cách khác, sự kiểm soát đã đồng nhất xuất hiện khi cá nhân thực hiện một hành vi vì thấy điều đó đem lại giá trị cho bản thân và do vậy tự mình đứng về phía quyết định thực hiện hành vi đó, tức hành vi và lợi ích của cá nhân đã trở nên đồng nhất. Đặc điểm của sự kiểm soát này là một cảm giác trách nhiệm đối với hành vi của bản thân. Một ví dụ là một người làm việc vì đã đánh giá và quyết định rằng công việc đó đem lại lợi ích tiền bạc và kinh nghiệm lớn hơn tổng số thiệt hại mà nó đòi hỏi.

Sự kiểm soát đã tích hợplà sự kiểm soát đã được nhân cách tự thân của cá nhân chấp nhận hoàn toàn và tích hợp thành một bộ phận hài hòa với các bộ phận khác của nhân cách. Sự kiểm soát thuộc dạng này xuất phát từ nhu cầu hiện thực hóa nhân cách, tức nhu cầu thể hiện ra bên ngoài những hành vi thống nhất với nhận thức của cá nhân về bản thân mình. Khi đó, cá nhân sẽ thực hiện một hành vi vì đó là một phần của định nghĩa tôi là ai trong nội tâm cá nhân, và việc thực hiện hành vi sẽ củng cố thêm cho định nghĩa ấy, giúp cho nhân cách tự thân của cá nhân thêm rõ ràng và chắc chắn. Đặc điểm của sự kiểm soát này là một cảm giác tự hào và một sự ủng hộ tinh thần hoàn toàn đến từ bên trong nội tâm cá nhân đối với hành vi được thực hiện. Một ví dụ là một người làm việc vì cảm thấy công việc đó có ý nghĩa cao cả và phù hợp hệ giá trị đạo đức của bản thân.

Bốn cấp bậc của sự kiểm soát thể hiện cho những kết quả khác nhau của một quá trình nội tâm hóa [internalization] những quy củ và yêu cầu từ môi trường xung quanh của cá nhân. Thuyết tự chủ cho rằng con người là một sinh vật luôn có xu hướng tự nhiên là xây dựng nên một nhân cách, một cái tôi ngày một thống nhất và phức tạp hơn, thông qua việc thu nhận, tích hợp và tổ chức lại các trải nghiệm từ môi trường xung quanh thành một hệ thống hoàn chỉnh, hợp lý và mạch lạc. Quá trình nội tâm hóa, tức biến những sự kiểm soát tồn tại trong môi trường thành sự kiểm soát của bản thân, là một bộ phận của xu hướng tự nhiên kể trên. Khi quá trình nội tâm hóa diễn ra thành công, kết quả sẽ là những sự kiểm soát có tính tự chủ cao, mà cụ thể ở đây là động lực từ sự kiểm soát đã đồng nhất hoặc đã tích hợp. Sự kiểm soát từ bên ngoài hay đã tiêm nhiễm đều thiếu tính tự chủ và là kết quả của một quá trình nội tâm hóa không thành công.

Chú ý rằng sự phân loại động lực kể trên chỉ thuần túy mang tính học thuật chứ không ám chỉ sự tồn tại của năm thực thể động lực tách biệt nhau trong trí não con người. Thêm vào đó, các loại động lực khác nhau có thể cùng tồn tại ở những mức độ khác nhau đối với cùng một hành vi ở cùng một thời điểm. Một người có thể làm việc vừa để đảm bảo cuộc sống [sự kiểm soát từ bên ngoài], vừa vì một cảm giác nghĩa vụ với xung quanh [sự kiểm soát tiêm nhiễm], đồng thời vì muốn học hỏi kinh nghiệm cho bản thân [sự kiểm soát đã đồng nhất]. Sự khác biệt nằm ở mức độ chi phối mạnh mẽ và thường trực của từng loại động lực trong nhận thức của cá nhân. Việc phân loại sự kiểm soát theo mức độ tự chủ từ thấp đến cao cũng không có nghĩa rằng quá trình nội tâm hóa một sự kiểm soát nào đó sẽ phải diễn ra qua từng thang bậc theo đúng thứ tự ấy, mà hoàn toàn có thể có sự nhảy vọt, tùy thuộc vào những yếu tố sẽ được nói đến sau.

Bên cạnh các phân loại động lực trên, để có thể giải thích đầy đủ các trạng thái động lực của con người, Thuyết tự chủ đưa ra thêm một khái niệm nữa là vô động lực [amotivation]. Vô động lực là một trạng thái của cá nhân khi thực hiện một hành vi có ý thức [khác với vô thức và bản năng] mà không có động lực nào đáng kể cả. Trạng thái này thường xuất hiện khi cá nhân bị buộc phải thực hiện một hành vi mà bản thân cá nhân thấy vô nghĩa. Khi đó, cá nhân không nhận thấy được mối liên hệ giữa hành vi với kết quả, và do đó không thực hiện hành vi với chủ ý đạt được kết quả nhất định nào cả. Điều này dẫn đến hệ quả là cá nhân sẽ cảm thấy hoàn toàn chán chường, và sẽ chỉ thực hiện hành vi dưới dạng một loạt các cử động thân thể theo khuôn mẫu như máy móc, chứ không có sự suy nghĩ và đánh giá thường thấy ở hành vi có chủ đích. Bước tiếp theo của trạng thái vô động lực thường sẽ là việc cá nhân dừng hoàn toàn hành vi đang thực hiện.

3. Ba nhu cầu tinh thần cơ bản

Thuyết tự chủ cho rằng mỗi cá nhân con người có ba nhu cầu tinh thần cơ bản: nhu cầu tự chủ [autonomy], nhu cầu năng lực [competence], và nhu cầu kết nối [relatedness].

Nhu cầu tự chủ là nhu cầu cảm thấy mình là khởi nguồn cho những hành vi của bản thân, cảm thấy mình đang làm chủ được bản thân mình.Một cá nhân sẽcảm thấy mình tự chủ khicá nhân đócảm thấy những hành vi và quyết định của mình là sự thể hiện của những giá trị trong nhân cách thực của bản thân, thay vì là kết quả của sự chi phối trực tiếp hay gián tiếp của những nhân tố nằm ngoài nhân cách ấy [đọc thêm Bàn về nhân cách]. Chú ý rằng cảm giác về sự tự chủ không nhất thiết đồng nhất với sự tự do thường được nghĩ tới, tức là sự không bị giới hạn trong hành động. Một người hoàn toàn vẫn có thể quyết định cảm thấy mình có sự tự chủ ở mức độ nào đó khi làm theo yêu cầu của người khác, hay thậm chí trong những hoàn cảnh thường được cho là kìm kẹp và thiếu tự donhư bị uy hiếp, bị giam cầm, [đọc thêmBàn về tự do]

Nhu cầu năng lực là nhu cầu cảm thấy mình cóthểtương tác vớimôi trường xung quanh một cách có hiệu quả. Điều này bao gồm việc cảm thấy mình có thể dễ dàng lý giải được những sự vật sự việc đang tồn tại và diễn ra xung quanh, cũng như cảm thấy mình biết cách và có khả năngtác động để kiểm soáthoặcthay đổiđược những sự vật sự việc ấy, và cuối cùng là cảm thấy sự tác động của mình thực sự đã đem lại được kết quả như mong muốn. Nhìn từ một góc độ nào đó, nhu cầu tự chủ có thể chỉ được coi là nhu cầu năng lực đối với việc kiểm soát cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, nhu cầu tự chủchútrọng đến nguồn gốc của hành động [bản thân vs. bên ngoài], trong khi nhu cầu năng lực chú trọng đến kết quả [có hiệu quả vs. không có hiệu quả], và do đó hai khái niệm này là khác biệt nhau. Chú ý rằng cảm giác về năng lực không nhất thiết đồng nhất với năng lực thực sự nhìn từ các tiêu chuẩn khách quan.

Nhu cầu kết nối là nhu cầu cảm thấy mình có thể kết nối với môi trường xung quanh một cách gần gũi và có ý nghĩa. Môi trường xung quanh ở đây không chỉ giới hạn ởcáccá nhân cụ thể, mà còn có thể là thú cưng hay vật nuôi, hay những cấu trúc xã hội hoặc tinh thần trừu tượng hơn như tổ chức, cộng đồng, dân tộc, quốc gia, hay thậm chí là thế lực siêu nhiên nào đó như thánh thần, Mẹ thiên nhiên, Nhu cầu này thường được thỏa mãn khi cá nhân cảm thấy mình đang quan tâm, chăm sóc và bảo vệ, và được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ bởi môi trường xung quanh, cảm thấy mình đang là một phần, đang thuộc về một cái gì đó lớn lao hơn. Chú ý rằng sự kết nối ở đây không phải là một công cụ để đạt đến một mục đích khác [vd. tình dục], mà giá trị thỏa mãn nhu cầu nằm ở chính bản thân sự kết nối, vì nó mang lại cho cá nhân cảm giác an toàn trước sự đơn độc và đe dọa cố hữu của cuộc sống con người.

Ba nhu cầu tinh thần cơ bản nói trên, đúng như tên gọi, có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất, chúng là nhu cầu tinh thần, và do đó sự thỏa mãn của chúng sẽ được quyết định bởi trạng thái tinh thần của chính cá nhân, mà ở đây đã được nhấn mạnh thông qua từ cảm thấy, chứ không phải bởi các yếu tố khách quan. Tất nhiên, từ định nghĩa có thể dễ dàng thấy rằng môi trường xung quanh đóng một vai trò rất quan trọng và không thể thiếu đối với các nhu cầu này, nhưng xét cho cùng vai trò ấy vẫn chỉ là gián tiếp mà thôi. Thứ hai, các nhu cầu này là nhu cầu cơ bản, tức là chúng tồn tại trong tất cả mọi cá nhân con người, bất kể sự khác biệt về độ tuổi, giới tính, thể chất, địa vị, tài sản, văn hóa hay nhân cách. Tuy nhiên, tùy vào những yếu tố khác biệt đó mà các nhu cầu này có thể được thể hiện ra dưới các dạng khác nhau và cần được thỏa mãn bằng những cách thức khác nhau.

Việc các nhu cầu tinh thần cơ bản được đáp ứng có mối liên hệ mật thiết với cảm giác của cá nhân về sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cụ thể, những người có nhu cầu tinh thần được thỏa mãn tốt thường cũng sẽ có lòng tự trọng cao hơn, hoạt bát hơn, ít bồn chồn lo âu hơn, và có ít các triệu chứng tinh thần thể hiện ra ở cơ thể hơn. Một điểm thú vị là những nghiên cứu về nhu cầu tinh thần cơ bản cũng chỉ ra những kết quả kể trên có mối liên hệ tiêu cực, tức tỷ lệ nghịch, với việc theo đuổi những mục tiêu nằm bên ngoài bản thân, vd. của cải, danh tiếng và hình ảnh. Từ đó có thể suy đoán rằng những mục tiêu kể trên không phục vụ cho những nhu cầu tinh thần thiết thực của con người, và mối liên hệ tiêu cực với sức khỏe và hạnh phúc có thể được lý giải là do việc theo đuổi những mục tiêu ấy khiến cho việc đáp ứng những nhu cầu tinh thần thực sự cần thiết bị sao nhãng và thậm chí là bị cản trở.

Nhưng điểm quan trọng hơn đối với bài viết này, đó là các nghiên cứu khoa học còn cho thấy khi các nhu cầu tinh thần cơ bản được đáp ứng đầy đủ, thì động lực của cá nhân có xu hướng dịch chuyển về phía các phân loại động lực có tính tự chủ cao. Không khó để thấy rằng một hành vi làm thỏa mãn một nhu cầu tinh thần nào đó của cá nhân sẽ khiến cá nhân nảy sinh động lực nội tại đối với hành vi đó. Nhưng không chỉ có vậy, khi các yếu tố xã hội từ môi trường xung quanh hỗ trợ các nhu cầu tinh thần của cá nhân trong quá trình nội tâm hóa một sự kiểm soát nào đó, thì sự nội tâm hóa ấy cũng sẽ có xu hướng tạo nên những sự kiểm soát có tính tự chủ cao hơn. Ngược lại, nếu như môi trường xung quanh ngăn cản và chống lại các nhu cầu tinh thần cơ bản, đặc biệt là nhu cầu tự chủ, thì không những sự kiểm soát được tạo nên sẽ nghiêng về các phân loại thiếu tính tự chủ, mà cả động lực nội tại của cá nhân cũng sẽ bị đè nén và xóa sổ.

4. Phạm vi động lực

Thuyết tự chủ cho rằng động lực tồn tại ở ba mức độ phạm vi khác nhau: phạm vi toàn cục [global], phạm vi ngữ cảnh [contextual], và phạm vi tình huống [situational].

Động lực toàn cục là khuynh hướng động lực chung nhất và có ảnh hưởng bao quát khắp toàn bộ mọi mặt cuộc sống của cá nhân. Đây cũng thường là động lực ổn định nhất về mặt định lượng lẫn định tính, và thể hiện cho việc cá nhân có xu hướng tiếp cận và thực hiện mọi hành vi với động lực nội tại hay ngoại lai hay vô động lực. Một cá nhân sinh ra thường bắt đầu với một khuynh hướng động lực toàn cục mang tính nội tại thuần túy và sơ khai. Sau đó, động lực toàn cục của cá nhân sẽ được định hình [uốn nắn?] dần trong quá trình cá nhân xây dựng nên một nhân cách cho riêng mình.

Động lực ngữ cảnh là khuynh hướng động lực có ảnh hưởng bao trùm trong một phân vùng cụ thể nào đó, hay một ngữ cảnh, trong cuộc sống của cá nhân. Ở mức độ rộng nhất, động lực ngữ cảnh có ba phân vùng chính: công việc [bao gồm cả việc học tập], giải trí và quan hệ con người. Đi xuống sâu hơn, động lực ngữ cảnh có thể được chia ra cho từng hoạt động nhất định như đàn hát, bơi lội, chạy bộ, tiệc tùng, tán phét, Động lực ngữ cảnh tương đối ổn định, nhưng vẫn có thể chịu ảnh hưởng và bị thay đổi bởi môi trường xung quanh. Đồng thời, động lực ngữ cảnh cũng chỉ có ảnh hưởng trong ngữ cảnh cụ thể của nó, chứ không hề có ảnh hưởng gì đến các hành vi ở những ngữ cảnh hoàn toàn tách biệt khác.

Động lực tình huống là động lực trong từng tình huống cụ thể trong cuộc sống của cá nhân. Nói cách khác, động lực tình huống là động lực của cá nhân đối với từng tác vụ cụ thể ở từng thời điểm cụ thể. Từ định nghĩa có thể dễ dàng thấy rằng động lực tình huống chịu ảnh hưởng ngay lập tức bởi nội dung của tác vụ, kết quả của hành vi, cũng như các yếu tố trong môi trường xung quanh, và do đó động lực tình huống rất không ổn định và có thể thay đổi nhanh chóng cả về chất và lượng qua từng thời điểm.

Việc phân chia động lực theo mức độ phạm vi có ý nghĩa như thế nào? Trước hết, theo Thuyết tự chủ thì động lực ở một phạm vi nhất định sẽ chịu sự tác động và điều chỉnh chủ yếu từ những yếu tố xã hội ở phạm vi tương đương. Theo đó, động lực toàn cục sẽ chịu sự tác động chính từ các yếu tố xã hội ở phạm vi toàn cục, tức những yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến mọi mặt hoặc nhiều mặt của cuộc sống cá nhân một cách lâu dài [vd. gia đình, cộng đồng, Nhà nước,], động lực ngữ cảnh sẽ chịu sự tác động chính từ các yếu tố xã hội ở từng phạm vi ngữ cảnh cụ thể, tức là những yếu tố xã hội có tính bao trùm trong ngữ cảnh đó [vd. động lực đối với việc học tập sẽ chịu ảnh hưởng chính từ nhà trường, giáo viên,]. Điều này sẽ giúp việc xác định động lực cần tác động và những yếu tố xã hội cần được thay đổi để tạo nên tác động một cách chính xác hơn.

Thêm vào đó, bên cạnh việc phụ thuộc vào sự hỗ trợ hay ngăn cản nhu cầu tinh thần của các yếu tố xã hội ở phạm vi tương ứng, động lực ở một phạm vi thấp hơn còn chịu ảnh hưởng của động lực ở phạm vi cao hơn gần nhất. Điều này có nghĩa là động lực tình huống của một hành vi sẽ chịu ảnh hưởng từ động lực ngữ cảnh của ngữ cảnh bao trùm hành vi và tình huống đó, đồng thời chịu ảnh hưởng ở mức độ nhỏ hơn từ động lực toàn cục. Có thể hình dung rằng động lực toàn cục và động lực ngữ cảnh tồn tại như những nền móng hay bản vẽ cơ sở khi động lực tình huống của cá nhân được hình thành trong mỗi hoàn cảnh cụ thể.

Cuối cùng, đồng thời và ngược lại với ảnh hưởng từ trên xuống được nói đến ở trên, động lực ở phạm vi thấp hơn cũng sẽ có ảnh hưởng mang tính đệ quy tới động lực ở phạm vi cao hơn gần nhất. Nói cách khác, nếu như động lực tình huống của cá nhân trở nên thiếu tự chủ trong nhiều hành vi và tình huống cụ thể một cách lặp đi lặp lại, thì điều đó sẽ có tác động đến động lực ngữ cảnh tương ứng, khiến cho động lực ngữ cảnh cũng trở nên dần dần thiếu tự chủ hơn, và thông qua đó cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng đến động lực toàn cục của cá nhân. Điều này giải thích lý do vì sao động lực ở mỗi phạm vi lại chịu tác động chủ yếu bởi các yếu tố xã hội ở phạm vi tương đương: đó là vì việc định hình nên các động lực ở phạm vi lớn đòi hỏi sự tác động liên tục kéo dài và nhất quán trong hàng loạt các tình huống, điều mà chỉ có các yếu tố xã hội bao trùm trên các phạm vi lớn tương ứng mới có thể tạo ra được.

5. Ảnh hưởng của động lực

Các nghiên cứu khoa học của Thuyết tự chủ đã cho thấy phân loại động lực trong hành vi của con người có liên hệ mật thiết với nhiều hệ quả và phẩm chất quan trọng ở nhiều mặt khác nhau của cuộc sống, mà cụ thể là hiệu quả hành động, tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, tính tự giác và tính bền bỉ.

Cụ thể, các hệ quả và phẩm chất kể trên được thể hiện ra tích cực nhất khi động lực hành vi là động lực nội tại, và suy giảm dần theo từng thang bậc mức độ tự chủ của động lực, thể hiện ra một cách tiêu cực nhất ở trạng thái vô động lực. Ba phân loại động lực mang lại kết quả tích cực hơn các động lực còn lại là động lực dựa trên sự kiểm soát đã đồng nhất và đã tích hợp [gọi tắt là động lực đồng nhất và động lực tích hợp], cùng với động lực nội tại, được xếp vào nhóm các phân loại động lực tự chủ. Đặc điểm chung của các phân loại động lực tự chủ là cá nhân cảm thấy mình có quyền lựa chọn, và đã tự mình lựa chọn, việc thực hiện hành vi. Đồng thời, lý do cho sự lựa chọn đó cũng bắt nguồn từ bên trong cá nhân: một kết quả đánh giá dựa trên hệ giá trị của bản thân [động lực đồng nhất], một sự mong muốn thể hiện nhân cách bản thân [động lực tích hợp], hoặc những cảm xúc và cảm giác của bản thân khi thực hiện hành vi [động lực nội tại].

Hiệu quả tích cực của các loại động lực tự chủ có thể dễ dàng được lý giải dựa trên những tính chất đã được trình bày ở trên. Trước hết, với các loại động lực tự chủ, tâm trí cá nhân được giải thoát khỏi sự giằng co giữa nhu cầu tự chủ với sự chi phối từ xung quanh như ở sự kiểm soát bên ngoài, hay với sự chi phối của áp lực tâm lý bên trong như ở sự kiểm soát tiêm nhiễm, và do đó cá nhân được tự do dành toàn bộ năng lượng tinh thần và sự tập trung cho hành vi đang thực hiện. Thứ nữa, khi cảm thấy mình không bị kiểm soát bởi một yếu tố nào khác ngoài mong muốn của chính bản thân, cá nhân sẽ có được sự tự do tinh thần để mạnh dạn thử nghiệm những ý tưởng và phương pháp mới thay vì lựa chọn những con đường an toàn hơn. Cuối cùng, do nguồn gốc đến từ những mong muốn và cảm xúc của riêng cá nhân, nên động lực tự chủ có thể được phát huy và duy trì một cách độc lập mà không bị phụ thuộc vào sự tồn tại và tác động liên tục của các yếu tố từ môi trường xung quanh.

Đặc biệt hơn, động lực nội tại thường được gắn với trạng thái cuốn chảy [flow], một trạng thái trải nghiệm được cho là tối ưu của con người, trong đó cá nhân đắm chìm hoàn toàn vào hành vi mình đang thực hiện với một cảm giác tập trung cao độ, toàn tâm toàn trí, nhiều khi quên đi ý thức về không gian, thời gian và thậm chí là cả bản thân. Lý thuyết về cuốn chảy, một học thuyết khác nằm ngoài Thuyết tự chủ, cho rằng trạng thái này có thể đạt được nếu có đủ ba yếu tố: 1. cá nhân bắt tay vào một hoạt động nào đó một cách có chủ ý, có mục đích và có lộ trình rõ ràng, 2. các tác vụ cụ thể trong hoạt động đó đem lại phản hồi một cách nhanh chóng và rõ ràng, và 3. cá nhân có cảm nhận về mức độ thử thách trước mắt cân bằng với cảm nhận về năng lực của bản thân.

Nhìn từ quan điểm động lực, trạng thái cuốn chảy có thể được giải thích dưới dạng một vòng xoáy tích cực của động lực nội tại. Cụ thể, việc cảm thấy mức độ thử thách tương xứng với năng lực khiến cho cá nhân có tự tin vào năng lực của mình, và từ đó nảy sinh động lực nội tại đối với việc thực hiện tác vụ trước mắt để thỏa mãn hơn nữa nhu cầu năng lực của bản thân. Động lực nội tại đó khiến cho cá nhân có khả năng cao hơn trong việc hoàn thành tốt tác vụ, và việc tác vụ phản hồi nhanh chóng sẽ khiến cho nhu cầu năng lực của cá nhân lập tức được thỏa mãn, làm nảy sinh thêm động lực nội tại đối với hoạt động. Cuối cùng, việc có chủ ý, mục đích và lộ trình toàn cục cho hoạt động sẽ giúp cho cá nhân kết nối tới và bắt đầu tác vụ tiếp theo một cách nhanh chóng và trơn tru, bảo toàn được động lực nội tại đã nảy sinh và được bồi đắp từ tác vụ trước, làm nên một chuỗi phản ứng dây chuyền kéo dài và có thể càng lúc càng mạnh thêm.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng chú ý giữa động lực nội tại với hai loại động lực ngoại lai có tính tự chủ còn lại. Theo đúng định nghĩa, động lực nội tại phụ thuộc vào tính hấp dẫn của hành vi đối với cá nhân, và do đó thường chỉ tồn tại trong phạm vi từng tác vụ hoặc hoạt động cụ thể. Điều này trái ngược với động lực đồng nhất và tích hợp, vốn là các động lực nhắm tới việc đạt được một giá trị nào đó hoặc thể hiện một khía cạnh nào đó của nhân cách cá nhân, và do đó thường tồn tại một cách bao quát và liền mạch trong suốt quá trình đi đến một mục đích nhất định. Nói đơn giản hơn, động lực nội tại có xu hướng cục bộ và hướng tác vụ, trong khi động lực đồng nhất và tích hợp có xu hướng toàn cục và hướng mục đích. Sự khác biệt này khiến cho động lực nội tại thuần túy thường không đem lại kết quả cao so với động lực đồng nhất và tích hợp đối với những hoạt động dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì cao và bao gồm trong nó nhiều hành vi kém hấp dẫn. Trạng thái động lực lý tưởng, do vậy, là một sự kết hợp giữa động lực nội tại trong từng tác vụ cụ thể với động lực đồng nhất hoặc tích hợp đứng sau hỗ trợ và duy trì hoạt động ở cấp độ bao quát hơn.

[còn tiếp]

Video liên quan

Chủ Đề