Sáng kiến kinh nghiệm xây dựng môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm

Sáng kiến kinh nghiệm việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 3-4T


I. MỞ ĐẦU:
1. Lý do chọn đề tài :
Trường mầm non là nơi đầu tiên đưa trẻ đến với những điều mới lạ, giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách, vì vậy việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo, là một quan điểm giáo dục tiến bộ về vị trí của trẻ em và vai trò của giáo viên. Nó góp phần định hướng cho quá trình hoạt động và xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non. Môi trường giáo dục ở trường mầm non bao gồm môi trường vật chất trong và ngoài lớp học, môi trường xã hội với các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, đây là môi trường trẻ được trực quan đối với trẻ, ở đó trẻ được tự do sáng tạo, thỏa mãn trí tưởng tượng, phát triển khả năng tư duy, quan sát, thực hành, tự mình xử lý, giải quyết các tình huống. Giáo viên là người hướng dẫn gợi mở, định hướng trên cơ sở nhu cầu, hứng thú tích cực tìm tòi của trẻ để trẻ tự thể hiện, bộc lộ khả năng của mình. Với quan điểm mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và mỗi đứa trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau. việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 3-4T, là yêu cầu môi trường an toàn, xanh, sạch, đẹp, trong lành, tươi sáng, có một không gian trường, lớp bố trí hợp lý, mang đến cho trẻ sự hấp dẫn, kích thích trẻ vui chơi, tích cực hoạt động, tạo cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm, giao tiếp gần gũi với bạn bè, với cô giáo và những người xung quanh trẻ. Chính vì thế.
Tôi nhận thấy rằng muốn để các cháu phát triển một cách toàn diện về đức trí thể mĩ, thì giáo viên cần phải trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường nhằm giúp trẻ học bằng chơi, chơi bằng học tôi đã mạnh dạn chọn đề tài Một số biện pháp trong việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi để nghiên cứu và áp dụng vào dạy học tại lớp mình.

II. NỘI DUNG
1. Thực trạng:
* Thuận lợi:
Năm học 2018-2019 tôi được ban giám hiệu nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo bé b [3-4T]. Với diện tích phòng học thoáng mát, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi tương đối đầy đủ. Lớp tôi có 32 cháu, đa số trẻ đều rất ngoan ngoãn, thích hoạt động, vui chơi, nhanh nhẹn, vâng lời cô giáo, đặc biệt đa phần số trẻ thích tìm tòi, khám phá, trải ngiệm, môi trường xung quanh lớp học. Giáo viên yêu thích công việc trang trí, làm đồ dùng đồ chơi, tạo môi trường lớp học phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Được sự quan tâm giúp đỡ của ban giám hiệu về chuyên môn, hướng dẫn tôi trong cách thiết kế môi trường lớp học cho phù hợp với không gian, đặc điểm của trẻ. Phụ huynh quan tâm đến con em mình, nhiệt tình giúp đỡ cùng tôi trong việc trang trí môi trường lớp học và thường xuyên ủng hộ những nguyên vật liệu
2. Một số biện pháp trong việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi
2.1. Xây dựng kế hoạch.
Điều trước tiên tôi nghĩ, bất cứ lĩnh vực nào, dù làm công việc gì muốn đi đến sự thành công và hiệu quả như ý thì phải có kế hoạch. vì vậy vào đầu năm học trên cơ sở kế hoạch nhiệm vụ năm học của nhà trường. Từ đó, tôi xây dựng kế hoạch giáo dục năm, tháng, tuần, ngày và kế hoạch trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cụ thể, phù hợp, sát với tình hình của lớp. Để trang trí môi trường lớp học đẹp, có tính thẩm mĩ cao, giúp trẻ dễ dàng trong các hoạt động thì giáo viên cần phải đầu tư thời gian, tìm tòi học hỏi cách thiết kế môi trường lớp học bằng nhiều hình thức khác nhau. Không những thế, mà còn phải đầu tư sưu tầm nguyên vật liệu sẳn có ở địa phương. Để làm được điều đó bản thân tôi phải xây dựng kế hoạch trang trí như thế nào? Cần bao nhiêu thời gian? Cần bao nhiêu kinh phí để trang trí môi trường đạt kết quả cao. Từ những câu hỏi đó giúp bản thân tôi cố gắng tìm mọi cách hoàn thành được kế hoạch của mình.
Muốn xây dựng kế hoạch tốt, trước hết bản thân cần nắm vững nguyên tắc và cân nhắc kỹ nội dung, yêu cầu việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm. Với chủ đề này thì giáo viên cần trang trí như thế nào? Yêu cầu trẻ đạt được là gì? Trẻ hiểu được những nội dung gì? Từ đó mới xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả.
Ví dụ: Chủ đề trường mầm non trên bức tranh chủ đề tôi phải thiết kế lắp vào tháo ra cho trẻ dễ thao tác và gắn thành một bức tranh của ngôi trường. Còn các góc khác tôi cũng làm nhiều đồ dùng đồ chơi về trường mầm non để cho trẻ tìm tòi, khám phá trong các hoạt động.
Sau mỗi chủ đề cô giáo cần đánh giá xem mình đã làm được những cái gì? Thực hiện những kỹ năng gì? Giúp trẻ học được những nội dung gì?Từ đó, giáo viên có biện pháp để trang trí môi trường lớp học cho chủ đề tới.
2.2. Thực hiện kế hoạch:
Trang trí môi trường lớp học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thật phong phú, phù hợp từng chủ đề cho trẻ hoạt động. Tôi tận dụng tất cả những nguyên vật liệu có thể sử dụng làm đồ chơi: Sách báo, lịch cũ, lõi giấy vệ sinh, ống lon, chai nhựa, xốp, nỉ, van,vải vụn, cành cây khô, quần áo cũ, ống chỉ nhằm giúp trẻ học bằng chơi,chơi bằng học trong tất cả các hoạt động. Dựa vào từng chủ đề tôi trang trí các góc chơi thật sinh động và gây sự thu hút với trẻ. Tất cả các góc chơi được trang trí theo nguyên tắc động, tĩnh và các góc phải ngăn chắn để khi trẻ hoạt động các góc chơi không ảnh hưởng đến nhau. Đặc biệt trên mảng tường ở các góc chơi tôi thiết kế theo dạng lắp vào tháo ra cho trẻ hoạt động thật dễ dàng
Ví dụ: Ở góc chủ đề với chủ đề Phương tiện giao thông được tạo nên từ rất nhiều nguyên vật liệu khác nhau với thiết kế khéo léo, góc chủ đề thực sự nổi bật với nhiều phương tiện như: Phương tiện giao thông đường không, phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy, được làm từ những nguyên vật liệu như vải nỉ, xốp, ống hút.những hình ảnh này được dán mở lắp vào tháo ra rất dễ dàng. Qua đó nhằm giúp trẻ nhận biết các loại phương tiện giao thông,giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức và từ đó trẻ được thao tác, góp sức cùng cô để tạo thành bức tranh chủ đề hoàn thiện
Tôi luôn tận dụng diện tích phòng học, chú ý bố trí sắp xếp các đồ dùng, đồ chơi phù hợp để tạo môi trường học thoải mái cho trẻ. Đặc biệt cùng một góc chơi trẻ sẽ được học nhiều bộ môn khác nhau và nhiều hình thức khác nhau.
Ví dụ: Góc văn học tôi thiết kế theo dạng mở, phía trên tường là một sân khấu ở đó trẻ có thể đọc thơ, kể chuyện theo tranh, phía dưới là một sa bàn xoay, trên sa bàn đó trẻ có thể kể chuyện theo rối thông qua đó giúp trẻ thuộc bài thơ, câu chuyện một cách nhanh hơn. Bên cạnh đó tại góc này trẻ cũng có thể học khám phá khoa học, khám phá xã hội tạo thêm phần hứng thú cho trẻ tham gia các hoạt động. Không dừng lại ở góc chủ đề hay góc văn học mà tất cả các góc chơi như góc xây dựng, góc toán, góc nghệ thuật, góc phân vai cũng đều được tôi thiết kế theo dạng mở nhằm giúp trẻ học bằng chơi, chơi bằng học và được thao tác mọi lúc mọi nơi.
Đó mới chỉ là môi trường bên trong lớp học còn môi trường bên ngoài thì sao đây. Vâng môi trường bên ngoài tôi kết hợp với nhà trường tận dụng tất cả những khoảng trống để thiết kế môi trường giúp trẻ học tập tốt hơn. Bên ngoài sân trường chúng tôi thiết kế được sân đá bóng, sân chơi giao thông, bể cát nước,vườn rau, khu vận động, vườn cổ tích, chợ quê, nhà bóng, để cho trẻ được thoải mái trong các giờ hoạt động ngoài trời giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Bên cạnh môi trường vật chất thì tạo môi trường xã hội cho trẻ cũng không kém phần quan trọng. Tôi thường xuyên vui vẽ, gần gũi, yêu thương trẻ để tạo môi trường tràn đầy tình yêu thương giúp trẻ an tâm khi đến lớp để trẻ có thể phát triển tốt nhất về tất cả các mặt như đức- trí- thể- mỹ, lao động và hình thành nhân cách của trẻ.
2.3. Tổ chức tốt các hoạt động trên lớp.
* Hoạt động học
Như chúng ta đã biết, lứa tuổi mầm non là lứa tuổi có thể học tốt nhất bằng phương pháp dùng hình ảnh trực quan minh họa và thao tác trực tiếp với đồ vật,và các trò chơi củng cố. Vì vậy, khi tổ chức hoạt động học cho trẻ tôi đã dùng nhiều thủ thuật gắn liền với các hình ảnh, các đồ chơi mà tôi đã trang trí trong môi trường lớp học để làm đồ dùng phục vụ cho hoạt động học của trẻ.
Ví dụ: Khi dạy tiết toán đếm trên đối tượng trong phạm vi 5 phần ôn luyện tôi sẽ cho trẻ đến bên góc toán để thực hiện thao tác ôn luyện ngay trên các đồ dùng, đồ chơi tôi đã trang trí sẵn. Hoặc khi dạy tiết biễu diễn âm nhạc tôi có thể sữ dụng góc âm nhạc làm sân khấu để trẻ biểu diện ở đó trẻ sẽ được sữ dụng tất các cá loại đồ chơi trên góc để biểu diễn các bài hát theo nhiều cách khác nhau.
* Hoạt động góc.
Trước khi cho trẻ tham gia vào hoạt động, phải tìm hiểu khả năng nhận thức, đặc điểm tâm lý của trẻ, của lớp. Nắm vững mục tiêu, nội dung, phương pháp của hoạt động. Soạn bài, làm đồ dùng và xâm nhập giáo án thật nhuần nhuyễn để truyền đạt kiến thức cho trẻ một cách có hiệu quả. Vận dụng linh hoạt sáng tạo, nhẹ nhàng các thủ thuật, biện pháp tạo sự hứng thú, hấp dẫn trẻ như: Trò chơi, câu đố, hình ảnh minh họa. Khi tổ chức hoạt động góc cần phải cho trẻ tự do chọn góc chơi cho mình không được áp đặt trẻ chơi theo ý của giáo viên và phải có sự ngăn cách giữa các góc chơi. Khi trẻ chơi giáo viên hướng dẫn, gợi mở để phát huy tối đa tính tích cực sáng tạo trong khi chơi cho trẻ.
Ví dụ: Chủ đề một số loại quả khi hoạt động góc trẻ được chơi tại góc phân vai, góc toán, góc xây dựng, góc văn học, và góc tạo hình. Trên các góc chơi đó tôi đã trang trí các loại quả bằng nhiều nguyên vật liệu khác nhau do tôi làm, kết hợp nhiều loại quả, nhiều màu sắc khác nhau để thu hút sự tìm tòi, khám phá của trẻ.
Góc toán trẻ được đếm các loại quả, xếp theo quy tắc hoa, quả. Góc xây dựng trẻ xây dựng vườn cây ăn quả.Từ đó phát triển tính tự tin, tích cực khám phá và khả năng sáng tạo của trẻ. Thông qua hoạt động góc trẻ biết hợp tác chia sẽ với bạn bè và có tính đoàn kết trong khi chơi.
* Hoạt động ngoài trời
Môi trường trang trí lớp học phục vụ tốt cho hoạt động ngoài trời, đặc biệt là môi trường vật chất bên ngoài lớp học ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ, ở đó được quy hoạch theo các khu vực chơi cho trẻ được chơi, tìm hiểu khám phá về môi trường xung quanh trường mầm non. Bên cạnh đó còn có bồn hoa, cây cảnh, cây che bóng mát để phục vụ cho việc dạo chơi của trẻ.
Ví dụ: Trong giờ hoạt động ngoài trời của chủ đề một số loại hoa cho trẻ quan sát một số loại hoa trong sân trường. Qua việc quan sát và tìm hiểu của trẻ dưới sự hướng dẫn của giáo viên trẻ sẽ biết được tên gọi, đặc điểm, màu sắc của một số loại hoa. Từ đó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, hình thành biểu tượng về một số loại hoa cho trẻ.
2.3. Cho trẻ làm quen mọi lúc mọi nơi.
Đây là một hình thức quan trọng, nó hỗ trợ và làm giàu vốn biểu tượng phong phú phục vụ cho giờ học của trẻ. Do vậy, ở mọi lúc mọi nơi cô giáo phải biết tận dụng mọi điều kiện tốt nhất, thường xuyên tổ chức cho trẻ được trải nghiệm, khám phá tất cả các môn học thông qua môi trường trang trí trong và ngoài lớp học. Từ đó, trẻ có thể ghi nhớ được. Đồng thời trong mọi hoạt động cô có thể cho trẻ trực tiếp thao tác với môi trường lớp học nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện thông qua hình thức học bằng chơi, chơi bằng học.
Tất cả các hoạt động trong ngày của trẻ không những môi trường vật chất giúp trẻ phát triển toàn diện mà môi trường xã hội cũng không kém phần quan trọng trọng việc hình thành nhân cách cho trẻ vì thế mà giáo viên phải làm sao để cho mỗi ngày đến trường của trẻ là một niềm vui, cần phải tạo cho trẻ cảm giác được yêu thương bởi cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ.
2.4. Phối kết hợp với phụ huynh.
Để việc trang trí môi trường lớp học đem lại hiệu quả, công tác phối hợp với phụ huynh đóng một vai trò hết sức quan trọng. Qua những lúc đón trẻ, trả trẻ, những buổi họp phụ huynh tôi trao đổi với phụ huynh về tầm quan trọng của việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm, cho phụ huynh được quan sát, nhìn ngắm những bức tranh, những sản phẩm và những kĩ năng mà cô và trẻ đã làm được. Từ đó, phụ huynh sẽ nhận thức được ý nghĩa của việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm hỗ trợ cho việc trang trí của giáo viên để phục vụ cho mọi hoạt động của trẻ.
Ví dụ: Thông qua các giờ hoạt động thường ngày tôi mời phụ huynh tham gia tham quan, góp ý, bổ sung những kinh nghiệm trong trang trí môi trường. Giúp phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, thiết lập môi trường cho trẻ hoạt động và những vấn đề cần rèn luyện thêm cho trẻ. Vận động phụ huynh đóng góp một số nguyên vật liệu để trang trí môi trường lớp học đảm bảo tính thẩm mĩ, phong phú, thiết kế theo dạng mở cho trẻ dễ chơi và dễ sử dụng để đạt hiệu quả cao.
Trên đây là một số phương pháp, biện pháp tuy chưa thât đầy đủ sâu sắc nhưng bước đầu mang lại ý nghĩ như sau:
III. KẾT LUẬN
* ý nghĩa của đề tài Một số biện pháp trong việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi
Qua thực hiện việc trang trí môi trường lớp học cho trẻ hoạt động ở nhóm lớp, theo sự chỉ đạo của Phòng và của nhà trường trong năm học. Tôi đã gặt hái không ít kết quả và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân, tôi có thể khẳng định rằng yếu tố môi trường trang trí lớp học là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần quyết định đến sự phát triển đức, trí, thể, mỹ, lao độngvà hình thành nhân cách cho trẻ. Trẻ được sống, học tập, hoạt động, vui chơi trong môi trường giáo dục phù hợp, trẻ tích cực chủ động, hứng thú tham gia các hoạt động đặc biệt là hoạt động góc trẻ được chơi với các đồ chơi, được tìm tòi khàm phá giúp trẻ tự tin, nhanh nhẹn, thông minh, lĩnh hội các tri thức dễ dàng hơn, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện làm nền móng vững chắc cho trẻ học tiếp các năm tiếp theo.
Trong lớp trẻ tôi phụ trách có đến 97% số cháu phát triển tốt về tất cả các lĩnh vực. Phụ huynh đã tin tưởng vào cô giáo rất nhiều. Thông qua môi trường lớp học giúp bản thân tôi dễ dàng thực hiện tốt các hoạt động trong ngày của trẻ, có chất lượng hơn, thu hút sự chú ý của trẻ và trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động hơn đặc biệt là hoạt động góc. Cũng thông qua các hoạt động của trẻ mà nhân cách của trẻ được phát triển, trẻ biết yêu quý cái hay, cái đẹp, biết trân trọng dức tính tốt, làm phát triển đời sống tình cảm cho trẻ, giúp trẻ ngoan ngoãn hơn.
Nhờ sự chỉ đạo của phòng và của nhà trường trong việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm ở lớp, được sự giúp đỡ của chị em đồng nghiệp, cùng với sự cố gắng của bản thân trong năm qua tôi đã rút ra một số kinh nghiệm sau:
Yếu tố quyết định đến việc trang trí môi trường lớp học lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ hoạt động điều trước tiên phải được sự đồng tình ủng hộ và phối hợp của ngành, nhà trường, đoàn thể và phụ huynh học sinh dữ vai trò rất quan trọng. Cơ sở vật chất trường lớp, khang trang, sạch đẹp cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên. Một yếu tố quan trọng nữa đó là những kinh nghiệm của bản thân, sự nổ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân sự nhiệt tình trong việc trang trí môi trường lớp học, yêu nghề, mến trẻ của cô giáo. Sự tận tình của cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ đã tạo nên chất lượng chăm sóc, giáo dục cũng như trang trí môi trường lớp học được hoàn thiện.
Giáo viên phải nhiệt tình tìm tòi khám phá, tham khảo tài liệu vµ nắm chắc phương pháp tổ chức các hoạt động và tiêu chí, nguyên tắc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Không những thế, phải biết tích hợp sáng tạo môi trường lớp học vào trong tiết học. Sáng tạo làm nhiều đồ dùng, đồ chơi tự tạo đẹp, bảo đảm an toàn khi trẻ tiếp xúc, bảo đảm tính trực quan thẩm mỹ để giới thiệu các thủ pháp nghệ thuật để kích thích trẻ tham gia vào các hoạt động:
Môi trường lớp học là một trong những yếu tố giúp trẻ học tập thông qua các hoạt động hàng ngày của trẻ là một việc làm thiết thực nhất trong chương trình giáo dục mầm non đổi mới. Đồng thời đây là việc làm vô cùng quan trọng trong việc phát triển toàn diện về nhân cách cho trẻ vừa phát huy được tính tích cực sáng tạo của trẻ mà còn mang lại hiệu quả cao trong giáo dục trẻ. Vì vậy đòi hỏi cô giáo phải có sự sáng tạo khéo léo khi trang trí môi trường, phải có sự kiên trì rèn luyện giữa cô và trẻ thì sẽ đem lại kết quả cao.
Trên đây là toàn bộ đề tài sáng kiến kinh nghiệm, tôi xin giới thiệu để chị em đồng nghiệp cùng tham khảo và đóng góp thêm ý kiến để giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong việc trang trí môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Xin chân thành cảm ơn!

Video liên quan

Chủ Đề