Reasonable person test là gì

Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doingresearches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

TỔNG QUAN VỀ TORT TRONG PHÁP LUẬT HOA KỲ

ĐOÀN THỊ THÙY TRANG*

* ThS Luật học, Giảng viên Luật Kinh doanh, Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học FPT.

Bảo vệ tài sản, danh dự, nhân phẩm, tính mạng và sức khỏe của công dân là chức năng cơ bản của pháp luật mọi quốc gia. Theo chế định Tort của Hoa Kỳ, khi thiệt hại được chứng minh dù là nhỏ nhất, khi không có lời hứa, cam kết tạo thành hợp đồng và nghĩa vụ chứng minh vi phạm hợp đồng, khi tính chất vi phạm chưa đủ nghiêm trọng để bị trừng phạt như tội phạm, thì thiệt hại đó cũng là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại. Chế định Tort không chỉ giúp phòng ngừa sự vi phạm và đảm bảo bồi thường cho người gây thiệt hại, mà còn nâng cao ý thức pháp luật của mỗi người trong việc tuân theo pháp luật, thực hiện lợi ích của mình nhưng không xâm hại đến lợi ích của nhà nước, xã hội và người khác.

Bài viết này trình bày khái quát những vấn đề cơ bản nhất của pháp luật về Tort trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ: khái niệm, đặc điểm của Tort, các dạng cơ bản của Tort, các trường hợp miễn trách nhiệm.

1. Khái niệm Tort

Thuật ngữ Tort trong tiếng Pháp nghĩa là Sai.1 Vậy Tort Law- Pháp luật về Tort điều chỉnh những vấn đề về sự vi phạm mang tính chất dân sự [civil wrongs]: hành vi gây thiệt hại [wrongfull acts] là những hành vi gây tổn hại thân thể, tài sản, hoặc danh tiếng của người dân mà phải chịu trách nhiệm pháp lý về Tort - trách nhiệm dân sự.2 Vậy, Tort là dạng vi phạm trách nhiệm dân sự.

Căn cứ theo phạm vi điều chỉnh của Pháp luật về Tort, Tort đươc hiểu là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Pháp luật về Tort điều chỉnh về yếu tố cấu thành Tort hay căn cứ phát sinh trách nhiệm, phạm vi trách nhiệm, chế tài cho sự vi phạm và các trường hợp miễn trừ trách nhiệm.

2. Đặc điểm của Tort

Để khái quát được những đặc điểm của Tort, Tort cần được phân biệt với các chế định dễ bị nhầm lẫn như pháp luật về hình sự và pháp luật về hợp đồng.

Thứ nhất, Tort được phân biệt rõ ràng với pháp luật về hợp đồng [contract], cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Theo đó, quan hệ hợp đồng không là yếu tố để xác định trách nhiệm về Tort.

Làm thế nào để xác định giữa các bên có tồn tại quan hệ hợp đồng? Hình thức thể hiện của quan hệ hợp đồng là một trong yếu tố để nhận dạng. Hợp đồng trong hệ thống thông luật [common law] cũng được thể hiện dưới những hình thức rất thông dụng như hệ thống dân luật [civil law] là viết, bằng miệng hoặc bằng hành vi cụ thể, nhưng ngoài ra hình thức hợp đồng còn được thể hiện theo dạng rất khác biệt là quasicontract - được hiểu là dù hai bên không hề tồn tại quan hệ hợp đồng trước đó, thì trong một số trường hợp để ngăn ngừa việc được lợi không có căn cứ pháp luật [unjust enrichment] của một bên trong hợp đồng, luật sẽ công nhận rằng hai bên vẫn tồn tại quan hệ hợp đồng. Minh họa cho loại hợp đồng qua-si contract trong Luật Hoa Kỳ là vụ án Cotnam v. Wisdom, Ark. Sup. Ct., 83 Ark.601, 104 S.W.164

[1907]. Wisdom là bác sỹ thực hiện việc cứu chữa cho một người bị thương nặng trong tai nạn ô tô nhưng đã không thành công. Tòa án đã phán quyết rằng khi một người thực hiện dịch vụ chữa trị khẩn cấp cho người khác thì người này hoàn toàn có quyền được trả chi phí hợp lý cho việc cữu chữa này. Dù hai bên không tồn tại quan hệ hợp đồng chữa trị bệnh tật, nhưng khi một bên được hưởng lợi ích từ hành vi của bên kia thì sẽ không đảm bảo công bằng nếu không bồi thường cho bên đã thực hiện hành vi đó, vậy trong trường hợp đó, quan hệ hợp đồng đã tồn tại, dựa trên giá trị của lợi ích đã được hưởng bởi bên được lợi.3

Vậy, loại trừ những trách nhiệm pháp lý phát sinh từ quan hệ hợp đồng được nhận dạng theo hình thức nêu trên, thì trách nhiệm mang tính chất dân sự phát sinh từ hành vi gây thiệt hại là Tort.

Tuy nhiên, Tort và hợp đồng vẫn có điểm chồng chéo. Trong nhiều trường hợp của vi phạm dân sự, cả Tort và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng đều được viện dẫn. Ví dụ minh họa phổ biến cho sự chồng chéo là trách nhiệm về sản phẩm [Product liability] phát sinh từ sản phẩm khiếm khuyết [defective products] vì người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất theo hai cách đều được chấp nhận bởi tòa án4. Một là, người tiêu dùng có thể viện dẫn Tort, cụ thể là Business Tort- trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng trong kinh doanh với hai mức độ khác nhau là trách nhiệm nghiêm ngặt [strict liability] và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý [negligence]. Vậy trách nhiệm về sản phẩm của nhà sản xuất là một trong những trường hợp thuộc đối tượng điều chỉnh của Tort, không cần tính đến quan hệ hợp đồng - quan hệ mua bán giữa hai bên. Vậy, tại sao các nhà lập pháp Hoa Kỳ lại có sự sắp xếp như vậy? Điều này xuất phát từ tính privitycủa hợp đồng, theo đó các bên hợp đồng chỉ chịu trách nhiệm với bên có quan hệ hợp đồng với mình hoặc bên thứ ba liên quan tới hợp đồng, như vậy đồng nghĩa với việc loạvi trừ trách nhiệm với bất kỳ người nào khác5. Điều này là hết sức nguy hiểm trong trường hợp sản phẩm của nhà sản xuất đến tay người khác, chứ không phải người mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất mới bộc lộ khiếm khuyết, thậm chí gây nguy hiểm như cháy nổ bình gaHai là, người tiêu dùng cũng có thể kiện nhà sản xuất là đã vi phạm trách nhiệm bảo đảm về sản phẩm [breach of warranty], phát sinh từ quan hệ hợp đồng

- mua bán giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm được quy định bởi luật cho tất cả người bán [implied warranty] dù hai bên không thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc cũng có thể là trách nhiệm theo thỏa thuận rõ ràng cụ thể giữa hai bên [express warranty]. Vậy khách hàng với tư cách là người bị thiệt hại trong trường hợp trên có thể chọn lựa một trong hai cơ sở để khởi kiện: hoặc kiện nhà sản xuất do vi phạm trách nhiệm hợp đồng, cụ thể là trách nhiệm bảo đảm về sản phẩm hoặc kiện do vi phạm Tort, cụ thể là trách nhiệm nghiêm ngặt về sản phẩm

Thứ hai, Tort được phân biệt với pháp luật hình sự ở tính chất và mức độ hình sự của hành vi gây thiệt hại. Pháp luật hình sự điều chỉnh chủ yếu về tội phạm và hình phạt, phân biệt với các hành vi gây thiệt hại khác ở mức độ nguy hiểm cho xã hội và đối tượng bị xâm phạm. Pháp luật về Tort bảo vệ quan hệ tư giữa các bên để bảo đảm rằng bên bị thiệt hại phải được bồi thường, trong khi pháp luật về hình sự bảo vệ lợi ích của xã hội. Người có hành vi Tort chỉ xâm phạm đến lợi ích của cá nhân và việc bồi thường bằng tiền là đủ bảo đảm công bằng cho bên bị thiệt hại và đủ tính chất răn đe, ngăn ngừa sự người có hành vi gây thiệt hại. Nhưng, những điều trên lại không có ý nghĩa khi hành vi gây thiệt hại gây nguy điểm đến xã hội, khi mà yêu cầu ngăn chặn và trừng phạt là cấp thiết để bảo vệ xã hội.

Thêm vào đó, dạng phổ biến nhất của Tort là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý [neglience] nhưng hầu hết tội phạm đều đòi hỏi lỗi cố ý hoặc ít nhất là lỗi vô ý [recklessness]6.

Thứ ba, thông luật [common law] là hệ thống pháp luật quan trọng, với nguồn luật phổ biến là án lệ [precedent] của tòa án, nên nguồn của pháp luật về Tort chủ yếu từ các án lệ. Tòa án Hoa Kỳ có thẩm quyền áp dụng quyết định, giải thích các yếu tố để xác định trách nhiệm về Tort hay miễn trách nhiệm về Tort. Tòa án cũng có thể thay đổi các yếu tố này tùy thuộc vào hoàn cảnh vụ thể của vụ việc. Thậm chí, tòa án còn có thẩm quyền quyết định hình thức mới của Tort. Bên cạnh đó, luật thành văn về Tort cũng đã được ban hành trong những năm gần đây, nhưng về cơ bản chỉ điều chỉnh vấn đề thủ tố tụng và mức bồi thường thiệt hại7. Ngoài ra, luật thành văn vẫn để ngỏ vấn đề hết sức cơ bản, mang tính nguyên tắc về cấu thành Tort cho Tòa án quyết định giải thích khi xét xử. Mục đích của Tort là bảo đảm thiệt hại trong quan hệ tư được bồi thường, nên những tranh chấp về Tort rất phổ biến và thường xuyên trong xã hội. Những kiện tụng về Tort chiếm đa số vì tính không ràng buộc về một quan hệ hợp đồng hay một mức độ nghiêm trọng như hình sự để được bồi thường thiệt hại. Yếu tố phong phú, bất thường tạo nên sự khác nhau giữa vụ án này với vụ án khác, tranh chấp này với tranh chấp khác. Do vậy, việc Tòa án được trao quyền giải thích luật, áp dụng án lệ từ thực tiễn xét xử của tòa khi phán xử tranh chấp về Tort là hợp lý và hiệu quả.

Hệ thống luật thành văn về Tort chủ yếu là do luật của tiểu bang điều chỉnh. Việc điều chỉnh này cũng hết sức khác nhau do đặc trưng và chính sách của pháp luật tiểu bang. Nhưng các tiểu bang đều có quan điểm lập pháp giống nhau về trách nhiệm dân sự, là một trong vấn đề cốt lõi của thông luật. Hệ thống pháp luật liên bang tuy không trực tiếp quy định về Tort nhưng đã chỉ rõ những hành vi gây thiệt hại mang tính Tort để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ, trong đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng [Act on Consumer Protection] thì việc phân biệt đối xử với khách hàng có thể bị coi là vi phạm dân sự với chế tài là bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng8.

Thứ tư, chế tài trong Tort không chỉ là bồi thường thiệt hại bằng tiền mà còn là lệnh của tòa án buộc yêu cầu thực hiện một hành vi cụ thể hoặc không thực hiện một hành vi mang tính chất lâu dài hoặc tạm thời. Ví dụ trong trường hợp sử dụng trái phép tên, nhận dạng của người khác vì mục đích thương mại [misappropriation of the right to publicity], tòa án không chỉ cho phép bên bị thiệt hại được bồi thường thiệt hại về những lợi nhuận trái phép mà bên gây thiệt hại đã nhận được từ việc sử dụng bất hợp pháp, mà còn ban hành một lệnh cấm việc tiếp tục sử dụng đó. Đây là một trong những chế định trong Luật công bình của pháp luật Anh Quốc. Lệnh này được ban hành khi việc bồi thường bằng tiền không có ý nghĩa trong việc bảo đảm công lý.

Thứ năm, lỗi không phải là yếu tố quyết định có hay không có trách nhiệm về Tort [lỗi trong tort được chia thành cấp độ lỗi vô ý và cố ý sẽ được phân tích cụ thể theo dạng cơ bản của Tort]. Lỗi chỉ là yếu tố để xác định mức độ trách nhiệm về Tort và mức độ bồi thường thiệt hại. Trong nhiều trường hợp, người có hành vi gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm về Tort ngay cả khi không có lỗi. Và trong nhiều trường hợp, người có hành vi gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm về Tort ngay cả khi có lỗi.

3. Các dạng cơ bản của Tort

Như đã đề cập ở trên, lỗi không phải là yếu tố để xác định trách nhiệm về Tort, mà là yếu tố định dạng mức độ Tort khác nhau. Căn cứ theo mức độ lỗi, Tort tồn tại ở những dạng cơ bản như sau: cố ý [trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cố ý - intentional Tort]; không cố ý [trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng vô ý - negligence hoặc unintentional

3.1 Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cố ý [Intentional Tort]

Mục đích của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cố ý [TNDSNHĐCY]: là bảo vệ cá nhân khỏi sự động chạm vào cơ thể khi không có sự đồng ý. Thêm vào đó, TNDSNHĐCY còn bảo vệ danh tiếng và bí mật cá nhân [privacy]. Vi phạm vào những mục đích này là đối tượng điều chỉnh của VPDSNHĐCY.

Có 4 yếu tố để xác định TNDSNHĐCY:

[1] Cố ý gây ra hậu quả khi thực hiện hành vi [intent]; [2] Hành vi gây thiệt hại của người có hành vi gây thiệt hại [wrongful act]; [3] Quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra [causation]; [4] Thiệt hại. Các yếu tố trên liên hệ ràng buộc với nhau để cùng cấu thành TNDSNHĐCY. Thiếu một trong bốn yếu tố trên, TNDSNHĐCY sẽ không được đặt ra.

Yếu tố cố ý trong cấu thành của TNDSNHĐCY là người có hành vi gây thiệt hại ít nhất phải ý thức rằng thiệt hại về cơ bản chắc chắn sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi gây thiệt hại đó. Ý thức thể hiện ở việc tin rằng hậu quả từ hành vi gây thiệt hại về cơ bản sẽ xảy ra hoặc mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.9 Thiệt hại xảy phải là hậu quả cơ bản thuộc về bản chất, gây ra bởi hành vi gây thiệt hại, nằm trong ý định của người có hành vi gây thiệt hại. Việc chứng minh yếu tố cố ý này trước tòa là căn cứ theo tình huống hoàn cảnh cụ thể của hành vi gây thiệt hại. Ví dụ, một người cầm súng chĩa vào ai đó và bóp cò thì sẽ chịu TNDSNHĐCY vì khi thực hiện hành vi như vậy, luật mặc định người đó phải biết được hậu quả thương tích hoặc chết người có thể xảy ra và việc gây thương tích hoặc chết người là thuộc về bản chất của hậu quả gây ra hành vi bóp cò súng vào ai đó. Những biện hộ như tuy bóp cò nhưng hy vọng viên đạn sẽ không làm bị thương người bị chĩa súng là không được chấp nhận.

Yếu tố hành vi được hiểu là hành vi phải được thực hiện một cách tự nguyện[voluntary act]. Vậy hành vi không tự nguyện như bị trượt chân và va phải người khác không phải chịu TNDSNHĐCY. Nhưng hành vi được thực hiện một cách tự nguyện vẫn chưa đủ để cấu thành TNDSNHĐCY nếu không có mối liên hệ với yếu tố cố ý. Một người có vô số hành vi tự nguyện để duy trì sự sống, nhưng lẽ đương nhiên không phải hành vi tự nguyện nào cũng phải chịu TNDSNHĐCY, mà hành vi phải đặt trong mối liên hệ với yếu tố cố ý của hành vi, tức là hành vi tự nguyện đó phải phục vụ cho mục đích gây thiệt hại cho người bị thiệt hại [injured party] hoặc ý thức được rằng hành vi đó sẽ chắc chắn cơ bản sẽ gây ra hậu quả như vậy. Ví dụ, A bước khỏi xe buýt một cách cẩn thận và chậm rãi để bảo đảm rằng không bị ngã, nhưng do không nhìn thấy B đang đi tới vì đường đông nên A va phải B. Trong trường hợp này hành vi bước khỏi xe buýt một cách chậm rãi cẩn thận của A là hành vi tự nguyện nhưng hành vi này không có liên hệ với yếu tố cố ý va phải B để gây thiệt hại cho B, mà chỉ bảo vệ bản thân khỏi bị ngã. Vậy hành vi không tự nguyện như bị trượt chân và va phải người khác không phải chịu TNDSNHĐCY10.

Yếu tố thiệt hại được hiểu rằng phải là thiệt hại thực tế [actual damage]. Ví dụ, nếu A ném một hòn đá vào B, nhưng do tay A yếu, hòn đá không trúng B mà trúng vào C, người chịu thiệt hại thực tế ở đây là C chứ không phải B. TNDSNHĐCY của A đối với B, đã chuyển sang C. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại tinh thần nằm trong phạm vi bản chất của hậu quả gây ra bởi hành vi gây thiệt hại. Ví dụ, A giơ cao cái búa để đánh B, nhưng do B nhanh nhẹn, A không đánh trúng B, nhưng A vẫn phải chịu TNDSNHĐCY vì gây ra sự khiếp sợ về tinh thần rằng sẽ bị thương tích hoặc chết người khi thực hiện hành vi như vậy.

Yếu tố quan hệ nhân quả ở đây khẳng định hành vi gây thiệt hại phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Các dạng cơ bản của TNDSNHĐCY là:

- Tấn công [battery]: Việc động chạm không có sự đồng ý, trực tiếp hoặc gián tiếp vào cơ thể người khác mà gây ra những thiệt hại. Ví dụ: hất mũ của người khác ra ngoài, ném đá, bắn súng;

- Đe dọa [assault]: Hành vi đe dọa làm người khác khiếp sợ về một thiệt hại ngay lập tức xảy ra hoặc bất cứ hành vi nào gây ra nguy cơ thiệt hại. Thiệt hại này có thực tế xảy ra hay không là không cần thiết;

- Xâm phạm tài sản người khác [tresspass];

- Giữ người trái phép [false imprisonment]: Giữ hoặc ngăn cản người khi không được phép, không có thẩm quyền hoặc không có sự đồng ý của người bị thiệt hại;

- Sử dụng trái phép tên, nhận dạng của người khác vì mục đích thương mại [misappropriation of the right to publicity]. Trong trường hợp này, bên bị thiệt hại được bồi thường thiệt hại về những lợi nhuận trái phép mà bên gây thiệt hại đã nhận được từ việc sử dụng bất hợp pháp, thêm vào đó tòa ban hành một lệnh cấm việc tiếp tục sử dụng;

- Xâm phạm quyền bảo mật cá nhân [invasion of the right to privacy]: Đây là dạng vi phạm phổ biến trong xã hội ngày nay cùng với sự phát triển cùng với phương tiện truyền thông;

- Bôi nhọ, xuyên tạc về người khác [defamation of character]: Để chứng minh được sự vi phạm, bên bị thiệt hại cần chứng minh: [1] Bên gây thiệt hại đã thực hiện sự xuyên tạc, bôi nhọ này; [2] Sự việc này cố ý hoặc tình cờ biết đến bởi bên thứ ba.

- Bôi nhọ thương hiệu [trade libel hoặc product disparagement]: Là việc bôi nhọ về sản phẩm, dịch vụ, tài sản hoặc danh tiếng của đối thủ cạnh tranh. Để chứng minh được trách nhiệm này, bên bị thiệt hại phải chứng minh: [1] Bên gây thiệt hại đã thực hiện hành vi gây thiệt hại là bôi nhọ về danh tiếng, tài sản, dịch vụ, sản phẩm; [2] Việc công khai thông tin này đến bên thứ ba; [3]

Bên gây thiệt hại phải biết rằng đó là không đúng sự thật; và [4] Hành vi được thực hiện để làm bên kia bị thiệt hại.

- Lừa dối nhằm mục đích lấy được lợi ích về tài sản, tiền bạc và giá trị vật chất khác [fraud hoặc intentional misrepresentation]: Để chứng minh được dạng vi phạm này, bên bị thiệt hại cần chứng minh: [1] Người có hành vi lừa dối về thực tế, đặc tính tự nhiên;

[2] Người gây thiệt hại phải biết được sự lừa dối này và cố ý lừa dối bên ngay tình; [3] Bên ngay tình tin tưởng hoàn toàn vào sự lừa dối này; [4] Bên ngay tình bị thiệt hại. Ví dụ, nhà sản xuất quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại thì sẽ chịu trách nhiệm về hành vi này.

- Xâm phạm gây ra sợ hãi về tinh thần [intentional infliction of emotional distress hoặc tort of outrage]: Người có hành vi đặc biệt bất bình thường, kỳ quặc một cách cố ý hoặc vô ý gây nên sự sợ hãi nghiêm trọng về tinh thần cho người khác. Ví dụ, xấu hổ, làm nhục, tức giận, sợ hãi, lo lắng đều có thể cấu thành yếu tố nghiêm trọng trong sự sợ hãi về tinh thần.11

- Bị thiệt hại do việc kiện tụng bởi người khác [malicious prosecution]: Bị đơn khởi kiện lại nguyên đơn khi nguyên đơn thua kiện trong trường hợp thỏa mãn điều kiện:

[1] Bên nguyên đơn phải là người trực tiếp từng khởi kiện bên bị đơn; [2] Không có bất cứ nguyên nhân hợp lý nào cho việc kiện tụng đó [probable cause]; [3] Nguyên đơn khởi kiện để nhằm gây thiệt hại cho bị đơn ;

[4] Vụ kiện đó bị đình chỉ do bị đơn không vi phạm; [5] Bị đơn hiện tại bị thiệt hại do việc kiện tụng đó.

3.2. Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý [Negligence hoặc Unintentional tort]:

Có 4 yếu tố cấu thành trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý [TNDSNHĐKCY]: [1] Nghĩa vụ cẩn trọng [duty of care]; [2] Vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng [breach of duty of care]; [3] Thiệt hại xảy ra; [4] Quan hệ nhân quả giữa sự vi phạm và thiệt hại xảy ra [causation]. Thiếu một trong 4 yếu tố thì trách nhiệm này không tồn tại.

Về việc dịch thuật ngữ negligence, xin được làm rõ như sau: trong các yếu tố cấu thành nêu trên, yếu tố lỗi vô ý hay cố ý hay không có lỗi không được đặt ra một cách rõ ràng để xem xét có chịu trách nhiệm về negligence. Do đó, Negligence sẽ không chính xác nếu được dịch là Vi phạm trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng vô ý. Hơn nữa, một thuật ngữ khác tồn tại có ý nghĩa tương đương của thuật ngữ này là unintentional Tort12 đã chỉ ra ý nghĩa khá rõ ràng là không cố ý. Vậy, dù nội dung chi tiết của từng yếu tố cấu thành trên có thể hiện mức độ lỗi vô ý, nhưng để bảo đảm tính chính xác về ngữ nghĩa, thuật ngữ trên vẫn xin được dịch theo hướng không cố ý.

Nghĩa vụ cẩn trọng [duty of care] là một căn cứ để xem xét liệu người gây thiệt hại có mang nghĩa vụ đối với người bị thiệt hại mà theo đó sự vi phạm nghĩa vụ này và kết hợp với các yếu tố khác của TNDSNHĐKCY sẽ phải chịu trách nhiệm do TNDSNHĐKCY. Vậy, nếu người gây thiệt hại không mang mang nghĩa vụ trên mà gây thiệt hại thì không phải chịu TNDSNHĐKCY và ngược lại. Cuộc sống đa dạng với muôn vàn sự kiện và tình huống, nhưng có những tình huống và hoàn cảnh nhất định mà luật yêu cầu người bị đặt trong tình huống hoàn cảnh này không được gây ra những thiệt hại không hợp lý hoặc tạo ra những nguy cơ gây thiệt hại13. Vậy, làm thế nào để xác định trong tình huống nhất định, người tham gia có nghĩa vụ cẩn trọng? Pháp luật Hoa Kỳ đưa ra chế định về người hợp lý [reasonable person] sẽ được phân tích dưới đây. Việc xác định có hay không có một nghĩa vụ cẩn trọng cho bên gây thiệt hại là tiền đề để xác định tiếp yếu tố vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng. Vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng [breach or duty of care] là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ cẩn trọng mà một người hợp lý trong tình huống hoàn cảnh tương tự sẽ thực hiện trách nhiệm này.14 Vậy, tiêu chí để xác định có hay không có nghĩa vụ cẩn trọng, để từ đó xem xét có hay không có sự vi phạm trách nhiệm này, là người hợp lý [reasonable person]. Nguồn gốc của việc hình thành một con người như vậy là khắc phục tình trạng bồi thẩm đoàn khi quyết định mức thiệt hại lấy những tiêu chuẩn của bản thân hoàn toàn mang tính chủ quan để đánh giá, trong khi hoàn cảnh và trình độ bản thân nhiều khi rất khác biệt với hoàn cảnh và trình độ của người gây thiệt hại. Đây là con người tưởng tượng hư cấu, được mặc định là có sự phán đoán và kỹ năng trong những tình huống nhất định để làm tiêu chuẩn cho người khác trong tình huống tương tự sẽ phải có sự phán đoán và kỹ năng như con người hợp lý này15. Ví dụ, một đứa trẻ hoặc một người bị tật nguyện sẽ được so sánh với tiêu chuẩn của người hợp lý ở cùng độ tuổi hoặc cùng tình trạng thể chất như vậy. Tiêu chuẩn về người hợp lý này sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng trong hoạt động xét xử của bồi thẩm đoàn và thẩm phán. Bên cạnh tiêu chí về người hợp lý là tiêu chí mềm, thì còn tồn tại các tiêu chí cứng mà nếu vi phạm tiêu chí đó thì sẽ chịu TNDSNHĐKCY như vi phạm quy định của pháp luật [violation of regulatory statue] nhằm bảo đảm an toàn cộng đồng [public safety]. Ví dụ, người vượt đèn đỏ không cố ý là vi phạm luật giao thông16. Hoặc tiêu chí khác liên quan đền nghề nghiệp mang tính chất chuyên môn như: bác sỹ, kế toán, luật sư [negligence of professionals].17 Tiêu chí cho đối tượng này là người hợp lý có cùng chuyên môn được đào tạo đầy đủ và có kỹ năng tốt. Vậy, sự không cố ý ở đây có hướng tới mức độ lỗi vô ý hay không? Vi phạm trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý được hiểu là: việc không thực hiện hành vi mà người hợp lý sẽ làm, hoặc làm việc mà người cẩn trọng và hợp lý sẽ không làm18. Mặt khác, như những phân tích về tiêu chuẩn người hợp lý được phân tích ở trên, yếu tố nghĩa vụ cẩn trọng và vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng nhằm hướng tới hình thức lỗi vô ý. Do đó, thuật ngữ negligence dịch sang Tiếng Việt theo hai cách là vi phạm trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý hoặc vi phạm trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng vô ý đều được chấp nhận. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi xin được dùng cách dịch vi phạm trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng không cố ý cho negligence để bảo đảm tính xác thực với câu chữ của thuật ngữ. Quan hệ nhân quả [causation] là quan hệ trực tiếp và thực tế, cụ thể hơn hành vi phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại [proximate cause] và nguyên nhân thực tế của thiệt hại [actual cause hoặc cause in fact]. Để quyết định nguyên nhân thực tế, tòa án phải kết luận liệu thiệt hại hoặc thương tích của người bị thiệt hại sẽ không có nếu không có hành vi của người gây thiệt hại. Nếu yếu tố đó tồn tại thì hành vi của bên gây thiệt hại được coi là nguyên nhân thực tế của thiệt hại. Ngoài ra, phương pháp xác định yếu tố chủ yếu [substaintial factor] gây ra thiệt hại cũng là cách xác định nguyên nhân thực tế19. Nguyên nhân trực tiếp còn gọi là nguyên nhân thừa nhận bởi luật [legal cause]. Mục đích của việc xem xét các loại nguyên nhân nhằm xác định phạm vi trách nhiệm của người bị thiệt hại. Đó là chỉ những thiệt hại có thể nhìn thấy được [foreseeablity] tại thời điểm vi phạm mới được bồi thường bởi người bị thiệt hại. Ví dụ, một người để hộp đầy sơn ở phần đường dành cho người đi bộ, không đóng chặt nắp. Người đi đường va phải hộp này và do nắp thùng không chặt làm cho sơn bắn tung tóe lên người của người này, người đi bộ này phải về thay quần áo nên bị nhỡ tàu, nhỡ tàu nên anh ta bị nhỡ cuộc phỏng vấn tìm việc. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu thiệt hại về nhỡ chuyến tàu và lỡ mất cơ hội nghề nghiệp có là thiệt hại từ hành vi để thùng sơn ngoài đường không đậy nắp hay không? Câu trả lời sẽ là không vì hành vi này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những thiệt hại trên. Yếu tố thiệt hại [injury hoặc damge] là yếu tố bắt buộc trong việc cấu thành TNDSNHĐKCY. Thiệt hại có thể từ cuộc sống, tài sản, công việc của người bị xâm phạm. Mức độ thiệt hại được bồi thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc giảm trừ trách nhiệm cho bên gây thiệt hại do lỗi của người bị gây thiệt hại [comparative negligence]. Theo đó, nếu bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho chính mình thì bên bị thiệt hại sẽ được giảm đi khoản bồi thường theo mức độ lỗi tương ứng. Ví dụ điển hình minh họa là vụ án nổi tiếng liên quan đến Mc.Donald: Stelle Liebeck v.s McDonalds Restaurants, P.T.S., Inc. [New Mexico District Court, Bernalillo County, New Mexico, 1994]20. Theo đó, do Stella có lỗi trong việc mở nắp cốc café nóng khi đang lái xe làm cho café đổ lên người dẫn đến bị bỏng, nên Stella phải chịu 40% thiệt hại trong khoản bồi thường trị giá

200.0 USD từ McDonald. Vậy, McDonald chỉ phải bồi thường 160.000 USD. Vậy, một trong căn cứ để xác định mức độ thiệt hại là xem xét mức độ lỗi. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đây là điểm khác biệt với VPDSNHCY, cụ thể là mức độ lỗi của người bị thiệt hại cũng được xem xét để quyết định mức độ thiệt hại mà người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường

3.3. Trách nhiệm nghiêm ngặt [strict liability]

Trách nhiệm được đặt ra ngay cả khi không có lỗi, vậy kể cả người gây thiệt hại không có lỗi thì vẫn chịu trách nhiệm cho hành vi gây thiệt hại này. Trách nhiệm nghiêm ngặt có các dạng cơ bản là trách nhiệm về sản phẩm [product liability] và Hành vi nguy hiểm mang tính bất thường [abnormally dangerous activities].

Trách nhiệm về sản phẩm [product liability] là trách nhiệm đặt ra cho nhà sản xuất trong trường hợp sản phẩm nguy hiểm cho người tiều dùng và người xung quanh. Yếu tố nguy hiểm là thuộc tính của bản chất sản phẩm. Mục đích của trách nhiệm này nhằm thúc đẩy nhà sản xuất tạo ra sản phẩm tốt và an toàn hơn. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm gây tranh cãi do việc áp đặt trách nhiệm này lên nhà sản xuất sẽ làm hạn chế việc tìm tòi phát triển sản phẩm mới, vốn chứa đựng độ rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, việc nhà sản xuất rất cẩn thận để có sản phẩm đáp ứng trách nhiệm trên sẽ tăng chi phí cho nhà cung cấp, từ đó tăng chi phí cho người tiêu dùng bởi việc mua bảo hiểm và tăng giá của sản phẩm để bù cho những chi phí này.21

Hành vi nguy hiểm mang tính bất thường [abnormally dangerous activities]: Trách nhiệm này được áp dụng đầu tiên cho chủ của động vật nguy hiểm. Về sau, trách nhiệm này được mở rộng cho hành vi nguy hiểm. Để xác định trách nhiệm này, tòa án sẽ xem xét các yếu tố như: mức độ nguy rủi ro của thiệt hại [degree of risk of harm] - nguy cơ thiệt hại xảy ra là rất lớn, không có khả năng ngăn chặn rủi ro này kể cả thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng, hành vi đó không phải là hành vi thông thường, sự không phù hợp của hành vi với địa điểm diễn ra, mức độ rất nguy hiểm của bản chất hành vi là lớn hơn giá trị mà xã hội nhận được. Ví dụ như: bắn pháo hoa, phun khói để trừ sâu của dân địa phương là hành vi có thể phải chịu trách nhiệm nghiêm ngặt.

Vậy,việc phân loại Tort thành:TNDSNHĐCY [intentionaltort]; TNDSNHĐKCY[negligence] và trách nhiệm nghiêm ngặt [strict liability] là dựa trên mức độ lỗi. Nếu người gây thiệt hại cố ý thực hiện hành vi gây ra thiệt hại thì chịu TNDSNHĐCY, nếu người gây thiệt hại vô ý hoặc không cố ý thực hiện hành vi gây ra thiệt hại thì chịu TNDSNHĐKCY [negligence], và nếu không có lỗi trong việc gây thiệt hại mang tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm thì người gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm theo trách nhiệm nghiêm ngặt [strict liability]. Cần chú ý rằng, yếu tố không có lỗi trong tách nhiệm nghiêm ngặt mang lại lợi thế cho người bị thiệt hại vì họ không phải chứng minh người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý.

4. Miễn trách nhiệm về Tort [legal defense]

Không phải mọi trường hợp thỏa mãn yếu tố cấu thành của Tort là phải chịu trác nhiệm cho hành vi gây thiệt hại. Pháp luật Hoa Kỳ cũng thiết kế các trường hợp miễn trách nhiệm theo các dạng cơ bản của Tort.

Thứ nhất, TNDSNHĐCY được miễn trong các trường hợp:

- Có sự đồng ý của bên bị thiệt hại [consent]. Sự đồng ý này phải thỏa mãn điều kiện: đồng ý một cách rõ ràng, đồng ý thực tế [actual consent], không có các yếu tố như lừa dối, ép buộc vi phạm sự tự nguyện [mutual agreement]. Sự đồng ý này không tạo nên hợp đồng do không có yếu tố nghĩa vụ đối ứng [consideration], một trong yếu tố cấu thành hợp đồng có hiệu lực theo pháp luật Hoa Kỳ. Yếu tố này yêu cầu rằng hai bên khi giao kết hợp đồng thì đều phải nhận được lợi ích kinh tế từ hợp đồng. Chính lợi ích này là động lực cho việc giao kết hợp đồng. Hợp đồng là sự trao đổi lợi ích của hai bên, theo đó phải có lợi ích hợp pháp bị mất đi để đổi lấy lợi ích khác22. Do đó, các dạng thỏa thuận như món quà, vì quan hệ mang tính đạo đức, nghĩa vụ trong quá khứ thì không có yếu tố consideration. Xem xét một cách khách quan, sự đồng ý về nguy cơ thiệt hại của người bị thiệt hại không được coi là hợp đồng vì không những không có lợi ích mà người bị thiệt hại còn hứng chịu thiệt hại về tài sản, tính mạng và sức khỏe. Ví dụ cầu thủ tham gia trận bóng là đã chấp nhận thương tích gây ra bởi cầu thủ đối phương khi thực hiện hành vi đúng luật để bảo vệ cầu môn, nhưng điều đó chỉ được giới hạn trong thời gian thi đấu, thương tích gây ra sau khi kết thúc trận bóng vẫn sẽ phải bồi thường do người bị thiệt hại không bao giờ đồng ý thương tích sau khi trận đấu kết thúc. Vụ án Hackbart v. Cincinnati Bengals Inc., 601 F.2d 516 [10th Cir. 1979] là minh họa cho tình huống trên23.

- Sử dụng vũ lực trong phòng vệ bản thân [use force in self- defense]: Người gây thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm ngay cả khi gây ra thiệt hại hoặc thương tích nghiêm trọng, thậm chí chết người. Dạng miễn trách nhiệm này đòi hỏi điều kiện chặt chẽ như: hợp lý, chính đáng, thậm chí yêu cầu người có nguy cơ bị xâm phạm phải bỏ chạy trước nếu như an toàn để làm điều đó. Trong vụ án Silas v. Bowen, 227 F.Supp. 314 [D.S.C. 1967], bị đơn đã bắn vào chân nguyên đơn khi nguyên đơn có lời lẽ đe dọa bị đơn, Tòa đã ra phán quyết nghiêng về bị đơn dựa trên phòng vệ bản thân [self- defense]24.

- Trường hợp miễn trách nhiệm khác như: bảo vệ người khác [defend others] hoặc tình thế cấp thiết [defense of necessity] để bảo vệ lợi ích công cộng [public interest] cũng phải thỏa mãn điều kiện như bảo vệ chính bản thân mình25.

Cần lưu ý rằng dù việc vi phạm Tort để ngăn ngừa một thiệt hại lớn hơn cho tài sản hoặc con người thì người gây thiệt hại chỉ được miễn vi phạm về Tort tương ứng nhưng vẫn phải bồi thường cho bất cứ thiệt hại thực tế nào xảy ra. Vụ án Ploof v. Putnam, 71

A. 188 [Vt. 1908], là ví dụ minh họa theo đó, người chủ cảng phải bồi thường thiệt hại khi thả con thuyền, đang được buộc vào cảng để tránh bão. Lúc này người chủ cảng không phải chịu trách nhiệm do xâm phạm tài sản người khác [tresspass]- một loại TNDSNHĐCY, nhưng vẫn phải bồi thường cho thiệt hại thực tế xảy ra.26

Thứ hai, TNDSNHĐKCY được miễn trong các trường hợp:

- Tự nguyện chấp nhận những rủi ro hiển nhiên [assumption of risk]. Nếu người bị thiệt hại tự nguyện thực hiện tham gia hành vi của người bị thiệt hại khi biết rõ những

rủi ro và vẫn chấp nhận thực hiện thì người gây thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm. Ví dụ, người ngồi trên khán đài xem bóng chày chấp nhận rủi ro là có thể bị bóng bay vào người gây thương tích.

- Quyền miễn trừ [immunities]: Đó là quyền của một số tầng lớp trong xã hội theo chính sách nhà nước. Dạng phổ biến là miễn trừ vợ chồng, con cái và bố mẹ, miễn trừ cho Chính phủ. Quy định này xuất phát từ Hệ thống thông luật Anh Quốc.27 Năm 1946, Đạo luật về Tort của liên bang được thông qua vẫn bảo toàn việc miễn trừ cho Chính phủ. Bên cạnh đó, tòa án trong quá trình xét xử đã từ chối áp dụng các án lệ về miễn trừ giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái.

- Miễn trách nhiệm trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi [contributory negligence]. Đây là học thuyết được áp dụng vào năm 1809 về việc miễn trách nhiệm tuyệt đối cho người gây thiệt hại. Học thuyết này tạo nên sự tranh cãi vì không bảo đảm được công lý, nên vào năm 1935, học thuyết này được thay thế bằng Giảm trừ thiệt hại cho bên gây thiệt hại do lỗi của bên bị thiệt hại [comparative negligence] như đã phân tích ở trên.28

Qua sự phân tích trên, bài viết nhằm cung cấp những nội dung cơ bản nhất về Tort trong pháp luật Hoa Kỳ với các vấn đề như khái niệm, đặc điểm, các dạng cơ bản và các trường hợp miễn trách nhiệm. Nhắc đến pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật về Tort là phần không thể thiếu, bởi đây là chế định được xây dựng rất thành công và áp dụng hữu hiệu trong việc bảo vệ lợi ích tư trong quan hệ dân sự ngoài hợp đồng, từ đó nâng cao ý thức người dân trong việc tự bảo vệ mình bằng công cụ Tort và hạn chế bản thân trong việc gây thiệt hại cho người khác và xã hội. Vì vậy, pháp luật về Tort của Hoa Kỳ nên chăng là sự nguồn tham khảo hiệu quả cho việc hoàn thiện chế định mang tính tương tự như Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Việt Nam.

Chủ Đề