Những tác hại để lại khi mâu thuẫn học đường xảy ra Lớp 7

Những năm gần đây, BLHĐ trong học sinh ở Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội bởi sự gia tăng về số vụ, sự phức tạp hơn về các hình thức biểu hiện. Các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm truyền hình, báo in và báo điện tử, và các trang mạng xã hội khác, thời gian gần đây đã liên tục phản ánh nhiều vụ việc nghiêm trọng về BLHĐ trong học sinh phổ thông, bao gồm những vụ việc mang tính dã man xảy ra tại trường học và trước cổng trường, xuất phát từ những mâu thuẫn hoặc những mối quan hệ tâm lý tình cảm trong trường học, như học sinh bị đánh hội đồng, hoặc bị bạo lực bằng những hung khí gây nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu…

Nguyên nhân của BLHĐ trong học sinh

BLHĐ trong học sinh xuất phát từ những nguyên nhân rất đa dạng, bao gồm cả những nguyên nhân mang tính sinh học và xã hội.

Nguyên nhân mang tính xã hội của BLHĐ được ghi nhận ở mối liên hệ với sự phổ biến của các hành vi bạo lực trong cộng đồng/xã hội, sự phát triển của internet và các trang mạng xã hội, sự phổ biến của các trò chơi/game trực tuyến mang tính bạo lực, các phim ảnh, sách báo mang tính bạo lực…

Các nghiên cứu hiện có ở Việt Nam về BLHĐ cho thấy, những nguyên nhân phổ biến của BLHĐ thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, đặc biệt là mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm lãng mạn, mong muốn thể hiện cá nhân, ganh tỵ, khó chịu vì cách ăn mặc, kiểu tóc, cách nói chuyện, dáng đi/vẻ mặt của bạn cùng học. Đôi khi, bạo lực cũng xuất phát từ nguyên nhân do bị bắt nạt, bị nói xấu hoặc bị gây hấn rồi phản ứng lại bằng các hình thức bạo lực khác nhau. Bên cạnh đó, đáng lưu ý là những nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của nhóm bạn đồng trang lứa. Các nghiên cứu về nạn bắt nạt ở trường học đã cung cấp các bằng chứng cho thấy nguyên nhân của các hành vi BLHĐ xuất phát từ sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè, và không ít trường hợp đã dẫn đến những vụ học sinh đánh hội đồng rất dã man ngay trước cổng trường.

Bạo lực học đường gây nhiều hệ lụy xấu về thể chất và tinh thần của học sinh.

Các hình thức BLHĐ

Bạo lực thể chất: Các hành vi mang tính bạo lực thể chất/thể xác giữa học sinh với học sinh như đánh, đấm, đá, giật tóc, kéo rách quần/áo; hoặc đánh bằng các công cụ/đồ vật như roi, gậy, các vật cứng [bằng gỗ hoặc kim loại], ném đồ vật vào người, vào mặt... hoặc dùng dao, kéo, mã tấu, côn súng... để gây bạo lực hoặc dọa dẫm nạn nhân/bạn cùng trường/bạn đồng trang lứa.

Bạo lực tinh thần: Bao gồm sự lạm dụng về lời nói như dùng những lời nói châm chọc, giễu cợt, nguyền rủa, dùng từ ngữ cay nghiệt, lời nói thô tục, nói xấu/tung tin đồn nhảm…giữa các học sinh/bạn cùng học/đồng trang lứa với nhau trong môi trường học đường. Đôi khi dạng bạo lực tinh thần này còn được thể hiện bởi các hành vi như xúi giục hay cưỡng ép bạn bè thực hiện những hành vi khiến nạn nhân bị xấu hổ, nhục nhã, hoặc cưỡng ép thực hiện các hành vi lệch chuẩn. Những hành vi bạo lực này gây nên những tổn thương về mặt tinh thần cho nạn nhân/người bị bạo lực, gây nên sự lo lắng, bất an khi đến trường.

Nguyên nhân của các hành vi BLHĐ xuất phát từ sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè, và không ít trường hợp đã dẫn đến những vụ học sinh đánh hội đồng rất dã man ngay trước cổng trường.

Bạo lực tình dục: Bao gồm cưỡng hiếp và quấy rối tình dục [đụng chạm vào phần nhạy cảm trên cơ thể, cởi, kéo, giật váy/áo/quần, gạ gẫm quan hệ tình dục, cưỡng hiếp]... nạn nhân. Đây là hình thức bạo lực gây nên những tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với nạn nhân và vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm, nhân quyền của nạn nhân.

Bạo lực kinh tế: Bao gồm các hành vi trấn lột tiền hoặc đồ vật, phá hoại đồ đạc giữa các học sinh với nhau. Đây là hiện tượng khá phổ biến tại các trường học trên thế giới và ở Việt Nam và cũng là hình thức BLHĐ ít được quan tâm nghiên cứu hơn so với các hình thức bạo lực khác.

Bạo lực qua mạng/internet: Sử dụng các thiết bị điện thoại di động/internet, trang mạng xã hội để hăm dọa, nói xấu, dựng chuyện, phát tán các hình ảnh hoặc video nhằm tổn hại danh dự cá nhân của nạn nhân.

Nhiều hậu quả tiêu cực...

Nhiều kết quả của các nghiên cứu về BLHĐ chỉ ra rằng tất cả các hành vi bạo lực học đường đều để lại những hậu quả nhất định đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý: Nghiên cứu dưới góc độ tâm lý thấy rằng, bạo lực học đường ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ của các học sinh là nạn nhân. Nhìn chung, tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh là những trạng thái phổ biến mà hầu hết các em học sinh bị bạo lực đã phải trải qua. Các em học sinh là nạn nhân thường có những biểu hiện rối nhiễu hành vi, mất tự tin, lo sợ khi đến trường dẫn đến lầm lì, ít nói, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người… dẫn đến sức học giảm sút, ngại đến trường, thậm chí phát sinh các vấn đề về thần kinh. Có em trở nên trầm cảm, tự ti, lo sợ và có những trường hợp đã tìm đến cái chết để giải thoát chính mình.

Bản thân các học sinh là chủ thể của bạo lực cũng phải chịu những hậu quả tiêu cực do việc làm của mình gây ra về mặt sức khỏe, tâm lý, sự phát triển nhân cách và vấn đề học tập của các em. Bởi các học sinh gây bạo lực cũng sẽ trở thành đối tượng bị thù hằn và bị ghét bởi các nạn nhân cũng như của các bạn cùng học. Bên cạnh đó còn là nỗi lo lắng bị trả thù từ phía nạn nhân, gia đình và bạn bè của nạn nhân.

Ảnh hưởng tiêu cực đến học tập: Các em học sinh là nạn nhân của bạo lực thường có xu hướng không thể tập trung học, thậm chí các em còn không dám đến lớp, dẫn đến việc học hành chểnh mảng, kết quả học tập sút kém, phải thi lại, lưu ban…

Học sinh gây bạo lực cũng phải đối mặt với việc chịu kỷ luật của nhà trường có thể là đình chỉ học tập tạm thời hoặc bị đuổi học, ở mức độ nghiêm trọng hơn là phải chịu sự truy tố của pháp luật. Không những thế những học sinh gây bạo lực cũng có nguy cơ phải đối mặt với kết quả học tập không tốt bởi vì các em có đặc điểm là luôn nuôi dưỡng niềm tin về “sức mạnh” của mình dẫn đến không còn muốn học, thích sớm ra đời để chứng tỏ bản thân nên lơ là học tập và kết quả học tập sa sút.

Tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường.

Chưa có giải pháp thỏa đáng

Về mặt luật pháp, hiện ở Việt Nam chưa có bất cứ một quy phạm pháp luật nào về BLHĐ trong học sinh, mà mới chỉ có các quy định chung về bạo lực đối với trẻ em và được quy định ở Luật trẻ em. Cụ thể, theo Luật trẻ em 2016, tại Điều 4, Mục 6 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Do đó, để có một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề BLHĐ hiện nay chúng ta đang còn rất vướng mắc.

Vai trò của nhà trường đối với BLHĐ được đánh giá là rất quan trọng, vì các con đi học ở trường thời gian khá nhiều và sự tiếp xúc với nhau cũng là ở trường. Nhưng những biện pháp trong nhà trường nói chung còn rất hạn chế, chưa thể phòng tránh và xử lý tất cả các hành vi BLHĐ. Ví dụ khi có xảy ra BLHĐ, học sinh gây ra bạo lực chỉ bị đình chỉ học 1-2 ngày hoặc mời phụ huynh đến,hoặc viết bản kiểm điểm. Việc làm này khó giải quyết triệt để mà chỉ mang tính tạm thời, và vụ việc có thể lại tiếp tục diễn ra âm thầm.

Vì thế, về phía gia đình, cha mẹ cần chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng hỗ trợ con cái lứa tuổi trung học phổ thông vượt qua các khó khăn về tâm lý xã hội ở giai đoạn phát triển vị thành niên này. Cha mẹ cũng cần đầu tư nhiều thời gian hơn cho con cái, đặc biệt là thời gian chia sẻ, tâm sự với con cái lứa tuổi trung học để có thể biết về các khó khăn của con, đặc biệt là các nguy cơ bị BLHĐ hoặc nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các hành vi bạo lực của con đối với bạn cùng học, để từ đó có thể hỗ trợ con cái giải quyết các khó khăn, các xung đột với bạn đồng trang lứa.


Tại tọa đàm “Bạn trẻ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero", các chuyên gia và khách mời, đặc biệt là những học sinh đến từ trường THCS Nam Từ Liêm [Hà Nội] đã cùng thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ của các bạn trẻ trong trường học và trên môi trường mạng. Qua đó, các bạn trẻ đã được tư vấn, hỗ trợ trong cách phản ứng, xứ lý trước những tình huống mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.

Tọa đàm “Bạn trẻ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero"

Mâu thuẫn có thể nảy sinh từ nhiều nguyên nhân

Đối với các bạn trẻ, mâu thuẫn có thể nảy sinh từ rất nhiều nguyên nhân. Những mâu thuẫn nhỏ có thể được giải quyết nhanh chóng nhưng cũng có những sự việc nghiêm trọng, gây rạn nứt tình bạn, để lại tổn thương lâu dài.

Chia sẻ về các mâu thuẫn mình từng gặp phải, em Hồ Anh Tuấn [học sinh trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội] cho biết tuy chỉ có những mâu thuẫn nhỏ với bạn học trong việc học tập, sinh hoạt tập thể của lớp nhưng em cũng nhìn thấy những mâu thuẫn lớn hơn ở lứa tuổi học trò hiện nay.

Em Hồ Anh Tuấn, học sinh trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội

Cũng chia sẻ về vấn đề này, YouTuber - Vlogger Nguyễn Trung Anh - nhóm 1977 Vlog - đã kể lại trải nghiệm của bản thân về những mâu thuẫn với bạn bè và cả việc bị bắt nạt, bạo lực khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Khi chưa có nhiều kinh nghiệm sống, người trẻ có xu hướng hiếu thắng, đề cao góc nhìn của bản thân, tự cho mình là đúng từ đó dẫn đến cách hành xử thiếu phù hợp với những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa. Ngay cả khi mâu thuẫn đã được làm sáng tỏ, họ cũng cảm thấy khó khăn để nói lời xin lỗi. Các bạn trẻ đã quên “xin lỗi” hoàn toàn không phải là kém cỏi mà ngược lại chính là thể hiện tinh thần cởi mở, cầu thị và nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn”, anh Nguyễn Trung Anh chia sẻ.

Vlogger Nguyễn Trung Anh - 1977 Vlog

Như vậy, để biết cách xử lý mâu thuẫn hiệu quả, trước hết trẻ em, cha mẹ, thầy cô giáo và những người xung quanh cần có nhận thức đúng và đủ về nguyên nhân xảy ra.

Tọa đàm trực tuyến "Bạn trẻ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" do tổ chức World Vision Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững [MSD] tổ chức. Đây là sự kiện thứ hai trong chuỗi tọa đàm trực tuyến “Người bình dị phi thường” triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021 để truyền thông bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo chuyên gia tham vấn tâm lý Đỗ Thị Trang: “Mâu thuẫn có nhiều hình thái đa dạng. Chúng có thể bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ bé trong đời sống thường ngày và bị đẩy lên cao trào do các bên tham gia chưa có đủ thiện chí, kỹ năng kiềm chế cảm xúc và xử lý.

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của trẻ em khi chưa có đủ kinh nghiệm và định hướng hiệu quả để nhìn nhận vấn đề đang gặp phải một cách khách quan và hợp lý. Ngoài ra, việc thiếu kết nối với cha mẹ và những người xung quanh cũng khiến các em gặp nhiều khó khăn hơn vì phải tự mình đối mặt và xử lý mâu thuẫn”.

Bên cạnh đó, việc chưa được tiếp cận với cách hiểu đúng các khái niệm quan trọng trong đời sống cũng là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Cần giúp trẻ kỹ năng tự giải quyết và bảo vệ bản thân

“Mâu thuẫn bất kể trong trường học hay trên môi trường mạng đều để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng trong đời sống và quá trình trưởng thành của trẻ. Hậu quả nhẹ có thể là ám ảnh tâm lý, trầm cảm, sang chấn tâm lý hay nặng hơn sẽ gây những chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là tử vong”, chuyên gia tham vấn tâm lý Đỗ Thị Trang chia sẻ.

Chuyên gia tham vấn tâm lý Đỗ Thị Trang

Trong mọi hoàn cảnh, sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và những người xung quanh sẽ góp phần xây dựng cho trẻ một bộ khung ứng xử phù hợp. Từ đó, các em đối mặt và giải quyết các tình huống mâu thuẫn một cách tích cực hơn.

“Ví dụ, sự lắng nghe và không xét đoán của cha mẹ là yếu tố cần thiết giúp xây dựng lòng tin và kết nối các thành viên trong gia đình. Từ đó, thay vì việc giấu diếm và tự tìm cách giải quyết vấn đề, con trẻ có thể cởi mở, tin tưởng chia sẻ với cha mẹ, “gọi tên các cảm xúc” của mình, trao đổi những góc nhìn tích cực. Những chia sẻ này khiến việc xử lý mâu thuẫn diễn ra thuận lợi hơn”, thạc sĩ Đỗ Thị Trang giải thích.

Bên cạnh việc kết nối và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh, việc thấu hiểu bản thân, bao gồm tính cách, phong cách ứng xử song song với khả năng thấu cảm cùng người đối diện cũng góp phần hỗ trợ bạn trẻ tiếp cận các hình huống mâu thuẫn một cách ôn hòa, từ tốn và tích cực hơn.

“Người Việt Nam có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’. Câu nói này đặc biệt đúng trong thời đại mạng xã hội lên ngôi và việc bày tỏ quan điểm online đã trở nên quá phổ biến. Khi mọi thứ càng có vẻ dễ dàng thì mỗi người càng nên nhắc nhở và rèn luyện bản thân tính cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ.

Vlogger Nguyễn Việt Anh, nhóm 1977 Vlog

Một lời bạn nói hay chia sẻ trên mạng xã hội có thể là lưỡi dao gây tổn thương, kích thích thái độ, cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và đời sống của người khác. Ngược lại, sự chia sẻ cũng có thể là bàn tay đưa ra để nâng đỡ cuộc đời của một ai đó. Chính bạn là người quyết định để đưa ra lựa chọn phù hợp”, anh Nguyễn Việt Anh - thành viên nhóm 1977 Vlog phân tích.

Tiếng nói từ người trong cuộc

Cùng với những chia sẻ sâu sắc, sinh động của các chuyên gia và khách mời, sự tham gia của các đại diện trẻ em trong tọa đàm cũng để lại nhiều ấn tượng. Điều đó đã mang lại hy vọng về một thế hệ trẻ năng động, tư duy hiện đại, trưởng thành.

“Em cũng từng đối mặt với những bình luận không tích cực khi đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Ban đầu, điều này làm em buồn. Về sau, em học cách chỉ quan tâm đến những bình luận, tương tác với người yêu quý và xóa những bình luận tiêu cực. Nếu gặp các tình huống bắt nạt, bạo lực nghiêm trọng hơn, em sẽ kể lại với bố mẹ để được giúp đỡ”, em Phương Anh, học sinh trường THCS Nam Từ Liêm cho biết.

Em Vũ Phương Anh, học sinh trường THCS Nam Từ Liêm: "Đối mặt với những bình luận không tích cực, tình huống bắt nạt, bạo lực nghiêm trọng, em sẽ kể lại với bố mẹ để được giúp đỡ”

Cũng đến từ trường THCS Nam Từ Liêm, bạn trẻ Anh Tuấn đề xuất: “Bên cạnh những mặt tích cực, môi trường mạng cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ bạo lực đối với trẻ em. Việc cha mẹ và thầy cô giáo đồng hành hướng dẫn, hỗ trợ, trang bị cho chúng em các kỹ năng sử dụng Internet an toàn và văn minh, giúp phòng tránh các rủi ro không đáng có là điều thật sự cần thiết. Điều này giúp chúng em tự tin đưa ra các ứng xử phù hợp trong cuộc sống, từ đó xây dựng nhiều tình bạn đẹp và bền lâu”.

Khép lại chương trình, các diễn giả cùng thừa nhận mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, thường xảy ra trong cuộc sống với muôn hình vạn trạng. Chúng ta không nên coi những mâu thuẫn của trẻ em là “chuyện nhỏ", là “Zero" bởi những vấn đề này có thể ảnh hưởng tới đời sống, tâm lý và mối quan hệ.

Nếu các bạn trẻ đối diện với mâu thuẫn bằng sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau và mong muốn vun đắp mối quan hệ tích cực thì hoàn toàn có thể tìm ra cách để giải quyết. Khi đó, các bạn trẻ có thể là những “Hero" - người hùng để giúp chính bản thân và lan toả năng lượng tích cực tới mọi người.

Nằm trong chiến dịch “It Takes a World - Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, “Người bình dị phi thường” là sáng kiến khích lệ và thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội góp phần tạo môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương. Ở đó, mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện.

Video liên quan

Chủ Đề