Nhà ở công nhân trong khu công nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2. Trong 9 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 15 dự án với 3.858 căn, 192.900 m2. Được cấp phép đầu tư mới 6 tháng đầu năm 2021, 7 dự án với 3.341 căn, 167.050 m2.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Các địa phương hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các KCN

Nguyên nhân do hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân KCN. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị, chỉ bổ sung cơ chế ưu đãi đối với DN lo nhà ở cho công nhân thì được tính toán chi phí vào giá thành. Nhưng thực tế thì ưu đãi này cũng không đi vào cuộc sống do ít có doanh nghiệp [DN] tham gia lo nhà ở cho công nhân.

Mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân KCN nói riêng do Luật Nhà ở và các quy định khác có liên quan.

Cụ thể, quy định về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN đang có sự khác nhau giữa Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý KCN và khu kinh tế.

Mặt khác, quy định về lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở cho công nhân KCN hiện cũng còn bất cập. Theo đó, trường hợp bố trí quỹ đất cho nhà ở công nhân KCN ở ngoài KCN thì lựa chọn chủ đầu tư qua đấu giá, đấu thầu theo pháp luật đất đai, pháp luật đấu thầu; trường hợp bố trí quỹ đất trong KCN thì chỉ định chủ đầu tư theo pháp luật nhà ở.

Luật Nhà ở [Điểm d khoản 2 Điều 57] quy định nhà ở cho công nhân KCN sẽ chỉ định chủ đầu tư cho 1 trong 3 DN: DN kinh doanh hạ tầng KCN hoặc DN sản xuất trong KCN hoặc DN có chức năng kinh doanh bất động sản. Mặt khác theo quy định của Luật Nhà ở thì nếu có từ 02 DN đủ điều kiện trở lên đăng ký tham gia thì việc chỉ định cho DN nào cũng chưa được quy định. Bất cập này dẫn đến trong thời gian qua việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở công nhân KCN ở các địa phương còn lúng túng, kéo dài.

Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội [trong đó có công nhân KCN] vẫn còn thiếu. Từ sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở còn hạn chế. Đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020; các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội ko tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhà ở xã hội.

Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân....

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở dành cho công nhân KCN, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN.

Theo đó, các quy định ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân KCN mang tính thực chất để thu hút các DN tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân. Sửa đổi pháp luật Thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi này, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở. Bổ sung hình thức bán nhà cho DN hoặc cho DN trong KCN thuê để DN cho công nhân của mình thuê lại.

Đối với phần nhà ở xã hội cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội quy định chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; tuy nhiên trường hợp 2 năm liên tục không có đối tượng thuê thì báo cáo UBND cấp tỉnh để được bán hoặc thuê mua. Sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong KCN, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của KCN.

Trước mắt, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở phục vụ cho công nhân KCN thuận tiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về việc quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 29 quy định “trong KCN, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống”, đề nghị sửa đổi theo hướng: Trong KCN, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân KCN thuê. Tại khoản 1 Điều 12 quy định điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, đề nghị bổ sung thêm quy định: Trong quy hoạch KCN phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân KCN thuê có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác liên quan đối với nhà ở; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả KCN….

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính theo hướng rút gọn nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước, hạn chế lợi dụng chính sách. Nhà nước cần dành nguồn vốn nhất định để cho DN vay ưu đãi làm nhà ở để cho công nhân thuê.

Chủ Đề