Nguyễn văn minh hiệu trưởng đhsp hà nội năm 2024
"Con người trong mọi hoàn cảnh đều phải có ý chí, phải dám vươn lên. Khi nỗ lực làm việc thì may mắn mới đến, không có may mắn nào đến trước nỗ lực cả", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh chia sẻ với sinh viên tại Chương trình ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức Chương trình ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn. Tại chương trình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đây là lần cuối cùng ông phát biểu với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường. Thế nhưng, khi căn dặn, gửi gắm thông điệp đến những học trò của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh lại bày tỏ mong muốn được chia sẻ với tư cách từng là một học sinh, sinh viên đã đi qua quãng đời đầy chông gai để trưởng thành. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh tâm sự, ông không nhớ đã học bao nhiêu trường tiểu học vì thời điểm đó đất nước còn chiến tranh, gia đình phải đi từ chỗ này đến chỗ khác. Có những lúc ông lạc lõng giữa bạn bè, tưởng chừng bị phân biệt và phải mất đến hàng năm trời mới có thể hòa nhập được cuộc sống bình thường với tất cả bạn bè. Khi học hết trung học cơ sở, ông khao khát được đi học tiếp lên trung học phổ thông. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh kể, cách nhà ông khoảng 10km có một trường vừa làm vừa học, nếu đến đấy học thì sẽ được nuôi cơm. Thế nhưng, may mắn không đến với ông vì trường yêu cầu học sinh phải đủ 16 tuổi, khi đó ông mới 15 tuổi và không được nhận vào học, bắt buộc phải về học tại một trường phổ thông cách nhà hơn 22km. Sinh viên tham dự Chương trình ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. "Lúc rời nhà đi học, tôi bơ vơ không biết gì, thị trấn đối với tôi xa lạ, không người thân quen, không bạn bè, không có phương tiện đi lại. Tôi lang thang tìm một nhà trọ nhưng may mắn người ta cho ở nhưng không lấy tiền. Sau một tháng, tôi bỏ học bởi vì không đủ gạo, không đủ tiền, không có phương tiện đi lại. Trở về nhà, tôi cảm giác bơ vơ, thèm đi học. Có lẽ lúc đấy sự liều lĩnh của con người mới diễn ra. Quê tôi là vùng chiến tranh, tôi đã vào các đồn bốt cũ cắt kẽm gai và bán để kiếm tiền. Sau khi có một ít tiền, tôi trở lại trường phổ thông. Tôi cứ nghĩ nhà trường sẽ đuổi bởi vì tôi bỏ học lâu nhưng không hiểu tại sao thầy cô không đuổi mà còn hướng dẫn cho tôi học. Và đó chính là lý do về sau tôi quyết định học Sư phạm và trở thành thành thầy giáo", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh nhớ lại. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh kể, thời trung học phổ thông, mỗi tuần, ông đi bộ từ trường trở về nhà 22 km vào trưa thứ Bảy và ngày Chủ nhật, đi học cũng là quãng đường đó, tuần nào cũng giống tuần nào. "Để kiếm tiền quay trở lại trường học, ngày Chủ nhật, tôi phải vào rừng lấy củi bán, kịp cho tuần sau tiếp tục đi học. Tôi chỉ có 2 bộ áo quần, một cái áo sờn và một cái quần thì vá nhằng nhịt nên mỗi lần chào cờ, tôi đều tự tìm cách đứng cuối hàng. Ba năm học phổ thông, tôi không dám nhìn lại, nhưng tôi thầm cảm ơn những ngày tháng đó vì đã giúp mình trưởng thành hơn", ông chia sẻ. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh cho rằng, con người trong mọi hoàn cảnh đều phải có ý chí, phải dám vươn lên. Khi nỗ lực làm việc thì may mắn mới đến, không có may mắn nào đến trước nỗ lực. Ông cho hay: "Trong hội trường này, mỗi sinh viên là một hoàn cảnh, mỗi em đều vươn lên từ nội lực của chính mình, dám vượt qua số phận và dám tự định đoạt số phận của mình. Đó là điều tuyệt vời nhất. Hôm nay, có 16 sinh viên được nhận hỗ trợ từ quỹ, trong đó, có nhiều em chia sẻ mong muốn được trở về với khát khao cháy bỏng là làm thay đổi nơi mình đang sống nhọc nhằn. Đây là điều nhà trường cũng như mọi người cảm phục ở các em". Gửi lời nhắn nhủ đến các sinh viên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh mong các em là người gieo mầm những điều tử tế. Ông hy vọng, sinh viên của mình sẽ là những người nỗ lực, những người căng tràn sức sống, có đam mê và dám hành động. Tại chương trình, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trao những suất hỗ trợ từ Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của trường cho 16 sinh viên dân tộc thiểu số. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao tặng các suất hỗ trợ cho sinh viên. Ảnh: Xuân Quý Là một trong số những sinh viên được nhận hỗ trợ, Xồng Vi Va - sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Là những sinh viên dân tộc thiểu số, được sinh ra và lớn lên ở những vùng khó khăn của đất nước, chúng em hiểu rõ hơn ai hết những thiếu thốn và khó khăn của các em nhỏ ở quê hương mình. Chính vì vậy, chúng em nung nấu ước mơ sau khi tốt nghiệp sẽ quay về quê hương mình với mong muốn trở thành giáo viên đứng trên bục giảng, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm học tập của mình tới các em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích cao hơn nữa, không phụ lòng tin của quỹ, của nhà trường đã hy vọng vào chúng em". |