Nghệ thuật kiến trúc thời nhà Nguyễn

Việt Nam được đánh giá là một trong những đất nước sở hữu nền kho tàng văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú với những nét đặc trưng riêng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Với bề dày lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ hàng nghìn năm, chính vì văn hóa Việt Nam có sự độc đáo từ kiến trúc, văn học, nghệ thuật. Trong đó, triều Nguyễn là thời đại rất hưng thịnh về văn hóa. Hãy cùng tìm hiểu xem văn hóa triều Nguyễn có gì đặc sắc và thú vị nhé.

1. Văn hóa kiến trúc

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự độc đáo và ấn tượng cho văn hóa triều Nguyễn đó chính là kiến trúc. Có thể nói rằng, những tòa thành thời Nguyễn đều có sự pha trộn hài hòa của kiến trúc truyền thống phương Đông. Những nhà kiến trúc thời Nguyễn đã để lại những công trình độc đáo có tỷ lệ tuyệt đẹp, khiến người xem bị mê hoặc như Khuê Văn Các, Hiển Lâm Các, Lầu Minh Lâu, Ngọ Môn. Kiến trúc nhà Nguyễn được đánh giá là đẹp, tinh xảo, trật tự logic mà vẫn toát lên vẻ sinh động, nghệ thuật phong thủy trong kiến trúc cũng đạt đến đỉnh cao. Bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son thì triều Nguyễn còn để lại hàng trăm ngôi chùa trang nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu, u tịch.

2. Văn hóa ẩm thực

Có thể thể nói rằng, ẩm thực là một trong những nét thu hút, khiến nhiều người thích thú của văn hóa triều Nguyễn. Chuyện ăn uống của các vua chúa trong Cung đình Huế xưa nổi tiếng là cầu kì từ việc chọn lựa nguyên liệu đặc sản của từng vùng miền để tiến cung cho đến việc chế biến công phu, trang trí đẹp mắt và thuận y lý.

Bữa cơm dâng vua không chỉ trình bày tỉ mỉ, màu sắc hài hòa, thanh nhã mà phải chăm chút từng món ăn sao cho phù hợp, món này không được kiêng kỵ món kia và phải biết kết hợp giữa các loại thực phẩm và gia vị hết sức tinh tế của nóng và lạnh của sự cân bằng âm và dương. Có một số món ăn vô cùng bổ dưỡng của vua chúa ngày xưa thường được dùng trong những buổi yến tiệc có thể kể đến như chè yến sào hạt sen, vi cá xào rối, chả phụng.

3. Văn hóa trang phục

Bên cạnh những yếu tố về kiến trúc, ẩm thực thì trang phục cũng là một nét nổi bật, thu hút được ấn tượng mạnh mẽ với nhiều du khách thập phương. Mỗi một triều đại đi qua đều để lại những dấu ấn riêng biệt về phong cách, đặc điểm trang phục cung đình và hoàng gia triều Nguyễn cũng vậy. Những bộ trang phục trong văn hóa triều Nguyễn không chỉ được may một cách tỉ mỉ, khéo léo mà còn đòi hỏi khắt khe về chất liệu, họa tiết.

Trang phục của các thành viên trong Hoàng tộc đều được may từ loại vải cao cấp như gấm, vải lụa. Áo và mũ vua, hoàng hậu đều được thêu hình rồng có dáng vẻ uy nghi hay đoàn phượng uốn lượn trong hình tròn. Bên cạnh đó, còn có họa tiết là chữ Hán và có sự khác biệt trong từng loại trang phục. Với áo vua, các chữ Phúc,Lộc, Thọ được thêu nổi, to, rõ theo lối chữ triện, được nạm trân châu hay thêu kim tuyến. Đối với phụ nữ, các chữ này được thêu nhỏ hơn và dệt chim trên mặt vải.

Triều Nguyễn là một trong những thời đại có sự hưng thịnh không chỉ về kinh tế, giáo dục mà còn đạt đến đỉnh cao về văn hóa. Các công trình kiến trúc, ẩm thực hay trang phục thời nhà Nguyễn đều có sự độc đáo, phong phú và mang những nét riêng biệt. Hy vọng những thông tin được cung cấp trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về văn hóa triều Nguyễn nhé.

Tác giả bài viết: NGUYỄN NGỌC KHIẾU
ĐỒNG THÀNH LUÂN
[Ban Nghiên cứu và biên soạn Lịch sử tỉnh Thanh Hoá]

     Trong dòng chảy lịch sử, nhà Nguyễn kể từ Gia Long – Nguyễn Ánh – người dựng nên đế nghiệp cho triều Nguyễn từ năm 1802 đến Bảo Đại – người tự nguyện thoái vị năm 1945, tất cả 13 đời vua tồn tại 143 năm, đã để lại trên đất nước ta một kho tàng văn hoá hết sức quí giá rất đáng tự hào.

     Thanh Hóa, miền đất cội nguồn gốc rễ của vua nhà Nguyễn đã chứng kiến thời kỳ phát triển sôi động của những công trình kiến trúc xuất hiện dưới dạng đình, đền, chùa, miếu, phủ, thành lũy… Hai thế kỷ đã trôi qua với bao biến động lịch sử, nhiều công trình kiến trúc đã bị huỷ hoại hoặc xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ bị phá huỷ hoàn toàn. Song, những gì còn lại hôm nay là bằng cứ lịch sử nói lên niềm tự hào về di sản văn hoá vật chất của một thời kỳ lịch sử.

     Ở bài viết này, chỉ xin được giới thiệu khái quát về các loại hình di tích trên.

Di tích đền, nghè, miếu phủ

     Người Thanh Hóa có đời sống tâm linh rất đa dạng, trước năm 1945, đâu đâu cũng thấy đền đài, miếu mạo, chùa chiền. Theo cuốn sách “Thanh Hóa chư thần lục” biên soạn năm Thành Thái thứ 15 [1903]: cả tỉnh Thanh Hóa có gần 1000 cơ sở thờ tự, tôn thờ 943 vị thần, trong đó có 770 Dương thần [thần nam] và 173 Âm vị [thần nữ]. Mỗi một làng thường thờ một vị thần, có làng thờ 3 đến 5 vị thần.

     Những vị thần được nhân dân Thanh Hóa tôn thờ là những nhân vật xã hội từ Hoàng đế, Hoàng hậu, công chúa, văn thần võ tướng có những đóng góp lớn cho đất nước, cho làng xóm, có những vị thần là người dân bình thường có công khai thiên lập địa hoặc do hào khí anh linh hay chết vào giờ thiêng được nhân dân tôn vinh và thờ cúng. Dân còn lập đền, nghè, miếu phủ để thờ phụng các vị thiên thần, nhiên thần… Đền miếu thờ phụng các vị thần đó chính là các di tích lịch sử văn hóa muộn trước thời chúng ta, chính là những công trình kiến trúc thời Nguyễn.

     Dưới thời các vua nhà Nguyễn, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng với qui mô hoành tráng. Một trong những công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu được xây dựng từ buổi đầu của vương triều Nguyễn, đó là lăng miếu Triệu Tường ở làng Gia Miêu – huyện Tống Sơn – nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

     Trong bộn bề công việc của một vương triều mới được thành lập, với tình cảm sâu nặng về nơi cội nguồn gốc rễ – nơi phát tích của triều đại mình là làng Gia Miêu Ngoại trang và huyện Tống Sơn, cùng với việc vinh phong cho Gia Miêu Ngoại trang là đất Quý hương [đất cao quý] và huyện Tống Sơn làm Quý huyện, vua Gia Long đã cho xây dựng trên quê hương một khu điện miếu để thờ tự các vị tiên vương có công khai mở ra triều đại mình, gọi là Miếu Triệu Tường.

     Về qui mô kiến trúc, miếu Triệu Tường bao gồm nhiều ngôi đền, miếu có thành bao bọc chiếm một vùng rộng lớn. Chu vi thành Triệu Tường 182 trượng, bao quanh thành có hào nước, có cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc. Bức lũy ngoài xây năm Minh Mệnh thứ 16 [1835], có 4 cửa trổ theo bốn phương. Ở cửa Nam có một vọng lâu. Lũy trong được xây dựng năm 1834, có ba cửa Đông – Tây – Nam. Cửa Nam có một cổng Tam quan và phía sau có hồ bán nguyệt. Phạm vi lũy trong được chia làm ba khu vực: khu vực chính giữa là Nguyên Miếu [miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng]; khu vực bên Đông là miếu Trừng Quốc Công [Nguyễn Văn Lựu]. Khu vực phía tây Nguyên miếu là trại lính và nhà ở của gia nhân và các quan coi lăng.

     Nguyên miếu được xây dựng năm Gia Long thứ 2 [1803], ngoảnh mặt về phía Nam, gồm 2 tòa nhà bố cục kiểu chữ “Nhị” [=], gọi là miếu chính và miếu trước. Mỗi tòa nhà đều có 3 gian 2 chái. Gian thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế [Nguyễn Kim], gian bên tả thờ Thái Tổ Gia dụ Hoàng đế [Nguyễn Hoàng]. Vua Gia Long cho xây dựng hệ thống đền miếu này ngoài ý nghĩa là nơi thờ tự và ghi nhớ công ơn tổ tiên nhà Nguyễn, còn là một tặng vật quê hương. Rất đáng tiếc khu di tích này bị hủy hoại hoàn toàn vào năm 1975, hiện chỉ còn là phế tích.

     Với tâm niệm “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điểm của triều đình”, vào năm Gia Long thứ 4 [1805], nhà Nguyễn cho xây dựng ngôi đền thờ các Vua và Hoàng hậu triều Hậu Lê ở làng Kiều Đại, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Đông Vệ – thành phố Thanh Hóa – cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía Nam.

     Ngôi đền được xây dựng trên phần đất của điện Chiêu Hoà, vốn là điện thờ Tuyên từ Nhân ý chiêu túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh [vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Nhân Tông] đã bị đổ nát. Kiến trúc đền Lê được xây dựng trên cơ sở của hai miếu được lập ra dưới triều Lê. Một miếu ở Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên [Xuân Lam – Thọ Xuân], một miếu ở Thăng Long [Hà Nội] gọi là điện Hoàng Đức, hai miếu này dưới thời Tây Sơn bị tàn phá, vua Gia Long mới cho dời về dựng ở Bố Vệ và được đổi tên là Miếu Bố Vệ [nay gọi là Thái miếu nhà Lê].

     Về qui mô kiến trúc: gồm tiền đường [7 gian], chính tầm [7 gian] bố cục kiểu chữ “Nhị” [=], bái đường, bình phong theo kiểu cuốn thư, hai dãy nhà tả vu và hữu vu, mỗi nhà 5 gian. Ngoài cùng là Nghinh môn, kiến trúc gỗ 3 gian, lợp ngói mũi hài. Các vì kèo nhà tiền đường và chính tẩm được kết cấu theo lối chồng ai. Trải qua các triều đại phong kiến đã sửa chữa nhiều lần, đến cuối thế kỷ XVIII do binh hỏa tất cả đều hư hỏng, sang thời Nguyễn mới được tu sửa lại.

     Đền thờ Lê Hoàn ở làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân tuy còn giữ được 2 tấm bia đá dựng vào các năm Hoàng Định 2 [1602] và năm Vĩnh Tộ 8 [1626], 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh ở thế kỷ XVIII, 9 đạo sắc phong của nhà Lê và 5 đạo sắc phong nhà Nguyễn… Song, về kiến trúc cơ bản đã được dựng lại ở thời Nguyễn.

     Bên cạnh đền thờ các anh hùng dân tộc, Thanh Hóa là quê hương chúa Trịnh [xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc] còn có Nghè Vẹt vốn 25 gian, nay còn 14 gian và Phủ Trịnh 7 gian. Về kiến trúc có thể được dựng ở đầu thời Nguyễn, khi Gia Long có sắc chỉ xoá bỏ hận thù Trịnh – Nguyễn và cho con cháu họ Trịnh về quê phụng thờ tổ tiên. Trong Nghè bài trí nhiều con vẹt gỗ cao hơn 2m được chạm tỉa rất cẩn thận với những họa tiết hoa văn thế kỷ XVII, do mang ở Thăng Long về. Phủ Trịnh là dãy nhà khá dài, nhưng chỉ cao chừng 5m, cấu trúc theo kiểu nhà rường chắc chắn, nhưng đơn giản, các vì kèo theo lối kẻ chuyền, mỗi vì có 4 cột. Các bộ phận kiến trúc đã đơn giản, lại không trang trí, rất gần với nhà dân.

     Công trình kiến trúc tôn giáo ở Thanh Hóa được dựng vào thời Nguyễn còn có đền, phủ thờ Mẫu. Thanh Hóa được ghi nhận là quê hương thứ hai của đạo Mẫu sau Phủ Giầy. Đạo Mẫu phát triển mạnh mẽ và rộng rãi có ảnh hưởng khắp xứ Thanh, nhất là từ đầu thế kỷ XX. Ngoài đền Sòng, đền Phố Cát còn có nhiều đền, phủ thờ Mẫu được nhiều nơi biết đến như đền Cô Chín [Bỉm Sơn], đền Cô Bơ [tức cô Ba Thoải ở Ngã Ba Bông], Phủ Na [Như Xuân], Phủ Nưa [Triệu Sơn], Phủ Thanh Lâm, Phủ Vặng [Thành phố Thanh Hóa]… Hầu hết các đền, phủ thờ Mẫu có qui mô và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trong tỉnh đều bị phá hủy chỉ còn lại nền móng và một số đồ thờ. Từ những năm 1990 trở lại đây, dựa trên nền móng cũ của những ngôi đền, phủ thờ Mẫu mới được phục hồi, diện mạo di tích ngày một khang trang hơn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân về đời sống tâm linh.

Di tích chùa

     Dưới thời Nguyễn, ngoài việc tu sửa những ngôi chùa cổ, ở Thanh Hóa còn xuất hiện nhiều ngôi chùa mới ở trong các làng xã. Trong đó nổi tiếng như chùa Thanh Hà, chùa Hội Quản [Thành phố Thanh Hóa], chùa Tiên [Nga Sơn], chùa Bái Thượng [Thọ Xuân], chùa Đót Tiên [Tĩnh Gia]…

     Bố cục một ngôi chùa gồm các công trình sau: chùa chính thờ Phật, nhà thờ [hoặc Phủ] Mẫu, nhà Tổ, nhà thờ Phật Địa tạng [nhà trai] thời các thân nhân Phật tử đã chết gửi ảnh thờ tại chùa. Ngoài ra còn có Tam quan, nhà bia, vườn tháp, hồ cảnh, nhà khách và khuôn viên cây xanh rộng rãi thoáng đãng.

     Trong chùa bài trí hệ thống tượng pháp. Tùy theo tính chất, vị trí sắp đặt được tuân thủ theo các qui định của Phật giáo. Nhìn chung các ngôi chùa ở Thanh Hóa đa số được xây dựng trong vòng 100 năm trở lại đây. Trải qua thời gian với thời tiết nhiệt đới khắc nghiệt và qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ nên đã hư hỏng nhiều. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều ngôi chùa được trùng tu tôn tạo, xây thêm các hạng mục mới nên về nội dung và hình thức ngôi chùa được cải thiện rất nhiều. Tính đến năm 2007, cả tỉnh Thanh Hóa có 98 ngôi chùa. Trong đó, nhiều ngôi chùa đã được xếp hạng cấp quốc gia như chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh [Hậu Lộc], chùa Mật Đa [Thành phố Thanh Hóa], chùa Đót Tiên [Tĩnh Gia], chùa Hưng Phúc [Quảng Xương] và nhiều ngôi chùa đã được xếp hạng cấp tỉnh.

Di tích đình làng

     Đình làng ở Thanh Hóa chiếm một số lượng tương đối lớn trong các thể loại kiến trúc gỗ truyền thống còn lại đến ngày nay. Trước năm 1945, hầu như gần hết các làng cổ ở Thanh Hóa đều có đình làng. Qua hai cuộc kháng chiến cứu quốc, nhiều công trình kiến trúc đình làng bị tháo dỡ lấy đi vật liệu làm trường học, trạm xá. Số còn lại không phát huy được theo đúng chức năng của nó là nơi tôn tờ thành hoàng linh thiêng, còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân trong làng – xã. Theo số liệu điều tra khảo sát các đình làng tiêu biểu năm 2007, cả tỉnh chỉ còn 170 ngôi đình. Trong đó, các địa phương có số lượng đình làng nhiều nhất là các huyện Hà Trung, Yên Định, Thiệu Hoá, Đông Sơn, Thiệu Sơn… Hầu hết các đình làng có niên đại xây dựng hoặc tu sửa từ thế kỷ XIX đến những năm nửa đầu thế kỷ XX. Số đình làng có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII còn lại quá ít ỏi, có chăng chỉ là rơi rớt lại trong một số mảng điêu khắc gỗ mà thôi.

     Trong số ngôi đình thời Nguyễn, ngôi đình có niên đại xây dựng sớm nhất là đình Gia Miêu [Hà Long – Hà Trung] xây dựng năm 1806, đình Động Bồng [Hà Tiến – Hà Trung] dựng năm 1811… Ngôi đình có niên đại muộn hơn như đình Trinh Điện [Định Hải – Yên Định] dựng năm Khải Định thứ 2 [1917].

     Qui mô đình làng ở Thanh Hóa tương tự nhau về kích thước và mức độ gia công kỹ thuật, trang trí kiến trúc phản ánh một thực trạng về bức tranh kinh tế, văn hóa của làng quê nông nghiệp thời Nguyễn.

     Về bố cục kiến trúc bao gồm nhiều kiểu khác nhau: kiểu chữ “Nhất” [-], chữ “Nhị” [=], chữ “Đinh” [J]. Đặc biệt, nhóm đình làng có kiến trúc bốn mặt kiểu như Phương đình như đình Tam Lạc [Triệu Sơn], đình Tào Trụ [Hoằng Hóa], Phương Chính đình [Đông Sơn], có chiều cao như các tháp, các mái chồng diêm hai tầng.

     Không gian đình làng ở Thanh Hóa khá rộng lớn thể hiện một vùng đất đang mở mang ch-a bị sức ép dân số nặng nề. Các kiến trúc phụ trợ bên đình chưa nhiều, chủ yếu vẫn là giếng làng, các cây cổ thụ và sân đình thường có độ rộng gấp 5 – 8 lần độ rộng của đình. Chưa thấy xuất hiện các nhà tả – hữu làm nhà tiền tế và hậu cần cho lễ hội như một số đình ở đồng bằng châu thổ sông Hồng.

     Về kết cấu kiến trúc với bộ khung truyền thống kiểu chồng rường – trụ kê. Mái lợp ngói mũi hài. Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đình thường mộc mạc giản dị hơn các đình làng ở phía Bắc. Nhưng ở một số ngôi đình có trang trí khá đẹp như đình Gia Miêu, đình Đô Mỹ, đình làng sét, đình Phú Điền… nghệ thuật chạm khắc gỗ đã đạt đến mức độ tinh tế cao. Đề tài trang trí trên các thành phần kiến trúc của đình mang đậm yếu tố Nho giáo. Đó là các hình tượng tứ linh – tứ quí, với những vật linh tiêu biểu như rồng, sư tử, hổ, rùa, cá chép, chim muông, đôi khi có cả hình trâu, khỉ… Các loại thảo mộc như tùng, cúc, trúc, mai, hoa lá sen, đôi khi có cả cây thiêng hóa rồng hóa phượng.

     Thông qua ngôn ngữ biểu hiện của chạm khắc gỗ, nó phản ánh sự giao thoa tín ngưỡng Nho, Phật, Lão một cách sâu sắc ở thế kỷ XIX – XX.

Di tích thành lũy

     Nhà Nguyễn rất chú trọng đến việc bảo vệ cơ quan đầu não cao cấp trấn – tỉnh. Hàng loạt các trấn tỉnh thành được xây dựng ngay từ những năm đầu nhà Nguyễn mới thành lập. Ở Thanh Hóa, sau khi rời tỉnh lỵ về Thọ Hạc, năm Gia Long thứ 3 [1804] triều đình nhà Nguyễn đã huy động nhân lực trong tỉnh gấp rút xây dựng một tòa thành hình lục lăng, kiểu thành vô băng [Vauban] là kiểu thành quân sự của Pháp. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Thành tỉnh Thanh Hóa có chu vi 630 trượng [khoảng 2,6 km], mở 4 cửa, hào rộng 8 trượng 8 thước, sâu 6 thước 5 tấc. Lúc đầu thành xây bằng gạch đất. Đến năm Minh Mệnh thứ 9 [1818] mới xây gạch và đá. Cửa tiền ở phía Nam ít khi mở, chỉ khi nào Vua ra mới mở, sau khi các quan tỉnh đã làm lễ bái yết. Đồng thời, cơ sở vật chất cho bộ máy cai trị cấp trấn – tỉnh cũng được xây dựng trong nội thành như dinh Tổng đốc, Bố Chánh, án sát. Ngoài ra còn có dinh Đốc học, lãnh binh và còn có hành cung – là nơi dành riêng để đón rước vua khi vua về thăm quê tổ hoặc đi tuần du”.

     Sau khi hoàn tất việc xây thành, xây dựng các cơ quan đầu tỉnh, nhà Nguyễn đã tiến hành xây dựng một số công trình nhằm hoàn tất tỉnh lỵ mới theo quan điểm phong kiến. Các công trình tiêu biểu nh- Đàn xã tắc xây dựng năm 1824, Đàn Xuyên sơn [1825], Đàn Tiên Nông [1834], Miếu Thành Hoàng [1841].

Di tích Văn chỉ

     Nho giáo từ nước Trung Hoa cổ du nhập vào nước ta. Hoạt động lễ nghi Nho giáo đã hình thành nên một hệ thống cơ sở vật chất, đó là các văn miếu, văn chỉ. Ở kinh đô lập Văn Miếu, xuống các hàng tỉnh, hàng huyện xã thì lập Văn chỉ. Văn miếu, văn chỉ được xây dựng nên để thời ông Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo. Ở nhiều làng trước đây các thầy dạy học chữ Nho thường cũng cho xây dựng Văn chỉ để các môn sinh thờ, lễ thầy khi thầy qua đời.

     Dưới thời Nguyễn, các văn chỉ được xây dựng ở nhiều nơi, nhất là những nơi có truyền thống đỗ đạt như Hoằng Hóa, Động Sơn, Yên Định, Nông Cống… Việc xây dựng các văn chỉ thường được các hội tư văn đứng ra đảm nhận, nhất là những địa phương, dòng họ có truyền thống học hành, có dựng bia ca ngợi việc học hành và ghi tên những vị đỗ đạt ở các xã, tổng, huyện.

     Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ở huyện Đông Sơn đã có tới gần 40 Văn chỉ được sửa sang, xây dựng dưới triều Nguyễn, tiêu biểu như Văn chỉ huyện Đông Sơn ở Viện Giang được tu sửa lại dưới triều Nguyễn, tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh đã soạn văn bia ở Văn chỉ này. Văn chỉ hàng Tổng xã Quảng Chiếu, Văn chỉ tổng Viễn Chiếu [tại thôn Phú Bật] huyện Đông Sơn dựng năm Bảo Đại 13 [1938] có dựng bia ghi họ tên những vị đỗ đạt trong tổng để l-u truyền. Hiện nay, loại di tích này số còn lại chỉ tính trên đầu ngón tay. Ở huyện Hoằng Hóa, bên cạnh Bảng Môn Đình [Hoằng Lộc] còn có văn bia ghi tên các vị đỗ đạt làm quan dưới triều Nguyễn.

     Thanh Hóa là mảnh đất lịch sử, chẳng những sản sinh nhiều danh nhân đóng góp cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn sáng tạo nhiều công trình văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn tuy chưa được điều tra nghiên cứu một cách có hệ thống. Song với bước đầu đã được biết chứng tỏ thành tựu không nhỏ. Hy vọng trong tương lai với kế hoạch sưu tầm toàn diện, chúng ta sẽ thấy rõ giá trị và sự phong phú của kho tàng di sản văn hóa giai đoạn lịch sử này.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
[//thanhdiavietnamhoc.com]

Video liên quan

Chủ Đề