Mua hàng ở bibabo có tốt không

Hình thức quảng cáo chính của khóa học thai giáo Bibabo là dựa trên các video và chạy bằng nền tảng quảng cáo xuyên biên giới. Trong các video giới thiệu về khóa học thai giáo của mình, Bibabo sử dụng nhiều hình ảnh nhân vật mặc áo blouse [nhân viên y tế] để giới thiệu về khóa học thai giáo nhưng không đeo biển tên và ghi chức danh/chức vụ nhân vật.

Trong một video quảng cáo khóa học, người đàn ông bên trái màn hình tự xưng là bác sĩ Đăng nhưng không hề đề cập đến chức danh hay đơn vị công tác

Theo Điều 28 Thông tư 45/2015/TT-BYT quy định cụ thể; 2. Không được sử dụng trang phục y tế không đúng mục đích hoặc không đúng đối tượng hoặc ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại gia đình hoặc khám bệnh, chữa bệnh tình nguyện, nhân đạo theo quy định của pháp luật.

Một số hình ảnh bà mẹ mang thai được cho là diễn viên đóng giả bà bầu trong quảng cáo của Thai giáo Bibabo

Đồng thời có nhiều nhân vật phụ nữ mang thai giới thiệu về khóa học thai giáo với tư cách mẹ bầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, một số trường hợp người mặc áo blouse và "bà bầu" trong video quảng cáo của Bibabo được cho là diễn viên được công ty này thuê để giả dạng bà mẹ mang thai.

Câu hỏi đặt ra cho người tiêu dùng, liệu rằng việc sử dụng những nhân vật "không đúng" như vậy để quảng cáo sản phẩm, Công ty TNHH Bibabo liệu có lường trước được hậu quả gây ra cho khách hàng hay không? Đặc biệt là với sức khỏe của bà mẹ và thai nhi? Và tại sao Công ty TNHH Bibabo lại dùng chiêu thức này để "qua mặt" khách hàng

Liệu thai giáo Bibabo có đủ bằng chứng hợp pháp để quảng cáo sản phẩm?

Thái giáo BIBABO – Lựa chọn số 1 cho mẹ bầu Việt Nam; Thai giáo thông minh cho mẹ bầu hiện đại – Bí quyết số 1 giúp con thành công trong tương lai; Nền tảng giáo dục, Nuôi dạy con & Mua sắm lớn nhất Việt Nam; Nền tảng tốt nhất về chăm sóc con cái và gia đình… là những từ khóa mà người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp khi tìm kiếm "khóa học thai giáo Bibabo" hoặc trong những quảng cáo về khóa học của Công ty TNHH Bibabo.

Nhiều từ ngữ "nhất", "số 1" được Công ty TNHH Bibabo sử dụng để quảng cáo về khóa học thai giáo và nền tảng mua sắm sản phẩm của công ty này

Theo Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rằng quảng cáo có sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định là hành vi bị cấm.

Đi ngược lại với thông điệp bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em

Luôn quảng cáo là cộng đồng mua sắm an toàn nhất, tuy nhiên Công ty TNHH Bibabo đang có những dấu hiệu vi phạm khi quảng cáo các sản phẩm liên quan đến bà mẹ và trẻ em bằng những hình ảnh quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ dưới hình thức giảm giá.

Một trong nhiều chương trình giảm giá sữa thay thế sữa mẹ của Bibabo cho khách lẻ

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 88 - Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dung cho trẻ nhỏ có quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “Áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tính điểm cộng thưởng, giảm giá hoặc bất kỳ hình ảnh nào khác để bán lẻ trực tiếp”.

Hành vi khuyến khích khách hàng sử dụng sữa thay thế sữa mẹ của Công ty TNHH Bibabo liệu có đang đi ngược lại với thông điệp "An tâm làm mẹ" của công ty này đưa ra?

Hành vi khuyến khích khách hàng sử dụng sữa thay thế sữa mẹ đi ngược lại tinh thần và quy định cũng như khuyến cáo của Bộ Y tế đó là ưu tiên sử dụng sữa mẹ trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là thời điểm từ 0-6 tháng tuổi. Trong khi đó luôn quảng cáo là BIBABO - AN TÂM LÀM MẸ, Cộng đồng mua sắm cho mẹ và bé an toàn nhất?

Hơn nữa, trên trang Fanpage Bibabo và trang web bibabo.vn có thông tin quảng cáo về bình bú Zozabi với nội dung: An toàn tuyệt đối cho sức khỏe của mẹ và bé, giữ trọn vẹn được giá trị dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Và bình bú Como tomo với thông tin Bé sẽ dễ dàng chuyển đổi từ bú bình sang bú mẹ hoặc ngược lại.

Một trong những thông tin quảng cáo bình bú trên trang web bibabo.vn đang đi ngược lại với những khuyến cáo liên quan đến sức khỏe của trẻ nhỏ

Theo khuyến cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – trẻ em [Bộ Y tế]  việc sử dụng bình bú và núm vú giả khiến trẻ có thể từ chối bú mẹ do ngậm bắt vú mẹ khác với núm vú giả; Mẹ giảm tiết sữa khi ít cho trẻ bú; về lâu dài trẻ có nguy cơ bị mọc lệch răng…

Ngoài ra, khoản 1 Điều 6 Nghị định 100 cũng nêu rõ: Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

Tác hại khi sử dụng bình bú và núm vú giả cho trẻ do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em khuyến cáo

Vậy phải chăng, là công ty tập trung phát triển mảng sức khỏe của mẹ và bé với khóa học thai giáo Bibabo là mũi nhọn, nhưng Công ty TNHH Bibabo đang không "nắm rõ" hay cố tình phớt lờ những quy định và khuyến cáo liên quan đến lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em?

Hiện tại, phía Công ty TNHH Bibabo vẫn lựa chọn "im lặng" khi nhận được thông tin liên hệ từ phía PV Báo Gia đình & Xã hội. Chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng về sản khoa để đem tới cho bạn đọc những thông tin tin cậy nhất liên quan tới khóa học thai giáo của Công ty TNHH Bibabo. Kính mời quý độc giả đón đọc trong kỳ tiếp theo!

Chủ Đề