Mặt bằng công năng nhà văn hóa thôn xã năm 2024
Nhà văn hóa xã, thôn được đầu tư xây dựng góp phần đáp ứng tiêu chí số 6 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đa số nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng của cộng đồng, tuy vậy vẫn còn không ít nhà văn hóa chưa phát huy hết công năng, dẫn đến lãng phí. Vậy cần làm gì để phát huy hiệu quả nhà văn hóa xã, thôn? Kỳ 1: “Phủ sóng” nhà văn hóa xã, thôn Những năm qua, các địa phương tập trung đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn, xã bài bản, khang trang. Thiết chế văn hóa này được quản lý, sử dụng đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của người dân địa phương. Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, 119/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trung tâm văn hóa - thể thao xã (gọi chung là nhà văn hóa xã). Đa số nhà văn hóa (NVH) xã được quy hoạch diện tích đất từ 2.500 m2 trở lên; hội trường đa năng có quy mô trên 200 chỗ ngồi; các công trình phụ trợ, trang thiết bị, dụng cụ chuyên môn cơ bản đảm bảo.
Giao lưu văn nghệ, ca múa nhạc được tổ chức tại Nhà văn hóa xã Bok Tới (huyện Hoài Ân). Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.055 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, làng, khu phố (gọi chung là NVH thôn). Đa số NVH thôn có quy mô 100 chỗ ngồi trở lên; được trang bị bàn, ghế, âm thanh, tủ sách, báo, tạp chí và các công trình phụ trợ khác. Trong khuôn viên NVH thôn thường có khu thể thao, bố trí sân bóng chuyền, cầu lông… Đầu tư xây dựng rộng khắp Những năm qua, các phong trào, cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai sâu rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, giúp diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, trong đó có các thiết chế và cơ sở vật chất văn hóa như NVH thôn, xã. Ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: NVH xã và NVH các thôn trong xã được địa phương đầu tư xây dựng khang trang; đảm bảo diện tích và các cơ sở vật chất như bàn, ghế, âm thanh phục vụ hoạt động hội họp. Ngoài ra, trong khuôn viên NVH xã, thôn đều trồng cây xanh và hoa tạo cảnh quan; lắp đặt dụng cụ TDTT để người dân tập luyện. Hiện 10/10 thôn của xã Phước Sơn hoàn thành tiêu chí số 6 về văn hóa; đảm bảo đủ điều kiện phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại địa phương. Trên địa bàn huyện Tây Sơn, thời gian qua, các xã, thị trấn huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Hệ thống thiết chế NVH thôn, xã vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vừa là địa điểm tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương, như: Đại hội TDTT cấp cơ sở; bầu cử trưởng thôn, làng, khối phố; hội nghị tiếp xúc cử tri; ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Nhà văn hóa xã Cát Hưng (huyện Phù Cát) được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng việc tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và nhu cầu của người dân. Tại xã Cát Hưng (huyện Phù Cát), năm 2017, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng NVH xã khang trang ngay trong khuôn viên trụ sở UBND xã. Ngoài ra, NVH của 6/6 thôn cũng được địa phương cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đáp ứng tiêu chí số 6 về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao. “Với sự nỗ lực của địa phương, đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở xã cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đảm bảo tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân. Cát Hưng đã được công nhận về đích nông thôn mới nâng cao”, ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, cho hay. Theo ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phù Mỹ, tất cả các xã, thị trấn và thôn, khu phố trên địa bàn huyện đều có NVH. Hằng năm, Phòng VH-TT tham mưu UBND huyện Phù Mỹ ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương quản lý, khai thác, sử dụng đúng chức năng, nhiệm vụ của NVH xã, thôn. Đồng thời, Phòng cử cán bộ chuyên môn về các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung liên quan đến tiêu chí về văn hóa, trong đó có thiết chế NHV xã, thôn. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng Theo đánh giá của ngành Văn hóa - thể thao tỉnh, hầu hết NVH xã trên địa bàn tỉnh phát huy được công năng, qua đó phục vụ tốt việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị; từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT tại mỗi địa phương.
Trẻ em vui chơi, tập thể dục tại Nhà văn hóa thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước). Tại các NVH thôn, chính quyền cấp xã cũng khai thác, sử dụng hiệu quả khi thường xuyên tổ chức các hoạt động như tuyên truyền pháp luật lưu động; biểu diễn văn nghệ, tổ chức chương trình ca múa nhạc; tập luyện văn nghệ, thể thao. Theo ông Tôn Kỳ Hải, xã Phước Sơn thành lập các CLB bóng bàn, cờ tướng, âm nhạc, bài chòi ở các thôn. Các CLB này thường xuyên duy trì tập luyện tại NVH mỗi thôn để biểu diễn phục vụ vào dịp lễ, tết, các ngày hội ở địa phương và tham gia các hội thi do xã, huyện tổ chức. Ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn), cho biết: Tại một số thôn như Chương Hòa, Quy Thuận, Tuy An, Liễu An Nam, bên cạnh NVH thôn còn có NVH truyền thống của thôn được xây dựng liền kề. Ngoài hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng dân cư thường kỳ, NVH thôn còn là nơi người dân địa phương và những người con sống xa quê hương tụ họp về vào dịp lễ, tết để ôn lại truyền thống văn hóa, cách mạng địa phương. Qua đó, tạo sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm; các phong tục, tập quán tốt đẹp được bảo tồn, phát huy trong đời sống. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TX Hoài Nhơn, nhìn nhận: Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa luôn được TX Hoài Nhơn chú trọng đưa vào các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Việc tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các phường, xã luôn phát huy hiệu quả, phục vụ tốt các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, hệ thống thiết chế văn hóa tại các phường, xã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Điều này giúp phát huy hiệu quả việc khai thác, sử dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống NVH thôn, xã. Qua đó, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn. Còn ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, cho hay: “Một số xã lấy ý kiến và được người dân đồng thuận khai thác thêm công năng, tạo nguồn thu cho các NVH thôn. Điển hình như việc cho thuê mặt bằng NVH thôn làm địa điểm tổ chức tiệc cưới”. |