Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27-2-1955. Đây là thời điểm sau thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết nước nhà, chuẩn bị cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược. Người yêu cầu các cán bộ y tế trong toàn ngành phải nêu cao tinh thần đoàn kết; thương yêu người bệnh; quan tâm chăm lo đến phát triển nền y học nước nhà.

Lời dạy của Bác có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ nhắc nhở, yêu cầu người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn mà còn phải có tình thương yêu và lòng tận tụy, trách nhiệm với người bệnh; tránh tình trạng thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, quân y không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề, thấu hiểu tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, luôn có lòng nhân ái, yêu thương người bệnh, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện y đức, coi sinh mệnh của bệnh nhân như sinh mệnh của mình và người thân của mình, coi sự đau đớn của họ như đau đớn của chính mình, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người bệnh.

Trong tình hình hiện nay, lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm, chăm lo sức khỏe nhân dân, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, giỏi về y thuật, sáng về y đức; đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác dạy. Ngành quân y trong quân đội cần tiếp tục tổ chức nhiều chương trình hành động thiết thực, hướng về cộng đồng; tổ chức tốt hơn các hoạt động tình nguyện, khám, chữa bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân; thực hiện có hiệu quả phong trào “Chiến sĩquân y làm theo lời Bác dạy”, để thực sự xứng đáng là “mẹ hiền”, là “từ mẫu” của bệnh nhân.

QĐND

Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại khu cách ly KTX Mitraco.

Trong thư gửi hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Bác Hồ viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”.

Trong suốt chặng đường 66 năm qua, lời dạy của Bác đã trở thành tài sản vô giá, là giá trị cốt lõi của đạo đức người cán bộ y tế, là kim chỉ nam để ngành y tế Hà Tĩnh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân.

Những năm qua, ngành y tế Hà Tĩnh đã luôn đoàn kết, trách nhiệm, cụ thể hóa lời dạy của Bác thành những việc làm thiết thực, sáng tạo. Ngành phát động nhiều phong trào thi đua thực hiện lời Bác dạy gắn với thực hiện y đức, phát triển dịch vụ kỹ thuật cao, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cán bộ toàn ngành đã thực hiện tốt việc giao tiếp ứng xử, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, động viên người bệnh.

Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

BVĐK tỉnh đưa vào sử dụng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Song song với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ngành triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong đó nổi bật là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khám chữa bệnh; mua sắm, lắp đặt thêm nhiều loại trang thiết bị y tế công nghệ cao; triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới tại các bệnh viện.

Đặc biệt, ngành đã mời các chuyên gia nước ngoài, bác sỹ đầu ngành từ các bệnh viện Trung ương về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện trong ngành. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện làm vệ tinh cho các bệnh viện hạt nhân như: Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Nội tiết Trung ương, Tim Hà Nội, Trung ương Huế… tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu như: đặt stent mạch vành; phẫu thuật u não, màng não; phẫu thuật u tủy sống, thần kinh, cột sống, đĩa đệm; thay khớp háng, khớp gối, khớp vai; đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 1 buồng, 2 buồng; sinh thiết màng phổi dưới hướng dẫn CT-Scanner; điều trị Basedow, ung thư tuyến giáp bằng I-ốt phóng xạ 131... đã được triển khai, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

Viện Tim mạch quốc gia trao chứng nhận Đơn vị Tim mạch can thiệp độc lập cho BVĐK tỉnh.

Đặc biệt, sau 1 năm triển khai đơn vị tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã có hơn 600 bệnh nhân được chụp mạch, hơn 300 bệnh nhân được thực hiện can thiệp, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy kịch đến tính mạng.

Đến nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi, nhiều bệnh viện như: Hương Sơn, Đức Thọ, TX Kỳ Anh... đã thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến. Đặc biệt, năm 2020, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã tham gia khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện đầu ngành Trung ương.

Việc tham gia khám chữa bệnh từ xa đã kịp thời hội chẩn các trường hợp bệnh khó, nguy kịch, giúp bệnh nhân được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại quê nhà.

Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

Các đơn vị y tế tuyến cơ sở được các y bác sỹ đầu ngành của các bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao nhiều kỹ thuật mới (Trong ảnh: Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược Huế chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ngoại tiêu hóa cho đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà).

Hệ thống y tế cơ sở cũng được đầu tư xây dựng. Đến nay, đã có 214/216 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 99%. Công tác quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp - an toàn cũng được ngành chú trọng nhằm đáp ứng tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Thực hiện lời Bác dạy, ngành y tế Hà Tĩnh đang từng bước mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Theo khảo sát, trong nhiều năm qua, sự hài lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế luôn đạt trên 90%.

Để hướng tới mục tiêu đáp ứng tốt hơn nữa sự hài lòng của người dân, ngành y tế Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quyết liệt phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19.

Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

Sự hài lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế ngày một nâng lên (Ảnh chụp tại BVĐK Cẩm Xuyên tháng 9/2020).

Huy động nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện có hiệu quả các đề án kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu như: xạ trị trong điều trị ung thư, kỹ thuật can thiệp tim mạch...

Tập trung đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của trạm y tế, đưa nguyên lý y học gia đình vào hoạt động của trạm, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Triển khai theo dõi, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mãn tính tại các trạm y tế xã, tăng cường công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ngành y tế tỉnh nhà sẽ quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Và, lời Bác dạy ngày nào sẽ mãi là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối để ngành y tế Hà Tĩnh không ngừng phát triển, vươn tới những thành tựu nghề nghiệp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh

Bác sỹ Nguyễn Tuấn

Cách đây 67 năm, trong thư gửi cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Bác Hồ căn dặn “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy người thầy thuốc phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”; tấm gương đạo đức của Bác và những tư tưởng toàn diện sâu sắc về y tế đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cán bộ, ngành y tế. Làm theo lời Bác dạy, các thế hệ thầy thuốc ngành y tế Thanh Hóa không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để hoàn thành trọng trách tất cả vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Lời dạy của Bác Lương y như từ mẫu

Bệnh nhân cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Tô Hà

Những năm qua, ngành y tế tỉnh không ngừng phát triển hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đồng bộ và hiện đại song song với xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh gọn đầu mối, biên chế cả ở 3 tuyến tỉnh, huyện, xã; triển khai đồng bộ đề án tự chủ tại các bệnh viện công lập; thành lập Bệnh viện Ung bướu là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh phát triển theo hướng bệnh viện hiện đại, thông minh và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực với trang thiết bị hiện đại; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, thực hiện các kỹ thuật mới tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh và huyện... từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Trong năm 2021 đã đưa 165 kỹ thuật cao ứng dụng trong chẩn đoán điều trị bệnh tại 6 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 bệnh viện tuyến huyện. Một số kỹ thuật cao áp dụng như: điều trị các bệnh lý tĩnh mạch bằng năng lượng sóng có tần số radio (RF), ECMO, PT cắt thanh quản toàn phần điều trị ung thư thanh quản T3T4, điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; xét nghiệm Xpert Xpress SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Phổi; xét nghiệm định lượng kháng thể kháng CARDIOLIPIN IgM và CARDIOLIPIN IgG trên máy LIAISON, sàng lọc kháng thể bất thường trên GELCARD tại Bệnh viện Nhi; chụp và nút mạch điều trị u gan số hóa xóa nền, chụp và nút mạch điều trị u xơ tử cung số hóa xóa nền, chụp cộng hưởng từ tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng (bao gồm mạch: gan, tụy, lách và mạch khối u) tại Bệnh viện Ung bướu... Tăng cường chuyển giao kỹ thuật điều trị chuyên sâu cho tuyến dưới tiếp tục được triển khai thông qua hướng dẫn từ các bệnh viện chuyên khoa cho các bệnh viện vệ tinh, triển khai hội chẩn, tư vấn, các khóa đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho bác sĩ trạm y tế xã. 4 bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 17 kỹ thuật mới cho bệnh viện đa khoa 12 huyện. Bệnh viện Nhi đã đào tạo cho 129 cán bộ Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện. 13 bệnh viện tuyến tỉnh đã kết nối khám chữa bệnh từ xa với tuyến trên và hỗ trợ tuyến dưới 18 phòng tư vấn/khám chữa bệnh từ xa trực tiếp với bệnh nhân. 100% bệnh viện các tuyến đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi đã triển khai được nhiều nội dung trong thực hiện bệnh án điện tử; một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện cũng đã nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện và hệ thống máy chủ thực hiện lộ trình chuyển đổi bệnh án điện tử.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế đã tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; tham gia thành lập 6 tiểu ban phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của đông đảo người dân trong phòng, chống dịch theo “thông điệp 5K”; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp, các phương tiện vận tải công cộng và trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; thần tốc truy vết các trường hợp có liên quan đến các ca dương tính, trường hợp trở về từ vùng dịch, nhập cảnh trái phép; tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, lấy mẫu và xét nghiệm kịp thời; kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, đường bộ, trên biển, tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; tổ chức quản lý chặt chẽ việc cách ly theo quy định đối với người thuộc diện F1, người nhập cảnh; tăng cường tiếp cận nguồn cung vắc-xin và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin cho các đối tượng theo kế hoạch; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh công tác xét nghiệm, tiêm vắc-xin và hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành kiểm soát dịch COVID-19; tham mưu chỉ đạo huy động các nguồn lực, nhất là huy động xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; kích hoạt các cơ sở điều trị COVID-19 tuyến tỉnh, tuyến huyện...

Đồng chí Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Khắc ghi lời Bác dạy, tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” đã được các cơ sở y tế và nhất là đội ngũ thầy thuốc coi trọng, tạo sức lan tỏa ngày càng sâu rộng. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình và luôn có mặt trên mọi “mặt trận” khi có yêu cầu. Đặc biệt khối y tế dự phòng đã hoạt động hết công suất và mỗi nhân viên y tế luôn sẵn sàng tâm thế đương đầu chống dịch COVID-19; từ khâu kiểm dịch y tế, cho đến các khu cách ly tập trung; từ khâu điều tra người tiếp xúc với người mắc bệnh, người có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, cho đến công tác làm xét nghiệm... cho dù biết rằng luôn có nhiều nguy cơ rình rập đến chính sức khỏe bản thân. Tự hào về những truyền thống vẻ vang của ngành y tế, ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nhiệm vụ lớn lao mà Bác Hồ đã dạy, Đảng và Nhân dân giao phó; cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành y tế tiếp tục đẩy việc học tập và làm theo tấm gương của Bác kính yêu; thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, coi đây là việc làm thường xuyên và trọng tâm; không ngừng phấn đấu rèn đức, luyện tài với phương châm: Y đức phải sáng - Y lý phải sâu - Y thuật phải sắc để xứng với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”.

Tô Hà