Kiểm tra hành chính và thanh tra nhà nước

             Xuất phát từ nguyên tắc mang tính bản chất của nhà nước ta là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân uỷ quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của mình. Quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia nhưng có phân công phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy trong cơ chế hoạt động của mình, các cơ quan nhà nước ngoài việc phải thường xuyên tự kiểm tra hoạt động của mình còn phải chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan khác trong, ngoài hệ thống và sự giám sát của nhân dân.

             1. Giám sát: Là khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội và mọi công dân nhằm đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội

             2. Kiểm tra: Là khái niệm rộng, được hiểu theo hai góc độ:

             Thứ nhất, kiểm tra là hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước cấp trên với cơ quan nhà nước cấp dưới (trong mối quan hệ trực thuộc) nhằm xem xét, đánh giá mọi mặt hoạt động của cấp dưới khi thấy cần thiết hoặc trong trường hợp cần kiểm tra một vấn đề cụ thể nào đó. Vì vậy khi tiến hành kiểm tra, cơ quan cấp trên hoặc thủ trưởng cơ quan có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế kỷ luật, biện pháp bồi thường thiệt hại vật chất hoặc áp dụng các biện pháp tác động tích cực với đối tượng bị kiểm tra cũng như động viên khen thưởng về vật chất hoặc tinh thần.

             Thứ hai, kiểm tra là hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội như kiểm tra của Đảng, kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội đối với hoạt động hành chính nhà nước. Hoạt động kiểm tra này ít mang tính quyền lực nhà nước và không trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà chỉ áp dụng các biện pháp tác đông mang tính xã hội.

             3. Từ quan niệm trên, cụ thể là các mối quan hệ giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra, giám sát như sau:

             Thứ nhất, nhà nước tự kiểm soát hoạt động của mình bằng các hình thức:

             - Các cơ quan quyền lực nhà nước giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp;

             - Cơ quan tư pháp kiểm soát cơ quan hành pháp;

             - Cơ quan hành pháp tự kiểm soát thông qua hoạt động kiểm tra nội bộ; thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới; thanh tra việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…

             Thứ hai, nhân dân giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua hệ thống cơ quan dân cử, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; giám sát trực tiếp ở cơ sở thông qua tổ chức thanh tra nhân dân, qua hoạt động khiếu nại, tố cáo…

             Từ sự phân tích trên đây, có thể nhận thấy rằng: hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra có mối quan hệ ràng buộc, tương hỗ, phối hợp với nhau khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

             4. Bên cạnh mối quan hệ tác động đó hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát có những điểm khác biệt cơ bản

             -  Về chủ thể:

             Chủ thể thanh tra có phạm vi hẹp hơn và mang tính chuyên trách chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra. Chủ thể kiểm tra có phạm vi rộng hơn và thường gắn với sự kiểm tra của nhà quản lý đối với đối tượng quản lý. Chủ thể giám sát rộng hơn nữa bao gồm: hệ thống cơ quan quyền lực, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân.

             - Về hoạt động

             Hoạt động của thanh tra được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định và mang tính nghiệp vụ cao. Hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên liên tục bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Hoạt động kiểm tra cũng được thực hiện thường xuyên liên tục và thường là đơn giản hơn thanh tra.

Cao Minh Luận

Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2004 thì “Thanh tra là kiểm tra, xem xét tại chỗ việc làm của địa phương, cơ quan, xí nghiệp”. Trong cuốn sách “thuật ngữ pháp lý phổ thông” do Nhà xuất bản Pháp lý in năm 1986, định nghĩa thanh tra được xem là một biện pháp (phương pháp) của kiểm tra. Nhiệm vụ thanh tra được uỷ quyền cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Thanh tra gắn liền với chức năng quản lý nhà nước. Để làm được nhiệm vụ, Thanh tra có thể dựa vào bộ máy chuyên môn của mình và quần chúng. Cơ quan Thanh tra có trách nhiệm xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo để tìm kiếm những biện pháp giải quyết thoả đáng theo quy định. Ngoài thanh tra nhà nước còn có Thanh tra chuyên ngành như thanh tra giao thông, tư pháp, tài nguyên khoáng sản, đất đai… Cũng theo Từ điển Tiếng Việt nêu trên thì: “Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”. Kiểm tra là chức năng của mọi chủ thể quản lý, không phân biệt ở cấp nào trong bộ máy quản lý nói chung và trong bộ máy quản lý nhà nước nói riêng. Tuy nhiên là ở các cấp bậc khác nhau thì quy mô kiểm tra cũng khác nhau và có những yêu cầu khác nhau. Kiểm tra gắn liền với công việc của một tổ chức nhất định, kiểm tra hướng tới việc xem xét tính hợp lý hay không hợp lý của một chương trình công tác đã vạch ra, khả năng thực hiện trong thực tế.Như vậy, có thể thấy thanh tra có phạm vi hẹp hơn kiểm tra. Chủ thể thực hiện công tác thanh tra là các cơ quan nhà nước được giao quyền, còm kiểm tra là một hoạt động thường xuyên của mọi chủ thể quản lý. Trong quản lý nhà nước, khi nói đến kiểm tra còn phải nói đến kiểm tra nhà nước (hay kiểm tra mang tính nhà nước). Đó là việc kiểm tra chấp hành kỷ luật nhà nước, kỷ luật lao động, pháp chế và trật tự xã hội của các công chức, viên chức, của những người có chức vụ, quyền hạn và của công dân. Giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra có mối quan hệ chặt chẽ và có nhiều điểm giao thoa nhau. Bởi vì kiểm tra và thanh ra đều là những công cụ quan trọng, một chức năng chung của quản lý nhà nước, là hoạt động mang tính chất phản hồi của “chu trình quản lý”. Qua kiểm tra, thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích đánh theo dõi quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý đề ra. Đây là mối quan hệ đan chéo nhau. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì thanh tra là một loại hình đặc biệt của kiểm tra, ngược lại nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thanh tra lại bao hàm cả kiểm tra. Các hoạt động thao tác nghiệp vụ trong một cuộc thanh tra như việc kiểm tra sổ sách, tài liệu của đối tượng thanh tra; so sánh đối chiếu, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra… đó là kiểm tra. Trong thực tiễn, vẫn còn có sự nhầm lẫn, đồng nhất kiểm tra với thanh tra.

Khái niệm thanh tra và kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước được tiếp cận ở các phương diện, góc độ sau:

Về khái niệm thanh tra: Luật Thanh tra năm 2010 quy định: Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.

Về khái niệm kiểm tra: Cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật có định nghĩa cụ thể về kiểm tra, trên phương diện lý luận và thực tiễn thì kiểm tra là khái niệm rộng thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Trước hết, về phương diện hoạt động: Kiểm tra là hoạt động thường xuyên của từng cơ quan Nhà nước, tổ chức chính tri – xã hội, tổ chức kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chính mình. Qua kiểm tra các cơ quan, tổ chức đánh giá đúng mực việc làm của mình, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp, phương hướng hoạt động tiếp theo một cách hợp lý hơn. Trong trường hợp này, kiểm tra mang ý nghĩa xem xét, nhìn lại việc làm của chính mình để tự điều chỉnh, hay tìm biện pháp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn hiệu quả hơn. Hai là, về phương diện quản lý nhà nước: Kiểm tra là hoạt động của cơ quan, tổ chức, thủ trưởng cấp trên với cấp dưới của mình nhằm đánh giá mọi mặt hoặc từng vấn đề do cấp dưới đã thực hiện. Trong trường hợp này, kiểm tra thực hiện trong quan hệ trực thuộc, vì thế cơ quan hoặc thủ trưởng cấp trên sau khi kiểm tra có quyền áp dụng các biện pháp như: Biểu dương, khen thưởng khi cấp dưới làm tốt hoặc các biện pháp cưỡng chế để xử lý đối với cấp dưới khi họ có khuyết điểm hoặc vi phạm pháp luật. Ba là, về phương diện chính trị – xã hội: Kiểm tra là hoạt động của các cơ quan Đảng, các tổ chức xã hội, các tổ chức quần chúng tham gia hoạt động giám sát công việc hành chính nhà nước, theo phương diện này, kiểm tra hầu như không mang tính quyền lực nhà nước; không trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà chỉ tác động đến hoạt động quản lý nhà nước bằng những biện pháp mang tính xã hội.

Tuy nhiên với tư cách là một hoạt động độc lập, kiểm tra có nhiều điểm khác biệt với thanh tra: 

Thứ nhất, về chủ thể tiến hành: Giữa kiểm tra và thanh tra có một mảng giao thoa về chủ thể, đó là Nhà nước. Nhà nước tiến hành cả hoạt động thanh tra và kiểm tra. Tuy nhiên, chủ thể của kiểm tra rộng hơn của thanh tra rất nhiều. Trong khi chủ thể tiến hành thanh tra phải là Nhà nước, thì chủ thể tiến hành kiểm tra có thể là Nhà nước hoặc có thể là chủ thể phi nhà nước, chẳng hạn như hoạt động kiểm tra của một tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội (Đảng, Công đoàn, Mặt trận, Phụ nữ, Đoàn thanh niên…), hay như hoạt động kiểm tra trong nội bộ một doanh nghiệp (có thể là doanh nghiệp nhà nước hoặc ngoài nhà nước). 

Thứ hai, về mục đích thực hiện: Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Điều 2 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều, bởi: thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa. Kiểm tra là hoạt động thường xuyên của từng cơ quan Nhà nước, tổ chức chính tri – xã hội, tổ chức kinh tế… nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của chính mình. Qua kiểm tra nhằm đánh giá đúng mực việc làm của mình, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp, phương hướng hoạt động tiếp theo một cách hợp lý hơn. Trong trường hợp này, kiểm tra mang ý nghĩa xem xét, nhìn lại việc làm của chính mình để tự điều chỉnh, hay tìm biện pháp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn hiệu quả hơn. Kiểm tra là hoạt động của cơ quan, tổ chức, thủ trưởng cấp trên với cấp dưới nhằm đánh giá mọi mặt hoặc từng vấn đề do cấp dưới đã thực hiện. Trong trường hợp này, kiểm tra thực hiện trong quan hệ trực thuộc, vì thế cơ quan hoặc thủ trưởng cấp trên sau khi kiểm tra có quyền áp dụng các biện pháp như: biểu dương, khen thưởng khi cấp dưới làm tốt hoặc các biện pháp cưỡng chế để xử lý đối với cấp dưới khi họ có khuyết điểm hoặc vi phạm pháp luật. 

Thứ ba, về phương pháp tiến hành: Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra cũng áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như: xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định… Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra để tác động lên đối tượng bị quản lý. 

Thứ tư, về thời hạn tiến hành: Thời hạn tiến hành kiểm tra có thể tùy thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của vấn đề kiểm tra và không được quy định cụ thể. Trong khi đó, thời hạn thực hiện mỗi cuộc thanh tra do các cơ quanthanh tra tiến hành được quy định chặt chẽ trong Luật Thanh tra, cụ thể đối với thanh tra hành chính được quy định: Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày. Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày. Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra. Việc kéo dài thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định.Thứ năm, về trình độ nghiệp vụ: Hoạt động thanh tra đòi hỏi thanh tra viên phải có nghiệp vụ giỏi, am hiểu về kinh tế – xã hội, có khả năng chuyên sâu về lĩnh vực thanh tra hướng đến. Do nội dung hoạt động kiểm tra ít phức tạp hơn thanh tra và chủ thể của kiểm tra bao gồm lực lượng rộng lớn có tính quần chúng phổ biến nên nói chung, trình độ nghiệp vụ kiểm tra không nhất thiết đòi hỏi như nghiệp vụ thanh tra. Do vậy, khi lập kế hoạch cũng như phê duyệt kế hoạch thanh tra của các cơ quan nhà nước, những cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu một cách công phu, thân trọng, kỹ lưỡng, khách quan. Tuy nhiên sự phân biệt này chỉ có ý nghĩa tương đối. Trên thực tế, có những cuộc kiểm tra cũng có nội dung rất phức tạp.

Thứ sáu, về nội dung, phạm vi: Nội dung thanh tra thường phức tạp, đa dạng hơn so với nội dung kiểm tra. Do vậy, khi lập kế hoạch cũng như phê duyệt kế hoạch thanh tra, những cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu một cách công phu, thân trọng, kỹ lưỡng, khách quan. Tuy nhiên sự phân biệt này mang ý nghĩa tương đối. Trên thực tế, cá biệt có những cuộc kiểm tra cũng rất phức tạp không hề đơn giản như: kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức Đảng, của Đảng viên theo Điều lệ Đảng và theo pháp luật của Nhà nước. Phạm vi hoạt động kiểm tra thường theo bề rộng, diễn ra liên tục, ở khắp nơi với nhiều hình thức phong phú, mang tính quần chúng. Phạm vi hoạt động thanh tra thường hẹp hơn và được giới hạn trong quyết định thanh tra đã được ký ban hành. Thứ bảy, về thời gian tiến hành: Trong hoạt động thanh tra thường có nhiều vấn đề phải xác minh, đối chiếu rất công phu, nhiều mối quan hệ cần được làm rõ, cho nên phải sử dụng thời gian nhiều hơn so với kiểm tra. Tóm lại, thanh tra và kiểm tra tuy có sự phân biệt nhưng chỉ là tương đối. Khi tiến hành cuộc thanh tra, thường phải tiến hành nhiều thao tác nghiệp vụ đó thực chất là kiểm tra. Ngược lại, đôi khi tiến hành kiểm tra để làm rõ vụ việc, lại lựa chọn được nội dung thanh tra. Kiểm tra và thanh tra là hai khái niệm khác nhau nhưng có liên hệ qua lại, gắn bó. Do vậy, khi nói đến một khái niệm người ta thường nhắc đến cả cặp với tên gọi là thanh tra, kiểm tra hay kiểm tra, thanh tra. Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, kiểm tra và thanh tra có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhau, giữa chúng có sự giống nhau về mục đích nhưng lại khác nhau về một số điểm đã nêu trên. Tuy nhiên, việc phân biệt sự khác nhau giữa kiểm tra và thanh tra nhà nước chỉ mang tính tương đối, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn không nên tuyệt đối hóa sự phân biệt này mới thực hiện tốt được các cuộc thanh tra, kiểm tra đồng thời tránh được sai lầm khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra. Sự phân biệt này góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện chế định pháp luật về kiểm tra, thanh tra nhà nước đồng thời góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Tuy thanh tra với kiểm tra có những tương đồng như đã nêu ở trên, song cũng có những điểm khác biệt có thể phân biệt đâu là hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra.

– Về chủ thể: So với kiểm tra thì chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra hẹp hơn chỉ có cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới được tiến hành thanh tra, chủ thể tiến hành kiểm tra rộng rất đa dạng từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đến công tác tự kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

– Về nội dung: Nội dung thanh tra thường phức tạp, đa dạng, chuyên sâu hơn so với nội dung kiểm tra; nội dung kiểm tra thường đơn giản, dễ nhận thấy hơn. 

– Về tính chất pháp lý và nghiệp vụ: Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo quy định pháp luật cả về trình tự thủ tục tiến hành lẫn nội dung thực hiện vì thế để thực hiện được hoạt động này đòi hỏi thanh tra viên và những người là thành viên Đoàn thanh tra phải là những chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm trong một lĩnh vực thanh tra cụ thể đồng thời phải am hiểu về kinh tế – xã hội, có kỹ năng, nghiệp vụ giỏi về thanh tra nhất là lĩnh vực trực tiếp tiến hành thanh tra để đi sâu tìm hiểu vụ việc, nắm bắt thông tin, chứng cứ từ đó phân tích, đánh giá rút ra những két luận, kiến nghị chính xác, khách quan làm cho đối tượng thanh tra “tâm phục, khẩu phục” và làm cơ sở vững chắc, tin cậy cho quyết định giải quyết hoặc xử lý sau khi kết thúc thanh tra. Đối với kiểm tra, do nội dung thực hiện thường ít phức tạp hơn nên nghiệp vụ của thành viên các cuộc kiểm tra không đòi hỏi cao như thanh tra, tuy nhiên không vì thế mà xem nhẹ việc bố trí cán bộ tham gia các cuộc kiểm tra.

– Về phạm vi hoạt động: So với kiểm tra phạm vi hoạt động của thanh tra thường hẹp, chuyên sâu về nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp, cách thức tiến hành cụ thể, vậy nên cần cân nhắc chọn lọc một cách kĩ lưỡng, thậm chí phải qua kiểm tra sau đó mới quyết định thanh tra để đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả và tính mục đích của thanh tra. Nếu sự việc chỉ cần kiểm tra mà do không nắm bắt, đánh giá, nhận định đúng đối tượng nên ra quyết định thanh tra thì cuộc thanh tra đó không đảm bảo tính thuyết phục, sắc bén, quyền lực của thanh tra. Trong khi đó, hoạt động của kiểm tra thường được tiến hành theo bề rộng, diễn ra liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong đó có cả hình thức mang tính quần chúng.

– Về thời gian tiến hành: Hầu hết các nội dung, vấn đề trong tiến hành hoạt động thanh tra đều được tiến hành thẩm tra, xác minh, đối chiếu rất công phu, thận trọng mới có thể đưa ra được kết luận, kiến nghị một cách chính xác, khách quan nên cần phải sử dụng nhiều thời gian hơn so với kiểm tra. Thời hạn mỗi cuộc thanh tra do các cơ quan thanh tra tiến hành được quy định chặt chẽ cụ thể theo thẩm quyền, nội dung thanh tra tại Luật thanh tra. 

– Về trình tự thủ tục thực hiện: Hoạt động thanh tra được pháp luật quy định nghiêm ngặt về hình thức, trình tự, thủ tục tiến hành trong khi đó hoạt động kiểm tra thường linh hoạt vận dụng quy trình thanh tra vào thực hiện công tác kiểm tra.

VÍ DỤ VỀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THANH TRA VỚI KIỂM TRA TRONG GIÁO DỤC

Tiêu chí Thanh tra trong giáo dụcKiểm tra trong giáo dục

Chủ thể

Cơ quan nhà nước có quyền theo quy định của pháp luật được thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện; Thanh tra Bộ, Sở giáo dục và Đào tạo Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, cấp, người có thểm quyền trong quan hệ quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đối tượng
Hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục và đào tạo theo quy định pháp luật Hệ thống giáo dục quốc dân,tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đào tạo

Nội dung
Chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quy định, tiêu chuẩn, nội quy, quy chế trong hoạt động giáo dục và đào tạo Việc thực hiện các hoạt động giáo dục và đào tạo, công tác quản lý của cơ sở giáo dục

Tính chất

Để xem xét, đánh giá, kết luận chính xác đối tượng, đòi hỏi người, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thanh tra giáo dục phải có kiến thức rộng và chuyên môn sâu về giáo dục và đào tạo. Kết luận Thanh tra mang tính pháp lý cao làm cơ sở để xử lý, chấn chỉnh, uốn nắn, điều chỉnh đối tượng được thanh tra. Kiểm tra nhằm đánh giá kết quả quản lý để điều chỉnh hoạt động quản lý. Kết luận kiểm tra mang tính chất pháp lí nội bộ, kiến nghị, đề nghị điều chỉnh, chấn chỉnh trong quản lý giáo dục.
Phạm vi hoạt động Nội dung thanh tra chuyên sâu ở một hoặc một số nội dung với đối tượng cụ thể trong hoạt động giáo dục và đào tạo Nội dung rộng bao quát toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý cơ sở giáo dục
Thời gian, thủ tục tiến hành Thời gian thanh tra được quy định cụ thể đối với cuộc thanh tra theo thẩm quyền của chủ thể tiến hành. Trình tự, thủ tục được luật định thành quy trình và bước thực hiện Thời gian và thủ tục tiến hành linh hoạt không nhất thiết phải theo các bước như thanh quy trình thanh tra.

Có thể nói, việc làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra nói chung, thanh tra và kiểm tra trong công tác quản lý giáo dục nói riêng nhằm giúp cho việc hiểu rõ bản chất của hoạt động này để giúp chủ thể và đối tượng nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của hai hoạt động thanh tra và kiểm tra trong công quản lý. Từ đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra mới đi vào đánh giá thực chất kết quả hoạt động của chủ thể và đối tượng, qua đó góp phần nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh phương thức, biện pháp, hình thức, nội dung quản lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chung và quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo nói riêng./.

Nguồn: https://stp.quangbinh.gov.vn/3cms/phan-biet-giua-thanh-tra-va-kiem-tra-trong-hoat-dong-quan-ly-nha-nuoc.htm