Kế hoạch đánh giá cho chủ đề bài học theo yêu cầu cần đạt môn Lịch sử Địa lí

Năm học 2020-2021, đa số giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước đều bồi dưỡng xong các module 1, 2, 3 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đầu năm học 2021-2022, giáo viên các tỉnh thành tiếp tục bồi dưỡng module 4. Sau khi học xong module 2, 3, 4 giáo viên phải nộp Kế hoạch bài dạy (giáo áo) soạn theo mẫu Công văn 5512 cứ lặp đi lặp lại gây tốn kém thời gian, công sức.

Sản phẩm cuối khóa module 2, 3, 4 yêu cầu thế nào?

Sau khi học xong module 2, giáo viên phải phân tích Kế hoạch bài dạy (giáo án) minh họa theo yêu cầu:

Xây dựng nội dung và tiến trình dạy học cho một chủ đề/nội dung trong chương trình môn học theo mẫu Công văn 5512, sau đó nộp Kế hoạch bài dạy (giáo án) lên hệ thống LMS. Kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm các nội dung: Mục tiêu dạy học; Thiết bị dạy học và học liệu; Tiến trình dạy học; Hồ sơ dạy học.

Nhìn chung, đây là các bước để thiết kế một Kế hoạch bài dạy (giáo án) đầy đủ các bước theo Công văn 5512.

Tương tự, sau khi học xong module 3, giáo viên phải nộp Kế hoạch đánh giá cho chủ đề/bài học (theo yêu cầu cần đạt). Cụ thể, giáo viên soạn được một phần Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Công văn 5512, gồm 2 nội dung: mục tiêu dạy học và kế hoạch đánh giá.

Tiếp đến, module 4 (nội dung 4) chủ yếu hướng dẫn giáo viên xây dựng Kế hoạch bài dạy (giáo án), gồm các phần: Trao đổi về kế hoạch bài dạy; Quan niệm và vai trò của kế hoạch bài dạy; Các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch bài dạy; Cấu trúc kế hoạch bài dạy; Cách thức xây dựng kế hoạch bài dạy; Phân tích đánh giá kế hoạch bài dạy; Phân tích video sinh hoạt chuyên môn xây dựng kế hoạch bài dạy.

Kế hoạch đánh giá cho chủ đề bài học theo yêu cầu cần đạt môn Lịch sử Địa lí
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Lẽ ra, Bộ Giáo dục nên gom những nội dung liên quan đến việc soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 thì giáo viên không phải học dàn trải, manh mún. Bởi phần hướng dẫn giáo viên xây dựng Kế hoạch bài dạy (giáo án) của module 4 có nhiều nội dung lặp lại Kế hoạch bài dạy (giáo án) minh họa ở module 2.

Vì sao Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 dài lê thê?

Nội dung 4 của module 4 Xây dựng Kế hoạch bài dạy (giáo án), yêu cầu giáo viên nắm vững 7 phần cần đạt dẫn đến việc soạn bài dài lê thê.

Theo đó, phần Trao đổi về kế hoạch bài dạy được thiết kế thành video có độ dài gần 20 phút do Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành trình bày về Khung kế hoạch bài dạy (Phụ lục IV Công văn 5512).

Tiếp đến, video phần Quan niệm và vai trò của kế hoạch bài dạy có độ dài gần 5 phút; video phần Các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch bài dạy dài gần 5 phút; video phần Cấu trúc kế hoạch bài dạy dài gần 7 phút; Video phần Cách thức xây dựng kế hoạch bài dạy dài gần 6 phút; video phần Phân tích đánh giá kế hoạch bài dạy dài gần 6 phút; video phần Phân tích video sinh hoạt chuyên môn xây dựng kế hoạch bài dạy dài gần 17 phút.

Như thế để thấy rằng, giáo viên phải soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) dài lê thê, thậm chí trên 15 trang A4 (1 tiết học) là không có gì khó hiểu. Bộ Giáo dục xây dựng Kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm các hoạt động: xác định vấn đề, nhiệm vụ học tập; hình thành kiến thức mới; luyện tập và vận dụng. Trong đó, ở phần hoạt động đưa ra các bước: giao nhiệm vụ học tập, thực hiện nhiệm vụ, báo cáo thảo luận và kết luận đánh giá.

Module 4 yêu cầu nộp nhiều sản phẩm gây quá tải cho giáo viên

Kết thúc khóa học, giáo viên phải nộp lên hệ thống LMS các sản phẩm: Sản phẩm 1. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn cho 1 khối lớp (bao gồm 1 kế hoạch dạy học môn học và 1 kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục); Sản phẩm 2. Một kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Kế hoạch đánh giá cho chủ đề bài học theo yêu cầu cần đạt môn Lịch sử Địa lí

Hướng dẫn đánh giá bài dạy của giáo viên theo Công văn 5512 dài lê thê

Tôi soạn Kế hoạch dạy học môn Ngữ văn 10 theo mẫu Phụ lục 1 Công văn 5512 dài 75 trang A4. Vì sao Kế hoạch dạy học môn học (không riêng gì môn Ngữ văn) dài như vậy? Bởi vì nội dung Phân phối chương trình Phụ lục 1 phải ghi thêm phần yêu cầu cần đạt, trong khi yêu cầu này đã có trong Kế hoạch dạy học (giáo án) như thế giữa Phụ lục 1 và Phụ lục 4 có sự lặp lại, chồng chéo.

Tiếp đến, Kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục (Phụ lục 2) phải ghi chi chít hàng loạt nội dung, đó là: 1. Chủ đề; 2. Yêu cầu cần đạt; 3. Số tiết; 4. Thời điểm; 5. Địa điểm; 6. Chủ trì; 7. Phối hợp; 8. Điều kiện thực hiện.

Cuối cùng, giáo viên phải nộp một Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tôi có tham khảo Kế hoạch bài dạy (giáo án) môn Ngữ văn 10 (cả năm) của một đồng nghiệp dài khoảng 250 trang A4.

Có thể nhận thấy, giáo viên phải nộp 3 sản phẩm bồi dưỡng module 4 dài khoảng 100 trang A4 là quá sức tưởng tượng. Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, nhiều giáo viên đi xin sản phẩm của đồng nghiệp trường này xin trường kia, tỉnh này xin tỉnh kia để nộp cho xong chuyện.

Ban quản lí Chương trình ETEP Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, bồi dưỡng giáo viên là một trong những bước quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, giúp giáo viên hoàn thiện kiến thức, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục.

Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả mong muốn, theo ý kiến cá nhân người viết, cách tổ chức bồi dưỡng phải thực sự khoa học, hợp lý và điều quan trọng nhất là Bộ Giáo dục hãy cầu thị lắng nghe những bất cập từ tiếng nói giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1112

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương